Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Vài nét về thanh danh của thánh nữ Maria thành Magdala (P1)

Vài nét về thanh danh của thánh nữ Maria thành Magdala (P1)

 

Là một khuôn mặt quan trọng của phụng vụ Mùa Phục Sinh, Maria thành Magdala, hay gọi là Maria Madalena, mang một vị trí không thể bỏ qua trong các sách Tin Mừng. Nhưng sự hiểu biết về khuôn mặt này, một khuôn mặt đã linh hứng cho bao phong trào nữ giới Công giáo ngày hôm nay đã bị bao giai thoại làm méo mó, và đôi khi còn có những tranh luận gắt gao nữa. Maria Madalena là ai? Một tông đồ bị quên lãng? Khuôn mặt của một nữ thánh? Maria Madalena đã làm cho nhiều trí tưởng tượng bừng cháy mà văn chương, hội họa và ngay cả điện ảnh đã diễn tả cách phong phú.

Maria Madalena, với tư cách là chứng nhân sống động của Chúa Giêsu Phục Sinh, song thánh nữ vẫn bị hiểu lầm khá nhiều. Giáo sư chú giải Kinh Thánh tại Centre Sèvres, Chantal Reynier, trong quyển tiểu sử tác giả dành cho Maria Madalena (Cerf, 2022) đã nói: “Khuôn mặt của Maria Madalena gợi cho chúng ta đầy xúc cảm và đam mê. Phải nhìn nhận rằng tính phức tạp và những vai trò mà thánh nữ được gán cho qua dòng lịch sử đã cho chúng ta thấy, như một cuộc hội thảo suy tư rộng lớn, lắm lúc mâu thuẫn lẫn nhau”. Rất nhiều loại giải thích suy tư này “đã làm cho khuôn mặt của nữ thánh bị bóp méo khi trình bày thánh nữ như một người phụ nữ tiền định, bao hàm sự lên án xác thịt và nhu cầu cải tạo tình yêu con người thành tình yêu thiên tính, nơi đó tính nhân sinh không còn lý lẽ của nó nữa”, nhà chú giải than phiền. Trong bài viết này, người nghiên cứu gợi ý tìm hiểu năm vấn đề trong những cách giải thích này.

1/ Phúc Âm chính thống nói gì?

Nếu khuôn mặt của Maria Madalena vắng bóng trong các thư của thánh Phaolô hoặc các Công Vụ Tông đồ, thì thánh nữ đã được trích dẫn 13 lần trong các Phúc Âm chính thống mà đa số các Giáo hội Công giáo đã chấp nhận. Bản văn chỉ cho chúng ta một số ít chi tiết về cuộc sống của thánh nhân. Giả sử Maria Madalena là một trong những người phụ nữ hiếm hoi được nêu danh vì chính bản thân, chứ không là với tư cách “mẹ của…”, “vợ của…” hoặc “chị hay em của…” thì chúng ta hoàn toàn không biết gì về hoàn cảnh sống của gia đình hay hoàn cảnh hôn nhân của thánh nữ. Ngay cả tên của nữ thánh cũng có vẻ bí ẩn. Hiểu theo tiếng Hipri “gadal” người ta thường hiểu là “lớn lao”, “dệt”, “làm tóc”, hoặc “nuôi dưỡng”. Và Chantal Reynier phân tích: “Từ đó liên tưởng về Maria Madalena là một nhà giáo hay một người làm tóc, ngay cả là một người dệt lưới đánh cá”. Theo tiếng Arameen, tên của người có thể cũng gợi lên “lớn lao”, “người được kính nể”, hoặc là “người cuồng nhiệt”. Nhưng suy tư thông thường nhất của chữ Magdala chính là danh xưng của một làng chài dọc theo bờ biển Tiberiade nằm ở miền Đông Bắc của Israel hiện nay, nơi mà Maria Madalena sinh trưởng. Thánh sử Luca nói : “Từ cô này xuất ra bảy con quỷ” (Lc 8,1-3), đó là một ngạn ngữ bí ẩn đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực mặc dù đã khá lâu lắm một số người thấy trong phép ẩn dụ này, thứ tội lỗi được tha thứ cách đặc biệt, một số suy tư khác lại thấy qua đó phép ẩn dụ về một loại bệnh được chữa lành cách đặc biệt: “Những con quỷ trong Phúc Âm thường nói lên một sự dữ mà không ai biết đến từ đâu, đánh bẹp nạn nhân mà không hề được biết hay nói gì, và chỉ có Đức Kitô mới có khả năng chữa lành được”. Maria Madalena thể hiện như một người thuộc về thành phần của Đức Giêsu. Song chính những tình tiết của cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh đã làm cho mọi người biết về thánh nữ. Thánh nữ được giới thiệu đứng dưới chân thập giá (Mt 27,5-6; Mc 15,40; Ga 19,25) và trong khi tẫn liệm Giêsu (Mt 27, 61; Mc 15, 47). Maria Madalena được trình bày cách đặc biệt là chứng nhân đầu tiên của Phục Sinh, lúc thì một mình (Ga 20, 1.11-18) hoặc cùng chung với các phụ nữ khác (Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,10). Trong Phúc Âm của Gioan thì chính Đức Giêsu lại đích thân trực tiếp nói với Maria Madalena để xin người đi báo tin cho các tông đồ – mà khi đó ngài gọi là, và cũng là lần đầu tiên “anh em của Thầy”, rằng Thầy đã trỗi dậy. Nhà báo và nhà văn tiểu luận Christine Pedotti đã bình luận trong “Giêsu, người ưa thích phụ nữ”(2018): “Điều mà Giêsu đã giao phó cho Maria Madalena chính là trọng tâm chính yếu của Kitô giáo: việc loan báo sự Phục Sinh của Ngài và mở ra tình huynh đệ phổ quát”. Chantal Reynier thêm: “Nếu các Phúc Âm đã nhấn mạnh bao nhiêu về chứng từ của Thánh nữ thì đúng rằng, chứng từ này cần thiết cho Giáo hội bởi vì trong thế giới của các ngài khi đề cao lời chứng của một người phụ nữ thì chỉ có thể làm mất uy tín của họ mà thôi”. Vào thế kỷ thứ III, Hippolite thành Rome còn cho Maria Madalena là tông đồ của các tông đồ, nghĩa là “người được sai của những người được sai”. Vào năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lấy lại cách nói này khi đem tên của Thánh nữ vào Kinh Tiền Tụng được thiết lập cho thánh lễ kính Thánh nhân vào ngày 22.7.

2/ Những nguồn cổ khác có nói về Maria Madalena không?

Maria Madelana cũng được trình bày rất nhiều trong sách Phúc Âm “ngụy thư” nói về cuộc đời của Đức Giêsu, được viết trong những thế kỷ đầu, nhưng không được các cộng đoàn tín hữu chính thức nhìn nhận. Trong một số bản văn theo linh hứng (gnostique) – một trào lưu thần bí và khó hiểu của Thiên Chúa giáo được quyền bính của Giáo hội xem là lạc đạo – Maria Madalena được xem như một khuôn mặt của kế hoạch hàng đầu của Thiên Chúa. Trong các Công vụ của Philip (thế kỷ V), Maria Madalena là môn đệ ưu ái của Đức Kitô, ra đi để Phúc Âm hóa thành phố Opheorimos, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Cuộc dạo bộ của  rắn”, để đánh bại ngay sự dữ đã lôi cuốn Eva ăn trái cấm. Chúng ta hãy tiếp tục xem Pistis Sophia, một bản văn từ thuyết ngộ đạo (gnostique) được viết theo tiếng Hy Lạp Copte vào thế kỷ thứ IV, trong đó, Giêsu quả quyết rằng Maria Madalena sẽ trở thành “sự hoàn hảo của thần linh trong tất cả các môn đệ. Maria Madalena là người gần gũi với Ngài nhất”. Phúc Âm của Maria, có thể vào thế kỷ thứ II, trình bày Maria Madalena là người giới thiệu những huấn giáo của Giêsu mà chỉ một mình Maria Madalena biết mà thôi.

Nhưng các tông đồ không tin và chống lại Maria Madalena : “Làm thế nào Thầy của chúng ta có thể liên hệ riêng tư với một người phụ nữ về những bí mật mà chúng tôi đây, chúng tôi không hề biết? Phải chăng phải thay đổi những thói quen cho rằng, tất cả chúng ta phải nghe người phụ nữ này sao? Có thật sự Ngài đã chọn riêng và yêu riêng người đó, hơn chúng ta không?”. Phêrô bực mình nói, làm Maria Madalena khóc lên khóc xuống bởi thánh nữ chỉ muốn yên ủi các tông đồ về cái chết của Thầy Chí Thánh, sau khi bị đóng đinh, bằng cách thông tin cho họ biết những huấn giáo này, mà thánh nữ đã giữ kín. Một số người đã thấy, qua những dòng này, dấu chỉ của một sự rạn nứt có thể đã bùng nổ ở những cộng đoàn tín hữu tiên khởi và để cuối cùng, đi đến việc hủy bỏ Maria Madalena và ưu tiên cho các tông đồ khác. Một số người khác tìm thấy trong những bản văn này những lời huấn giáo có tính cách thiêng liêng hơn :“Nếu Thiên Chúa hằng sống thì Người muốn thông ban. Do đó, cần có một sự trung gian giữa Thiên Chúa và con người, giữa cái hữu hình và vô hình, giữa thế giới của xác thịt vật chất và thế giới tinh thần không vật chất. Chính trong thế giới trung gian này mà những cuộc gặp gỡ của Maria Madalena với Đấng Phục Sinh có ý nghĩa”, theo nhà thần học Chính Thống giáo Jean Yves Leloup liên quan đến vai trò của Maria Madalena trong các ngụy thư. Nơi Maria Madalena cũng như nơi các vị ngôn sứ xưa, Thiên Chúa kích hoạt trí tưởng tượng thị kiến của con người, để có được những hình thức cần thiết dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.

 

(còn tiếp)

 

Nt. Trần Thị Quỳnh Giao – Fmm

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!