Bức tượng siêu thực đầu tiên về Chúa Giêsu sau khi chịu khổ nạn
Phải mất hơn 15 năm để chuyên gia nghệ thuật Álvaro Blanco (Tây Ban Nha) và đội ngũ của ông tạo ra bức tượng siêu thực đầu tiên về Chúa Giêsu. Hiện rất đông du khách, người hành hương và công dân Tây Ban Nha tìm đến nhà thờ Chánh tòa Guadix thuộc tỉnh Granada để tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh gần đời thực nhất về Chúa Giêsu sau cuộc Thương Khó, trang National Catholic Register đưa tin.
Bức tượng y như thật
Nhà thờ Chánh tòa Guadix ở Granada đang tổ chức cuộc triển lãm mô hình tượng đầu tiên được hoàn thành dựa trên dữ liệu thực tế đến từ Vải liệm Turin. Đây là thánh tích từng được dùng để bọc thi hài của Chúa Giêsu sau khi được đưa khỏi thập tự giá. Cuộc triển lãm lần đầu tiên được tổ chức tại nhà thờ Chánh tòa Salamanca ở miền trung Tây Ban Nha vào năm ngoái và đang ở giai đoạn hai của các chương trình tại nước này. Sau ngày 30.6, ông Blanco sẽ đưa cuộc triển lãm đến những nơi khác ở châu Âu trong nửa cuối của năm 2023.
Bức tượng được đúc từ cao su và silicone, trọng lượng khoảng 75kg. Tư thế của tượng mô tả lại thi hài của một người đàn ông khoảng 33 tuổi ở giai đoạn co cứng tử thi. Hai chân co lên, đôi tay đan chéo trên bụng. Khi tiếp cận, người xem có thể thấy rõ từng lỗ chân lông trên da, những vết tàn nhan, lông mi, lông mày. Phần lưng của tượng hơi nâng lên, cho thấy rõ những vết thương trên đầu, và những vết bầm trên vai. Các vết thương khác cũng hiển thị rõ ràng, cũng như miệng vết thương ở giữa xương sườn số 5 và số 6 bên trái. Phần mũi bị đánh gẫy và mắt phải bầm tím.
Theo National Catholic Register, bức tượng được thể hiện theo phương pháp siêu thực nhằm chuyển tải hình ảnh “một cơ thể người không bị can thiệp bởi bất kỳ chuyển động nghệ thuật nào”. Công trình là kết quả đến từ dữ liệu thu thập được sau quá trình nghiên cứu khoa học liên ngành về Vải liệm Turin. Ông Blanco, người phụ trách cuộc triển lãm, cho biết vào thời điểm nhìn thấy bức tượng trong trạng thái hoàn thành, ông đã rất ấn tượng về sự sống động và tính chân thực của tác phẩm này.
Dữ liệu từ Vải liệm Turin
Ông Blanco cho rằng ngày nay cần gì đó có thể mang đến hình ảnh cảm thụ trực quan và truyền cảm xúc cũng như ảnh hưởng về nghệ thuật, vì nghệ thuật giúp nâng tầm cảm thụ của con người. Cũng giống như Leonardo da Vinci hoặc Michaelangelo dựa vào Thánh Kinh để khơi dậy nguồn cảm hứng nghệ thuật, “chúng tôi đang làm điều tương tự nhờ vào khả năng tiếp cận những phát hiện khảo cổ học và những yếu tố khác, cho phép chúng tôi kể lại câu chuyện của Giêsu thành Nazareth”, ông Blanco bổ sung.
Cuộc triển lãm được sắp xếp trong một số gian phòng, mang đến sự giới thiệu thấu đáo của lịch sử tấm vải liệm nổi tiếng, những khía cạnh khảo cổ học và bối cảnh khoa học, cũng như bằng cách nào con người nối kết những dấu vết trên vải liệm để diễn giải cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu.
Người xem sẽ bắt đầu với cuộc hành trình của Vải liệm Turin, từ thời điểm lần đầu tiên xuất hiện ở Edessa, dưới thời Vua Abgar, đến cuộc hành trình tới Constantinople, khi thánh tích bị thất lạc vào thời điểm quân đội Thập Tự Chinh ập vào thành phố. Khi tái xuất, tấm vải liệm thuộc về gia đình quý tộc Charny, trước khi được gởi đến Hoàng tộc Savoy, và sau đó được tặng cho nhà thờ Chánh tòa Turin.
Trong nhiều thế kỷ, nhiều nghệ sĩ được cho đã tiếp cận Vải liệm Turin và dựa vào đó để khắc họa những tác phẩm về Chúa Giêsu. Thậm chí khi tấm vải biến mất trước công chúng trong vài thế kỷ, những hình ảnh về Người tiếp tục được sao chép và truyền lại cho những nghệ sĩ đời sau. Tại cuộc triển lãm, khách cũng được xem ảnh chiếu lên tường kéo dài 5 phút, thể hiện tổng cộng 500 hình ảnh của Chúa Giêsu ở những độ tuổi, văn hóa, phong cách khác nhau.
Mục đích của nội dung này là nhằm chứng tỏ Vải liệm Turin là nguyên mẫu cho gần như mọi sự thể hiện về Đức Giêsu mà con người thừa hưởng đến ngày nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia Blanco, mỗi hình ảnh đều được thể hiện thông qua cách nhìn của từng cá nhân nghệ sĩ, và phản ánh thời đại họ sống: “Tôi muốn thấy một hình ảnh thật, không bị lọc bởi những lăng kính của con người và thời đại, và tôi cho rằng chúng tôi đã làm được điều đó”.
Đối với ông Blanco, tác phẩm về Chúa Giêsu khơi dậy cảm giác của sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và tình yêu thương. “Tại sao con người lại tìm thấy cái đẹp khi đứng trước một hình ảnh chính xác của một người chết với vết bầm, vết máu trải khắp tử thi? Bởi vì đó không phải là cái chết mà là sự hy sinh”, ông Blanco giải thích.
Cuộc hành hương triển lãm
Một nhóm các họa sĩ và nghệ sĩ đã hợp lực tạo ra bức tượng dưới sự chỉ dẫn của ông Blanco và cuộc triển lãm được thực hiện thông qua ArtiSplendore, công ty chuyên về triển lãm văn hóa, nghệ thuật. “Trong vòng 20 năm tới, chúng tôi muốn đến những nhà thờ trên khắp thế giới. Ðây sẽ là cuộc hành hương triển lãm”, theo Giám đốc Ðiều hành ArtiSplendore Francisco Moya. |
LING LANG