Phụng vụSuy niệm ngày thường

BÂY GIỜ TÔI ÐÃ THẤY

BÂY GIỜ TÔI ÐÃ THẤY

Vào thập niên 1960, John Howard Griffin ngụy trang thành một người da đen đi chơi vòng quanh miền Nam. Ông muốn trực tiếp cảm nghiệm được sự kiện phải làm người da đen trong những năm ầm ĩ về vấn đề chủng tộc này. Griffin mô tả lại cảm nghiệm của mình trong một cuốn sách nhan đề “Black Like Me” (da đen như tôi). Cuốn sách này về sau được dựng thành phim.

Tuy nhiên còn một khía cạnh khác trong cuộc đời của John Howard Griffin mà rất ít người biết đến: trong thế chiến thứ hai, John đã bị mù trong một vụ nổ máy bay suốt 12 năm sau đó, ông không trông thấy gì cả. Một hôm, trong khi bước xuống con phố cạnh nhà bố mẹ ông ở Texas, thình lình John bỗng thấy được “cát đỏ” (red sand) trước mắt ông. Thị giác của ông đã phục hồi trở lại mà chẳng hề báo trước. Về sau, một bác sĩ chuyên khoa mắt cắt nghĩa cho ông là vết máu tụ thần kinh thị giác do vụ nổ gây ra được khai thông, vì thế thị giác ông phục hồi trở lại. Khi bình luận về kinh nghiệm này, Griffin đã kể lại cho một phóng viên báo chí như sau:

“Quí bạn không cảm nghiệm được những gì mà một ông bố cảm nghiệm khi nhìn thấy con cái mình lần đầu tiên đâu. Cả bố với con đều tuyệt vời hơn tôi nghĩ rất nhiều”

Giai đoạn bi đát trong đời Griffin giúp anh ta đánh giá sâu sắc hơn câu chuyện của bài Phúc âm hôm nay, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cảm giác người mù từ lúc mới sinh khi anh ta được Chúa Giêsu chữa lành thật kỳ kiệu như thế nào.

Tuy nhiên, trong câu chuyện người mù trên còn có một phép lạ thứ hai. Phép lạ này còn tuyệt diệu hơn: đó là đức tin hay còn gọi là ánh sáng thiêng liêng mà Ðức Giêsu ban cho người mù ấy, chính phép lạ thứ hai này tức ân sủng đức tin đã khiến cho anh quì gối xuống nói với Ðức Giêsu với tư cách là “Chúa”. Thánh Gioan đã nhấn mạnh phép lạ thứ hai này tức ân sủng đức tin một cách thâm thuý trong bài Phúc âm hôm nay.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về điểm này.

Ðiều đầu tiên chúng ta để ý đến trong phép lạ này là phép lạ ấy diễn ra từ từ không xảy ra ngay tức khắc. Chẳng hạn, phản ứng đầu tiên của anh mù đối với Ðức Giêsu là anh ta xem Ðức Giêsu cũng giống như người bình thường khác. Vì thế, khi vài người hỏi anh ta về sự lành bệnh của mình, anh liền trả lời: “Cái ông có tên là Giêsu ấy lấy một ít bùn bôi lên mắt tôi và bảo tôi tới hồ Silôê rửa mặt. Thế là tôi đi và ngay khi rửa xong tôi được trông thấy.”

Ðầu tiên gã mù chỉ coi Ðức Giêsu như một người tuy khá đặc biệt nhưng dầu sao cũng chỉ là một con người. Thế rồi anh ta bước qua nhận thức thứ hai về Ðức Giêsu khi đám Pharisêu điều tra anh: “Mày bảo ông Giêsu chữa cho mày khỏi mù à! Vậy mày cho rằng ông ấy là ai?” anh ta liền đáp: “Ông ấy là một ngôn sứ ”. Câu trả lời trên đây chứng tỏ rõ ràng nhận thức của anh mù về Ðức Giêsu đã nhảy vọt một bước vọt khổng lồ về phía trước. Càng suy nghĩ đến sự kiện xảy ra, gã ta càng xác tín Ðức Giêsu không chỉ là một người như những người khác mà Người còn là một vị ngôn sứ. Ðiều này dẫn chúng ta đến nhận thức sau cùng của anh mù về Ðức Giêsu.

Cuối ngày anh mù mới được gặp mặt đối mặt với Ðức Giêsu, vì khi anh mù đi rửa mắt ở hồ Silôê về, thì Ðức Giêsu, không còn quanh quẩn đó nữa. Lúc này, khi gặp lại anh mù, Ðức Giêsu nhìn thẳng vào mắt và nói: “Anh có tin vào CON NGƯỜI không?” Anh ta trả lời: “Thưa Ngài, xin nói cho tôi biết vị ấy là ai để tôi tin.” Ðức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy vị ấy rồi, vị ấy chính là kẻ hiện đang nói chuyện với anh”. Anh đáp ngay: “Lạy Chúa, con tin!” vừa nói anh vừa quì gối xuống trước mặt Ðức Giêsu.

Như thế, nhận thức của anh về Chúa Giêsu đã nhảy bước cuối cùng về phía trước. Anh nhận ra Ðức Giêsu không phải chỉ là một người bình thường hoặc một vị ngôn sứ, mà Người còn là Thiên Chúa, vị Chúa mà “muôn loài trên trời dưới đất, cả trong địa ngục phải quì gối” (Pl 2: 10). Ân sủng đức tin, hay “ánh sáng tâm linh” mà Ðức Giêsu ban cho anh mù còn kỳ diệu hơn sự phục hồi thị giác cho anh nữa.

Không cần bàn bạc quá nhiều về ân sủng đức tin nơi anh mù nọ, chúng ta nên nhớ lại chúng ta cũng đã nhận được ân sủng đức tin này do Ðức Giêsu ban cho trong bí tích rửa tội.

Trước khi thanh tẩy trong nước rửa tội, chúng ta cũng bị “đui mù tâm linh” như anh mù trong Phúc âm hôm nay. Nhưng sau khi được rửa tội, Ðức Giêsu trở nên quí báu hơn nhiều đối với chúng ta. Người trở thành một kẻ hết sức thân mật đối với chúng ta.

Ðiều này dẫn đến điểm tương tự thứ hai giữa chúng ta và anh mù trong Phúc âm hôm nay. Ngoài việc nhận lãnh ân sủng đức tin, nhận thức của chúng ta về Chúa Giêsu cũng dần dần lớn lên giống như nơi anh mù ấy. Chẳng hạn khi còn rất bé chúng ta thường mường tượng Ðức Giêsu là một con người phi thường. Ðến lúc lớn lên. Nhận thức của chúng ta về Người cũng trưởng thành hơn. Cuối cùng nhận thức ấy đạt được hình thức viên mãn nhất: chúng ta nhận ra Người đúng như bản chất thực sự về Người, là Con Thiên Chúa. Ðiều thú vị là khi chúng ta càng học hỏi về Ðức Giêsu thì Người càng trở nên cao cả hơn đối với chúng ta. Thông thường, có sự kiện đáng buồn trong các mối tương giao khác là càng tìm hiểu về kẻ khác chúng ta càng nhận khiếm khuyết của kẻ ấy. Nhưng trong trường hợp Ðức Giêsu thì không như thế. Càng hiểu biết về Người, chúng ta càng thấy Người tuyệt diệu và vinh hiển hơn.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy trích lại lời Albert Schweitzer ở cuối cuốn sách của ông nhan đề “The Quest for The Historical Jesus” (Tìm kiếm Chúa Giêsu Lịch sử) Schweitzer từng là nhạc sĩ dương cầm thính phòng ở Âu Châu. Ông đã từ bỏ nghề nghiệp âm nhạc của mình để trở thành một bác sĩ, và ông đã đến sống ở Phi châu với tư cách một thừa sai. Schweizer viết: “Chúa Giêsu đến với chúng ta như một người vô danh, chẳng khác nào thủơ xưa Người đến với các tông đồ trên bờ biển. Người nói với chúng ta cũng chính những lời Người đã từng nói với họ: ‘Hãy theo Ta!’. Và bất cứ ai chấp nhận lời mời gọi của Người thì dù họ thông thái hay tầm thường, trẻ trung hoặc già nua, Chúa Giêsu đều mạc khải chính Người cho họ ngay trong những truân chuyên và đau khổ của họ. Và qua kinh nghiệm riêng của mình, họ sẽ biết được ‘NGƯỜI là ai?’.”

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!