Tôi có quá lo lắng về con mình không?
Marybeth Hicks
Hỏi: Là mẹ của 3 đứa con: 2 bé trai, một 9 tuổi và một 6 tuổi, và bé gái út 4 tuổi. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Không biết là tôi có bị sợ hãi và lo lắng một cách thái quá về sức khoẻ và sự an toàn của con mình không?
Vấn đề này dần trở thành nguyên nhân gây xích mích giữa chúng tôi, vì chồng tôi cho rằng các quy tắc của tôi đối với bọn trẻ là quá khắt khe. Ví dụ, chồng tôi phản đối các quy tắc của tôi về việc bọn trẻ chơi ngoài trời. Trẻ chỉ có thể chơi trong sân có hàng rào; trẻ chỉ được đi xe đạp trong khu phố nếu có người lớn đi cùng và phải đội mũ bảo hiểm; trẻ không được trèo cây hoặc chơi những trò chơi quá năng động… Với tôi, những quy tắc này là để bảo vệ và giữ cho bọn trẻ không bị thương tổn.
Trong khi đó, chồng tôi thì cho rằng bọn trẻ đã đủ lớn để tự sang sân nhà hàng xóm chơi; có thể tự đạp xe chung quanh dãy phố; có thể trèo leo trong mức độ cho phép, và thậm chí còn khuyến khích bọn trẻ thử thách những trò chơi năng động, mạo hiểm… Quan điểm của anh ấy là tạo điều kiện cho bọn trẻ biết cách tự lập, mạnh mẽ và thích nghi với môi trường, vì nếu bao bọc trẻ quá, là tôi đang kìm hãm sự phát triển tự nhiên, và do đó, là đang làm hại bọn trẻ.
Trả lời: Vấn đề của người mẹ đưa ra trên đây không phải là trường hợp cá biệt và nhất là, nó bao hàm nhiều ý nghĩa hơn là chỉ nói về những quy tắc an toàn cho trẻ khi chơi ngoài trời. Là bậc cha mẹ, chúng ta thường có những quy tắc nhằm đảm bảo, bao nhiêu có thể, để tránh cho việc trẻ bị thương tích cũng như gặp phải những rủi ro không cần thiết nhưng vẫn không bỏ qua việc trẻ được vui chơi và tận hưởng tuổi thơ khỏe mạnh, sôi nổi.
Do đó, nếu không để ý, đôi khi những quy tắc của chúng ta bóp nghẹt thay vì hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Chúng ta phải tự vấn: Những quy tắc đó là dành cho ai – cho bọn trẻ hay cho chúng ta?
Thực tế là, nhiều khi vì quá lo lắng, nên một số bậc cha mẹ loại bỏ chính những hoạt động và trải nghiệm vốn sẽ dạy con cái họ trở nên tự chủ, tháo vát, độc lập, và có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Những quy tắc hạn chế mong muốn tự nhiên của trẻ để mở rộng bản thân có thể gửi một sứ điệp mạnh mẽ rằng: Những rủi ro hợp lý là nguyên nhân gây ra sợ hãi. Chẳng hạn, quy tắc cấm trèo cây có thể bộc lộ sự lo lắng về một điều gì đó mà nhìn chung có thể được thực hiện một cách an toàn. Sau này khi lớn lên, sứ điệp về nỗi sợ hãi đó có thể tái xuất hiện khi trẻ miễn cưỡng khám phá một cơ hội mới, tìm kiếm một công việc tốt hơn, hoặc chuyển đến một nơi ở mới.
Thực ra, khi trẻ thành công trong những việc như trèo cây, chơi trò chơi mạo hiểm phù hợp, chúng sẽ có được sự tự tin và lòng tự trọng cần thiết, từ đó, chúng tiếp thu những cảm xúc này, khẳng định sứ điệp rằng chúng có khả năng thành công ở một điều gì đó thoạt đầu khiến chúng rất sợ hãi.
Tôi rất tin tưởng vào chiến lược này đến nỗi tôi được cho là đã để con tôi mắc kẹt ở bậc trên cùng của bộ xích đu ở sân vườn nhà chúng tôi! Tôi nhớ như in, vào một ngày hè, khi đang nói chuyện qua điện thoại với một người bạn trong nhà bếp, tôi nghe thấy tiếng la hét cầu cứu từ sân sau của một trong những đứa con của tôi. Tôi chạy ra và nhìn thấy sự việc: Kate, 7 tuổi, ngồi vắt vẻo trên nóc của cầu tụt, và loay hoay không biết làm thế nào để có thể xuống được. Ngay lúc đó, bất chấp những lời van nài của con bé, thay vì vội vàng giải cứu, tôi đã từ từ hướng dẫn Kate tìm ra cách để hạ đất an toàn. Bọn trẻ thường nghe thấy lời nhắc nhở trấn an của tôi: “Nếu con trèo lên đó được, thì con cũng có thể tụt xuống được!”.
Khi nói đến các quy tắc, thì vấn đề lớn hơn là: Mục tiêu mà bạn muốn dành cho bọn trẻ là gì? Mục tiêu nuôi dạy con cái của bạn là gì? Những quy tắc của bạn sẽ giúp bạn dạy trẻ những bài học nào?
Thiên chức làm cha mẹ của chúng ta không phải là bảo vệ con cái khỏi mọi trải nghiệm tiêu cực có thể xảy ra trong cuộc sống, mà là chuẩn bị cho chúng trở nên mạnh mẽ, dũng cảm, độc lập và tự tin khi đối diện với thế giới xung quanh. Về phương diện tâm linh, chúng ta phải thú nhận rằng: Thiên Chúa biết là chúng ta đau lòng như thế nào khi thấy con cái mình gặp khó khăn, gặp đau khổ. Nhưng chúng ta không được kêu gọi để ngăn chặn sự đau khổ của chúng. Vì thực ra, dù cố gắng đến mấy, chúng ta vẫn nhận ra rằng đó là điều không thể. Trái lại, chúng ta được yêu cầu để yêu thương, dạy dỗ con cái để chúng phát triển nhân cách, lương tâm, và đức tin hầu có thể đối diện với những gì mà cuộc sống mang lại một cách bản lĩnh, khôn ngoan, khiêm tốn, tín trung,…
Theo hướng này, việc trẻ chơi ngoài trời là một cách thực hành tuyệt vời. Khi trẻ còn quá nhỏ, chúng ta cần hạn chế không gian vui chơi của trẻ để có thể giám sát và đảm bảo chúng không gặp nguy hiểm. Nhưng khi trẻ lớn hơn, chúng ta có thể cho trẻ nhiều tự do hơn để chúng có thể thực hành các kỹ năng và thói quen giúp thúc đẩy tính độc lập cao hơn.
Lúc đầu, việc cho phép bọn trẻ mở rộng tầm nhìn của chúng sang khu vực lân cận rộng lớn hơn thay vì chỉ ở trong sự an toàn của sân sau nhà có thể khiến chúng ta lo lắng. Nhưng sau những thành tựu trẻ đạt được trong quá trình trưởng thành – chưa kể đến cảm giác vui vẻ và phiêu lưu, có thêm những người bạn mới,… – là không thể thay thế được.
Thật vậy, một khi thấy con mình dần trưởng thành, có thêm năng lực và tự tin ra sao, bạn sẽ nhận ra rằng: Bạn không cần phải quá lo lắng!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: catholicdigest.com