Làm thế nào để tìm thấy Chúa trong thế giới hiện tại
Với chiều hướng đi xuống của tôn giáo cùng với sự trỗi dậy của thuyết vô thần và thuyết bất khả tri trong thế giới hiện tại, một câu hỏi tự nhiên được nảy sinh liên quan đến sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một câu hỏi thôi, nhưng có thể trở thành hai câu hỏi: “Có Thiên Chúa hay không?” và “Liệu Ngài có tự ẩn mình khỏi chúng ta hay không?” Giống như mặt trời vẫn tiếp tục tồn tại mặc dù có mây che phủ, nếu Thiên Chúa hiện hữu, liệu Ngài có bị lu mờ, bị che khuất bởi những thái độ không phù hợp, khiến Ngài không hiện diện với chúng ta chăng? Hans Urs von Balthasar – chắc chắn là một trong những nhà thần học vĩ đại của thời hiện tại – đã đưa ra lời giải thích cho vấn đề này. Trong một bài báo có tựa đề ‘Gặp Thượng Đế trong thế giới ngày nay’, ông gợi ý rằng: Nhiều thứ khác nhau trên thế giới đã không còn là cơ hội để con người vươn lên chiêm ngưỡng Đấng Tuyệt Đối nữa, mà lại khiến cho con người thống trị chúng một cách thực dụng bằng dụng cụ công nghệ. Công nghệ khiến chúng ta coi thường việc thủ công, đồng thời ngoảnh mặt đi với những gì Thiên Chúa đã tạo ra. Thiên nhiên, bao gồm cả con người chúng ta, là công trình của Chúa. Nó mang dấu vân tay của Ngài ở khắp mọi nơi. Đối với những người tin vào Thiên Chúa, việc họ tìm ra sự hiện hữu của Ngài từ sự sáng tạo của Ngài là điều bình thường, giống như một người thợ săn có thể tìm thấy con mồi của mình bằng cách lần theo dấu chân của nó. Chúng ta có thể gọi quá trình này là tra cứu. Mặt khác, khi con người chú tâm vào việc thuần hóa vật chất, anh ta đang cúi nhìn xuống. Bởi vậy, Thiên Chúa vô hình, Đấng có thể được phát hiện thông qua sự sáng tạo của Ngài, cũng không kém phần dễ tiếp cận hơn so với các thời kỳ khác trong suốt lịch sử. Vấn đề không phải ở nơi Thiên Chúa, Đấng không thay đổi, mà là ở nơi chúng ta. Cách đây ít lâu, có một chỗ trũng trên con đường trước nhà chúng tôi. Chỗ trũng đủ sâu để chứa đủ nước thu hút những con vịt, chúng sử dụng nó như một bể lội thu nhỏ. Một ngày nọ, khi đang đi dạo, tôi chứng kiến một đàn vịt con gồm 10 chú vịt con, mỗi chú to bằng quả bóng chày, vui vẻ bơi theo mẹ. Tôi đã vui vẻ so sánh: mỏ của chúng giống như những nụ cười. Đó là cách nó chạm vào trái tim tôi. Từng chú vịt con dừng lại trước lề đường để lấy sức nhảy vọt lên vỉa hè. Đó là một trong những cảnh tượng đẹp nhất mà tôi từng chứng kiến. Tôi không biết chúng sẽ đi đâu, nhưng chính vịt mẹ đang điều động chúng mà các chú vịt con hề hay biết. Charles Darwin không thể giải thích được những điều phức tạp về mặt sinh học đã xảy ra với những sinh vật nhỏ bé này. Ông cũng không thể giải thích được vẻ đẹp siêu phàm của chúng. Chúng được tạo ra và được duy trì bởi một vị nghệ sĩ tuyệt đối, là chính Thiên Chúa. Darwin không bao giờ nhìn lên. Ông nghĩ rằng bí mật của cuộc sống được chứa đựng hoàn toàn trong cuộc sống. Thánh Vịnh 19 nói với chúng ta: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, Không trung loan báo việc tay Người làm.” C. S. Lewis nói rằng: ″Tôi coi đây là bài thơ hay nhất trong các Thánh Vịnh và là một trong những lời bài hát hay nhất trên thế giới” (Suy tư về Thánh Vịnh, trang 56). Còn đối với nhà thơ Dòng Tên, Gerard Manley Hopkins, “Thế giới mang trong mình sự vĩ đại của Chúa. Nó sẽ bùng sáng, giống như tỏa sáng từ giấy bạc được rung lên. Nó tụ lại thành một khối lớn, giống như dầu tụ lại khi chảy ra.” Cách tốt nhất để tìm hiểu Thiên Chúa, đó là tìm hiểu thiên nhiên. Thiên nhiên là bước đệm để gặp được Tác giả của nó. Nhưng đó là một bước đi được thực hiện bằng trái tim, một bước đi thấu hiểu phẩm chất kỳ diệu vốn có trong thiên nhiên. Cụm từ ‘rừng nhựa đường’ là tiêu đề của một bộ phim điện ảnh năm 1950. Thuật ngữ ‘bê tông’ có thể thay thế ‘nhựa đường’ để tăng cường khái niệm về một thứ gì đó đã che phủ hoàn toàn một các gì khác đang cần được để mở ra (cho mọi người trông thấy). “Rừng nhựa đường” rất thích hợp để mô tả về thế giới hiện tại đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi hình ảnh của mình. Chúng ta bị bỏ lại trong một khu rừng hỗn mang. T. S. Eliot đã viết: “Đây là những người vô thần đúng nghĩa. Tượng đài duy nhất của họ là con đường nhựa và hàng nghìn quả bóng gôn bị mất.” Thế giới mang nét “hiển linh – theophanous”, một từ hiếm khi được sử dụng, có nghĩa là Thiên Chúa có thể được nhìn thấy qua thế giới. Dù thế giới có thể là hạn chế và không hoàn hảo, nó vẫn trong suốt và cho phép chúng ta thoáng thấy về Thiên Chúa, Đấng chúng ta không thể thiếu. Chỉ cần chúng ta biết nhìn lên! Tránh thai là một ví dụ điển hình về công nghệ che phủ lên công trình sáng tạo của Chúa. Nó lan rộng và không còn được coi là vấn nạn nữa. Tuy nhiên, đó là một cách thế không cho Thiên Chúa tham gia vào việc sinh sản. Kết quả là, giao hợp vợ chồng trở thành một hoạt động hoàn toàn của con người. Nó đánh mất mối liên hệ với cái siêu việt. Điều này chắc chắn dẫn đến việc phá thai, là một sự bác bỏ việc Thiên Chúa tạo dựng một thai nhi. An tử (Euthanasia: Đi tìm cái chết êm dịu) cũng đã đi vào bức tranh của thế giới khi con người, chứ không phải là Thiên Chúa, quyết định khi nào cuộc sống của con người sẽ kết thúc. Như C. S. Lewis đã trình bày trong cuốn sách ‘Xóa Bỏ Nhân Loại’, “nếu con người coi mình là nguyên liệu thô, thì họ sẽ là nguyên liệu thô”. Tuy nhiên, với tư cách là nguyên liệu thô, con người đánh mất mối quan hệ với Thiên Chúa và thậm chí với chính mình. Con người trở nên xa lạ với chính mình. Nhất quán với việc coi mình là nguyên liệu thô, con người hiện đại từ chối chấp nhận quan điểm cho rằng Thiên Chúa tạo ra hai giới tính riêng biệt. Bằng cách loại trừ sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong vấn đề này, giờ đây con người tìm cách xác định giới tính thông qua khoa học. Thuốc ngăn chặn tuổi dậy thì, hóa chất và phẫu thuật được sử dụng để con người có thể sửa chữa “lỗi lầm” của Chúa hoặc cung cấp cho giới tính một sự sáng tạo thứ hai thỏa mãn hơn. Nhưng Thiên Chúa vẫn hiện hữu. Hơn thế nữa, Ngài không tự ẩn giấu. Chính con người hiện đại đã lẩn tránh Thiên Chúa bằng cách nhìn xuống và thông qua các thao tác công nghệ, đang cố gắng biến đổi công trình sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa.
Tác giả: Dr. Donald Demarco Chuyển ngữ: Vi Hữu Từ: https://catholicexchange.com/ |