Góc tư vấn

Nguyên tắc xã hội: Công ích

Nguyên tắc xã hội: Công ích

 

Như một hệ quả của phẩm giá, mục tiêu hàng đầu của mọi xã hội là theo đuổi Công ích.Vậy Công ích là gì?

Cover_nguyentaccongich_phailamgi.jpg

Theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, Công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển của mình một cách đầy đủ hơn và dễ dàng hơn” (TLHT 164, trích dẫn Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 26).

Có thể dễ dàng nhận biết Công ích thông qua việc tôn trọng con người, hòa bình, sự hưng thịnh xã hội và sự phát triển toàn diện. Hoặc thông qua các hành động luân lý của một cá nhân khi thực hiện những điều thiện hảo. Công ích cũng trở thành mục tiêu của xã hội và các hành động của xa hội cũng đạt đến tầm vóc đầy đủ khi chúng đem lại Công ích.

Từ đó, có thể hiểu rằng, “Công ích là chiều kích xã hội và cộng đồng của sự thiện luân lý” (TLHT 164)

Đặc tính của Công ích

Có 5 đặc tính:

  • Chung: Đây là đặc tính chính xác và trên hết, điều này có nghĩa là khi và chỉ khi cùng với mọi thành viên của xã hội ta mới có thể đạt đến, bảo vệ và gia tăng thiện ích này. Thiện ích này là chung bởi đó là thiện ích của tất cả, của mỗi người và của toàn bộ con người.​
  • Không thể phân chia: Bất cứ ai cũng có thể tham gia Công ích và Công ích này không thể phân chia giữa các thành viên trong cùng một xã hội.​
  • Thăng tiến tất cả mọi người và toàn thể con người: Đây luôn luôn là mục tiêu hàng đầu của Công ích.​
  • Chiều kích siêu việt: Đây là chiều kích vượt quá hiện tại, vì hướng về Thiên Chúa là mục đích cuối cùng cao cả nhất của con người. Do đó, Công ích không chỉ là sự hưng thịnh Kinh tế – Xã hội, mà còn có chiều kích tâm linh không thể bị tước đoạt.​
  • Gian nan: Giáo huấn xã hội của giáo hội Công giáo cũng thừa nhận rằng, Công ích là một thiện ích gian nan, khó mà đạt đến, vì “đòi phải có năng lực và cố gắng liên tục trong việc mưu cầu thiện ích cho người khác, như thể đó là thiện ích của bản thân mình” (TLHT 167)​
Trách nhiệm đem lại Công ích

Do các đặc tính trên và vì Công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn trừ trách nhiệm cộng tác vào việc thực hành và phát huy Công ích, tùy theo khả năng của mỗi người.

Ngoài ra, trách nhiệm thực hiện Công ích cũng thuộc về nhà nước, “vì Công ích là lý do khiến quyền hành chính trị tồn tại” (TLHT 168). Bao gồm việc đảm bảo tính mạch lạc, thống nhất và tổ chức xã hội, hoạt động nhằm cống hiến cho con người những thiện ích cần thiết cho đời sống vật chất, văn hóa, luân lý và tâm linh để họ có thể sống một cuộc sống đích thực của một con người.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ đặc biệt tế nhị và liên quan mật thiết đến các cơ quan công quyền, đó là làm hài hòa và điều hòa các của cải và lợi ích cụ thể của nhóm và các cá nhân, “không chỉ theo đường hướng của đa số mà còn theo thiện ích thật sự của mọi thành phần trong cộng đồng, kể cả các nhóm thiểu số” (TLHT 169)

Tóm lại

Công ích là điều tốt cho tất cả mọi người và toàn thể một con người. Mỗi người và mỗi tập thể có những lợi ích thích đáng ít nhiều được cho là phù hợp. Tuy nhiên, Công ích không chỉ dừng lại ở khía cạnh lợi lộc vật chất bên ngoài của tất cả mọi người, mà phải bao hàm lợi ích toàn diện của con người đó, bao gồm cả khía cạnh tinh thần. Chính vì thế, khi xét đến công ích, người ta không thể bỏ qua bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống con người. (Docat 88)​ st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!