Tòa Án Hôn Nhân là một tòa án theo giáo luật có mục đích cứu xét những cuộc hôn nhân đổ vỡ. Các giáo phận đều có tòa án này, với nhân viên là những linh mục hay giáo dân.
Không giống như tòa án dân sự, tòa án tiêu hôn của Giáo Hội Công Giáo không có chuyện giáp mặt người phối ngẫu cũ, thuê luật sư, không lo có chuyện thương tâm xảy ra như quyền coi giữ và thăm viếng con cái, trợ cấp cho con cái và cho vợ/chồng cũ, chia gia tài, tiền thù lao cho tòa, và cũng không có chuyện bồi thường, sửa sai, v.v…
- Tòa án tiêu hôn
Tòa án tiêu hôn gồm:
Chánh thẩm (Presiding Judge)
Ðức Giám Mục là vị chủ tịch tòa án, tức là vị chánh thẩm; nhưng trong thực tế Ngài thường ủy nhiệm cho người khác.
Thẩm phán (Judges)
Ðây là các linh mục, cũng là chuyên viên giáo luật, xét xử các vụ tiêu hôn hóa hôn ước.
Vị Bảo hệ (The Defender of the Bond)
Vị này đòi bằng chứng hiển nhiên, và liệu sao cho vụ nào còn mập mờ thì không được phê chuẩn. Nhiệm vụ của ngài không phải có ý cản một án lệnh tiêu hôn cho bằng kiểm soát để nếu lệnh đó có được ban thì phải chắc chắn theo luật căn bản luật pháp.
Chưởng lý (Promoter of Justice)
Ðây là người bảo vệ công ích, bảo đảm để vụ án không gây gương mù.
Luật sư (Advocate)
Ðây là vị biện hộ cho nguyên đơn. Nói chung, luật sư thường là linh mục hay giáo dân, đều ủng hộ bên nguyên đơn.
- Những bước đầu để tiêu hôn
Trước khi đâm đơn, phải giải quyết xong 2 vấn đề tiên quyết: đã li dị, và chọn tòa án.
Không tòa án nào xét đơn xin tiêu hôn trước khi các nguyên đơn đã nhận được giấy li dị, tức là đôi bên phải quyết chắc không còn chút hy vọng cứu vãn sự tan vỡ.
Người xin tiêu hôn chỉ được đâm đơn tại giáo phận của mình khi hai bên cùng cư trú trong một giáo phận. Nếu khác giáo phận, phải đệ đơn lên tòa ở giáo phận mà bị đơn có cư sở hay bán cư sở. Tuy nhiên, có thể tiến hành thủ tục ngoài vùng cư sở của bị đơn khi có sự ưng thuận của tòa án phía bị đơn nếu cư sở bên nguyên có lý do thích hợp.
III. Thủ tục tiêu hôn
- Việc tiếp xúc đầu tiên
– Cha sở: Thường các nguyên đơn bắt đầu trình bày trường hợp mình với cha sở. Ngài sẽ liên lạc với tòa và giúp điền đơn. Nhiều khi việc tiếp xúc với cha sở trở thành cuộc phỏng vấn thứ nhất, không phải nói chuyện với nhân viên của tòa. Có nơi cha sở được huấn luyện giữ vai luật sư, khi ấy bầu khí ấm cúng, dễ thông cảm và vụ án tiến triển mau lẹ hơn.
– Tiếp xúc thẳng với tòa án: Nếu nguyên đơn thấy khó làm việc chung với luật sư của mình thì tòa án chính là nơi họ nên nhờ cậy. Khi tiếp xúc với tòa án, nguyên đơn có thể liên lạc trực tiếp với văn phòng của tòa, hay liên lạc với văn phòng chưởng ấn tòa Giám Mục giáo phận.
- Ðơn thứ nhất và cuộc phỏng vấn
- Ðơn thứ nhất: Ðơn này gồm những chi tiết:
– Chứng chỉ Rửa Tội.
– Tôn giáo của người phối ngẫu cũ.
– Ngày và nơi cử hành hôn lễ.
– Ðã li dị thì ngày và nơi nào, dựa căn bản nào.
– Ðã đem đơn xin tiêu hôn tại tòa án nào chưa.
- Phỏng vấn: Nguyên đơn sẽ được tòa phỏng vấn, hoặc bởi cha sở hoặc luật sư của tòa án.
- Các tài liệu và chứng liệu phải nộp
- Ðơn xin và lời phát biểu
Trong đơn sẽ có các câu hởi về những căn bản khác nhau đã khiến hôn ước bất thành.
Ðương sự sẽ được yêu cầu giải thích tại sao họ cảm thấy hôn ước của mình bất thành, và dựa trên căn bản nào họ cho rằng có đủ điều kiện để được tiêu hôn hóa.
Ðương sự cũng được yêu cầu phát biểu cảm tưởng về hôn ước cũ; về thời kỳ theo đuổi nhau (courtship), thời kỳ đính hôn, tuần trang mật, đời sống gia đình, những bất thường, xa cách, li dị, và sự liên lạc hiện tại với người vợ/chồng cũ theo những căn bản họ dựa vào để xin tiêu hôn. Khi đã phát biểu cảm tưởng, họ có thể được yêu cầu xin thị thực (notarized) lời phát biểu của mình.
Bốn chỉ dẫn cho lời phát biểu:
(1) Ðủ lời, giới hạn trong phạm vi đã dành cho, thường dài từ 3 tới 6 trang.
(2) Tả đầy đủ và rõ ràng. Nên hỏi ý kiến cha sở hay luật sư xem phải viết gì.
(3) Nhấn mạnh đến mối liên hệ trước khi cưới, thời đính hôn và chính ngày cưới. Về sau ngày cưới, nêu ra những trục trặc có lẽ đã manh nha trước ngày cưới.
(4) Lập trường thuần nhất.
- Nhân chứng
Hầu hết các vụ tiêu hôn theo thể thức cần 3 nhân chứng. Nguyên đơn phải chứng minh hôn ước cũ tiêu hôn. Tuy nhiên, các nhân chứng không buộc biết hết các chi tiết riêng tư, chỉ những biến cố hoặc những cuộc đối thoại hỗ trợ phần chứng minh cho vụ án theo như họ biết.
Các nhân chứng không cần ra hầu tòa. Tòa sẽ gửi cho họ bản câu hỏi tỉ mỉ đề cập đến những căn bản viết trên giấy.
- Những tập tài liệu cần thiết
Phần lớn các giấy tờ này gồm:
(1) Bản sao Chứng Chỉ Rửa Tội (và Thêm Sức nếu có thể).
(2) Các bản sao Chứng Chỉ Hôn Ước cũ, cả đạo và đời.
(4) Bản sao giấy li dị (và có thể một số thủ tục).
(4) Các giấy bác sĩ hay nhà thương có chữ ký, và có thị thực nữa càng tốt, sẽ rất hữu dụng.
Sau khi nộp đơn thì chờ kết quả cuối cùng, có thể được thông báo, bằng giấy tờ, khoảng 6 tháng sau khi đơn được chính thức chấp nhận để xét.
- Diễn tiến tại tòa án
- Ðịnh phiên tòa
Khi mọi giấy tờ cần thiết cho vụ xin tiêu hôn đã đủ, một phiên tòa sẽ được chỉ định với những thành phần như sau:
- Các thẩm phán
Mỗi tòa có từ 1 đến 3 thẩm phán tùy nơi và tùy trường hợp.
- Vị bảo hệ
Vị này đòi các bằng chứng và luận cứ bênh vực việc xin tiêu hôn phải được trình bày chặt chẽ rõ ràng; vạch ra những sơ hở, chỉ chích căn bản không chính xác, và tổng quát, làm luật sư của nguyên đơn phải tỉnh thức… Nhưng nếu thấy phán quyết tối hậu có bằng chứng chắc chắn thì không phản đối nữa.
Trước khi áp dụng thủ tục (American Procedural Norms), mỗi vụ đều bị vị Bảo Hệ đòi xử lại lần thứ hai gọi là kháng án.
- Luật sư của nguyên đơn
Luật sư của nguyên đơn chính là người đã cùng làm việc với họ từ đầu, được tòa chính thức chỉ định đại diện cho nguyên đơn.
- Còn một chữ ký
Khi phiên tòa được ấn định, nguyên đơn phải ký nhận để luật sư đại diện cho mình. Ðây chỉ là chuyện hình thức, nhưng phải có. Thí dụ, nếu nguyên đơn vắng nhà lâu khi tòa xử mà không có giấy ủy quyền cho luật sư thay mặt thì tòa sử đình hoãn. Tại một số nơi, nguyên đơn ký nhận khi nộp đơn; có khi ngay trong đơn.
- Tại tòa sơ thẩm sẽ quyết định xem
(1) Tòa có quyền tài phán đối với vụ án không?
(2) Hồ sơ đã trình bày đầy đủ những căn bản chưa?
(3) Ðã sẵn sàng các bằng chứng chưa?
(4) Những căn bản đặc biệt cho vụ án là gì?
Nếu trả lời cho 1 trong 3 câu đầu là không, thì phải đình xử. Nhưng chuyện này khó xảy ra, vì nếu có thì nguyên đơn đã được báo cho biết ngay từ đầu.
- Thu thập chứng liệu
- Tiếp xúc bị đơn
Tòa phải liên lạc để báo cho biết thủ tục tiêu hôn hôn ước đang tiến hành, và dựa trên căn bản nào. Bị đơn phải có đủ thời gian để phúc đáp. Theo giáo luật hiện hành, địa chỉ của bị đơn phải biết để xem tòa định xử có thích hợp không.
Theo kinh nghiệm, hầu hết bị đơn không ngó gì tới những câu hỏi và bản điều tra gửi cho họ, và thường không mấy sẵn lòng ra mặt giúp nguyên đơn. Thực tế mà nói, nguyên đơn có lẽ không nên quá trông cậy vào sự hợp tác của bị đơn trừ khi nhận được sự đồng ý trước của họ.
- Tiếp xúc các nhân chứng
Hầu hết trong các vụ án, các nhân chứng nhận được những bản câu hỏi riêng liên quan đến những căn bản đặc biệt được nguyên đơn chọn. Các nhân chứng thường được yêu cầu điền vào bản câu hỏi này và xin thị thực rồi gửi về tòa án. Có nơi và trong một số trường hợp, các nhân chứng được tòa phỏng vấn.
- Phỏng vấn lần hai
Có thể nguyên đơn được yêu cầu chịu phỏng vấn bởi một chuyên viên tâm lý hay một nhà phân tâm, người này sau này sẽ làm chứng. Ðiều này gần như bắt buộc nếu đơn xin nại vào căn bản tâm lý.
- Ý kiến của chuyên viên ngoài tòa
Trong các vụ án dựa trên căn bản tâm lý, chuyên viên tâm lý không đích thân ra hầu tòa. Nhưng các bằng chứng được thâu tóm rồi được gửi cho chuyên viên tâm lý để nghiên cứu rồi viết ý kiến mình ra. Ý kiến chuyên môn này được đưa làm bằng chứng khi vụ án được xử lần chót.
- Phiên chung thẩm
Khi thu thập xong bằng chứng, nguyên đơn có thể được luật sư của mình cho biết ngày xử phiên cuối cùng, nhưng họ không buộc phải ra hầu tòa.
Vị Bảo Hệ và luật sư của nguyên đơn sẽ trình bày bản toát lược pháp lý trước tòa để nói lên quan điểm của mình. Các thẩm phán phải cố tìm ra sự chắc chắn đạo đức khi quyết định. (Về sự chắc chắn đạo đức (moral certainty), xin xem Huấn Từ của Ðức Piô XII gửi các Giáo Chủ, các Viên Chức tại Tòa Thượng Thẩm Roma – the Sacred Roma Rota -, ngày 1/10/1942, Canon Law Digest, 3, pp. 605-611; av2 Lawrence G. Wrenn, trong Annulments, pp. 135-138).
- Phán quyết
Phán quyết bằng giấy tờ của tòa án là một tài liệu ít gây chú ý nhất của cả lịch trình vụ án tiêu hôn. Ðây thường chỉ là một lá thư ngắn, hoặc một mảnh giấy nhỏ, gửi cho nguyên đơn. Án lệnh này, một văn kiện rât đơn giản và bằng những tiếng vắn tắt nhất, báo cho nguyên đơn biết kết quả việc họ xin tiêu hôn là được hay không.
- Duyệt lại phán quyết và kháng án
Khi nguyên đơn nhận được lá thư chính thức báo cho biết phán quyết của tòa án tức là vụ án đã xong. Việc tiếp liền sau đấy là xét lại phán quyết của tòa sơ thẩm này bởi một nhân vật khác. Một trong hai cách sau đây sẽ xảy ra: tự động duyệt lại, hay là Kháng án.
- Tự động duyệt lại
Giáo luật hiện hành đòi phải xét lại mỗi vụ tiêu hôn. Sự duyệt lại bắt buộc này phản ảnh mối quan tâm của Tòa Thánh về việc ngày càng gia tăng số vụ xin tiêu hôn.
Ðây không phải là việc kháng án lên tòa phá án, nhưng là việc gửi phán quyết của tòa sơ thẩm lên tòa đệ nhị cấp để duyệt lại. Phiên tái thẩm này không được xử ngược lại phán quyết của tòa sơ thẩm, nhưng chỉ là xác nhận hay đòi xử lại vụ án ấy thôi.
- Quyền kháng án của nguyên đơn
Nguyên đơn có thể nại đến tòa đệ nhị cấp nếu việc thỉnh cầu của họ không được tòa sơ thẩm thỏa mãn. Nhưng việc này rất hiếm, vì ít khi có vụ nào đã đủ bằng chứng lại thất bại; hai là nếu không có bằng chứng vững chắc, thì họ đã được khuyên rút đơn từ trước, khi chưa xử phiên chung thẩm rồi.
- Tòa án đệ nhị cấp
Tòa án sẽ báo cho nguyên đơn biết họ đã bị từ chối việc xin tiêu hôn, và cho biết phải kháng án lên tòa nào. Tòa kháng án thường ở tại một giáo phận lân cận.
Chính nguyên đơn phải tiếp xúc với tòa kháng án. Việc kháng án hay xét lại, vì quyền lợi nguyên đơn, không tự động xảy ra nếu nguyên đơn thua cuộc trong vụ vô hiệu; mà chỉ xảy ra nếu họ thắng cuộc và đã đuợc lệnh tiêu hôn. Khi nguyên đơn đã lưu ý tòa kháng án về sự kiện, một nhân viên nào đó do tòa kháng án cử ra sẽ tiếp xúc với tòa sơ thẩm để xin các hồ sơ về vụ đã được xử.
Tòa kháng án sẽ họp, thường trong vòng một tháng, để xem nền tảng thích hợp cho phán quyết có được dùng đến bởi các Thẩm Phán tại tòa sơ thẩm không? Có đủ bằng chứng biện minh cho phán quyết đó chăng? Có vấn đề nào bị bỏ sót hay không được xét đúng mức chăng?
- Tòa án đệ tam cấp
Tòa Thượng Thẩm Rôma được gọi là Tòa Án thứ ba và, theo lý thuyết, một kháng án cuối cùng có thể đệ lên tòa này, và Ðức Thánh Cha sẽ lấy quyền tài phán tối cao để xử vụ án.
Trích Bài Giáo Lý của Mai Thiên Anh