Tâm tình độc giả

Thói háo danh

Thói háo danh

Đa phần mỗi người đều có nhu cầu trở thành người có giá trị, có ảnh hưởng và đóng góp cho cộng đồng, bằng cách tìm kiếm cái danh cho riêng mình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm cái danh bằng mọi giá hay còn gọi là háo danh, đã và đang gây nhiều hậu quả tiêu cực cho cá nhân và xã hội.

thói háo danh.jpg

Còn nhớ năm 2019, một người đàn ông tên Lê Hoàng Anh Tuấn tự nhận là nhà báo quốc tế, Tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh, đến nói chuyện với học sinh tại trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghệ An) trong một buổi ngoại khóa. Điều đáng nói là những danh xưng, học vị và giải thưởng hoành tráng được ông Tuấn sử dụng đều gây nghi ngờ cho người nghe, đặc biệt là danh xưng “nhà báo quốc tế”. Sau phát hiện ra, những chức danh, giải thưởng này đều là khai man, không xác thực hoặc được cấp bởi một tổ chức vô danh.

Đối với những người thường xuyên theo dõi Showbiz, không thể quên đi sự ngạo mạn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi làm một bộ phim tiểu sử về cuộc đời mình, lấy cái tên Hào quang rực rỡ, tựa tiếng anh “The King” (dịch: Vua). Việc tự xưng mình là vua khiến nam ca sĩ gặp phải những phản ứng gay gắt từ phía dư luận và trở thành tâm điểm phê phán của công chúng.

Hay trong ngành giáo dục, trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại đại học Đông Đô (Hà Nội), phát hiện tới 55 cá nhân sử dụng bằng giả do đơn vị này cấp. Những sai phạm này được đánh giá là quá nguy hiểm cho xã hội, bất chấp đạo đức, quy định của pháp luật.

Háo danh không phải là một hiện tượng xã hội mới, tuy nhiên nó đang ngày càng trở nên lan rộng và phổ biến, trở thành một vấn nạn khó để giải quyết triệt để, gây nhiều hậu quả tiêu cực cho cá nhân và xã hội.

Khi nói đến thói háo danh, người ta nghĩ ngay đến việc coi trọng quá mức danh tiếng, chức vị, bằng cấp, bất chấp những sai trái, bất công, thậm chỉ là chịu khổ để đạt được những điều mong muốn.

Thói háo danh xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Điển hình như trong lĩnh vực nghệ thuật, họ bị ám ảnh bởi việc trở nên nổi tiếng, được biết đến rộng rãi và khán giả thương yêu, họ luôn có xu hướng so sánh với người khác và tự ti khi không đạt được những sự chú ý như mong muốn. Chính vì thế, họ có thể bất chấp làm mọi thứ để đạt được những điều đó.

Nguy hiểm hơn, trong lĩnh vực học thuật, bằng cấp, học vị làm cho họ bị ám ảnh phải đạt được bằng được bằng mọi giá, như trong vụ bằng giả của Đại học Đông Đô. Người ta có thể lợi dụng những chức vị đó nhằm thực hiện hành vi xấu, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Hệ lụy của thói háo danh dẫn tới việc khi giao việc, năng lực sẽ không tương xứng với thực tế, từ đó ảnh hưởng xấu tới công việc chung, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và hành chính công. Hơn nữa, những người có năng lực thật sự sẽ cảm thấy tiêu cực, mất ý chí phấn đấu, dẫn tới nhiều hệ lụy khác nữa trong xã hội.

Nguyên nhân của thói háo danh đến từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, áp lực từ phía gia đình, áp lực đồng trang lứa khiến nhiều người ép mình phải đạt được cái danh cho riêng mình, bất chấp mọi thủ đoạn để được người khác ngưỡng mộ.

Ngoài ra, khi đồng tiền là thứ đang chi phối xã hội, là thước đo của sự thành công đối với nhiều người, cho rằng tiền có thể mua được tất cả, thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, dù là danh vọng, quyền lực,…Họ bất chấp, kể cả bán rẻ danh dự và lương tâm để kiếm cho mình một danh hiệu, nhằm dễ dàng kiếm tiền, dù là lừa đảo, lợi dụng người khác.

Vấn đề cốt lõi đáng nói đến chính là từ sự giáo dục. Nhiều người không được tiếp cận với giáo dục về phẩm giá con người, về sự tự lập, tự quyết và tự do là bản chất của con người. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch, quan niệm sai trái trong xã hội, xem nhẹ danh dự của bản thân do không có kiến thức sâu rộng hay tư duy phản biện.

Cần nghiêm túc xem thói háo danh là một vấn đề nghiêm trọng, cần được quan tâm và giải quyết một cách triệt để. Mỗi người cần rèn luyện lối sống giản dị đi kèm những lý tưởng cao đẹp, sống giây phút hiện tại, trân trọng những gì mình đang có, tránh so bì với người khác.

Đối với xã hội, cần có những biện pháp xử lý mạnh tay đối với những hành vi lợi dụng chức vị để gây ra hành vi phạm tội. Ngoài ra, cần tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Cần giáo dục về những giá trị cốt lõi của con người, tạo điều kiện cho người học phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Cái danh nếu được khẳng định bằng năng lực cá nhân, được xã hội công nhận thì mới là chính đáng, giúp con người trở nên có giá trị và đóng góp được nhiều cho cộng động. Nếu để cái danh trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, đi lệch hoàn toàn giá trị đích thực.​

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!