Tâm tình độc giả

Hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu Giê-su

Hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu Giê-su

Cao điểm của phụng vụ Ki-tô giáo là Tam Nhật Thánh. Trong Tam Nhật này, con người không chỉ nhận biết được chiều rộng, dài, cao, sâu của tình yêu Giê-su mà còn cảm nếm được hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu ấy.

Chiều rộng của tình yêu Giê-su ôm trọn cả vũ trụ và con người trong cánh tay giang rộng của Ngài trên Thập Giá, nhờ đó vũ trụ và con người thực hiện được mục đích của mình khi được tạo thành. Chiều dài của tình yêu Giê-su nối kết tất cả mọi người không phân biệt giầu sang nghèo hèn, quyền quý bình dân, trí thức quê mùa, thánh thiện tội lỗi. Tình yêu Giê-su trở thành sợi giây nối kết mọi người trong nhân loại làm một.

Chiều cao của tình yêu Giê-su vươn lên đến tận cung lòng Thiên Chúa Cha, nối liền trời với đất, đưa con người lên cùng Thiên Chúa. Chiều sâu của tình yêu Giê-su đi vào tận cõi thẳm sâu nhất của lòng người, phá vỡ mọi hận thù chia rẽ, thăng hoa mọi khổ đau của con người, cả sự chết, để “con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Chính nhờ nhận biết chiều rộng, dài, cao, sâu của tình yêu Giê-su mà ta cảm nếm được hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu Ngài.

Hương vị ngọt ngào của tình yêu Giêsu được bộc lộ qua nhiều cảm xúc khác nhau.

Ngày thứ Năm, trong bữa ăn cuối cùng Chúa Giê-su đã làm việc lạ lùng mà không trí óc con người nào có thể nghĩ cho được: Đấng là Chúa, là Chủ, là Thầy mà lại làm công việc của một đầy tớ. Vị Thiên Chúa mà cúi xuống rửa chân cho con người. Một cuộc đối thoại chưa từng có trong lịch sử cứu độ. Vua Trời Cao khi cúi xuống rửa chân cho Phê-rô, để đối thoại với ông, Chúa phải ngẩng mặt lên. Thiên Chúa từ trời cao cúi xuống nhìn xem con người nơi mặt đất, giờ đây khi làm người Chúa Giê-su phải ngẩng mặt lên để nói chuyện với con người, hầu cho con người được chung phần với Chúa.

Tình yêu ngọt ngào của Giê-su là thế! Ngọt ngào khiến lòng con người không sao cảm nếm cho hết. Tuy nhiên, cũng trong đêm nay, tình yêu Giê-su lại mang một hương vị cay đắng khôn tả. Cay đắng vì người thân trối bỏ, bạn hữu trốn chạy, môn đệ bán nộp, tông đồ thân tín ngủ mê. Chất cay đắng đó khiến thân thể Người tiết ra mồ hôi mà chứa cả máu. Vị đắng lên đến khó tả khi Người cảm nhận đường thương khó thật khinh khủng và còn khủng khiếp hơn khi thấy cả tội thiên hạ nặng nề, xấu xa. Nhưng trong cay đắng đó lại có vị ngọt ngào, ngọt vì tình yêu con người, tình  thương nhân loại, không có gì ngăn cản Giê-su trao ban và hy sinh chính mình, dù có chết. Hương vị ngọt ngào của tình yêu Giê-su còn được tăng lên gấp bội do sự tự nguyện dâng hiến, hoàn toàn vâng theo Ý Cha của Ngài.

Sự ngọt ngào và cay đắng luôn có trong hương vị của tình yêu Giê-su. Hương vị đó ta chỉ có thể cảm nếm khi biết hòa mình vào trong tình yêu Ngài, để cho Ngài chiếm đoạt ta. Hương vị có mặn mà nhưng lại chua xót, ngọt ngào mà cay đắng, làm say ngất lòng người nhưng cũng làm con người sợ hãi.

Ngày thứ Sáu, điều vĩ đại là trong lúc cùng quẫn nhất, tồi tệ nhất trái tim của Đấng bị đóng đinh trên Thập Giá vẫn tỏa ngát hương vị ngọt ngào của tình yêu. Trái tim Người dường như chỉ biết có một chuyện là yêu. Bởi thế, cảm xúc đầu tiên mà tình yêu Thập Giá mang lại là hương vị ngọt ngào của tình yêu kẻ thù: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”  (Lc 23,34).

Trong lúc cay đắng nhất, thì tình yêu Giê-su lại tỏa hương vị ngọt ngào cho chính kẻ làm hại mình. Tình yêu không lên án nhưng tha thứ và biện hộ, vì thế nên  ngọt ngào. Tuy nhiên, cũng có đó vị đắng cay của tình yêu, vì có thật những người này không biết việc tàn ác họ đã làm không?… Khi cảm nếm hương vị ngọt ngào và cay đắng đó của tình yêu Giê-su mời gọi ta hãy yêu nhiều, tha nhiều.

Cảm xúc của tình yêu Giê-su mà hương vị ngọt ngào và cay đắng mang lại còn dành cho người tội lỗi: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43). Tình yêu làm cho Chúa Giê-su quên hết tất cả, quên hết mọi quá khứ vì Ngài chỉ sống ở hiện tại. Chỉ cần tội nhân biết khiêm tốn cầu xin Lòng Thương Xót thì Chúa sẽ tha thứ tất cả. Tình yêu ngọt ngào là thế, nhưng ở đây sao lại có cay đắng? Có cay đắng vì có hai người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê-su sao lại chỉ có một người kêu xin Ngài. Hẳn là Chúa cũng buồn lắm vì người bên tả không được chung phần với Ngài. Vì bị mất một người nên tình yêu có vị đắng sao?

Hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu Giê-su được bày tỏ cho gia đình và bạn bè: “Đây là con bà, đây là Mẹ anh” (Ga 19, 16 – 27); Tình Yêu cần tình yêu của từng người chúng ta: “Ta khát” (Ga 19,28); Tình yêu cho Thiên Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46). Tình yêu cho bạn và tôi: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Và cuối cùng là chính phần thưởng dành cho tình yêu: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Nếu ngày thứ Sáu tình yêu lên tiếng nói thì ngày thứ Bảy tình yêu hoàn toàn thinh lặng. Ngày mà cả vũ trụ im lặng vì Vị Vua của mình đang yên nghỉ trong mồ. Cả Hội Thánh thinh lặng bên mồ Chúa để tưởng nhớ vị sáng lập đã chết cho mình, vì mình. Còn nhớ, trong tuần lễ sáng tạo, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi đã sáng tạo vũ trụ và con người trong sáu ngày, thì ngày thứ bảy trong tuần lễ cứu chuộc Giáo Hội nghỉ ngơi vì Đức Ki-tô đang yên nghỉ trong mồ sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc để đổi mọi sự.

Ta ở bên mồ Chúa cùng Mẹ Ma-ri-a để cảm nghiệm sự ngọt ngào và cay đắng của tình yêu Giê-su. Ta ở với Mẹ Ma-ri-a vì không ai hiểu Chúa Giê-su cho bằng Mẹ, không ai yêu Chúa nhiều bằng Mẹ, cũng không ai chịu đau khổ với Chúa nhiều cho bằng Mẹ. Và hơn ai hết, Mẹ Ma-ri-a cảm nếm được hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu Giê-su cách sâu xa nhất.

Tình yêu Giê-su ngọt ngào và cay đắng. Có cay đắng là để cay đắng làm tăng thêm vị ngọt của tình yêu. Bởi thế, chỉ những ai đang yêu mới hiểu được sự điên dại của tình yêu; mới hiểu được tại sao tình yêu luôn hào phóng cho đi và chỉ mãn nguyện khi cho đi cách bội hậu. Có thế tình yêu mới luôn ngọt ngào và cay đắng.

Tình yêu Giêsu có cay đắng của biệt ly, chết chóc nhưng lại tràn đầy ngọt ngào của đoàn tụ Phục Sinh. Tình Yêu ấy có chết đi mới đem lại hạnh phúc tràn đầy, sung mãn cho người mình yêu. Có cay đắng của chiều thứ Sáu là để tăng thêm gấp bội hương vị ngọt ngào của Ngày Phục Sinh.

Phê-rô Tạ Văn Tuân

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!