Trầm cảm – căn bệnh xã hội hiện đại
Tại sao ngày nay có nhiều người, nhất là thanh thiếu niên bị bệnh trầm cảm và không ít người tìm đến cái chết? Bệnh của thời xã hội phát triển chăng, vì thời chúng tôi, lứa tuổi từ 6x, 7x đến 8x đời đầu ít nghe, thấy? Hay là thời ấy người ta chưa đặt tên cho loại bệnh này hoặc truyền thông, báo chí không đưa tin?
Có thể nói, nuôi nấng, dạy dỗ con cái trong thời hiện nay rất khó khăn, phức tạp. Đâu cứ phải cho chúng ăn ngon, mặc đẹp, lo cuộc sống vật chất đầy đủ cho chúng là xong đâu. Phải quan tâm theo dõi tâm, sinh lý của chúng, giúp chúng phát triển vô số kỹ năng sống trên đời. Cứ có cảm giác như chúng rất “mong manh dễ vỡ”, chẳng có một tí “đề kháng” nào trước cuộc sống …
Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng phải nói rằng thời chúng tôi, sống và lớn lên cứ như cây lúa, cây xoài hay con gà con vịt. Mà là lúa ma lúa trời, xoài tự rụng trái mà mọc cây, là gà thả vườn, vịt chạy đồng chứ cũng chẳng phải như các loại “cây” và “con” như bây giờ – có khi phải chăm nó kỹ lưỡng hơn cả chăm người. Chúng tôi sống ở vùng nông thôn. Cha mẹ chúng tôi làm lụng vất vả, nghèo và đói. Chúng tôi rách rưới, thiếu thốn đủ thứ. Luôn sống trong cảnh ăn đói mặc rách thì có biết thế nào là cảm giác ăn no mặc ấm chứ nói gì đến ăn ngon mặc đẹp. Con cái trong nhà thì cứ đứa lớn chăm đứa nhỏ, mặc dù đứa lớn chỉ nhỉnh hơn đứa nhỏ vài tuổi. Mười hai, mười ba tuổi có khi phải làm việc đồng áng như người lớn hoặc quán xuyến việc cơm nước, kiếm cá hái rau hàng ngày. Học hành thì có ai nhắc nhở, quan tâm gì đâu. Thích thì đi học, không thích thì thôi, bỏ ngang.
Thế mà chúng tôi vẫn sống và lớn, ít thấy đứa nào bị “trầm cảm” cả. Trời đánh chúng tôi còn chưa chết chứ nói gì đến việc tự chết. Thật cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen đấy.
Có chuyện thế này, tôi nghe kể lại vì nó xảy ra ở miệt đồng kia, cách khá xa vùng tôi. Có thằng kia, bằng cỡ lứa tuổi tôi, đâu năm nó mười một mười hai tuổi, một buổi nó đi học, một buổi nó ở nhà giữ trâu. Nhà nó có ba con trâu, một cặp trâu đực để cha nó đi cày, một con trâu cái vừa đẻ con nghé. Hôm nào trâu bận cày thì nó phải đi cắt cỏ. Hôm nào cha nó phải đi cày sớm thì nó phải thức lúc 3,4 giờ sáng lùa trâu đi trước, tranh thủ thả trâu cho ăn cỏ để sáng trâu no bụng mà cày. Một buổi chiều đầu mùa mưa, nó lùa trâu đi ăn cỏ. Nó cỡi một con trâu đực, còn ba con kia thì thả lang trên bờ kênh. Con trâu nghé chạy tung tăng, rồi mon men đến ruộng lúa của người ta. Từ lưng trâu, nó nhảy xuống, xách roi chạy lùa con nghé không cho phá lúa. Nó vừa chạy được vài chục bước chân thì sét “đoành” một tiếng kèm theo ánh chớp lòe ấm cả không gian. Sau giây phút điếng hồn, nó quay lại nhìn thì thấy con trâu đực nó vừa cỡi đã nằm quay lơ vì bị trời đánh. Tôi nghe kể, không biết người kể có bịa không, là sau khi định thần lại, nó chống roi xuống đất, nghinh mặt lên trời như trêu tức ông thiên lôi, miệng trề ra “uýnh trật lất cũng uýnh!” vì nó nghĩ là ông trời rắp tâm đánh nó nhưng đánh hụt, chết con trâu. Còn chuyện có thằng trời đánh không chết như tôi vừa kể là chuyện hoàn toàn có thật.
Mà thôi, đem hoàn cảnh của thế hệ này ra so sánh để “dạy bảo” thế hệ khác lắm khi không đạt hiệu quả giáo dục mà còn phản tác dụng. Mỗi thời mỗi khác mà. Chỉ mong rằng người lớn (thầy cô, cha mẹ) hãy quan tâm đến học sinh, con em mình, đừng để các em bị áp lực, bế tắc trong học tập, trong cuộc sống mà bị trầm cảm rồi tìm đến cái chết.
Trích từ bài đăng Facebook của thầy Phan Ngọc Thanh – Cựu hiệu trưởng trường THPT Ngô Văn Nhạc (Cái Bè, Tiền Giang).