Giới trẻ hay dùng từ ‘ném đá’ nhưng phần nhiều không hiểu nguồn gốc sâu xa
Kỳ thực, những từ này gần đây thuận theo lối sống hiện đại mới được sử dụng theo nghĩa biến đổi như vậy. Còn về nghĩa gốc ban đầu thì hoàn toàn khác, hơn nữa còn có những ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.
Trong ca khúc dí dỏm và quen thuộc với nhiều người Việt – ca khúc “Yêu nhau ghét nhau”, nhạc sĩ Vi Nhật Tảo đã nhắc đến từ ‘ném đá’ này.
“Yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng dãi mưa dầm mặc nhau
Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”
Trong câu hát này, ‘ném đá’ vừa mang nghĩa đen, lại vừa mang nghĩa bóng là “công kích” nhau.
Trong dân gian cũng có câu thành ngữ “Ném đá giấu tay”, nghĩa là ngầm công kích, hãm hại người khác mà không lộ mặt, không để người ta biết. Từ ‘ném đá’ trong câu thành ngữ này mang nghĩa xấu, có nghĩa hành động không quang minh chính đại, đê hèn, có mục đích hãm hại người khác nhưng lại giấu mặt, vẫn tỏ vẻ không liên quan, hoặc vẻ quang minh chính đại của bậc chính nhân quân tử. Đây là thủ đoạn hèn hạ bỉ ổi của kẻ tiểu nhân.
Trong tiếng Anh, từ ném đá cũng dùng để đả kích, phê bình. (Throw stones: criticize someone or something. Tạm dịch là, ‘Ném đá: phê bình ai hoặc cái gì’). Từ này được ghi nhận xuất hiện sớm nhất trên tư liệu từ giữa thế kỷ 17.
Sau này, từ “ném đá” ấy được dịch và du nhập vào nước ta từ lúc nào không rõ. Dần dà, nó phát triển mở rộng sang thành “ném gạch” rồi “ném gạch đá” vì gạch và đá cũng gần như nhau, và chúng thường được sử dụng cùng nhau.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng từ “ném gạch” bản thân nó có nguồn gốc sâu xa, thú vị với ý nghĩa hoàn toàn khác. Đây là từ gắn liền từ câu thành ngữ Hán Việt “Phao chuyên dẫn ngọc” (Ném hòn gạch ra, dẫn viên ngọc về), với ý nghĩa là “Đưa ra ý kiến, tác phẩm thô sơ, để nhận về ý kiến, tác phẩm hay”.
Nhắc đến câu thành ngữ này không thể không kể đến điển cố sau:
Thời nhà Đường có một người tên là Triệu Hỗ, ông làm thơ rất hay, trong đó có câu thơ “Trường địch nhất thanh nhân ỷ lâu” (Một hồi sáo dài người dựa lầu) được mọi người rất tán thưởng, do đó gọi ông là “Triệu Ỷ Lâu”. Thời đó còn có người tên là Thường Kiến, viết thơ cũng rất hay, nhưng ông luôn cho rằng thơ ông không thể nào sánh nổi với thơ Triệu Hỗ.
Một lần Thường Kiến nghe tin Triệu Hỗ đến Tô Châu du ngoạn, ông rất vui mừng, thầm nghĩ: “Đây là cơ hội để ta học ông ấy, nhất định không để lỡ mất. Nhưng làm thế nào để ông ấy để lại thơ nhỉ?”.
Ông lại nghĩ “Triệu Hỗ đến Tô Châu, nhất định sẽ đến thăm chùa Linh Nham, nếu ta làm một nửa bài thơ đề ở chùa, ông ấy nhìn thấy nhất định sẽ làm nốt”. Thế là ông đề trên tường nửa bài thơ.
Sau này Triệu Hỗ quả thật đến thăm chùa Linh Nham, thấy một nửa bài thơ trên tường, bèn cầm bút viết thêm hai câu. Thường Kiến đã đạt được mục đích, dùng thơ không hay lắm của mình mà đã có được thơ rất hay của Triệu Hỗ.
Sau này người ta gọi cách làm này của Thường Kiến là “Phao chuyên dẫn ngọc” (Ném ra hòn gạch, đem về viên ngọc), và nói giản lược là “Phao chuyên” (Ném ra hòn gạch).
Như vậy, ở câu chuyện trên thì từ “Ném gạch” có ý nghĩa rất hay và tích cực. Cũng giống như ngày nay, trong các nhóm, đoàn thể, để tìm biện pháp hoạt động có hiệu quả hoặc phương thức hay giải quyết vấn đề nan giải, người chủ trì (nhóm trưởng) thông minh sẽ biết gợi ý vấn đề, để mọi người đưa ra các ý kiến, cuối cùng chọn ý kiến hay để thực hiện. Đó là cách làm việc nhóm, cách phối hợp hiệu quả nhất đang được áp dụng rộng rãi trong các tổ chức và doanh nghiệp hiện nay. Mà cách đưa vấn đề gợi mở trong làm việc nhóm này chính là “ném ra viên gạch”, nhằm mục đích “đem về viên ngọc”.
Văn hóa truyền thống coi trọng lễ nghĩa, “hòa vi quý”, làm gì cũng nên chú ý giữ hòa khí. Trước những mâu thuẫn, ma sát giữa người với người, thường chủ động hướng nội tự xem lại bản thân xem mình có gì chưa đúng, chưa tốt hay không.
Nho gia dạy: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh”, nghĩa là: Thấy người hiền đức thì suy nghĩ học tập theo họ để được bằng như họ, thấy người xấu kém thì tự xem lại mình xem mình có những cái xấu kém đó không.
Nho giáo dạy con người làm bậc chính nhân quân tử: “Quân tử cầu ư kỷ, tiểu nhân cầu ư nhân”, ý rằng: “Người quân tử thì tự trách mình, tự tìm lỗi ở bản thân, còn kẻ tiểu nhân thì trách người khác, tìm lỗi ở người khác”.
Trường hợp cần phải phê bình cái sai của người khác, hay chỉ bảo hướng dẫn người khác cho đúng thì cũng chú ý “Công nhân vô thái nghiêm, giáo nhân vô quá cao”. Phê bình người khác thì chớ nghiêm khắc quá, cần xem xét mức độ họ có tiếp thu, tiếp nhận được không; khi chỉ bảo hướng dẫn người khác thì chớ nói đạo lý quá cao, cần xem xét xem mức độ nhận thức tiếp thu của họ.
Có thể thấy cách thức đối nhân xử thế trước mâu thuẫn giữa người với người của cổ nhân rất trí tuệ và thực sự đạt được hiệu quả cao. Và chính những điều này đang được áp dụng vào trong cách thức làm việc nhóm hiệu quả ở các tổ chức, doanh nghiệp hiện đại.
Ngày nay, nhiều tư tưởng và văn hóa đã bị biến dị, mặc dù dùng các từ ngữ xưa nhưng đã mất đi nội hàm văn hóa truyền thống, thay vào đó là khoác lên một lớp áo choàng quỷ quái, đầy hận thù, độc ác. Ngày nay, từ “ném gạch”, “ném đá” được dùng để công kích, phê phán người khác. Nhất là trong không gian mạng hiện nay, khi người phê bình và nhận phê bình không hề quen biết nhau, thì “ném đá” “ném gạch”, “ném gạch đá” như thế này nào có khác gì “ném đá giấu tay” của kẻ tiểu nhân bỉ ổi.
Vì vậy, trước khi góp ý, phê bình, hay bình luận với ai, về vấn đề gì, chúng ta suy nghĩ một chút, hãy để ý kiến của mình là “phao chuyên” để mọi người cùng “dẫn ngọc”.