Bế mạc cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải
Đức Thánh Cha đến thành phố Marseille cổ nhất của Pháp có từ 600 năm trước công nguyên, và là thành phố đông dân nhất tại nước này sau thủ đô Paris, nhưng lý do chính thức của chuyến đi không phải là để viếng thăm nước Pháp, như chính ngài đã tuyên bố, nhưng là để bế mạc các cuộc Gặp gỡ Địa Trung Hải.
Các cuộc Gặp gỡ này do sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Ý đề ra và lần trước đây có sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong buổi bế mạc là cuộc gặp gỡ tại thành phố cảng Bari nam Ý, hồi năm 2020. Cuộc gặp gỡ năm ngoái, 2022, tại thành phố Firenze, trung Ý, dự kiến có sự hiện diện của ngài, nhưng vào phút chót ngài không thực hiện được.
Quan tâm của Đức Thánh Cha
Tuy nhiên, mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với miền Địa Trung Hải đã có từ lâu, như Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline, Tổng Giám Mục Marseille, đã tuyên bố với đài Vatican hôm 14/9/2023 rằng:
“Khi đến Marseille, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục cuộc lữ hành Địa Trung Hải. Chúng tôi cử hành 10 năm cuộc tông du đầu tiên của ngài tại đảo Lampedusa, cực nam nước Ý, hồi tháng 7/2013, chỉ vài tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng. Từ sau đó, ngài cũng đã tới Tirana, bên Albani, Sarajevo ở Bosni, đảo Lesbos bên Hy Lạp, Cairo Ai Cập, Giêrusalem, đảo Síp, Rabat bên Marốc, Napoli, Malta, v.v. Trong tư cách là Mục tử Giáo Hội hoàn vũ, cũng như là Giám Mục Roma, qua các cuộc viếng thăm đó, Đức Giáo Hoàng muốn biểu lộ quan tâm đặc biệt đối với các dân tộc Địa Trung Hải. Vì thế, ngài đến Marseille không phải để thu hút cái nhìn về bản thân ngài, nhưng đúng hơn để cùng với ngài, chúng ta nhìn về Địa Trung Hải, những thách đố vùng này đang gặp phải, những tài nguyên của nó và sứ mạng của các Kitô hữu thuộc miền này”.
Cuộc gặp gỡ tại Marseille
Tham dự các cuộc gặp gỡ tại Marseille sẽ có 120 bạn trẻ thuộc mọi hệ phái Kitô và tôn giáo, cùng với khoảng 70 Giám mục đến từ 30 nước ven Địa Trung Hải. Đây cũng là một lễ hội văn hóa Địa Trung Hải được mở cho tất cả mọi người và là “một ngôi làng” của các cộng đoàn ven biển này, các hiệp hội liên đới hoặc văn hóa, các phong trào dấn thân trong lãnh vực sinh thái và đối thoại.
Các cuộc gặp gỡ sẽ bắt đầu từ ngày 17/9 và kéo dài tới Chúa Nhật 24/9. Các sinh hoạt này ví như một bức tranh khảm các dân tộc, văn hóa, tôn giáo cấu thành Địa Trung Hải, kiến tạo và chia sẻ cùng một niềm hy vọng.
Nhìn lại cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Bari
Để hiểu rõ quan tâm của Đức Thánh Cha khi đến bế mạc các cuộc gỡ, cũng nên nhìn lại lần ngài đến thành phố cảng Bari sáng Chúa Nhật 23/2/2020 để kết thúc cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải do Hội Đồng Giám mục Ý tổ chức với chủ đề “Địa Trung Hải, biên cương hòa bình”. Dịp đó có 58 Giám mục từ 20 nước tham dự. Các vị đã suy tư và trao đổi về ơn gọi và vận mệnh của Địa Trung Hải, về việc thông truyền đức tin và thăng tiến hòa bình.
Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha khi đến Bari là gặp gỡ các Giám mục Địa Trung Hải tại Vương Cung thánh đường thánh Nicola lúc 8 giờ sáng. Sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Ý, đã có bài tham luận của Đức Hồng Y Vinko Puljic, Tổng Giám mục Sarajevo, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Bosni Erzegovine, và Đức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông Tòa-Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem.
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhắc lại tầm quan trọng của miền Địa Trung Hải ngày nay về nhiều phương diện, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Cũng như xưa kia, Chúa Giêsu đã hoạt động trong một bối cảnh đa tạp về văn hóa và tín ngưỡng, ngày nay chúng ta cũng ở trong một bối cảnh đa diện và nhiều hình thái, bị xâu xé vì những chia rẽ và chênh lệch, làm gia tăng sự bất ổn. Chính trong bối cảnh đó, chúng ta được kêu gọi làm chứng về hiệp nhất và hòa bình. Chúng ta thi hành sứ mạng này, đi từ niềm tin và với tư cách là thành phần Giáo Hội. Chúng ta tự hỏi, như những môn đệ của Chúa, chúng ta có thể đóng góp gì cho tất cả mọi người nam nữ vùng Địa Trung Hải”.
Đức Thánh Cha nhắc đến những gia sản phong phú mà các cộng đồng Kitô tại miền này sở hữu, về phương diện tín ngưỡng, cũng như gia sản nghệ thuật, văn hóa, đồng thời ngài nhắc đến bối cảnh của miền Địa Trung Hải ngày nay đang bị vây bủa vì bao nhiêu cái lò bất an và chiến tranh, ở Trung Đông cũng như tại các nước Bắc Phi, giữa các nhóm chủng tộc và văn hóa khác nhau, không kể cuộc xung đột chưa được giải quyết giữa người Israel và Palestine.
Lên án chiến tranh
Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha đặc biệt lên án chiến tranh đang hút mất bao nhiêu tài nguyên lẽ ra phải được sử dụng để nâng đỡ gia đình, đáp ứng các nhu cầu y tế và giáo dục. Ngài nói: “Thật là một sự điên rồ, vì chiến tranh tàn phá nhà cửa, cầu cống, công xưởng, nhà thương, giết hại bao nhiêu người, tiêu diệt các nguồn tài nguyên, thay vì kiến tạo những tương quan nhân bản và kinh tế. Nhưng chúng ta không thể cam chịu sự điên rồ ấy. Không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng hòa bình…”
Điều kiện tiên quyết: công lý
“Việc xây dựng hòa bình mà Giáo Hội và mọi tổ chức dân sự đều luôn phải cảm thấy như một ưu tiên có một điều kiện tiên quyết không thể thiếu được, đó là công lý. Công lý bị chà đạp tại nơi mà những nhu cầu của con người bị cố tình không biết đến, và khi những lợi lộc kinh tế phe phái trổi vượt trên các quyền lợi của cá nhân và cộng đoàn. Ngoài ra, công lý bị cản trở vì thứ văn hóa gạt bỏ, coi con người như đồ vật, tạo nên và gia tăng sự chênh lệch…”
Quan tâm đến người nghèo và yếu thế
Đức Thánh Cha cũng nêu câu hỏi: “Một xã hội ngày càng đạt được những thành quả mới về kỹ thuật có ích gì nếu người ta ngày càng thiếu liên đới đối với những người túng thiếu? Qua việc loan báo Tin Mừng, chúng ta thông truyền tiêu chuẩn hành động mới, theo đó không có những người rốt cùng và chúng ta cố gắng để Giáo Hội là dấu chỉ mối quan tâm ưu tiên dành cho những người bé nhỏ, nghèo khó, vì “những chi thể dường như yếu nhất, là cần thiết nhất” (1Cr 12,22), và “nếu một chi thể đau, thì toàn thể các chi thể cùng chịu đau” (1Cr 12,26).
Người di dân và tị nạn
Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi quan tâm đến những người di dân và tị nạn ở vùng Địa Trung Hải, trốn chạy chiến tranh hoặc bỏ quê hương để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng với con người… “Số người này gia tăng vì sự gia tăng các cuộc xung đột và những điều kiện khí hậu, môi trường bi thảm hơn tại nhiều vùng rộng lớn hơn”… Ngài cảnh giác chống lại “thái độ dửng dưng, và thậm chí phủ nhận đối với những người di dân và tị nạn, thái độ này đã bị lên án trong nhiều dụ ngôn của Tin Mừng, thái độ của những người khép kín trong sự giàu sang và tự mãn của mình, không nhận thấy những người đang kêu cầu được giúp đỡ trong tình trạng túng thiếu của họ”.
Chống bách hại tôn giáo
Sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các vị lãnh đạo tôn giáo lên tiếng thỉnh cầu các chính phủ bảo vệ các nhóm dân thiểu số và bênh vực tự do tôn giáo. Ngài nói: “Sự bách hại mà nhiều cộng đoàn Kitô và những người khác phải chịu là một vết thương xâu xé tâm hồn chúng ta và không thể để cho chúng ta dửng dưng”.
Sau cuộc gặp gỡ đó, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ cho 40 ngàn tín hữu.
Viếng thăm tại Marseille
Chưa biết Đức Thánh Cha sẽ đề cập đến những vấn đề gì trong diễn văn của ngài khi kết thúc cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải sắp tới tại Marseille, nhưng hồi cuối tháng 7 năm nay, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố một số chi tiết của ngài trong cuộc viếng thăm, được kéo dài hơn so với dự án ban đầu.
Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc quá 2 giờ rưỡi chiều thứ Sáu 22/9 và đến Marseille 1 giờ 45 phút sau đó. Ngài sẽ được Tổng thống Pháp đón tiếp và 1 giờ sau đó, ngài sẽ chủ sự buổi cầu nguyện kính Đức Mẹ với hàng giáo sĩ địa phương, tại Vương cung Thánh đường “Đức Mẹ Canh Giữ”.
Lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Đài kỷ niệm các thủy thủ và di dân mất tích trong biển cả.
Sáng thứ Bảy 23/9, lúc gần 9 giờ, tại tòa Tổng Giám mục Marseille, ngài sẽ gặp riêng một vài người túng thiếu, trước khi tham dự khóa họp kết thúc “Các cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải” tại dinh “Hải Đăng” vào lúc 10 giờ.
Sau đó lúc 11 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tại dinh thự này.
Lúc 4 giờ 15 phút chiều, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ cho các tín hữu tại Sân Bóng đá Vélodrome. Sau Thánh lễ, ngài sẽ giã từ Marseille lúc 7 giờ 15 phút chiều để bay trở về Roma, dự kiến sẽ đến nơi lúc gần 9 giờ tối.
Thánh lễ
Tuy cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải là lý do chính của chuyến viếng thăm, nhưng điều thu hút quan tâm nhiều nhất của các tín hữu là Thánh lễ ngài sẽ cử hành. Thực vậy, chỉ trong vài ngày, khi tòa Tổng Giám mục Marseille bắt đầu cho đăng ký dự lễ, hàng chục ngàn người đã xin vé tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha tại sân Vận động có 67 ngàn chỗ.
Sự phấn khởi đối với Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự cũng đề ra một thách thức đối với Tổng giáo phận Marseille vì giáo phận này cũng muốn dành một số chỗ cho các giáo phận lân cận. Một hệ thống đăng ký đã được thiết lập tại các giáo xứ. Tuy nhiên, có nhiều người tỏ ra thất vọng vì họ bị xếp vào danh sách những người chờ đợi. Đối với những người không được vé dự lễ tại Sân Velodrome, họ có thể tham dự qua màn hình khổng lồ đặt tại các khu vực khác trong thành phố Marseille.