Mục vụ gia đình

Vai trò làm mẹ của nữ giới  

Vai trò làm mẹ của nữ giới

Khi nói về vai trò làm mẹ, nhiều người cho rằng đề tài này dễ bàn và dễ nói hơn vai trò làm cha hay làm bố. Thật ra dù là cha hay mẹ, thì sự gắn bó và cần thiết cho người con vẫn là những gì không thể thiếu sót trong cuộc sống tinh thần, thể xác và tâm lý của người con. Như tôi đã trình bày trong kỳ phát thanh trước, người cha cũng phải có trách nhiệm trực tiếp đến tương lai con cái. Vẫn phải dành nhiều giờ cho con cái vì sự cần thiết và những gắn bó chặt chẽ với con cái trong lãnh vực tâm lý phát triển và giáo dục. Vì những ràng buộc chặt chẽ của người mẹ với người con ngay trong những ngày tháng còn trong thai kỳ, cũng như sau này khi em chào đời đã làm cho vai trò làm mẹ của người phụ nữ trở thành mật thiết, gắn liền với cuộc sống người con hơn. Do đó, khi đề cập tới vai trò làm mẹ, thì đặc tính giáo dục phải được kể là ưu tiên và cần thiết nhất.

Một nhận xét có tính cách giáo dục, đó là: “Muốn giáo dục một đứa trẻ, thì phải giáo dục nó 20 năm trước khi đứa bé đó chào đời”. Lời phát biểu này có vẻ khoa ngôn và mang nhiều tính cách lý thuyết, nhưng nếu để tâm suy nghĩ, thì những lời ấy không có gì là cao vời lý thuyết. Ngược lại, nó rất thực tế và cần thiết do sự gắn bó, mật thiết của người mẹ mà ảnh hưởng giáo dục của bà đối với con bà. Người Việt Nam có câu: “Phúc đức tại mẫu”. Ý nói, cái phúc đức của người con kín múc từ nơi người mẹ. Hoặc cũng có thể là người con nào đó sẽ thấy mình thật có phúc vì có một người mẹ gương mẫu, đạo hạnh và biết cách giáo dục con.

Rất tiếc hình ảnh đẹp của nữ giới đang gặp nhiều biến rạng trong thế giới và xã hội ngày nay. Người ta đã dùng hình ảnh, thân xác và tất cả sự quyến rũ của nữ giới để đầu tư vào những mục đích thương mại, đôi khi mang mầu sắc chính trị và tôn giáo nữa. Do đó, hình ảnh của một phụ nữ với vai trò làm mẹ đang bị mờ ảo, cuốn hút vào trào lưu văn hóa và lối sống hiện nay. Trước hiện tượng xã hội ấy nhiều bà mẹ tốt thật sự cảm thấy lúng túng và khó nhận định chỗ đứng của mình. Điều này cũng khiến cho nhiều người con hoang mang và tự hỏi, mẹ tôi là ai?

Thật vậy, một trong những điểm đen làm cho bức tranh người mẹ trở thành mất vẻ duyên dáng, dễ thương là thái độ chủ động của nữ giới trong vấn đề ly thân ly dị. Điều này dường như đi ngược lại với những nét đẹp truyền thống và bản tính cố hữu của nữ giới là tìm gặp và hạnh phúc với mái ấm gia đình, trong đó có việc sinh sản, giáo dục và thương yêu con cái. Do hành động chủ động trong hầu hết các cuộc ly thân, ly dị, nhiều người phụ nữ đã làm mất đi tính chất cao cả của vai trò làm mẹ của họ. Bởi vì ai cũng biết rằng, dù gì đi nữa, thì phụ nữ cũng không thể nào làm tròn vai trò làm mẹ, nếu như trong gia đình thiếu vắng bóng hình của người cha, người chủ gia đình. Những cuộc khảo cứu tâm lý và xã hội cũng cho hay, người phụ nữ trong các gia đình thiếu vắng đàn ông, thiếu vắng người chồng đã tỏ ra rất nhiều lúng túng và hầu như khó lòng giải quyết trong nhiều trường hợp. Một thí dụ điển hình như thay một bóng đèn trong phòng ngủ hay phòng tắm chẳng hạn.

Ngoài ra, vì quá chú trọng vào nét đẹp thể xác, nhiều phụ nữ đã vô tình làm mất đi nét đẹp tâm linh là những đức tính cần thiết để làm nên một người phụ nữ, nhất là một người mẹ. Điều này cũng đang làm cho hình ảnh của người mẹ trong nhiều gia đình trở nên kém vẻ hấp dẫn. Nhiều phụ nữ trong nhiều gia đình ngày nay hầu như chỉ chú trọng vào việc tu sửa sắc đẹp bên ngoài của mình. Họ băn khoăn, lo lắng đến việc sửa mũi, chống cằm, nâng ngực, hút mỡ bụng, xâm chân mày, mí mắt, viền môi hơn việc chuyên tâm học hỏi và hiểu biết những điều cần thiết trong việc giáo dục con cái. Nhiều phụ nữ ngày nay rành rẽ và am tường đến chuyên nghiệp về các cách thức làm đẹp cho thân xác, nhưng ngược lại, rất yếu kém và hầu như không biết gì đến lãnh vực tâm lý, giáo dục con cái. Vì mất nhiều thời giờ vào việc trang điểm, mua sắm, hoặc xe xua với người này, người khác, nên nhiều người mẹ đã không còn giờ cho con, cho việc giáo dục, nhất là làm gương sáng cho con.

Sau cùng, nhiều phụ nữ ngày nay đã tỏ ra quá ích kỷ, nếu không muốn nói là đã chỉ sống cho họ, cho những khát vọng cuồng nhiệt của tình cảm và tình dục của họ. Vì mục đích ấy, nhiều người đã ngừa thai, phá thai, đến độ không còn khả năng sinh sản. Phần lớn những phụ nữ này đã để lại những dấu vết đau khổ không những cho chính họ mà còn cho con cái họ. Tại những trung tâm điều trị tâm thần, trong những chương trình cho người tàng tật hay khuyết tật về tinh thần và thể lý đã cho thấy rõ điều này. Có những phụ nữ vì nếp sống buông túng, say sưa, nghiện hút, hoặc vì quá chú trọng vào những hưởng lợi dục vọng đến độ đã sinh ra những người con tật nguyền. Sự có mặt và cuộc đời của các em là một nhân chứng sống động và hùng hồn cho những hưởng thụ và ích kỷ của cha hoặc mẹ em, nhất là mẹ em. Rất tiếc, là nhiều bà mẹ này vẫn không nhận ra lỗi lầm của họ, ngược lại đã đổ lổi cho trời, phật, hoặc tuổi tác, hay bất cứ một lý do nào khác.

Thật ra, ba nguyên nhân tiêu cực trên không làm cho hào quang của các bà mẹ bị giảm sút nếu đem so sánh với tấm lòng trời biển của người mẹ, nhưng nếu  có thể trách được, thì tại sao ta không làm. Đó là những điểm thực hành mà thiết tưởng nếu để ý, nhiều phụ nữ sẽ tránh được những thảm trạng cho chính bản thân họ, mà còn làm ích cho thế hệ con cháu họ sau này. Một điều làm cho nữ giới hãnh diện và cần thiết để xét xem về mình khi nhắc nhở đến vai trò làm mẹ, đó là câu nói thời danh của Anphôngxô, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế, là: “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”Hoặc câu: “Phúc đức tại mẫu” của Việt Nam, là ánh hào quang ngời sáng trên vương miện của một bà mẹ.

Tâm lý phát triển và tâm lý giáo dục cho hay, ngay từ khi em bé được hoài thai trong lòng thai mẫu, em đã mang trọn vẹn những gì mà cha em và mẹ em cho em. Từng ngày, và từng giờ em lớn lên, sống bằng những dòng máu nóng của mẹ, và ảnh hưởng từng hơi thở, lời nói, hay một tác động nhỏ của mẹ. Chính vì thế, khi lọt lòng mẹ, dù em chưa nhìn thấy mẹ em là ai, nhưng bản năng và sức cuốn hút của người mẹ đã cho em biết rõ ràng chỉ có một người nào đó mới chính là mẹ em. Và rồi em hoàn toàn lệ thuộc vào người ấy. Đó cũng là sức mạnh vô hình và siêu việt của người mẹ, nằm trong hai thiên chức cao cả nhất của người phụ nữ, như tôi đã có dịp trình bày là thiên chức làm vợ và làm mẹ.

Tóm lại, trong những nghịch cảnh của những thay đổi về văn hóa và môi trường sống, thiết tưởng phụ nữ Việt Nam nên suy nghĩ trở lại và tìm về với cội nguồn dân tộc. Họ nên nắm giữ tất cả những truyền thống tốt và học hỏi thêm từ những nền văn hóa mới và môi trường mình đang sống. Có như thế, họ mới giữ được giống nòi, giữ được văn hóa, giữ được truyền thống của dân tộc, nhất là họ mới đóng góp cho đời những tác phẩm tuyệt vời của tình thương yêu và sự hy sinh cao cả qua những người mà họ được hãnh diện goị là con. Ôi! Đẹp thay thiên chức làm mẹ của nữ giới.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!