LỊCH SỰ KHI SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI VÀ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
45. Nếu gọi điện thoại cho ai, em nên hỏi: “Xin lỗi, đây có phải là nhà ông (bà) A không ạ? Xin cho tôi được gặp ông (bà) A… tôi là B ở Đồng Nai”.
46. Trong trường hợp nghe đầu dây bên kia bảo ta lầm số, thì em xin lỗi và đọc lại số điện thoại em đã gọi tới, để người nghe biết là ta gọi đúng hay lầm! Đợi trả lời, rồi nói: “xin cảm ơn”.
47. Khi nhấc điện thoại lên nghe, nếu biết rõ người muốn nói chuyện với mình, thì chào người đó ngay.
48. Nếu người gọi đến không gặp đối tượng họ cần, thì em xin họ để lại lời nhắn, hay số điện thoại.
49. Khi gọi điện thoại, em cố gắng nói ngắn gọn. Tránh “nấu cháo” điện thoại. Cuối câu chuyện nên nói lời kết thúc: “xin chào”.
50. Không sử dụng điện thoại trong giờ tham Thánh Lễ vì hai lý do:
Thứ nhất: Tiếp chuyện với Chúa là quan trọng nhất.
Thứ hai: Có thể gây chia trí cho những người khác.
Nếu có cuộc gọi đến, ta để lễ xong sẽ liên lạc lại.
51. Khi sử dụng điện thoại ở những nơi công cộng cần sự tập trung như lớp học, các buổi họp cần chuyển sang chế độ rung.
52. Nếu đang dùng bữa mà có điện thoại ta xin phép để ra ngoài nghe, tránh nói cười to tiếng khi sử dụng điện thoại ở những nơi công cộng.
53. Nếu đang dùng điện thoại mà cuộc nói chuyện bị ngắt, hoặc khi em thấy có cuộc gọi nhỡ thì em nên gọi lại cho họ, và nói rõ lý do.
54. Khi gọi điện thoại nói với người trên, em nên khiêm tốn nói, ví dụ: thưa cha sở…, con xin làm phiền cha một chút được không ạ? Bạn nên nhớ rằng cách tiếp xúc của bạn phải tỏa ra “hương thơm của Đức Kitô” (2 Cr 2,15).
55. Trừ trường hợp cấp bách hoặc có hẹn trước, không nên gọi điện đến nhà riêng vào các giờ nghỉ ngơi, giờ cơm.
56. Nếu muốn đăng hình ảnh và chuyện đời tư người khác trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter… thì em phải hỏi ý kiến và xin phép người ấy. Nếu muốn đăng hình của mình em cũng cân nhắc kỹ có nên hay không. Không nên đăng những hình quá riêng tư.
57. Không dùng các lời phê bình chỉ trích thô tục trên mạng xã hội như facebook, twitter… để nhận xét và phê bình người khác; làm như thế vừa không lịch sự, vừa lỗi đức bác ái.
58. Nếu muốn góp ý ai cách chân thành, thì em gặp trực tiếp hoặc gửi tin nhắn riêng kèm theo tên và địa chỉ của mình, không sử dụng thư hoặc tin nhắn nặc danh.
59. Khi nhận được thư điện tử (email) hay tin nhắn (message) của ai, ta cần hồi âm để người gửi biết là ta đã nhận được.