Tâm tình độc giả

Nghĩ về sự tham dự phụng vụ của cộng đồng Dân Chúa

Nghĩ về sự tham dự phụng vụ của cộng đồng Dân Chúa

 

Việc cử hành và tham dự các lễ nghi phụng vụ vốn được Hội Thánh thường xuyên đặc biệt quan tâm, bởi công việc này xảy ra hằng giờ, hằng phút, hằng giây khắp nơi trên thế giới. Đối với Hội Thánh, “Phụng Vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và Phép Rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Hội Thánh, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa”.

“… Chính Phụng Vụ, nhất là lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh, đó là điều mà mọi công việc khác của Hội Thánh đều quy hướng về như là cứu cánh” (Xem Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 10). Vì thế, Hội Thánh thường xuyên chăm lo để việc cử hành và tham dự cho chu đáo, và chỉnh sửa hoặc cải tiến khi cần.

Mới đây Ủy ban Phụng Tự thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam  đã cho phổ biến bản “Hướng dẫn cử hành Thánh lễ” với nội dung bao gồm nguyên tắc tổng quát, nghi thức nhập lễ, phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ Thánh Thể và nghi thức Kết lễ. Bản hướng dẫn tuy có nhắc đến sự tham dự của dân chúng, của mọi người, nhưng chưa nhiều.

THÁNH CÔNG ĐỒNG VATICAN II  QUAN TÂM ĐẾN VIỆC CÁC TÍN HỮU THAM DỰ PHỤNG VỤ

Hiến chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) của Thánh Công đồng đã nêu rõ sự cần thiết liên quan đến việc hướng dẫn các tín hữu tham dự các nghi lễ Phụng Vụ. Hiến Chế viết:

“Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động”.

“Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn” (1Pr 2,9 và 4-5). (số 14).

SỰ QUAN TÂM ĐẾN CÁC CÁCH THAM DỰ

Thánh Công đồng có nêu ba cách tham dự các nghi lễ Phụng Vụ, đó là trọn vẹn, ý thức và linh động.

Tham dự trọn vẹn (plenam illam) có nghĩa là tham dự đầy đủ từ đầu đến cuối. Thông thường, các nghi lễ Phụng Vụ đều có quy định thời gian và phổ biến công khai để ai muốn tham dự cũng có thể biết được để tham dự cho đúng thời gian và địa điểm. Cụ thể như việc tham dự thánh lễ Chúa nhật chẳng hạn, nhà thờ nào cũng có thông báo về thời giờ cử hành. Các tín hữu liệu thu xếp công việc riêng tư để dành thời giờ tham dự, tránh tình trạng dự lễ đi trễ về sớm khiến việc tham dự không trọn vẹn, mất một phần ơn ích.

Tham dự có ý thức (conscidam) là tham dự với sự chăm chú tập trung tâm trí vào nghi lễ đang cử hành, bởi mỗi lời đọc, mỗi cử chỉ trong nghi lễ đều có ý nghĩa và có giá trị, dù chỉ là một việc cúi đầu, khoanh tay, chắp tay, đứng, quỳ, ngồi… đều thể hiện sự tôn vinh, cung kính hoặc hòa đồng với cộng đoàn tham dự. Các việc chào Chúa, chúc chủ tế, chúc nhau đều mang ý nghĩa liên đới, chưa nói đến ý thức việc lắng nghe và suy tôn Lời Chúa, suy tôn và rước Thánh Thể Chúa vào lòng, tất cả cần có sự ý thức cao và sốt sắng.

Tham dự cách linh động (actuosam). Hội Thánh đã có quy trình tổ chức các nghi thức Phụng Vụ và bố trí để có sự tôn nghiêm nhưng linh hoạt, không thụ động nhàm chán, nên các tín hữu tham dự Phụng Vụ cũng trang bị tinh thần tham dự phấn khởi nhiệt tình. Mỗi một cử chỉ dành cho cộng đoàn cần được đón nhận và thực hiện một cách sốt sắng, tránh thụ động, chia trí hoặc cử hành bất đắc dĩ. Nhưng cũng cần tránh sự linh động thái quá không phù hợp với sự tôn nghiêm của nghi lễ đang cử hành.

NGHĨ VỀ TRANG PHỤC CỦA CÁC TÍN HỮU KHI THAM DỰ PHỤNG VỤ

Đối với Hội Thánh, phần lễ phục dùng trong các nghi lễ Phụng Vụ đã được quy định rõ ràng từ kiểu mẫu, màu sắc đến cách sử dụng, nhưng đối với các tín hữu tham dự Phụng Vụ thì vẫn để cho các nơi theo văn hóa, tập quán. Dù vậy, việc sử dụng cũng cần quan tâm đến sự trang nghiêm, xứng đáng. Cứ sự thường, tín hữu nào cũng biết lo cho mình có được trang phục chỉnh tề khi tham dự Phụng Vụ. Nhưng cũng vẫn có xảy ra các trường hợp trái chiều, như đến tham dự thánh lễ với bộ đồ thể thao hoặc trang phục “nhà nghèo”, trang phục “thiếu vải”… Tại một số nhà thờ ở Rome và các nơi có Ban Lễ tân phục vụ cho số người này bằng việc cho mượn áo khoác mặc khi tham dự thánh lễ và hoàn lại cho nhà thờ khi lễ tất.

Việc tham dự các nghi lễ Phụng Vụ cũng không phải là dịp để cá nhân hoặc nhóm nào phô trương sắc phục, xảy ra tình trạng trình diễn loạn màu sắc, làm mất vẻ trang nghiêm của việc thờ phượng đồng thời cũng gây mặc cảm đối với các tín hữu không có đồng phục!

Việc chọn kiểu mẫu, màu sắc trang phục cho các tập thể nên có sự cân nhắc để liệu sao cho xứng hợp với Phụng Vụ thánh, không làm theo sở thích hoặc bắt chước mẫu mã festival của đời thường.

DỰ LỄ VÀ LIÊN HOAN

Hằng năm, người tín hữu tham dự nhiều thánh lễ. Ngoài 11 lễ trọng, lễ dành cho giáo dân (còn gọi là lễ họ) còn có các lễ trọng khác, lễ kính, lễ nhớ theo lịch phụng vụ. Các tín hữu còn dự các thánh lễ ngoài lịch, như lễ bổn mạng, lễ kỷ niệm (nhiều ý), lễ phong chức, tựu chức; lễ khai mạc các công trình, lễ tạ ơn, lễ cầu bằng an… Đối với các lễ trọng cầu cho giáo dân thì có thể có liên hoan hoặc không, nhưng nhiều lễ ngoài lịch khác thường có liên hoan kèm theo, theo cách nói của bà con ta: “Có lễ là phải có lạc!”.

Việc tổ chức liên hoan sau lễ cũng hữu ích để tăng thêm niềm vui và có dịp tỏ tình đoàn kết. Nhưng chỉ nên tổ chức vừa phải, không nên lạm dụng gây mất thời gian và tốn kém cho cả bên tổ chức lẫn bên tham dự. Lại nữa, việc vui quá trớn, rồi “bia rượu vào lời ra”, dễ bị phát ngôn không chuẩn mực gây mất trật tự và phật lòng bà con, làm mất ý nghĩa của việc mừng lễ.

 

Mt Từ Linh

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!