Trả lời:
Em. Hai mốt tuổi, sinh viên Công giáo. Ở cái tuổi như em, người ta thường hay hỏi những câu như: Bí quyết để thành công là gì? Làm thế nào để làm việc và học tập hiệu quả? Ra trường rồi thì nên về quê hay ở lại thành phố làm việc? Những câu hỏi như thế này rất thiết thực và giúp cho các bạn trẻ có định hướng cho tương lai.
Em làm tôi ngạc nhiên. Ngay lúc này, em không đi tìm thành công, hay mơ ước công việc tương lai cho mình. Vì sao vậy? Vì hiện tại của những điều đó không làm em lo lắng? Hay vì có điều khác hấp dẫn em hơn? Em thẳng thắn, không úp mở hỏi rằng: Làm thế nào để có được sự bình an viên mãn? Và tôi chợt nghĩ, đó không chỉ là một thắc mắc, mà còn là một lựa chọn. Không phải chọn lựa xơ xài đâu, mà là một lựa chọn rất mực khôn ngoan. Vì rốt cuộc, sau tất cả những gì một người cố gắng, vất vả cả đời để đạt được, đều nhằm tới mục đích này: một cuộc sống bình an! Em đã không đi tìm những giá trị bên ngoài, nhưng là những gì tạo nên giá trị bên trong. Tôi có thể đồng cảm với những loay hoay của em. Vì thật không dễ để nội tâm một người có thể bình an giữa cuộc sống đầy những đối kháng, tranh chấp và bạo lực hôm nay. Em đã kinh nghiệm được những mơ hồ, không rõ ràng, và dường như mất phương hướng trong hành trình tìm kiếm sự bình an cho mình. Lý tưởng và thực tế vẫn chưa gặp được nhau, và điều đó làm em băn khoăn.
Em thân mến!
Cám ơn rất nhiều những trăn trở của em. Nó giúp tôi nhìn lại cuộc sống nội tại của mình, và bắt đầu đi tìm câu trả lời cho chính mình: Bình an nội tâm là gì? Tôi có đang bình an? Và đâu là nguồn bình an đích thực?
Bình an nội tâm là gì?
Trước khi trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn kể em nghe câu chuyện về “ông vua và bức tranh vẽ sự bình yên”.[1] Chuyện kể rằng có một ông vua kia, treo giải thưởng cho ai có thể vẽ được một bức tranh chứa được thông điệp về sự bình yên một cách tròn đầy nhất. Nhiều họa sĩ đã hết lòng hết sức đặt bút xuống vẽ. Trong vô số những bức tranh được vẽ ra, chỉ có hai bức được chọn, và nhà vua đang phân định để chọn ra bức tranh ưng ý nhất.
Bức tranh thứ nhất vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ thì phản ánh vẽ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi chập chùng, cao cao xung quanh, phía trên là trời xanh mây trắng, rất hài hòa. Ai nhìn vô cũng tấm tắc: Đúng là tuyệt phẩm về sự bình yên tựa như bài Thu Điếu của nhà thơ Nguyễn Khuyến!
Bức tranh còn lại cũng có núi, nhưng là núi đá lởm chởm, và trần trụi. Đã vậy, người họa sĩ còn tô thêm cho bầu trời những áng mây xám xịt, cùng trận mưa xối xả, kèm sấm chớp nữa. Chưa hết, bên vách núi còn có dòng thác chảy mạnh, nổi bọt trắng xóa, kiểu như đang hờn cả thế giới vậy. Nhìn tổng thể, không thấy đâu là bình yên. Nhưng điều lạ lùng là sau một hồi ngắm nghĩa bức tranh, nhà vua đã quyết định chọn đó là bức tranh vẽ về sự bình yên một cách chân thật nhất. Vì khi nhìn kỹ bức tranh, nhà vua đã phát hiện phía sau dòng thác giận dữ nổi bọt trắng xóa đó có một bụi cây mọc chen kẻ đá. Trong bụi cây, có cô chim mẹ đang xây tổ. Mặc kệ trận mưa xối xả, phớt lờ sấm chớp, và âm thanh chảy xiết của dòng thác, chim mẹ vẫn an nhiên đậu trên tổ của mình… tâm thái yên bình.
Câu chuyện cổ tích xa lơ xa lắc này đã giúp tôi hiểu hơn về sự bình an. Đó không phải là tình trạng vắng bóng của những ồn ào sau bao thành công và thất bại, hay những bon chen và lo toan ngoài kia cuộc sống. Trên hết, đó là khi tâm ta giữ được sự tĩnh lặng, bình yên giữa những giông bão cuộc đời. Nhưng làm sao để đạt được điều đó? Hãy nhìn chim mẹ đang làm tổ trong bụi cây: không lơ là để mình bị cuốn vào dòng thác chảy xiết, cũng không quá bận tâm vào đó, nhưng cái chính là tập trung vào công việc của mình: xây tổ! Sống trọn vẹn giây phút hiện tại, tâm sẽ không bị dao động bởi những điều không liên quan, hoặc không đem lại giá trị tích cực cho mình. Có lẽ, giây phút hiện tại của tuổi 21, độ tuổi thanh niên như em là việc học hành, và trau dồi cho mình những kỹ năng sống, làm việc nhóm, và giải trí lành mạnh. Biết làm chủ ngày sống của mình, em sẽ bình an khỏi những lo lắng đôi khi không cần thiết, và làm em mất bình an.
Tôi có đang bình an?
Bình an không đong đếm bằng những thành công, thành tựu, hay những điều ta đạt được trong cuộc sống. Muốn biết mình có bình an hay không, hãy để ý đến 3 đặc điểm sau:
1) Một là, bạn ngủ có ngon không?
Cứ mỗi tối thứ bảy, tôi đọc thánh vịnh 4, trong đó có câu này: “Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ”. Không biết bạn thế nào, nhưng sau một ngày sống, học tập và làm việc, tôi thường ngồi lại, thinh lặng và xét mình. Tôi cám ơn Chúa vì những điều tốt mình đạt được, xin lỗi Chúa vì những thiếu sót và những lầm lỗi đã phạm, và cuối cùng là phó thác cho Chúa những gì còn dang dở. Sau đó là đẩy một giấc tới sáng. Có nghĩa là, khi tôi biết đặt mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa, đồng thời biết và chấp nhận giới hạn của mình, tôi bình an. Điều đó thể hiện cụ thể qua giấc ngủ của tôi.
Còn khi tôi chọn ôm đồm nhiều việc và giải quyết mọi sự một mình, tôi thường bất an lắm. Vì sao? Vì tôi phải loay hoay tìm cách để mọi công việc được thành công một cách hoàn hảo nhất. Và nếu không được như ý, tôi đâm ra quạo quọ, thất vọng về bản thân. Nằm trên giường rồi, nhưng lòng vẫn còn nặng nề những ưu tư. Chúa cho giấc ngủ để nghỉ ngơi bồi dưỡng, nhưng tôi lạm dụng nó để phục vụ cho nhu cầu cái tôi cầu toàn của mình. Thử hỏi, sao tôi bình an được?
2) Hai là, bạn cười nhiều không?
Tôi nhớ có một câu nói rất hay của mẹ Thánh Têrêsa là: “Hòa bình bắt đầu bằng một nụ cười”. Hòa bình ở đây được hiểu là tâm thế bình an giữa cuộc đời. Nụ cười vừa là công cụ xây dựng bình an, vừa là dấu chỉ của một tâm hồn ngự trị bình an. Vì khi cười, bạn sẽ tỏa ra năng lượng tích cực cho chính mình, và cho người đối diện với mình. Nụ cười có thể giải tỏa những căng thẳng, xoa dịu những áp lực, và giúp bạn vui vẻ hơn. Niềm vui của bạn, niềm vui của người người Kitô hữu, nói như trong tông huấn “Hãy Vui Mừng và Hân Hoan” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần, và của đức ái[2]. Mà đúng là vậy đó, khi chúng ta có kinh nghiệm được yêu thương, chúng ta sẽ trở nên rất đáng yêu, và sự đáng yêu này được thể hiện nơi gương mặt rạng rỡ môi cười của mình. Một cách rất tự nhiên, bạn muốn trao tặng nụ cười cho những người mình yêu mến, và càng yêu thương nhiều, bạn càng muốn cho đi nụ cười nhiều hơn. Vậy ngồi ngẫm lại xem, bạn có hay cười không?
3) Ba là, lòng biết ơn của bạn như thế nào?
Khi tôi học về cuộc đời ông Gióp trong Kinh Thánh Cựu Ước, tôi chợt nhận ra rằng lòng biết ơn chính là bí quyết để ông giữ vững đức tin vào Thiên Chúa và sự bình an trong tâm hồn mình giữa những đau khổ thử thách xảy đến cho ông và gia đình[3]. Biết ơn trong mọi hoàn cảnh, dù vui hay buồn, được hay mất, sẽ giúp ta đón nhận và chấp nhận mọi việc xảy đến trong đời như một điều tất yếu trong cuộc sống, và trong Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Khi nghĩ được như vậy, ta sẽ không trách Chúa, trách mình, trách người để rồi quay quắc bất an.
Đâu là nguồn bình an đích thực?
Em thân mến!
Đến đây, tôi lại nhớ về bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể vào tháng 8, 2015. Khi được một bạn trẻ người Brazil hỏi rằng: “Điều khó khăn nhất mà Đức Giáo Hoàng phải đối mặt trong khi sống theo căn tính và sứ vụ của mình là gì?”, Ngài đã trả lời như sau: “Luôn luôn tìm kiếm sự bình an nơi Chúa, sự bình an đích thực mà chỉ Chúa Giêsu mới có thể đem lại cho chúng ta.”[4] Ngài còn tiếp lời rằng, đang khi đi tìm sự bình an nơi Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp đâu đó những loại bình an khác. Những kiểu bình an đó có thể khiến chúng ta vui vẻ, thoải mái trong chốc lát, nhưng nó không kéo dài, và đặc biệt, nó có thể đến từ kẻ thù của chúng ta.
Chúng được khoác trên mình những lớp áo của sự dung dưỡng bản thân không cần thiết, và những thú vui không lành mạnh. Chúng có tính giải trí, làm ta hài lòng trong lúc này, nhưng lại hủy diệt ta sau đó. Còn bình an đến từ Chúa Giêsu sẽ đem đến cho chúng ta niềm vui lâu bền, một “niềm vui sâu thẳm”[5], đó là chúng ta được đầy tràn Thần Khí của sự thật. Chính Chúa Giêsu sau khi sống lại từ cõi chết đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông, một sự bình an không theo kiểu thế gian. Vậy sự bình an đó là gì?
Như thông điệp trong câu chuyện nhà vua và bức tranh vẽ sự bình an, tôi muốn chia sẻ tâm tình này với em, rằng bình an không có nghĩa là vắng bóng của bão giông. Bình an mà Chúa Giêsu ban tặng cho các môn đệ Ngài cũng vậy. Đó là sự bình an viên mãn đã trải qua đau khổ, thập giá, và cái chết. Em và tôi đang được mời gọi không phải để đi tìm sự bình an không có thử thách bên ngoài, nhưng để đi vào trong sự bình an đó, nơi con người Đức Giêsu. Hành trang cần chuẩn bị cho sự đi vào trong này là:
+ Thói quen kết nối với Chúa mỗi ngày trong Thánh Lễ, và trong cầu nguyện. Nếu khi yêu thương ai, ta thường muốn liên lạc và kết nối thường xuyên với người đó thì với Chúa cũng vậy. Hãy ưu tiên một khoảng lặng trong ngày để chia sẻ với Ngài những gì đang xảy ra trong cuộc sống mình. Dù chỉ là năm, mười phút thinh lặng ngắn ngủi bên Thánh Thể. Đó cũng là dịp để chính bản thân được nghỉ ngơi khỏi những ồn ào của công việc và tương quan. Vả lại, có ai đến gần nguồn nước mà phải khát bao giờ. Chúa là nguồn bình an, sẽ thỏa cơn khát trong ta.
+ Chọn lọc những giá trị để dấn thân. Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa, quyết định, và trách nhiệm đi kèm. Tuổi trẻ có nhiều cơ hội, nhiều chọn lựa, nhưng cùng đầy những thách đố. Hãy chọn học hỏi, trau dồi nhân cách bằng những điều thiện lương, trong sáng, mang tính xây dựng cộng đồng, thì dù thành công hay thất bại, bạn vẫn sẽ bình an.
+ Xin ơn bình an. Bình an là quà tặng của Thiên Chúa, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Phaolô đã phải thốt lên, “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa”. (1 Cr 15,10). Như vậy, để kinh nghiệm được sự bình an, chúng ta hãy biết quỳ gối cầu xin Chúa, xin Ngài ban cho chúng ta được kinh nghiệm sự bình an Phục Sinh mỗi ngày.
Hy vọng với những chia sẻ trên cùng gói hành trang chứa gọn tâm tình cầu nguyện, cầu xin, và thái độ chọn lựa giá trị để dấn thân trong cuộc sống, sẽ giúp em đi sâu vào trong cõi lòng mình, và gặp được bình an. Chúa ở cùng em!