Quyển Kinh Thánh Hebrew hoàn chỉnh cổ nhất
Codex Sassoon, bản sách chép tay Kinh Thánh Hebrew hoàn chỉnh và cổ nhất thế giới, đang trong quá trình lưu chuyển qua bảo tàng một số nước trước khi lên kệ đấu giá của Nhà Sotheby (trụ sở chính ở London, Anh) vào tháng 5 tới.
Cách đây khoảng 1.100 năm, một người chép sách ở nơi ngày nay là Israel hoặc Syria bắt đầu ngồi xuống viết một bản thảo đặc biệt. Với tổng cộng 400 tờ giấy da thuộc khổ lớn, quyển sách chứa đựng bản thảo hoàn chỉnh của Kinh Thánh Hebrew (chiếm phần khá lớn nội dung của Cựu Ước). Ngôn ngữ trên các trang giấy là kiểu chữ hình vuông, tương tự như trong các cuộn giấy cói chép kinh Torah của Do Thái giáo ngày nay.
Quyển sách mắc nhất thế giới
Sau một vài lần đổi chủ, bản chép tay cổ (codex) nói trên được đưa đến một đền thờ ở đông bắc Syria. Sau khi nơi này bị phá hủy vào khoảng thế kỷ 13 hoặc 14, quyển sách biến mất trong gần 600 năm, cho đến khi một lần nữa lộ diện vào năm 1929. Kể từ đó, quyển Kinh Thánh Hebrew được viết từ thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10 này thuộc về sở hữu tư nhân, theo Reuters.
Bà Sharon Liberman Mintz, cố vấn kỳ cựu của Nhà Sotheby’s ở khu Manhattan (TP New York, bang New York, Mỹ), cho biết Codex Sassoon được xem là cổ vật đánh dấu lần đầu tiên văn bản được ghi chép dưới hình thức mà con người có thể thực sự đọc và hiểu được. Theo Nhà Sotheby’s, đây là quyển gần như hoàn chỉnh, chỉ thiếu khoảng 5 trang, trong đó có 10 chương đầu của Sách Sáng Thế.
Với kích thước 30 x 35cm, trọng lượng 11,8kg, quyển sách cổ được bọc bằng gáy da nâu từ thế kỷ 20, trên gáy in số 1053 (số danh mục trong bộ sưu tập của học giả người Anh David Solomon Sassoon đã mua sách năm 1929 – vì vậy, tên đầy đủ của quyển sách là Codex Sassoon 1053). Chủ sở hữu hiện tại là nhà tài chính kiêm nhà sưu tầm Jacqui Safra, người Thụy Sĩ. Dự kiến sẽ lên sàn đấu giá vào tháng 5, Codex Sassoon được ước tính trị giá lên đến 50 triệu USD, và cũng là quyển sách hoặc tài liệu lịch sử đắt đỏ nhất từng lên kệ.
Các cuốn Kinh Thánh cổ nhất thế giới
Codex Sassoon còn ghi chép một số câu chuyện bên lề chứ không riêng về nội dung của Kinh Thánh Hebrew, chẳng hạn như cách thức văn bản được chỉnh sửa và truyền lại cho người đời sau theo dạng mà con người biết như ngày nay. Bản Kinh Thánh cổ nhất từng được ghi nhận là các cuộn giấy Biển Chết, có niên đại từ thế kỷ thứ 3 Trước Công nguyên đến thế kỷ thứ nhất Sau Công nguyên. Kế đến là giai đoạn được giới học giả gọi là “gần 700 năm thinh lặng”, hiện chỉ còn vài trang giấy ghi chép được truyền lại.
Trong giai đoạn trên, Kinh Thánh được bảo tồn và truyền miệng. Trong khi các Kitô hữu bắt đầu sử dụng codex (sách chép tay cổ) từ thế kỷ thứ hai, các bản thảo Kinh Thánh lại không xuất hiện cho đến thế kỷ thứ 9. “Mọi chuyện như thể diễn ra từ con số 0 tròn trĩnh và nhảy vọt đến bước 100”, tờ The New York Times dẫn lời chuyên gia Mintz.
“Bạn chứng kiến 7 thế kỷ không có gì cả. Và kế đến bạn phát hiện mình nắm trong tay bản thảo Kinh Thánh Hebrew đầy đủ, có thẩm quyền, được tiêu chuẩn hóa với ngôn từ chính xác”, và tương đồng với phiên bản được đọc và nghiên cứu khắp thế giới ngày nay, bà Mintz cho biết.
Codex Sassoon được viết theo lối văn bản Masoretic, đặt theo tên nhà học giả Masoretes sống ở Palestine và Babylonia vào khoảng thế kỷ thứ 6 đến thứ 9. Ông Masoretes đã nghĩ ra các hệ thống chú giải để đảm bảo rằng văn bản có thể được đọc và truyền lại một cách đúng đắn.
Ngày nay, ngoài Codex Sassoon, thế giới còn sót lại hai bản chép tay Kinh Thánh Hebrew khác, được chép đầy đủ hoặc một phần, vào giai đoạn này. Trong đó, Codex Aleppo đang được bảo quản ở Bảo tàng Israel, chép vào khoảng năm 930. Cuốn này mất gần 2/5 số trang, bao gồm gần như toàn bộ Ngũ Thư. Còn cuốn Codex Leningrad, được cất giữ tại Thư viện Quốc gia Nga ở St. Petersburg, vẫn còn giữ được đầy đủ số trang, nhưng niên đại khoảng năm 1008.
Khi nhà sưu tầm Sassoon mua Codex Sassoon năm 1929, ông cho rằng cuốn cổ thư này có niên đại vào thế kỷ thứ 10, có nghĩa là có sau Codex Aleppo. Phải đến thập niên 1960, giới học giả mới bắt đầu cho rằng Codex Sassoon có lẽ được chép sớm hơn. Kết quả phân tích đồng vị do chủ sở hữu hiện tại thực hiện với sự giám sát của Nhà Sotheby đã xác nhận đây là cuốn Kinh Thánh Hebrew cổ nhất và gần như hoàn chỉnh.
Cách đây 2 năm, một ủy ban được thành lập để định giá tài liệu quý, đối chiếu với các kỷ lục trước đó về sách cổ đắt nhất thế giới. Năm 1994, tỉ phú Bill Gates, đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, đã mua Codex Leicester, một bản chép tay của bậc thầy Leonardo da Vinci, với giá 30,8 triệu USD. Gần đây hơn, vào tháng 11.2021, nhà đầu tư Ken Griffin bỏ ra 43,2 triệu USD để mua ấn bản đầu tiên của Hiến pháp Mỹ.
Codex Sassoon vẫn thật sự đắt vào thời điểm được chép, khi cần đến da của hơn 100 động vật và chỉ được ghi chép bởi một người duy nhất. “Đây thật sự là tuyệt tác của nghệ thuật chép sách”, bà Mintz cảm thán.
Cuốn Kinh Thánh Hebrew cổ có vẻ như chỉ được triển lãm đúng 1 lần, tại Bảo tàng Anh năm 1982. Trước khi được Nhà Sotheby’s tổ chức đấu giá, Codex Sassoon sẽ được trưng bày tại London (Anh), Tel Aviv (Israel), Dallas, Los Angeles và New York (Mỹ).
LING LANG