Châu Á oằn mình trước khủng hoảng khí hậu
Lục địa lớn nhất và đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với những tác động chết chóc của một mùa hè đầy những sự kiện thời tiết cực đoan, từ sốc nhiệt đến mưa lũ kỷ lục.
Tháng 7, mưa lớn và kéo dài xảy ra ở nhiều vùng của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người và gây nên lũ quét, đất chuồi, mất điện. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục cũng dẫn đến những căn bệnh liên quan đến sốc nhiệt, đặc biệt xảy ra cho những cộng đồng dễ bị ảnh hưởng như người cao tuổi.
Philippines |
Thực tế khắc nghiệt
Ngày 16.7, ít nhất 13 người ở thành phố Cheongju, miền trung Hàn Quốc, thiệt mạng vì con sông vỡ bờ gây ngập nặng một đường hầm dài 685m. Nhiều xe cộ bị mắc kẹt bên trong, bao gồm một xe buýt. Trên toàn quốc, ít nhất 41 người tử vong trong những ngày giữa tháng 7 và hàng ngàn người buộc phải được sơ tán khỏi nhà do mưa lớn đổ xuống miền trung và miền nam Hàn Quốc.
Trước tình hình trên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi cải tổ hoàn toàn cách tiếp cận của nước này trong việc việc ứng phó thời tiết cực đoan. “Đây là dạng thời tiết cực đoan sẽ trở nên phổ biến. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là biến đổi khí hậu đang xảy ra, và đối mặt với nó”, Yonhap dẫn lời Tổng thống Yoon ngày 17.7.
Ở nước láng giềng Nhật Bản, lượng mưa kỷ lục tại miền tây nam lãnh tổ đã kéo theo nạn lụt nghiêm trọng khiến ít nhất 6 người chết và nhiều người khác mất tích. “Mưa chưa bao giờ lớn đến thế”, Kyodo News dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, và kêu gọi những người ở các vùng bị ảnh hưởng phải cảnh giác ở mức tối đa.
Nhật Bản |
Những gì xảy ra tại Hàn Quốc và Nhật Bản là mô hình diễn ra khắp châu Á, từ Philippines đến Campuchia. Lũ lụt lan rộng dẫn đến tình trạng gián đoạn giao thông các thành phố lớn, bao gồm tại các thủ đô Manila và Phnom Penh, những khu vực phía bắc của Ấn Độ, nơi lượng mưa kỷ lục đẩy một số bang cận kề tình trạng bế tắc và cướp đoạt nhiều mạng sống. Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, 10.7 là ngày mưa lớn nhất của tháng 7 trong hơn 40 năm. Mưa lớn kéo dài buộc các trường học phải đóng cửa và khiến nhiều người không có nơi trú ẩn.
Các sự kiện cực đoan nối tiếp nhau
Trong khi một số khu vực đối mặt với lượng mưa chết chóc, những nơi khác lại khốn đốn vì nóng. Ngày 17.7, trạm khí tượng ở vùng đông bắc Trung Quốc thuộc Tân Cương ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ trước đến nay là 52,2 độ C. Trong ngày này, hơn 5 trạm khí tượng ở Trung Quốc vượt ngưỡng 50 độ C. Trước đó, thủ đô Bắc Kinh trải qua mùa nè nắng cháy rộp da, với nhiệt độ đầu tháng 7 cao hơn 40 độ C. Giới chức phải kích hoạt cảnh báo nhiệt ở mức cao nhất suốt 2 tuần trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhiệt độ toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Đợt sốc nhiệt ập đến vào thời điểm ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đặt chân tới Bắc Kinh. Đây là chuyến công du Trung Quốc thứ ba của ông Kerry trên cương vị Đặc phái viên, trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh hợp lực với Washington tìm kiếm biện pháp ứng phó trong điều kiện khí hậu mới. Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải nhiều số một và số hai trên thế giới, chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí phát thải của toàn cầu. Dù sở hữu hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không thoát đợt thiên tai mới nhất. Mưa lũ, sốc nhiệt xảy ra tại nhiều vùng của hai nước. Theo thông tin vừa được công bố, thu hoạch vụ hè ở Trung Quốc giảm lần đầu trong 5 năm, và tình hình của vụ thu không mấy khả quan vì ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan. Vụ thu đặc biệt gây quan ngại vì chiếm 75% sản lượng ngũ cốc cả năm của nước này.
Ấn Độ |
Ở Nhật Bản, một số nơi cũng trải qua mùa hè nóng bức cực đoan. Nhiệt độ ngày 17.7 tăng lên 39,7 độ C ở TP Kiryu thuộc tỉnh Gunma trên đảo Honshu, và 39,6 độ C ở thị trấn Hatoyama thuộc tỉnh Saitama. Các trường hợp sốc nhiệt gia tăng trong số những người cao tuổi, nhóm dân hiện chiếm đến 28% dân số toàn Nhật Bản. Thủ đô Tokyo trong những năm gần đây đã ghi nhận mức nóng nguy hiểm, buộc giới hữu trách kêu gọi người dân sử dụng điện hợp lý trong lúc tình trạng thiếu điện gia tăng.
Các nhà khoa học cảnh báo tần suất và cường độ của những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng trong lúc cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đang tăng tốc. Trong báo cáo thường niên về khí hậu, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo Trái đất đang trên đà phá vỡ ngưỡng tới hạn của khí hậu trong vòng 5 năm tới. Với dân số ước tính 4,4 tỷ người, châu Á đang lâm vào tình trạng vô cùng yếu ớt trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hậu quả kéo theo chính là thiếu nguồn nước, vụ mùa bị thất thu, kinh tế phát triển trì trệ.
Năm ngoái, sau khi hơn 1.700 người chết và hàng triệu người vô gia cư ở Pakistan do lũ lụt, Thủ tướng Shehbaz Sharif vào tháng 9.2022 đã cảnh báo trước Đại hội đồng LHQ: “Một điều vô cùng rõ ràng: chuyện vừa xảy ra cho Pakistan sẽ không dừng lại ở Pakistan, và biến đổi khí hậu sẽ không buông tha bất kỳ nước nào. Định nghĩa về an ninh quốc gia đã thay đổi. Nếu giới lãnh đạo trên thế giới không hợp lực hành động và hành động tức thì theo nghị trình chung đã nhất trí, cả thế giới sẽ thất thủ. Thiên nhiên sẽ đáp trả, và con người hoàn toàn không phải là đối thủ”.
ĐỊNH NGUYỄN