Góc tư vấn

Một Cách Nhìn Mới Về Truyền Giáo Môi Sinh

Một Cách Nhìn Mới Về Truyền Giáo Môi Sinh

MỘT CÁCH NHÌN MỚI VỀ TRUYỀN GIÁO MÔI SINH

Lm. Giuse Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Với cặp mắt đức tin, chúng ta tin Thiên Chúa vẫn đang mời gọi từng người, tùy theo khả năng của mình, góp phần làm cho môi sinh trở thành môi trường đáng sống.

Truyền giáo môi sinh – Environmental Evangelization”, hay còn gọi là “loan báo tin mừng bằng con đường môi sinh”. Vấn đề môi sinh (ecological issue) đã và đang được Giáo hội quan tâm một cách đặc biệt. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết cả một Thông Điệp Laudato si’ để cho thấy chúng ta cần chăm sóc ngôi nhà chung. Sau đó không ít lần Đức Thánh Cha nói: “Việc truyền giáo bao gồm việc chăm sóc người nghèo và trái đất.”

Bài viết dưới đây không đi vào giải pháp hoặc cách nhìn thông thường về môi sinh. Thay vào đó, chúng ta thấy một cách thế mới cho việc loan báo Tin mừng đối với nhân loại hôm nay. Gọi là mới vì lời loan báo Tin mừng hôm nay không những được khởi đi từ những tín lý hay tín điều, mà còn khởi đi từ lời mời gọi bảo vệ thụ tạo. Đây cũng là cách khả thi đối với người trẻ, cũng như với người khác niềm tin và ý thức hệ. Qua đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng khi bảo vệ và chăm sóc ngôi nhà chung cũng là cách truyền giáo tuyệt vời.[1]

1. Lệnh truyền của Chúa Giêsu

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã để lại mệnh lệnh vô cùng quan trọng cho các môn đệ, cho Giáo hội: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Chúng ta đối chiếu hạn từ trong bản Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp: “mọi loài thụ tạo – πάσῃ τῇ κτίσει – every creature”. Rõ ràng, Chúa Giêsu không chỉ nói chúng ta đem Tin mừng đến cho mọi người, mà còn đến cho mọi loài thụ tạo Thiên Chúa đã tạo dựng nên (x. Rm 8,22), trong đó có nhân loại này. Điều này đã được Công Đồng Vatican II nhấn mạnh trong Sắc Lệnh Truyền Giáo: “Tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế, Giáo Hội cần là muối đất và ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-14), càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo, để mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô; và nơi Ngài mọi người hợp thành một gia đình và một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa” (Ad Gentes 1). Hiểu theo nghĩa này, mệnh lệnh truyền giáo được mở rộng hơn nhiều, phong phú và hấp dẫn hơn nhiều.

Thực ra lệnh truyền này gợi nhớ cho chúng ta về câu chuyện sáng tạo ngày xưa. Sau khi hoàn tất mọi thứ, Thiên Chúa cho con người quyền: “thống trị mặt đất”, “bá chủ muôn loài”[2] (x. St 1,28) hoặc “canh tác và canh giữ trái đất” (St 2,15). Tiếc là con người ngày nay lạm dụng quyền này đến nỗi tàn phá môi sinh cách đáng báo động. Càng ngày môi sinh càng trở nên tệ hại hơn, tương quan giữa con người với môi sinh mỗi lúc một đối chọi khốc liệt hơn. Đến thời điểm này, nhiều người đã nhận thức được mức độ tầm quan trọng của môi sinh và đang ra sức để bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại. Trong lòng Giáo hội, chúng ta được mời gọi không chỉ cố gắng hành động bảo vệ môi trường nhưng còn phải hiểu thấu chiều sâu của hạn từ Kinh Thánh: “thống trị” như vừa nhắc tới ở trên. Giáo hội mời gọi chúng ta giải thích hạn từ này trong ngữ cảnh của nó. Theo đó, chúng ta hiểu vai trò của mình là người “canh tác và canh giữ” khu vườn của thế giới (x. St 2,15). “Trồng trọt” có nghĩa là “canh tác”, cày bừa hay làm việc, trong khi “canh giữ” có nghĩa là chăm sóc, bảo vệ, canh phòng và duy trì. Điều này hàm chứa một mối quan hệ có trách nhiệm dành cho nhau giữa con người và thiên nhiên. (x. Laudato si’ 67)

Hiểu “thống trị” có nghĩa là “canh tác và bảo vệ” như thế, chúng ta nhận ra được ý nghĩa mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu là lời đề nghị chúng ta đi xây dựng thế giới này cách tốt đẹp hơn. Rao truyền Tin mừng cho con người, như thế cũng đồng thời là bảo vệ môi trường, chăm sóc cho mọi loài thụ tạo. Giáo hội nhận thức được điều này, và đặt tên cho quá trình này là “mầu nhiệm vũ trụ”. Nghĩa là, “Mỗi tạo vật đều có sự thiện và toàn vẹn riêng của mình […] Các thụ tạo khác nhau phản ánh ngay trong sự hiện hữu riêng mình như Thiên Chúa muốn, mỗi thứ một cách, ánh quang của sự khôn ngoan vô tận và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Chính vì thế, con người phải tôn trọng bản chất tự nhiên đặc thù của chúng để tránh sử dụng chúng một cách vô trật tự”[3]. Hơn nữa, mệnh lệnh truyền Giáo của Chúa Giêsu không chỉ nói đến môi trường một cách chung chung, nhưng cụ thể hoá ở những nơi mà môi trường đang bị tổn thương, nơi có nguy cơ, hoặc đang khủng hoảng hệ thống sinh thái[4].

2. Hành động trong Chúa Thánh Thần

Khi nhận được lệnh truyền loan báo Tin mừng, các Tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi. Các ông tuyệt đối không làm một mình, nhưng luôn có Chúa cùng hoạt động (x. Mc 16,20). Đây là cách thức sống còn của người môn đệ, của người loan báo Tin mừng. Nếu chúng ta chỉ giải quyết bằng các phương tiện con người, hẳn là tiến trình bảo vệ môi sinh khó đến đích được. Chúng ta phải kết hợp cả hai: khoa học và đức tin. Giáo hội không cực đoan loại trừ khoa học trong công cuộc truyền giáo môi sinh này. Nếu đọc Tông Huấn Laudato si’, chúng ta cũng nhận ra điều đó. Chẳng hạn: “khoa học và tôn giáo đưa ra những tiếp cận rất khác biệt về thực tại, có thể bước vào một cuộc đối thoại năng động và hữu ích cho cả hai phía” (Laudato si’ 62). Ở điểm này, Giáo hội nhắc đến một phương thức truyền giáo môi sinh: “Trước sự phức tạp của cuộc khủng hoảng sinh thái và đa nguyên nhân của nó, chúng ta cần nhận thức rằng các giải pháp sẽ không xuất hiện chỉ từ một cách giải thích và biến đổi thực tại. Sự tôn trọng cũng cần phải được thể hiện đối với những sự phong phú về văn hóa khác nhau của các dân tộc khác nhau, nghệ thuật và thi phú của chúng, đời sống nội tâm và linh đạo của các dân tộc này” (Laudato si’ 63). Để làm được điều này, người truyền giáo cần liên tục đón nhận ánh sáng Tin mừng, lắng nghe hướng dẫn của Thiên Chúa để tiếp cận và giải quyết vấn đề. Khi đó, chúng ta mới mơ về một “nền văn hoá sinh thái” mang tính toàn diện cả về thực tế lẫn tâm linh.

Chúng ta biết: “Điều thiết yếu là tìm kiếm những giải pháp toàn diện, giải pháp suy xét đến những tương tác với chính các hệ thống thiên nhiên và với các hệ thống xã hội” (Laudato si’ 139). Hệ thống xã hội liên hệ nhiều đến các khoa học kỹ thuật; hệ thống thiên nhiên lại có chút liên hệ đến lãnh vực đức tin. Vì sao? Thực ra “thiên nhiên” ở đây không chỉ đơn thuần là hệ sinh thái, hoặc cây cối muôn loài, nhưng đó còn liên quan đến câu chuyện sáng tạo. Con người tuyệt đối không thể tạo ra thiên nhiên, nhưng chỉ có Đấng Sáng Tạo. Khi được Chúa cho quyền làm chủ, con người phải tôn trọng, sống hòa hợp với thiên nhiên, nhận ra trật tự và sự hài hòa như là những quy luật tự nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên có thể giúp con người nhận ra Đấng Tạo Hóa, tôn kính và quy phục Ngài. (x. GLHTCG 341).

Thực ra Giáo hội vẫn luôn mời gọi chúng ta lấy ánh sáng của Tin mừng, của Thiên Chúa để chiếu rạng trong mọi lãnh vực. Trong vấn đề môi sinh cũng thế. Chúng ta “cần được khích lệ để mở lòng ra hơn nữa với ân sủng của Thiên Chúa và được cuốn hút liên lỉ từ những xác tín về tình yêu, công lý và hoà bình” (Laudato si’ 200). Trong giáo dục sinh thái cũng thế. “Việc giáo dục môi trường chuẩn bị cho chúng ta một bước tiến vào mầu nhiệm, từ đó đạt được ý nghĩa sâu xa của luân lý môi sinh. Mặt khác, các nhà giáo dục có khả năng theo lối giáo dục của mình cho thấy một nền luân lý mới về môi sinh, giúp làm nổi bật tình liên đới, trách nhiệm và cùng cảm nhận sự bận tâm chung” (Laudato si’ 210).

3. Truyền giáo và môi sinh

Để hiểu rõ hơn sự liên hệ trên, chúng ta nên biết rằng: “truyền giáo là sứ mạng căn bản của Giáo hội, vì đây là mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Hơn nữa, truyền giáo không gì khác hơn là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Giáo hội vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ con người.”[5] Thiên Chúa vẫn đang sáng tạo và hoạt động trong vũ trụ này. Chúa cần con người cộng tác, cần những nhà truyền giáo dấn bước trong cả lãnh vực môi sinh. Lý do rất đơn sơ như lời đầu tiên trong Thông Điệp Laudato si’: “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người nuôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây” (Laudato si’, số 1).

Khi trái đất đang khóc than, thời tiết ngày càng cực đoan, nhà truyền giáo không thể bịt tai ngoảnh mặt? Khi mệnh lệnh của Chúa vẫn vang vọng, chẳng lẽ chúng ta làm ngơ trước nỗi đau của thụ tạo? Là nhà truyền giáo tốt, chúng ta có thể “tìm thấy Thiên Chúa trong thiên nhiên”. Nhà truyền giáo cũng cần giúp con người hôm nay thực tập đọc “cuốn sách Kinh Thánh Thiên nhiên này”[6]. Chiêm ngắm thiên nhiên sẽ giúp chúng ta biết sử dụng nó đúng cách. Tại sao vậy? Bởi vì:

– Giáo lý chúng ta học thuở nhỏ: “Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (GLHTCG số 27).

– Chúng ta cùng tin rằng: Nhìn xem vẻ đẹp kì diệu và trật tự lạ lùng của vũ trụ để nhận biết Thiên Chúa. (GLHTCG 3).

– Hoặc lúc này, chúng ta hiểu được những suy tư dưới đây của thần học gia người Pháp, Teilhard de Chardin SJ:

“Con sẽ làm cho cả trái đất này thành bàn thờ, và trên đó con xin dâng lên Ngài những lao công và khổ đau của thế giới. Đằng kia, phía chân trời mênh mông, vừa chiếu tỏa ánh dương rạng ngời đến tận mép viền phương đông. Một lần nữa, dưới tấm thảm chuyển động của ánh lửa mặt trời, khuôn mặt sinh động của trái đất thức giấc và run rẩy, để lại khởi đầu một vòng lao nhọc chứa đầy những sợ hãi. Trên đĩa thánh của con, ôi lạy Chúa, con sẽ đặt mùa gặt được thu hoạch từ những nỗ lực mới này. Và trong chén thánh, con sẽ rót vào tinh chất mọi trái cây của trái đất mà hôm nay sẽ được nghiền ép. Đĩa thánh và chén thánh của con là những miền sâu thẳm của một tâm hồn biết mở tung cho mọi sức mạnh, để trong giây lát sẽ vươn lên từ khắp nơi trên trái đất, rồi hội tụ vào Thần Khí. Xin cho con một trời tưởng nhớ với sự hiện diện diệu huyền của tất cả những ai giờ đây được vầng sáng chiếu soi đánh thức vào ngày mới”[7].

Lời suy niệm trên đây thiết tưởng là kim chỉ nam không chỉ cho những nhà truyền giáo, nhưng cho mỗi người chúng ta. Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng đang sống trong môi trường cụ thể. Với cặp mắt đức tin, chúng ta tin Thiên Chúa vẫn đang mời gọi từng người, tùy theo khả năng của mình, góp phần làm cho môi sinh trở thành môi trường đáng sống. Hãy bắt đầu việc này từ ý thức nội tâm, sau đó chuyển đến đôi tay hành động, và lan tỏa sứ mạng tốt lành cho người khác. Đó cũng là một cách truyền giáo môi sinh.

Tạm kết

Truyền giáo để bảo vệ môi trường thiết tưởng là cách thế mạnh mẽ để tạo ra nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đoàn. Dưới đây là một số cách mà truyền giáo, người có trách nhiệm trong cộng đoàn, có thể được sử dụng:

– Chủ đề trong giáo lý: Tổng Giáo phận Sài Gòn đã bắt đầu làm điều này. Khi dạy giáo lý, chúng ta có thể đưa thêm vài thông điệp về trách nhiệm của con người đối với môi trường.

– Ý thức với môi sinh: Chẳng hạn, những hành động nhỏ như tiết kiệm năng lượng, tái chế, sử dụng sản phẩm tái chế và ủng hộ các hoạt động bảo vệ môi trường có thể trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày và là một cách mạnh mẽ để truyền giáo cho người khác!

– Khuyến khích cộng đoàn chung tay: Hiệp hành có thể giúp chúng ta điều này. Cộng đoàn, Giáo xứ có thể tổ chức các hoạt động như dọn dẹp môi trường, trồng cây, hoặc tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường địa phương. Việc hợp tác và tham gia trong các hoạt động như vậy không chỉ là cách bảo vệ môi trường mà còn là cách tạo ra sự kết nối và sự đoàn kết trong cộng đoàn.

– Bắt đầu từ nhà của tôi: Ước sao mỗi người từ nhà của mình có thể khởi động bảo vệ môi trường, chăm sóc môi sinh và giúp nhau biết cách gìn giữ cảnh quan, cây cối, v.v.

 

———————————

[1] Đức Phanxicô, Trở thành người bảo vệ sự sống và trái đất bằng việc chiêm ngắm và chăm sóc nó, tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-laudato-si-thien-nhien-trai-dat.html

[2] “Rule over” dịch là cai quản hơn là bá chủ. Một số bản dịch dùng “dominion”. Nếu dịch là cai quản thì chúng ta sẽ liên kết với Tân ước về việc Chúa Giêsu nói về người quản gia trung tín và khôn ngoan (Mt 24,42-51). Điều này cũng đúng trong việc chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung. Nó sẽ giúp chúng ta thấy tương quan của con người với thụ tạo không phải là tương quan chiếm đoạt, nhưng là sự chăm sóc và gìn giữ như người quản gia khôn ngoan.

[3] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 339.

[4] Nhưng trước hết cần chữa lành môi trường tâm hồn bên trong mỗi người.

[5] Từ Điển Công Giáo, mục từ Truyền Giáo.

[6] https://friarmusings.com/2012/03/21/the-book-of-nature-and-the-book-of-the-word/

[7] Teilhard de Chardin, Hymn of the Universe (New York/ London: Collins, 1965), tr. 19.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!