Ý NGHĨA MẦU NHIỆM THÁNH TẨY
(THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa dùng Bí Tích Thánh Tẩy mà ban cho Hội Thánh sinh thêm nhiều con cái là các anh chị em tân tòng, xin cho đời sống họ luôn biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy, mà họ vừa lãnh nhận với tất cả lòng tin.
Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống tin tưởng cậy trông, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô đã cho thấy: Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người. Hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện.
Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống tuyên xưng: Đức Kitô đã chết và sống lại, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Cha Mêliton đã nói: Chúa Kitô, vốn là Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm, đã chịu đau khổ thay cho người đau khổ, mang xiềng xích thay cho kẻ bị giam cầm, chịu kết án thay cho phạm nhân, chịu mai táng thay cho người được mai táng, và Người đã sống lại từ cõi chết.
Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống làm chứng rằng: Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật việc thánh Phêrô mạnh dạn làm chứng khi ngài tuyên bố: Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.
Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống đầy tràn hy vọng được sống lại với Đức Kitô, cho dẫu, thực tế, đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 15, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Đây cũng là tâm trạng của các bà: rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật lại: Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Galilê là miền giáp ranh giữa vùng có đạo và vùng ngoại đạo, cho nên, nơi đây bị coi miền đất của dân ngoại, đầy tối tăm và tội lỗi. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ tại Galilê, đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Galilê là nơi các môn đệ đầu tiên được gọi. Đấng Phục Sinh hẹn gặp các ông tại nơi xuất phát điểm của ơn gọi mình, để các ông bắt đầu lại hành trình làm môn đệ của mình bằng một đời sống mới, với niềm tin tưởng, cậy trông, can đảm làm chứng cho Đấng Phục Sinh đến hy sinh cả tính mạng mình. Đâu là Galilê của chúng ta? Chúa hẹn gặp ta, nơi những biến cố nào để chúng ta tuyên xưng và làm chứng: Chúa đã phục sinh? Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB