THÂN PHẬN TUỔI GIÀ TRONG KIẾP NHÂN SINH
Trong vòng hai tháng vừa qua, tôi vinh dự nhận được hai tấm bằng chúc thọ bảy mươi tuổi, một từ hội Người Cao Tuổi cấp Phường/ Xã, hai là của hội Đồng Hương. Quả thực, bây giờ mình đã được người ta kính trọng gọi là “Cụ” rồi vì đã bước chân vào lớp tuổi xưa nay hiếm. Thất thập cổ lai hy! Chúng ta cũng biết rằng hàng năm người ta chọn ngày 01 tháng 10 để nhắc nhớ và tôn vinh người cao tuổi. “Ngày quốc tế người cao tuổi viết tắt IDOP (International Day of Older Persons) là một ngày hành động quốc tế do Liên Hiệp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ các người cao tuổi trong mọi nước thành viên vào ngày 01 tháng 10 hàng năm”. (Theo Wikipedia)
Nhiều lúc mình tự hỏi, liệu bảy mươi đã là già chưa? Lấy gì làm tiêu chuẩn để đo cái già của mình bây giờ? Thời gian chỉ là một số đo ước lệ. Người ta thường nói, “càng già, càng dẻo, càng dai…” để ám chỉ rằng cái mà người ta tưởng “già-hết-đát” thì không hiển nhiên áp dụng cho hết mọi lão-nhân được. Trên thực tế, có nhiều người già mặc dù đã trên dưới một trăm tuổi nhưng có thể làm được những chuyện phi thường mà người trẻ không làm được, như khiêu vũ, chơi piano, nhảy dù, chạy ma-ra-tông, thực hành Yoga, lặn sâu dưới biển vv.
Có người đã nói, “Khi người ta 20-30 tuổi thì người ta còn quá trẻ, 30-40 tuổi thì đang trẻ, 40-50 tuổi hãy còn trẻ, 50-60 trẻ lạ lùng, 60-70 tuổi là trẻ không ngờ và sau 70 là trẻ vĩnh viễn…Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có ý kiến sau: ‘Nói với một người trẻ rằng tôi già rồi em ạ, là vô lễ. Không có già, không có trẻ’ “. [1]
Vậy thì chẳng có lý do gì phải bận tâm về cái “già” của mình cả. Cũng chẳng phải mặc cảm về cái tấm thân gầy héo hay mái tóc bạc phơ làm gì, chẳng qua đó chỉ là dấu ấn của thời gian mà thôi.
Quả thật, “Con người sinh ra, sống và phải già đi, đó là lẽ thường trong cuộc sống con người, nhưng tuổi già phải có một cái gì để lại. Vì thế George Granville nói: ‘Tuổi trẻ là mùa của yêu thương, tuổi già là mùa của đạo đức. Tuổi già có thể trở thành một giai đoạn quý nhất của cuộc đời. Có người nói: Chúa định cho sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ là ở thể chất. Nhưng sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi già là trong tâm linh’. Đức thánh GH Gioan Phaolô II, dù đã già nua nhưng người cũng vẫn là một thần tượng cho cả giới trẻ cũng như giới già. Vì thế, trong cuốn ‘Phẩm Giá của Người Già’ (The Dignity of Older People) có đoạn viết như sau: ‘Đức thánh GH Gioan Phaolô II sống tuổi già của người với sự tự nhiên thoải mái dễ chịu. Người không che giấu gì hết, mà còn biểu lộ ra cho mọi người biết. Với sự hết sức chân thành, người nói: ‘Tôi là một linh mục già yếu’. Người sống tuổi già của người trong niềm tin. Người không hề để người bị giới hạn bởi tuổi tác”. [2]
Con người, dù không muốn già, cũng phải gánh lấy tuổi già theo năm tháng của cuộc đời này. Tuổi già có những đặc điểm mà những lứa tuổi khác không có được. Đó vừa là niềm hạnh phúc an nhiên nhưng cũng là niềm khắc khoải âu lo, vì tuổi già vừa là ân huệ, đồng thời cũng là một thử thách đáng sợ. Như câu nói sau đây: “Tuổi già giống như một chiếc máy bay xuyên qua cơn bão. Nếu một lần bạn cất cánh thành công, thì không có điều gì là bạn không thể làm được” (Golda Meir).
TUỔI GIÀ TRONG TỨ KHỔ (SINH-BỆNH-LÃO-TỬ)
Khi nói đến tuổi già, người ta thường nhắc đến bốn cái khổ của kiếp làm người, đó là sinh, bệnh, lão, tử. Lão là một cái khổ mà bất cứ ai cũng cảm nhận rõ ràng nhất. Cái khổ của người già lại trở nên bi đát hơn khi nó gắn liền với hai cái khổ kia, đó là bệnh và tử. Nói về bệnh của người già, ta không thể không nói đến những căn bệnh thể xác và căn bệnh tâm thần.
Khi bắt đầu tuổi sáu mươi, cơ thể lão hóa dần dần, các bệnh tật ồ ạt kéo tới. Tuổi này bắt đầu gọi là tuổi già hay tuổi cao niên và khi qua đời người quá cố sẽ được phong cho hai chữ “Hưởng thọ”.
Thực vậy, “Ở tuổi này, cả cơ thể và tinh thần đều thay đổi, da nhăn, tóc bạc, đi đứng cũng chậm chạp, mắt mờ, tai lãng, sức yếu cùng với xuất hiện những tâm lý cô đơn, bi quan, nóng nảy, đa nghi… Những khủng hoảng tâm lý càng ngày càng tăng lên theo tuổi tác rõ nét nhất là khoảng 80 tuổi. Người về già cũng như một em bé, thân thể yếu đi, phản ứng chậm, người già cần một thời gian lâu để ghi nhớ dữ kiện, suy nghĩ và thời gian trả lời lâu hơn. Đặc biệt con người càng về già trí nhớ suy giảm rất hay quên, thiếu sự chú ý, dễ mắc hội chứng Alzheimer, không nhớ để đồ dùng ở đâu. Xương cốt yếu đi, hay đau nhức xương, đi đứng chậm chạp, dễ té ngã vì thế trong phòng tắm cần có biện pháp phòng ngừa trơn trợt” vv. [3]
Bệnh tật đối với người già thiết thân như bóng với hình. Mỗi khi gặp người lớn tuổi, ta chào hỏi, “Ông/ bà khỏe không?”, thì câu trả lời luôn là “Yếu lắm!”.
. Cái yếu nơi người già thấy rõ nhất là đi đứng khó khăn, vận động chậm chạp, không vững vàng như tuổi trẻ, nên nhiều trường hợp phải dùng đến cây gậy, như là cái chân thứ ba để trợ giúp.
. Cái yếu tiếp theo là về con mắt và lỗ tai. Nghe kém, nhìn kém. Trong nhiều trường hợp, các cụ phải dùng kính để xem cho rõ và dùng máy trợ thính để nghe rõ hơn. Thông thường thì cả thính lực và thị lực đều giảm sút đáng kể. Đó là cái bất tiện khá lớn của tuổi già.
. Cái yếu nữa là về giấc ngủ. Tuổi già sẽ không bao giờ ngủ sâu và ngủ lâu như tuổi trẻ. Thường thì có được giấc ngủ ngắn vào lúc khuya và chập chờn cho tới sáng. Các cụ ông lại phải chiến đấu với căn bệnh của tuyến tiền liệt, nên phải thức giấc để đi tiểu tiện nhiều lần trong đêm. Không gì cưỡng lại được. Dỗ được giấc ngủ đã khó, vậy mà hàng đêm cứ phải lóp ngóp dậy để đi vệ sinh năm ba lần, ôi thôi đâu còn ngủ nghê gì được nữa. Nhưng riết rồi cũng quen. Tất cả trở thành chuyện bình thường.
. Cái yếu đặc trưng của người già thuộc về trí nhớ. Dường như vấn đề trí nhớ của các cụ thường bị xuống cấp trầm trọng. Có cụ nói trước quên sau. Có cụ chuyện cũ xưa thì nhớ và kể lại vanh vách, còn chuyện mới xảy ra thì chẳng còn nhớ gì. Mới nghe xong mà cứ hỏi đi hỏi lại như chưa nói gì…Tất nhiên trong cuộc đối thoại, người nghe sẽ phải kiên nhẫn và thông cảm lắm, nếu không câu chuyện sẽ rơi vào bế tắc!
Có người đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân, như sau: “Cảm nghiệm hiển nhiên về vấn đề này là người già bắt đầu quên, bắt đầu lẩm cẩm. Kinh nghiệm bản thân, có những lần rõ ràng khi ra khỏi nhà, đã khóa cửa cẩn thận, mà khi đã đi được một đoạn đường, sao tự nhiên mình quên hẳn không nhớ ra là đã khóa chưa; thế là buộc lòng phải quay trở lại… tôi có thể nghĩ khá lâu mới nhớ được tên một người bạn, quên ngay một việc mình định làm, tìm không thấy đồ vật mình vừa đặt xuống, không nhớ mình đã làm việc đó chưa, nhưng một lúc sau thì có thể nhớ lại”. [2]
. Còn cái yếu nữa của tuổi già không thể không nói tới. Đó là vấn đề ăn uống. Người già thường than thân trách phận là, lúc còn trẻ ăn được thì không được ăn, đến khi về già thì được ăn nhưng lại không ăn được. Đó là sự thật hiển nhiên. Vì khi đã lớn tuổi, việc ăn uống trở nên khó khăn. Răng thì rụng dần, nếu còn lại cái nào thì cũng lung lay, tê buốt. Có cụ không còn cái răng nào, gọi là móm, có cụ còn vài cái nhưng vấn đề nhai, nuốt trở nên khó khăn. Thậm chí việc uống nước hay các chất lỏng khác có khi cũng còn bị sặc. Do đó, người già thường ăn uống được ít, dẫn đến cơ thể suy kiệt và bệnh tật gia tăng.
TUỔI GIÀ VÀ BỆNH TẬT
Nói về bệnh tật của người già sẽ không bao giờ là chuyện dư thừa, bởi bệnh tật luôn gắn với tuổi già. Quả vậy, “Riêng thực trạng sức khỏe và người cao tuổi ở nước ta luôn cần được quan tâm. Nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu đựng 14 năm bệnh tật hành hạ trong tổng số 73 năm của cuộc đời với ít nhất 3 bệnh cần điều trị và khoảng 2,4 ngày bệnh mỗi tháng. Trái ngược với con số 5,7% người lớn tuổi khỏe mạnh thì có đến 60% người già có sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần được chăm sóc đặc biệt, hơn thế nữa, việc chữa trị không chỉ tốn kém, khó khăn mà có nhiều trường họp cần phải chạy chữa suốt đời”. (Nguồn: Internet)
Khi bước vào bệnh viện, ta thấy những khu vực khám – điều trị các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp, tiết niệu lúc nào cũng chật cứng người già. Điều này cũng không gì lạ cả, vì khi tuổi của chúng ta càng cao thì nhiều chức năng của cơ thể càng bị suy giảm, sức khỏe càng yếu dần. Chính vì thế, người lớn tuổi dễ mắc bệnh và bệnh mạn tính cũng thường hay bị tái phát.
Có thể tạm liệt kê như sau: [4]
Bệnh về hệ thần kinh trung ương: hầu hết người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần nên làm cho trí nhớ kém, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như: Parkinson hoặc Alzheimer.
Bệnh về hệ thống tuần hoàn: trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp…chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trong một số trường hợp, các loại bệnh này thường thấy ở những người béo phì, nghiện bia, rượu chiếm tỷ lệ cao hơn những người không nghiện bia rượu.
Bệnh về hệ hô hấp: bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những bệnh gặp khá nhiều ở người cao tuổi, nhất là ở những người có tiền sử hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào, những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều…
Bệnh về hệ xương khớp: đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gút làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời thiết. Thoái hóa khớp gối, gây biến chứng cứng khớp gây đau khớp gối và vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy. Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc.
Bệnh về đường tiêu hóa: Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Táo bón là một bệnh do nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó có một lý do mà người cao tuổi hay gặp phải là ít vận động. Người cao tuổi thường ngồi một chỗ thêm vào đó ít ăn rau, uống ít nước cho nên phân ứ lại lâu ngày ở trực tràng làm cho các mạch máu trực tràng giãn ra gây nên bệnh trĩ. Người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính. Các loại bệnh dạng này thường làm cho người cao tuổi rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh tật phát sinh.
Bệnh về hệ tiết niệu – sinh dục: Người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu – sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Những bệnh về sinh dục – tiết niệu thường có hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt, tiểu són, nhất là vào ban đêm gây nhiều phiền toái cho người già.
Ngoài ra, ở người cao tuổi cũng thường bị rối loạn một số chỉ số về mỡ máu (cholesterol, triglycerid), rối loạn về chức năng gan (SGOT, SGPT), đái tháo đường vv.
Như trên đã nói, bệnh tật đối với người lớn tuổi thiết thân như người bạn đời. Dù không muốn hay không thích, chúng ta cũng phải “sống chung với lũ”. Vì thế thái độ thích hợp nhất của người già là chấp nhận bệnh tật và sống lạc quan. Chẳng hạn có ý kiến sau đây:
“Khi nói về sức khỏe người già hay hạnh phúc của người già, các nghiên cứu tổng kết đã đưa ra những khái niệm như ‘sức khỏe tương đối’. Sức khỏe chỉ cần tương đối thôi chứ nếu như mình đã 60, 70 tuổi mà mình muốn khỏe như một chàng thanh niên 30 tuổi thì không được rồi, mình phải chấp nhận. Nếu mình 60 tuổi rồi mà cứ ngồi tiếc mãi hồi 45, rồi lúc 70 tuổi ngồi tiếc mãi hồi 60, rồi khi mình 75 lại tiếc mãi hồi 70 tuổi…thì thật không nên. Phải biết sống ‘ở đây và bây giờ’ thôi. Mình tiếc mãi rồi mình khổ mãi…Cho nên người ta nói mình ở tuổi nào thì tuổi đó là tuổi hạnh phúc nhất, tốt nhất, muốn nhỏ lại hay lớn lên đều không được. Mình phải thưởng thức ngay lúc đó, ngay tuổi đó thì mình mới có thể hạnh phúc”. [1]
Bên cạnh chuyện bệnh tật của người già, chúng ta không thể không nói tới những đặc điểm về tâm lý, tinh thần của người cao tuổi. Mỗi khi gặp người lớn tuổi, ta thường nghe lời than thở “Chán lắm!”. Chán đây là biểu lộ tâm trạng cô đơn, tinh thần bi quan, cùng với tâm lý buồn chán thất vọng.
. Chán trước hết là vì phần đông người già luôn cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Cô đơn là trạng thái tâm lý người lớn tuổi dễ mắc phải. Có người cô đơn vì hoàn cảnh riêng phải sống lủi thủi một mình, không người thân hay con cháu bên cạnh. Người ta gọi đó là tình trạng người già neo đơn.
Cũng có trường hợp, cha mẹ lớn tuổi có điều kiện ở chung với con cháu nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Do hoàn cảnh kinh tế, xã hội, con cháu phải đi làm, thường xuyên vắng nhà, còn ông bà/ cha mẹ thì chỉ biết lủi thủi trong nhà, nên cảm thấy như bị bỏ rơi, bị giam lỏng. Những lúc gia đình đoàn tụ, như trong bữa cơm tối chẳng hạn, thì người trẻ say mê nói chuyện làm ăn, buôn bán, trong khi người già cảm thấy lạc lõng, dường như họ thuộc về một thế giới khác, khó hòa nhập được. Họ sống khép kín và thu mình. Từ đó phát sinh tâm trạng tủi thân, rồi cũng vì thế người già dễ dàng mắc chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, nói về cuộc sống của người già, nhiều người đặt câu hỏi, vậy người già có thực sự cô đơn hay không? Thực ra, cô đơn hay không, cũng tùy từng người, từng hoàn cảnh và từng nếp sống. Tại VN ngày nay, ở thành thị cũng như nông thôn, người ta lập những câu lạc bộ giúp người già có điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí như khiêu vũ, đánh cờ, tập dưỡng sinh, tập múa, tập hát, tập đàn, diễn văn nghệ vv.
Hiện nay, cũng có nhiều người già ham mê đọc sách, viết sách, nghiên cứu, học hỏi. Có cụ đã ngoài 70, 80 mà vẫn cắp sách tới giảng đường đại học. Mặt khác, cũng có nhiều người lớn tuổi khá hài lòng với cuộc sống lặng lẽ, êm đềm, thảnh thơi của họ. Họ dành thời gian đi thăm bạn bè già, chăm sóc cây cảnh, nuôi chim cảnh, cá cảnh vv. Ngoài ra, nhờ sự phát triển của cách mạng công nghệ khiến việc kết nối với xã hội trở nên đơn giản và gần gũi, người già có điều kiện sử dụng internet, tham gia mạng xã hội như facebook, nhờ đó cuộc sống trở nên phong phú, gần gũi và hấp dẫn không kém.
Một vài địa phương, chính quyền và các nhà hảo tâm có sáng kiến chung tay xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc người già. Các cụ đến đây sống và sinh hoạt như nhà của mình, nhờ đó họ thoát cảnh cô đơn lẻ loi.
. Chán vì mang mặc cảm tự ti, thiếu tự tin. Người lớn tuổi thường mang mang mặc cảm tự ti và tỏ ra thiếu tự tin là vì tuổi già sức yếu, họ không còn khả năng làm những việc mà khi còn trẻ họ đã làm một cách dễ dàng, hiệu quả. Chẳng hạn, khi trẻ họ có thể chạy xe gắn máy cả trăm cây số mà không mệt, bây giờ thì chào thua. Ngày trước, người ta có thể leo trèo, chạy bộ, lao động chân tay hàng giờ mà không mỏi mệt, nhưng bây giờ thì vô phương. Thậm chí đi lên xuống cầu thang trong nhà cũng phải đứng lại nghỉ mệt, hơi thở thì hổn hển.
Quả đúng như câu nói, “Lực bất tòng tâm”. Ngạn ngữ Pháp cũng có câu nói tỏ ra tiếc nuối cho tuổi già, nói lên sự bất lực của tuổi già,“Si jeunesse savait, Si vieillesse pouvait!” (Nghĩa là: Ước gì tuổi trẻ giàu kiến thức và ước gì tuổi già giàu năng lực). Đúng thế, tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, non kiến thức và tuổi già thừa kinh nghiệm, giàu hiểu biết, nhưng sức lực thì đã quá hư hao theo ngày tháng phôi pha. “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”. (Nguồn: Internet)
. Chán vì thường xuyên lo sợ và lo lắng. Có thể nói, lo lắng và lo sợ là dấu hiệu đặc trưng của tuổi già. Khi còn trẻ người ta vô tư trước mọi biến chuyển, mọi thay đổi, mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng về già, xem ra cái gì chúng ta cũng sợ hãi, lo lắng. Lo lắng chuyện mưa nắng, giông bão, lũ lụt. Lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc. Lo lắng chuyện ốm đau, bệnh tật. Lo lắng chuyện của con cháu. Lo lắng chuyện thời thế, chính trị vv.
Bên cạnh tâm trạng lo lắng linh tinh, người già còn dễ rơi vào tình trạng lo sợ vu vơ nữa. Lo sợ đi máy bay vì máy bay rớt. Lo sợ đi xe đò vì có thể bị đụng xe. Lo sợ đi một mình vì lạc. Lo sợ nhiều nhất vẫn là lo cho sức khỏe của mình vì cảm thấy gần đất xa trời. Thường xuyên bị ám ảnh bởi cái chết, người già thường sống trong bất an. Phải chăng thân phận của lứa tuổi gần đất xa trời là như vậy!?
. . . . . . . . . . . . . . . .
Thực ra, nếu nhìn tuổi già trong toàn cảnh cuộc đời thì ta sẽ thấy rằng chính giai đoạn tuổi cao niên, con người mới thực sự là chính họ. Họ hiểu chính bản thân họ với thân phận làm người trong kiếp sống ngắn ngủi. Họ hiểu giá trị cuộc đời hơn. Họ hiểu hạnh phúc là gì và đến từ đâu. Họ biết trân trọng những biến cố vui buồn trong cuộc sống, bởi đó chính là nét đẹp đa sắc màu của kiếp nhân sinh. Có câu nói sau: “Hãy có thời gian cho cả công việc và hưởng thụ; khiến mỗi ngày vừa hữu ích vừa thoải mái, và chứng tỏ rằng bạn hiểu giá trị của thời gian bằng cách sử dụng nó thật tốt. Và rồi tuổi trẻ sẽ tươi vui, và tuổi già không có nhiều hối tiếc, và cuộc đời sẽ là một thành công tươi đẹp” (Louisa May Alcott).
ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI cũng đã nhắn nhủ người già là đừng nhìn lại quá khứ để thương tiếc trong sự sầu muộn, để rồi coi giai đoạn sống hiện nay như thời xế chiều. Ngài nhấn mạnh rằng: “Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng. Đừng bao giờ để cho mình bị khép kín trong sầu muộn! Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sống lâu. Sống, thật là điều tốt đẹp, kể cả với lứa tuổi chúng ta, mặc dù có một số khó khăn và giới hạn. Ước gì trên khuôn mặt chúng ta, luôn có niềm vui vì cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và không bao giờ buồn sầu”./. [2]
Aug. Trần Cao Khải
_____________
[1] x. BS Đỗ Hồng Ngọc – Nếp sống an lạc – NXB Văn hóa Văn nghệ TP. HCM năm 2016 [2] Vũ Huy Thiện – Tuổi già – Nguồn: gpcantho.com