Một cô người mẫu từng có phát biểu gây xôn xao: “Tôi đẹp, tôi có quyền”. BẠN có bao giờ tự hỏi: Vậy cô ta có quyền gì? Quyền được nổi tiếng, quyền kiếm nhiều tiền, quyền yêu đại gia, và quyền làm gì nữa? Chịu… Tất nhiên, nhan sắc đem đến nhiều cơ hội trong đời sống sinh hoạt và giao tế xã hội, cũng như tạo ra những lợi thế trong con đường sự nghiệp và lựa chọn người bạn đời. Nhưng BẠN cũng thừa nhận rằng: sự hấp dẫn không hoàn toàn đi đôi với sự ngưỡng mộ, sức thu hút chưa chắc đã tạo được sự tin cậy, nét quyến rũ cũng không đi liền với sự thuyết phục. Kể cả có là hoa hậu thì cũng cần phải nỗ lực, phấn đấu tự thân để có thể chinh phục người khác, chứ không thể sống mãi cuộc đời tầm gửi.
Vào năm 2017, các nghệ sĩ đoàn kịch 1 – Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với các nghệ sĩ kịch Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng một vở diễn cũng với tựa đề: “Tôi đẹp… Tôi có quyền”[1]. Chuyện kịch bắt đầu với sự xuất hiện của một cỗ máy làm đẹp, con người chỉ cần bước vào cỗ máy thẩm mỹ đó trong ba mươi phút, khi bước ra sẽ trở nên đẹp toàn mỹ. Cư dân cả thành phố vô cùng hạnh phúc sau khi có được vóc dáng đẹp như mơ ước.
Tuy nhiên, trong cả thành phố đã sót lại ba nhân vật, vì ham công việc nên đã chậm trễ, trở thành những người đăng ký cuối cùng cho công cuộc làm đẹp. Trớ trêu thay khi họ đến, cỗ máy đó đã bị hỏng và câu chuyện giữa những người đẹp và “ba người xấu” bắt đầu. Những người được coi là xấu xí sẽ ra sao trong một thế giới tôn sùng cái đẹp? Những người đẹp (dao kéo) luôn nói rằng: “Đẹp là có quyền” nhưng ba người không kịp làm đẹp cũng tuyên bố: “Tôi xấu, tôi có quyền”.
Khi toàn bộ xã hội trở nên đẹp đẽ, mọi người dễ dàng đạt được những điều họ muốn, như tình yêu, danh vọng. Các đạo diễn, nhà tạo mẫu dễ dàng tìm được những hình mẫu và nguồn cảm hứng để sáng tạo. Tuy nhiên, mọi thứ bị đảo lộn khi tất cả nhận ra rằng, những vẻ đẹp từa tựa kia không thể mang đến sự thay đổi cho thế giới. Mọi khuôn mẫu giống nhau đều không thể tạo nên những giá trị đích thực về nhân cách và đạo đức.
Chuyện kịch “Tôi đẹp… Tôi có quyền” mang tính so sánh ẩn dụ một cách đầy hài hước, mô tả chân thực về một trong những ước vọng “cháy bỏng” của con người hiện đại: Tất cả đều mong muốn được có được một vẻ đẹp hoàn hảo, vì vậy, họ đổ xô đi làm đẹp để được đẹp hơn về vẻ bề ngoài. Nhưng cái kết mà vở diễn mang đến đã khiến mọi người nhận ra chân giá trị của cuộc sống: “Cái đẹp phải được bắt nguồn từ bên trong tâm hồn của mỗi người và được nuôi dưỡng bằng một trái tim nhân hậu”.
Đẹp về nhân cách, đẹp về tài năng, đẹp về thái độ tích cực với cuộc đời mới đáng quý.
Đẹp trong tâm hồn, đẹp trong cảm nhận và đẹp trong sự nhân văn mới đáng được trân trọng.
Đẹp khi nỗ lực vươn lên, đẹp khi cống hiến, đẹp khi sống một cuộc đời hữu ích mới đáng đề cao.
Thánh Phêrô thì dạy: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại ở cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1Pr 3,3-4). Quả thực, đẹp trong ánh nhìn của Chúa mới là cái đẹp thật sự.
Còn nếu BẠN “không đẹp” (theo những tiêu chuẩn rất con người), BẠN có quyền gì? Đừng buồn… Tôi thử giúp BẠN đưa ra vài câu trả lời nhé!
BẠN có đầy đủ quyền lợi và phẩm giá của một con người, vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27; 2,7). BẠN hoàn toàn có thể sống hạnh phúc trong tư cách một người con cái Chúa. Ở nơi Thiên Chúa, không có sự thiên vị. Tất cả đều được yêu thương.
BẠN có quyền xây dựng cho mình một nhân cách. BẠN không thể chọn cha chọn mẹ, hay không thể chọn cho mình một hình hài trước khi ra đời nhưng hoàn toàn có thể chọn lựa cho mình một lối sống. Và hãy nhớ là một lối sống đẹp, một lối sống phù hợp với những giá trị của Tin Mừng.
BẠN có quyền được nhìn nhận về những cống hiến của bản thân. Tiêu chuẩn để vào Nước Trời không hệ tại ở sắc đẹp hình thể nhưng ở những gì mà bạn đã làm cho tha nhân, cho cuộc đời (x. Mt 25,31-46). Trên Nước Trời, không biết liệu có nhiều hoa hậu hay không nhưng chắc chắn toàn “người đẹp” theo cái nhìn của Chúa.
BẠN có quyền khẳng định bản thân cùng những giá trị của mình. Để đánh giá một con người không bao giờ chỉ dừng lại ở độ dài của chân nhưng còn là ở chiều rộng của trái tim, độ cao của nhân cách và nhất là chiều sâu của trí tuệ, tâm linh.
BẠN có quyền tự hào về những khiếm khuyết, yếu đuối của mình (x. 2Cr 12,9-10). Những gì bất toàn không phải do mình làm ra thì chẳng có lý do gì để xấu hổ cả. Vì vậy, đừng mất giờ để than vãn hay lo lắng vì một ai đó xinh đẹp hơn BẠN cũng có mặt trong một cuộc hội ngộ. Nhất là đừng bao giờ mất thì giờ so sánh với những “mỹ nhân” trên mạng xã hội.
BẠN có quyền cảm thông với những người “không đẹp”. Nhiều người khuyết tật vẫn tự tin toả sáng đấy thôi. Hà cớ gì chỉ vì “không được đẹp” như hoa hậu mà bạn phải oán trách bản thân. Đừng làm khổ mình vì cứ phải phàn nàn: sao tôi không sở hữu một khuôn mặt đẹp, một bờ môi xinh, một làn da hồng, một đôi tay thon thả? Chúa tạo dựng mình thế nào thì xin tạ ơn Chúa. Chúa ban cho mình những gì thì hãy cố gắng làm triển nở.
BẠN có quyền tôn trọng thân xác mà không tôn thờ nó như ngẫu tượng. Bạn không cần phải quá để ý về cách thức mình xuất hiện trước thế gian. Bạn cũng không cần phải ngắm mình quá nhiều, quá lâu, quá kỹ. Còn nhiều việc cần thiết hơn Chúa muốn bạn làm trong cuộc đời.
BẠN có quyền không quá nuối tiếc khi nghĩ về sự mỏng manh, vô thường của sắc đẹp, của đời này: “Hoa đẹp, hoa thơm, hoa vẫn tàn”. Những gì trên thế gian này cũng chỉ là hư danh, dễ tàn lụi. Người ta sẽ chỉ làm khổ người khác và làm xấu chính mình khi đi so sánh về chút nhan sắc chóng qua.
Tôi nhớ đến một cuộc thi sắc đẹp rất đặc biệt, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Đó là “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”, cuộc thi hoa hậu dành cho các nữ thanh niên khuyết tật Việt Nam, với tiêu chí vẻ đẹp của con người không chỉ nằm ở hình thể mà còn tiềm ẩn trong tâm hồn, nghị lực, trí tuệ. Liên hoan nhằm gửi gắm những thông điệp sâu sắc tới cộng đồng người khuyết tật Việt Nam và toàn xã hội: Vẻ đẹp trong sự đa dạng, không phụ thuộc vào một “cơ thể hoàn thiện” mà nằm ở nghị lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trí tuệ, sự tự tin khẳng định bản thân và những tài năng tiềm ẩn bên trong mỗi con người.
Tôi mời BẠN đọc lại một vài chia sẻ của những “người đẹp” đã từng đạt giải cao nhất trong cuộc thi này:
Nguyễn Thị Ánh Ngọc (2013): “Số phận đã khiến tôi trở thành một ngọn nến cong (thậm chí bị cong tới hai lần) nhưng ngọn nến cong đó giờ đang trưởng thành và sẽ tỏa sáng”.
Nguyễn Thanh Hoa (2015): “Tôi biết mặt trăng tròn thì luôn được đánh giá đẹp hơn, nhưng tôi cũng tin vầng trăng khuyết vẫn có thể chiếu sáng cả một bầu trời”.
Cầu chúc BẠN, những người “đẹp” và “không đẹp” đều sống trọn vẹn ơn gọi làm người của mình. Dù BẠN có là “ngọn nến cong” hay “vầng trăng khuyết” thì nhiệm vụ của bạn vẫn phải toả sáng, dầu có khó khăn hơn. Nếu không là một bông hoa đẹp thì nhất định phải là một bông hoa thơm BẠN nhé!
[1] Chuyện phẫu thuật thẩm mỹ lên sân khấu kịch, theo Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam (28/9/2017): https://phunuvietnam.vn/chuyen-phau-thuat-tham-my-len-san-khau-kich-33245.htm
Nhịp cầu Bạn trẻ