Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Những nhà nguyện trên đường ray ở Mỹ

Những nhà nguyện trên đường ray ở Mỹ
Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hàng ngàn tín hữu ở vùng nông thôn Mỹ đã đi lễ hằng tuần trên các toa tàu của ngành đường sắt.
Phần lớn quá trình mở rộng và khai phá lãnh thổ ở Mỹ trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 dựa vào phát kiến và sự phát triển của của mạng lưới đường sắt. Các đô thị bắt đầu mọc lên rải rác ở những nơi trước đó dân cư vẫn còn thưa thớt. Phương tiện giao thông mới này không những thúc đẩy cuộc cách mạng hóa cảnh quan nước Mỹ, mà còn thay đổi cách thức người dân có thể dự lễ nhà thờ.
Nhà nguyện trong các toa xe
Nhờ vào sự xuất hiện của đường sắt, những tín hữu Công giáo sinh sống ở các khu vực hẻo lánh có thể di chuyển đến những thành phố lớn để dự lễ nhà thờ. Thế nhưng, một số linh mục còn đi xa hơn khi nảy ra sáng kiến táo bạo. Trong nỗ lực đảm bảo giáo dân ở những nơi xa xôi nhất có thể tham dự thánh lễ, các cha tạo ra “nhà nguyện trên đường ray”.
Như các tác giả Wilma Taylor và Norman Taylor giải thích trong bài viết “Câu chuyện về các toa xe chứa nhà nguyện của Mỹ”, công bố trên ấn bản về lịch sử ngành đường sắt Railroad History, những nhà nguyện trên đường ray lần lượt di chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác, mang thánh lễ đến các cộng đồng quá ít ỏi và nhỏ bé để có thể xây dựng được một nơi thờ phượng Chúa.
“Nhà nguyện trên đường ray” đầu tiên được hoàn thành năm 1890 và sáng kiến nhanh chóng được lan tỏa trong khắp các cộng đoàn Công giáo. Ước tính từ năm 1890 đến 1946, có ít nhất 13 nhà nguyện trên đường ray đã di chuyển khắp nước Mỹ, cho phép các tín hữu ở vùng nông thôn vẫn có cơ hội dự lễ. Những nhà thờ di động được miễn trả lệ phí đi lại nhờ vào thỏa thuận đặc biệt với công ty Đường sắt Bắc Thái Bình Dương. Theo đó, thỏa thuận cho phép các nhà nguyện trên đường ray di chuyển khắp nơi trên nước Mỹ mà không cần phải trả bất kỳ chi phí gì. Điều này cho phép các cộng đoàn nhỏ vẫn có thể xoay sở hoạt động trong một thời gian dài.
Nhà nguyện đầu tiên của Công giáo trên xe lửa
Theo nghiên cứu đăng tải trên chuyên san Railroad History, nhà nguyện Công giáo đầu tiên được cha Francis Clement Kelley khởi xướng sau khi biết về trào lưu mới trong quá trình tham gia Hội chợ Thế giới St. Louis năm 1904. Với ý muốn tạo thêm cơ hội cho nhiều người dân ở vùng nông thôn Mỹ được dự lễ, cha Kelley đặt mua một toa xe đã qua sử dụng từ TP Chicago. Nhà nguyện Công giáo đầu tiên trên đường sắt đã được làm phép ngày 16.6.1906 ở trạm Union của Chicago, và được đặt tên nhà nguyện Thánh Anthony.
Nhìn từ bên ngoài, nhà nguyện Thánh Anthony không khác gì các toa xe khác của ngành đường sắt. Chiều dài của toa xe hơn 21m và được làm từ thép ép nhiều lớp. Tuy nhiên, thiết kế bên trong mới phản ánh mục đích đặc biệt của toa xe này. Có những ngăn kéo phục vụ cho việc cất giữ trang phục của linh mục, một cái bàn với cây thánh giá được cố định bằng đinh ốc để tránh va chạm gây hư hại trong quá trình tàu lăn bánh, và một lan can có thể di chuyển vị trí và biến thành tòa giải tội.
Dựa trên ghi chép chính thức được lưu trữ trong kho tài liệu đặc biệt của Đại học Loyola ở TP Chicago, mỗi ngày tối đa 65 người có thể dự lễ bên trong nhà nguyện Thánh Anthony trên đường ray. Từ năm 1907 đến 1909, nhà nguyện đặc biệt này đã di chuyển khắp tiểu bang Kansas và Nam Dakota, mang tiệc Thánh Thể đến với hàng ngàn tín hữu Công giáo.
Những nhà nguyện trên đường ray đã mang thánh lễ đến với các giáo dân sống ở nơi xa xôi hẻo lánh
Như các nhà nghiên cứu Wilma Taylor và Norman Taylor quan sát, các nhà nguyện trên đường sắt còn hơn cả “những nhà thờ di động”. Các toa xe lửa đơn giản đã mở đường cho nỗ lực xây dựng một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ đối với những cộng đoàn vừa mới bắt đầu hình thành. Câu chuyện về các toa xe chứa nhà nguyện của Mỹ đề cập một thực tế: đôi khi những nhà nguyện này mang đến nơi dự lễ cho những cộng đồng đứng ngoài rìa xã hội. Một số toa xe được thiết kế đặc biệt để chào đón các giáo dân Mỹ gốc Phi và những người không được chấp nhận.
Sự phổ biến của phong trào nhà nguyện trên xe lửa đã lụi tàn sau Thế chiến thứ hai. Đến thập niên 1970, khi ô tô vượt qua xe lửa để trở thành phương tiện đi lại nhiều nhất ở Mỹ, sự tồn tại của hệ thống nhà nguyện trên đường ray tiến đến hồi kết. Tuy nhiên, Đại học Loyola vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu về giai đoạn đó.
LING LANG

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!