Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Nữ tu Helen Alford: “Giáo hội có thể mở mang tinh thần cho trí tuệ nhân tạo A.I.”

 

Ngày 1 tháng 4 -2023, nữ tu Dòng Đa Minh Helen Alford, 58 tuổi được bổ nhiệm làm chủ tịch Giáo hoàng Học viện về Khoa học Xã hội | ©️ Giáo hoàng Học viện Thánh Tôma Aquinô – ANGELICUM

Ngày 1 tháng 4, nữ tu Helen Alford được bổ nhiệm làm chủ tịch Giáo hoàng Học viện về Khoa học Xã hội, một cơ quan được Đức Gioan Phaolô II thành lập năm 1994 để làm phong phú thêm suy tư của Tòa Thánh về các vấn đề liên quan đến học thuyết xã hội của Giáo hội, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, khoa học chính trị và xã hội học.

Tiến sĩ Kỹ thuật của Đại học Cambridge, nữ tu Helen Alford là kinh tế gia, chuyên về đạo đức kinh doanh và đã từng giảng dạy tại Hoa Kỳ. Kể từ năm 2021, nữ tu là trưởng khoa Khoa học Xã hội tại Giáo hoàng Học viện Thánh Tôma Aquinô ở Rôma, thường được gọi là Angelicum. Sơ đã ở chức vụ này từ năm 2001 đến năm 2013.

Với tư cách là người đứng đầu Giáo hoàng Học viện về Khoa học Xã hội, nữ tu Helen Alford đặc biệt khuyến khích suy tư về những biến động lớn của công nghệ mà thế giới đang trải qua. Và sẽ phải chứng tỏ Giáo hội có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc cách mạng kỹ thuật số đang tiến hành. Phỏng vấn.

Trong một thế giới thế tục hóa, nơi học thuyết xã hội công giáo có lẽ không còn được xem trọng như trước, làm thế nào để Giáo hoàng Học viện về Khoa học Xã hội, và nói rộng ra, Giáo hội có thể có tiếng nói?

Nữ tu Helen Alford: Nhiều người cảm thấy Giáo hội không còn đóng một vai trò quan trọng. Nhưng tại Rôma, tôi nghĩ chúng ta có một quan điểm khác. Các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hoặc Liên minh Châu Âu, khá cởi mở và điều này không có gì mới. Khi Đức Gioan Phaolô II công bố thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội, Sollicitudo Rei Socialis năm 1987, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức hội thảo ở New York về thông điệp này. Ngay sau đó, năm 1990, báo cáo phát triển con người đầu tiên được công bố và tôi nghĩ thông điệp này đã có một số tác động. Các quốc gia bắt đầu tự đánh giá họ trên cơ sở Chỉ số Phát triển Con người, thay vì chỉ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Khí hậu nóng lên toàn cầu là mối quan tâm ngày càng tăng đối với các Giáo hội | © Kimberly Vardeman/Flickr/CC BY 2.0

Khi thông điệp Laudato si’ được công bố năm 2015, ngay sau đó hai thỏa thuận lớn đã được ký kết: Hiệp định Khí hậu Paris và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Mọi người công nhận thông điệp của Đức Phanxicô đã đóng một vai trò quan trọng trong các thỏa thuận này.

Cuối cùng, tôi tin Giáo hội quan trọng và có ảnh hưởng theo một số cách và trong một số lĩnh vực, nhưng không phải ở mọi nơi. Đó là tình huống bình thường của Giáo hội: chúng ta đưa ra lời kêu gọi, một số người quan tâm, một số người không.

Theo sơ, ngày nay Giáo hoàng Học viện về Khoa học Xã hội giải quyết những chủ đề quan trọng nào nhất?

Nguồn chủ đề số một của chúng tôi là Đức Phanxicô. Chúng tôi phải hỗ trợ ngài và các chủ đề ngài muốn làm việc. Tôi chưa có dịp nói chuyện với ngài, nhưng chúng tôi biết qua các bài viết và sứ vụ của ngài, nói chung những gì ngài quan tâm.

Đó là hai khủng hoảng: xã hội và môi trường, vốn là tâm điểm của thông điệp Laudato si’. Một khía cạnh khác là chiều hướng đưa cộng đồng chúng ta trở lại trung tâm của suy nghĩ và hành động, ý tưởng chủ đạo của thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti.

 

“Chúng ta không chỉ là những cá nhân đơn thuần đạt được mục tiêu của riêng mình, mà về cơ bản chúng ta đang cùng nhau xây dựng xã hội của mình”

 

Tôi thích nghĩ, chúng ta đang cố gắng làm để lợi ích chung vượt thắng, chống lại khuynh hướng dùng một lần rồi bỏ. Chúng ta biết các hệ thống xã hội có thể thay đổi qua hành động của chúng ta và chúng ta có thể cùng nhau làm việc để thế giới có công lý hơn. Để làm được điều này, chúng ta cũng phải rao giảng Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trên thế giới. Đó là cách tiếp tục sự nhập thể, một chia sẻ đức tin của chúng ta cách thực tế.

Trí tuệ nhân tạo là chủ đề bùng nổ trong các tin tức gần đây. Hình ảnh Đức Phanxicô trong chiếc áo khoác thời trang đã lan đi khắp thế giới. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm – và là một điều tốt đẹp. Giáo hội phân tích sự phát triển của công nghệ này như thế nào?

Phát triển công nghệ nằm trong tầm tay chúng ta. Công nghệ không giống như khoa học, vốn là thứ chúng ta khám phá, vì nó liên quan đến các nguyên tắc của thứ trật tự nhiên. Công nghệ cũng giống như văn hóa, nó là thứ chúng ta tạo ra.

Vì thế có hai quỹ đạo phát triển chính về mặt kỹ thuật. Kỹ thuật đầu tiên chúng ta biết ngày nay như kỹ thuật thống trị và một số người cho đó là kỹ thuật trọng tâm hoặc đơn kỹ thuật. Nó đặt máy móc làm trung tâm và xã hội phải thích ứng với nó. Chúng ta thấy điều này với trí tuệ nhân tạo. Một số nhóm người hưởng lợi từ kiểu phát triển này và phần còn lại của xã hội buộc phải thích nghi.

 

Dù bề ngoài có như thế nào, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn không hoạt động giống bộ não con người | © Michael Dziedzic/Unsplash

Tuy nhiên, có một hình thức phát triển công nghệ khác được cho là lấy con người hoặc lấy cuộc sống làm trọng tâm. Đó là việc làm cho một lối sống cụ thể trở nên hiệu quả, phong phú và đầy đủ hơn, không cho phép nhóm này thống trị nhóm khác. Ví dụ, khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, hai loại máy kéo sợi khác nhau đã được phát triển. Chiếc đầu tiên được một thợ kéo sợi có kinh nghiệm phát minh trong những năm 1770, chiếc thứ hai được các kỹ sư sáng chế trong những năm 1830, do các chủ nhân máy dệt, những nhà tư bản lớn ủy thác làm. Ban đầu, cả hai máy đều có năng suất như nhau, nhưng có sự khác biệt rất lớn về cách chúng ảnh hưởng đến người dùng. Cuối cùng, chiếc thứ hai có thể được bất cứ ai có được chỉ dẫn đều có thể dùng.

Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải đối diện với một vấn đề được tạo ra, vì loại phát triển đầu tiên lấy công nghệ làm ưu tiên chứ không đặt con người vào trọng tâm. Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai sẽ hoàn toàn có thể thực hiện được ở cấp độ cấu trúc. Vấn đề là không có khoản đầu tư nào cho lựa chọn thứ hai này. Phát triển công nghệ có thể là một điều tốt. Chúng ta có thể làm tốt hơn nữa với trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác mà chúng ta có để chúng có thể hỗ trợ cuộc sống và con người một cách tốt nhất có thể.

Một bức thư đã được công bố gần đây có chữ ký của ông Elon Musk và các nhân vật khác, kêu gọi tạm dừng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong sáu tháng. Làm thế nào Giáo hội có thể trả lời cho những mối quan tâm về chủ đề này?

Nhiều cuộc đối thoại đang tiến hành. Chẳng hạn năm 2020, Giáo hoàng Học viện về Sự sống đã công bố một tài liệu có tựa đề Lời kêu gọi của Rôma về đạo đức A.I., đã được các công ty lớn như Microsoft ký kết. Năm nay, Học viện cũng kêu gọi các tôn giáo khác ký kết để cố gắng tạo cho nó một chiều kích liên tôn.

Ở Vatican, các thực thể khác đã đưa ra các phản ánh, như bộ Văn hóa và Giáo dục có một bộ phận dành riêng cho văn hóa kỹ thuật số. Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện cũng có những nhân vật quan tâm đến các chủ đề này. Có một nhóm chuyển đổi bên trong Tòa thánh làm việc trên các khía cạnh khác nhau của vấn đề trí tuệ nhân tạo.

 

“Những người đứng đầu trong các tổ chức kỹ thuật này đang nhận ra họ cần một tầm nhìn khác.”

 

Một trong những điều thiết yếu mà Giáo hội có thể làm là mang đến cho mọi người một cái nhìn khác. Nếu mọi người có thể nhìn thế giới khác đi, họ có thể thay đổi các dữ kiện để thiết kế công nghệ theo một cách khác. Giáo hội có thể mở mang đầu óc con người.

Theo một cách nào đó, đó chính là điều mà Tin Mừng luôn làm: làm cho mọi người cảm thấy có một thế giới khác. Cuối cùng, chúng ta biết sẽ có một thế giới khác, nhưng chúng tôi muốn cho thấy, ngay cả trong thế giới hiện tại của chúng ta, mọi thứ vẫn có thể tốt hơn nhờ sự hiện diện của ân sủng, lời huấn dạy của Chúa Kitô, cộng đồng đức tin và nhiều thứ khác.

Những người điều hành các công ty kỹ thuật số có quan tâm đến các công việc này không?

Tôi nghĩ những người cấp cao trong các tổ chức công nghệ này đánh giá cao những gì chúng tôi làm. Họ nhận ra họ cần một tầm nhìn khác. Họ không nhất thiết phải biết cách áp dụng nó vào thực tế, nhưng họ có thể bắt đầu nghĩ về nó.

Cuối cùng, chính các kỹ sư phải đưa tầm nhìn này vào thực tế. Nhưng nếu họ không có cảm hứng để cố gắng làm điều này, họ sẽ không làm, và đó là lãnh vực chúng ta có thể tham gia. Nếu ông Mark Zuckerberg và đồng nghiệp của ông yêu cầu các kỹ sư của họ tạo một giao diện làm lợi cho công ty của họ và đồng thời cải thiện phẩm chất con người, họ có thể làm. Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu được giao cho các nhân viên, và nhiều người trong số họ đang rời bỏ các công ty này vì họ không thích những gì họ đang làm và những gì họ thấy.

 

“Bất cứ nơi nào cần thu thập nhiều thông tin để đạt được kết quả tốt nhất có thể, hệ thống A.I. đều rất tuyệt vời.”

 

Những người khác sống căng thẳng trong lòng, họ tiếp tục làm trong lãnh vực này, dù họ thấy những tác động tiêu cực, chẳng hạn mạng xã hội không tốt cho con cái họ. Hệ thống kinh tế của chúng ta tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều người tiếp tục làm trong thế giới công nghệ. Để đối diện với nó, chúng ta cần ân sủng, lời cầu nguyện và sự giúp đỡ thiêng liêng, và chúng tôi đã nói điều này ở Học viện Giáo hoàng.

Hình minh 

Học viện dành nhiều chú ý để phát triển ý tưởng về một nền kinh tế huynh đệ và nhấn mạnh đến hạnh phúc của con người. Làm thế nào trí tuệ nhân tạo có thể phù hợp với tầm nhìn kinh tế này?

Chúng ta có thể làm cho trí tuệ nhân tạo hoạt động để hỗ trợ các kỹ năng của con người, giống như máy kéo sợi đã làm vào cuối những năm 1700. Một số dạng A.I. đã làm được điều này, chẳng hạn như các hệ thống giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh hiệu quả hơn.

Bất cứ nơi nào cần thu thập nhiều thông tin để có được kết quả tốt nhất có thể, hệ thống A.I. đều tuyệt vời vì chúng có thể làm điều đó rẻ hơn và nhanh hơn. Cùng như máy hơi nước có thể làm những việc mà sức người, sức ngựa không làm được, A.I. có thể giúp chúng ta cải thiện hiệu năng của quy mô và khả năng của chúng ta.

 

Nhiều người lo sợ các công cụ trí tuệ nhân tạo tiên tiến sẽ thay thế một số loại công việc – chẳng hạn các chatbot này đã có thể sao chép các bài báo hoặc hợp đồng rất chính xác. Sơ nghĩ gì về tác động của việc gia tăng trí tuệ nhân tạo với việc làm, văn hóa làm việc và đạo đức?

Tôi nghĩ mỗi khi một công nghệ lớn xuất hiện, nó sẽ phá hủy một số việc làm nhưng lại tạo ra các việc làm khác. Đầu tiên là hơi nước, sau đó là điện, rồi công nghệ thông tin. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo có lẽ là một loại công nghệ có ảnh hưởng khác sẽ có tác động rất rộng rãi. Mọi người luôn lo lắng khi công nghệ mới xuất hiện.

“Các nghiên cứu đã đưa ra những dự đoán khá bi quan về những công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi A.I.”

Đúng là hiện nay, các nghiên cứu đã đưa ra những dự đoán khá bi quan về những công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi A.I. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta có thể định hướng lại sự phát triển này để nó hỗ trợ phát triển con người và tập trung vào việc nâng cao năng suất các kỹ năng con người hơn là loại bỏ các kỹ năng khỏi công việc.

Điểm mấu chốt là chúng ta có lựa chọn, chúng ta không bị buộc phải phát triển công nghệ theo một hướng nào đó chỉ mang lợi ích đến cho một nhóm người. Chúng ta phải có tự tin cần thiết để đặt những câu hỏi đúng. Tiêu chí phải là phát triển công nghệ để hỗ trợ sự sống và sự tốt lành của tạo vật nói chung. Nếu tiêu chí là kiếm càng nhiều tiền càng tốt, bất kể người khác phải trả giá như thế nào, thì chắc chắn nó sẽ gây thiệt hại, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây là tư duy kỹ trị mà Đức Phanxicô nói đến.

 

 Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!