Nên níu giữ hay chối bỏ quá khứ?
Khi quan sát chuyển động của đất trời, con người nhận ra quy luật của thời gian. Quy luật đó chính là sự lặp đi lặp lại của ngày tháng, của các mùa và các năm. Mặc dù lặp lại, thế nhưng vòng tuần hoàn đó lại không ở vị trí cũ, nhưng luôn chuyển động tuyến tính về phía trước. Đứng trước sự chuyển động tuần hoàn đó, con người cũng nhận ra sự chuyển động của mình, chuyển động của cuộc hiện hữu nhân sinh. Cuộc hiện hữu này luôn nằm trong và chuyển động cùng với vũ trụ. Con người ở trong tình thế phải luôn hướng về phía trước. Trong tình thế đó, con người phải luôn tranh thủ hết mọi khoảnh khắc để làm cho hiện hữu của mình đạt được ý nghĩa của nó. Thế nhưng, vì còn nhiều giới hạn, con người vẫn không thể đạt hết mọi điều mình mong muốn. Điều đó dễ làm chúng ta tiếc nuối. Đó là cảm giác tiếc nuối về cái đã qua, hay cái mà chúng ta đã từng trải nghiệm. Những cái đã qua ấy được gọi chung là quá khứ.
Quá khứ luôn cho chúng ta một cảm giác khó tả, một chút tiếc nuối xen lẫn một chút trống rỗng vì trong thoáng chốc cái vốn là hiện tại lại trở thành quá khứ. Những khoảnh khắc qua đi như cơn gió thoảng, rơi vào dĩ vãng của ký ức. Những lúc như vậy, dù muốn nắm bắt chúng thế nào, chúng ta cũng không thể. Chính vì vậy, con người luôn nằm trong thế giằng xé từ lực đẩy về phía trước của thời gian và mong ước của bản thân để níu kéo quá khứ đã qua. Con người vẫn mong muốn ôm ấp những kỷ niệm đó mãi. Đó là một cảm giác hoài niệm đôi lúc làm cho chúng ta ngây ngất lẫn vui sướng. Khi hồi tưởng lại những khoảng thời gian tươi đẹp ấy, nhiều người phải thốt lên “thời huy hoàng nay còn đâu,” và mong ước hiện tại cũng luôn được như vậy. Họ không muốn cuộc sống của mình gặp bất kỳ gian nan thử thách nào cả. Nhưng chúng ta có thể sống mãi trong quá khứ có được không?
Bên cạnh đó, nhiều người khác lại muốn quên đi những gì đã qua. Cuộc sống của họ có quá nhiều đau khổ cùng những tủi nhục đến độ họ muốn rủ bỏ hết quá khứ, muốn chôn vùi mọi sự để chẳng ai biết họ đã từng là ai và từng làm gì, để chính mình có thể làm lại cuộc đời mới. Chúng ta có nhiều cuộc đời để chôn vùi và làm lại không? Quả thật chúng ta không thể! Chúng ta chỉ sống trên đời một lần, và chỉ có một cuộc đời để sống cho thật ý nghĩa mà thôi. Nếu chúng ta chối bỏ quá khứ cũng đồng nghĩa là chúng ta đã chối bỏ chính mình. Nếu không có những gì đã qua làm sao có được chúng ta của ngày hôm nay. Quá khứ ấy dù có tốt đẹp hay tồi tệ đến đâu đều đã trở thành một phần của con người của chúng ta. Tồn tại trong mỗi người vẫn luôn là những hương vị của cuộc đời được thấm đẫm và chuyển hóa vào sâu trong cốt lõi của bản thể của chúng ta. Dù mang tên gọi là gì, những điều ấy sẽ luôn là nền tảng và điều cốt yếu định hình nhân cách và bản vị của từng người.
Như vậy, chúng ta có nhất thiết phải chọn lựa giữa níu giữ hay buông bỏ quá khứ không? Thực sự, nếu mãi níu giữ quá khứ, chúng ta sẽ dễ rơi vào ảo mộng của cái đã qua. Chúng ta chỉ mong ước thực tại như những gì chúng ta đã từng có. Điều này dễ làm chúng ta nản lòng khi hiện tại không được như những gì trong quá khứ. Mặc khác, nếu buông bỏ hay chối bỏ quá khứ, cuộc sống của chúng ta như thiếu đi một chiếc chân của cái kiềng ba chân (quá khứ – hiện tại – tương lai). Chúng ta khó có thể đạt tới mức toàn thiện nhất cho cuộc sống của mình. Cái đã qua này lại luôn hiện diện sống động trong mỗi người chúng ta. Vì thế, không nhất thiết phải chọn lựa níu giữ hay chối bỏ quá khứ. Quá khứ vốn không phụ thuộc vào ý muốn giữ hay bỏ của chúng ta, đơn giản nó đã qua.
Hơn nữa, khi đã chọn lựa một trong hai thái độ trên là chúng ta đã đóng khung bản thân, làm cho mình trở nên xa lạ với chính mình. Thay vào đó, chúng ta cần xem quá khứ như người thầy dạy những bài học quý giá. Chúng ta sẽ học được từ quá khứ những bài học có thể thay đổi cả cuộc đời của mình. Nếu một người chưa từng trải qua khổ đau, người ấy sẽ khó có thể cảm nghiệm thực sự giá trị của bình an. Nếu cuộc đời chỉ trải toàn hoa hồng thì liệu chúng ta có thấm được ý nghĩa của những gian lao. Mọi điều xảy đến đều có cùng một ý nghĩa, đó là kiến tạo nên con người thực của chúng ta. Nếu chúng ta biết học hỏi từ những điều đã qua, chúng ta sẽ dần tiến tới chỗ hiểu biết chính mình hơn, tìm ra được sứ mạng của riêng mình. Vì vậy, hãy để từng khoảnh khắc tự tỏ lộ điều bí nhiệm cho chúng ta. Đừng để thái độ ích kỷ xâm chiếm suy nghĩ và áp đặt những thành kiến lên từng khoảnh khắc. Mỗi khoảnh khắc sẽ mang đến một hương vị riêng biệt mà chỉ ở thời điểm đó chúng ta mới có thể hưởng nếm cách trọn vẹn nhất. Điều quan trọng không phải là chúng ta tìm được cách để giải quyết một điều gì đó, mà điều quan trọng là chúng ta học được từ nó một kinh nghiệm để trở nên là mình hơn.
Ai đó đã từng nói: “Hoài niệm không có nghĩa là tái hiện, nếu nó nhắc nhở con người nhớ về niềm vui niềm hạnh phúc thì cũng có thể buộc con người phải dằn vặt bản thân về những nỗi đau trong quá khứ.” Con người thật đặc biệt vì có khả năng hồi tưởng về những gì đã qua. Chính khả năng ấy cũng nhắc nhở con người về thái độ của mình đối với quá khứ. Chúng ta không thể tái hiện lại chính xác những gì đã xảy ra. Điều chúng ta có thể làm là nhìn lại chúng với cái nhìn của kẻ muốn học hỏi. Cho nên, hãy cố gắng tận hưởng mỗi giây phút được hiện hữu trên đời. Hãy biết tạ ơn vì cuộc đời đã trao cho chúng ta những niềm hạnh phúc ngất ngây xen lẫn những vất vả chông gai. Nhờ những niềm hạnh phúc mà chúng ta tìm được nguồn năng lượng cho hành trình cuộc đời mình. Nhờ những đau khổ mà chúng ta trưởng thành hơn và biết cảm thông hơn. Cho nên, khi đứng trước mỗi sự kiện hay mỗi biến cố, hãy để lòng mình được mở ra mà đón nhận mọi thứ. Mỗi biến cố xảy ra là đã xảy ra rồi, cho nên đừng phán xét hay chê trách chi nữa. Hãy tập cho mình khả năng biết nhìn lại để cảm ơn cuộc đời, biết nhìn vào mình của hiện tại để nỗ lực và biết luôn hướng về phía trước để đi đến những chân trời của niềm tin và niềm hi vọng.
Philip