Phụng vụSuy niệm Chúa nhật

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Luca 24:13-35

Vào đêm Phục Sinh vừa qua, theo báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có hơn 37,000 người trên toàn quốc được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo La Mã, riêng trong TGP Galveston-Houston đã có trên 2,000 người được lãnh nhận các bí tích tháp nhập sau một thời gian học đạo, kéo dài từ tháng Tám năm trước cho đến tháng Tư năm nay, tổng cộng khoảng nửa năm.

Có thể nói thời gian học đạo này tương tự như hành trình Emmau hôm nay của hai môn đệ. Các dự tòng được học hỏi về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Giáo Hội, các bí tích và đời sống luân lý, v.v., nhưng đó chỉ là các kiến thức căn bản về Giáo Hội Công Giáo để giúp họ bước trên một hành trình tinh thần mà mục đích sau cùng là trở nên thánh thiện, trở nên giống Đức Kitô.

Hai môn đệ trên đường Emmaus cũng được nghe giảng dạy, được tiếp xúc với Chúa Giêsu, nhưng những giảng dạy đó có ảnh hưởng gì đến lối suy nghĩ, đến đời sống của họ hay không, đó là điều quan trọng.

Bài phúc âm cho thấy họ đi theo Chúa Giêsu nhưng họ không thay đổi cái nhìn về Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế. Họ mong đợi một sự giải thoát không phải về tinh thần nhưng về đời sống vật chất – thoát khỏi vòng nô lệ của ngoại bang. Họ mong muốn Đấng Mêsia chiến thắng vẻ vang nên họ không thể chấp nhận Người phải đau khổ và thất bại, và vì thế họ không thể hiểu được ý nghĩa phục sinh của Chúa Giêsu. Có thể nói họ từ giã Giêrusalem giống như từ bỏ một con đường mới của Chúa Giêsu để trở về nếp sống cũ.

Tương tự như thế, nhiều khi chúng ta theo Chúa nhưng chúng ta cũng không thay đổi lối sống cũ của mình, chúng ta vẫn trông đợi những điều nặng về vật chất hơn tinh thần. Có thể nói, chúng ta không thoát khỏi ảnh hưởng của đời sống trần tục mà danh vọng, quyền thế và giầu sang là những gì lôi cuốn chúng ta hơn là niềm vui của một đời sống thanh khiết và thánh thiện.

Sự kiện Chúa Kitô chịu khổ hình thập giá, chịu nhục nhã trước mặt người đời, điều đó giúp chúng ta nhận thấy rằng lối sống hình thức bề ngoài thì không quan trọng bằng đời sống nội tâm. Một tâm hồn thanh khiết, thánh thiện thì vui sướng vì làm chủ được chính mình và luôn có bình an, họ không bị lay chuyển bởi ảnh hưởng của thế tục, và không xấu hổ khi bị sỉ nhục, bị vu oan, bị chèn ép cách bất công.

Tương tự như thế, nhiều khi chúng ta nhầm lẫn đời sống thánh thiện với các hình thức đạo đức bên ngoài, tỉ như đọc kinh, xem lễ, lãnh nhận các bí tích. Chúng ta thi hành các việc đạo đức đó hàng tuần, ngay cả hàng ngày, mà không nhận ra rằng đó chỉ là các phương tiện để giúp chúng ta chiến thắng được bản tính yếu đuối của mình và thay đổi trở nên con người mới hàng ngày – đó là ý nghĩa của sự phục sinh.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ gặp nhiều thách đố khi đứng trước những vấn đề không thể giải thích, nhất là khi không có được những điều chúng ta cầu xin và mong chờ nơi Thiên Chúa. Nhiều tín hữu Kitô chỉ còn trên danh nghĩa chứ không còn thực sự sống đạo khi phải đương đầu với những đau khổ, những thử thách trái với ý muốn của mình.

Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem làm thế nào để chúng ta có thể giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa khi bị thử thách?

Trước hết, cũng như hai môn đệ đã tìm lại được niềm tin sau khi lắng nghe Người Khách Lạ giải thích Kinh Thánh thì chúng ta cũng phải dành thời giờ để học hỏi và tìm hiểu Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Với phương tiện internet ngày nay, chúng ta có thể dành thời giờ để học hỏi Kinh Thánh trên mạng rất thuận tiện.

Kinh Thánh là bộ sách ghi lại những mặc khải của Thiên Chúa, đó là những điều Thiên Chúa muốn tiết lộ cho loài người qua miệng các ngôn sứ. Trong Kinh Thánh chúng ta tìm thấy những chân lý về Thiên Chúa, về sự sống đời sau và về hạnh phúc đích thật của con người.

Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy những gì cần phải tin, được gọi là nội dung đức tin, và người Công Giáo tuyên xưng đức tin này hàng tuần trong kinh Tin Kính của Thánh Lễ Chúa Nhật. Được gọi là nội dung đức tin, điều đó có nghĩa đức tin phải được chấp nhận cách trọn vẹn và toàn thể. Chúng ta không thể chỉ chấp nhận những gì mình muốn tin và từ chối những gì mình không muốn tin.

Thực tế đời sống cho thấy, một trong những điều khó khăn cho đời sống đức tin là khi chúng ta tuyên xưng: “tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Một ý nghĩa của lời tuyên xưng này là chúng ta phải tin những gì Giáo Hội dạy về đức tin và luân lý. Đây là điểm tế nhị và khó khăn bởi vì nó đụng chạm đến đời sống, sự tự do của con người và đòi hỏi sự vâng phục.

Sống trong xã hội ngày nay, với những tiến bộ khoa học chúng ta bị giằng co giữa những hiểu biết khoa học và những lời khuyên của Giáo Hội về luân lý. Thí dụ, vấn đề ngừa thai nhân tạo. Giáo Hội nhìn thấy những nguy cơ về luân lý khi vợ chồng sử dụng thuốc ngừa thai nên đưa ra những lời khuyên với mục đích duy trì hạnh phúc hôn nhân. Không may, nhiều người Công Giáo coi đó là những ngăn cấm, đi ngược dòng tiến hóa và bởi đó họ không muốn lắng nghe ngay cả những dạy bảo khác của Giáo Hội. Đó là sự thiệt hại cho cá nhân, bởi vì Giáo Hội luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong những quyết định liên quan đến tín lý và luân lý, để giúp giáo dân được hạnh phúc khi sống theo đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa.

Điểm thứ hai giúp chúng ta có thể giữ vững đức tin khi đứng trước những sự kiện khó hiểu là chúng ta phải có một ý thức rõ ràng về sự đau khổ. Hai môn đệ trên đường Emmaus bị chao đảo đức tin một phần là vì họ có thành kiến xấu về sự đau khổ. Đối với họ đau khổ là hình phạt của Thiên Chúa, là hậu quả của tội lỗi, do đó người đau khổ thì đáng khinh hơn là đáng thương.

Nhưng trong Kinh Thánh, các ngôn sứ đã tiên đoán về một Đấng Mêsia phải chịu đau khổ, phải chịu hy sinh để giải thoát Israel. Ngay trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng xác nhận rằng “Đức Kitô cần phải chịu khổ hình như thế rồi mới được vinh quang” (c. 26), và trong phúc âm Mátthêu (25:31-46), Chúa Giêsu còn đồng hoá chính mình với những người đau khổ, hèn kém nhất trong xã hội để chúng ta đừng khinh bỉ những người bất hạnh, xấu số.

Sự đau khổ đối với Chúa Kitô là một phương tiện để diễn đạt tình yêu và đem lại ơn cứu độ. Đây là điểm được Chúa Giêsu nhắc cho hai môn đệ nhớ lại những gì Chúa đã nói trong bữa Tiệc Ly qua việc bẻ bánh: Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu, và rồi hai môn đệ mới nhận ra người khách lạ là Chúa Giêsu, họ nhận ra ý nghĩa của sự đau khổ – thập giá không còn là một bất hạnh nhưng thập giá Chúa Kitô là một diễn đạt cao quý của tình yêu.

Đó là một chân lý có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh và mọi người. Người theo Chúa Kitô thì thể hiện tình yêu qua một lối sống chấp nhận sự đau khổ, không trốn tránh những hy sinh. Dù những hy sinh nhỏ bé cũng có một giá trị cứu độ – như Chúa Giêsu nói trong Ngày Phán Xét khi những người công chính hỏi Chúa rằng, “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; … là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’.” (Mt 25:37-40)

Đây là một Tin Mừng cần được loan báo. Bởi vì, chúng ta không cần phải thực hiện những hy sinh lớn lao như Chúa Giêsu, nhưng chỉ cần lưu tâm để ý đến những người chung quanh, nhất là những người bất hạnh hơn chúng ta để giúp đỡ, chia sẻ.

Khi vợ chồng cố gắng sống chung thuỷ với nhau, đó là một hy sinh trước những cám dỗ đầy dẫy trong xã hội, nhưng nếu không có sự hy sinh đó thì tình yêu mà vợ chồng trao cho nhau cũng chẳng có gì đáng kể.

Cha mẹ nuôi dưỡng con cái để trở nên một người mà Thiên Chúa muốn và con cái muốn chứ không phải là người mà cha mẹ muốn. Đây là một hy sinh ý riêng để tuân theo thánh ý của Thiên Chúa dành cho con cái của mình. Nếu không có sự hy sinh ý riêng này thì tình thương của cha mẹ chỉ là một hình thức ẩn giấu của sự ích kỷ và tham vọng cá nhân.

Khi bị đau khổ vì bệnh tật, hay vì người khác gây ra đau khổ cho chúng ta, thay vì căm thù, oán trách, thay vì chán nản tuyệt vọng, chúng ta can đảm chấp nhận thì sự hy sinh đó là một minh chứng cho mọi người thấy được sức mạnh của tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Kết quả của hành trình Emmau của hai môn đệ mở đầu cho một nếp sống mới – họ không còn sợ hãi bị cầm tù, và ngay cả sự chết bởi vì họ nhận ra rằng những thành công, danh tiếng và giầu sang ở đời này rồi sẽ qua đi, nhưng những đau khổ hy sinh vì tình yêu thì đem lại hạnh phúc đời sau.

Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng phải trải qua những thử thách, nhiều khi rất cam go, nhưng những hy sinh đó không phải là vô giá trị, bởi vì đó là con đường của Chúa Kitô và Người đang đồng hành với chúng ta để ban ơn thêm sức và giúp chúng ta thay đổi để trở nên một con người mới trong ý nghĩa phục sinh – chết đi con người cũ và sống lại trong con người mới. PVN

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!