Trong một cuốn sách minh họa do Domenico Agasso, chuyên viên về Vatican của tờ nhật báo La Stampa của Turin, biên tập và được Mondadori xuất bản bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi của trẻ em trên khắp thế giới. Qua đó, ngài mời gọi những người lớn, kể cả các nhà lãnh đạo các quốc gia, cần học hỏi từ các trẻ em.
“Chiến tranh luôn là một sai lầm”, chính bằng vài từ này mà Đức Thánh Cha đã trả lời Darío, một cậu bé người Tây Ban Nha mới 10 tuổi, trong cuốn sách được biên tập bởi Domenico Agasso, người có ý tưởng sưu tầm một loạt câu hỏi của trẻ em trên khắp thế giới dành cho Đức Phanxicô. Đó là một cuốn sách minh họa có tựa đề “Các thiếu nhi thân mến… Đức Thánh Cha trả lời các câu hỏi của các con”, do Mondadori ElectaKids xuất bản, sẽ được xuất bản vào thứ Ba ngày 17/10/2023, tại Ý. Nhật báo Turin đã đăng trước một số trích đoạn vào thứ Bảy ngày 14/10/2023.
Người lớn và chiến tranh
Darío hỏi Đức Phanxicô: “Tại sao lại có chiến tranh?” Đức Thánh Cha trả lời: “Bởi vì khi trưởng thành, chúng ta có nguy cơ rơi vào sự cám dỗ của tính ích kỷ, quyền lực và tiền bạc. Ngay cả khi phải trả giá bằng một cuộc chiến tranh chống lại một quốc gia khác đang cản trở mục tiêu quyền lực này, hoặc nhà lãnh đạo của quốc gia đó cũng theo đuổi những mục tiêu tương tự. Dù biết điều đó có nghĩa là giết người khác. Rất thường xuyên trong lịch sử, những người đã trở thành lãnh đạo của một quốc gia không thể kiềm chế được mong muốn trở thành kẻ mạnh nhất, thống trị thế giới. Đây được gọi là “lợi ích đế quốc”, mà các con sẽ học ở trường trong sách lịch sử. Ngày nay có rất nhiều chiến tranh và bạo lực trên hành tinh, và mặc dù một số người cho rằng đôi khi chúng có lý, nhưng Cha tin chắc rằng các con sẽ hiểu rằng chúng luôn sai. Chiến tranh luôn là một sai lầm”.
Hòa bình trên thế giới
Isabela, chín tuổi, đến từ Panama, hỏi Đức Phanxicô: “Đức Thánh Cha có nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ có hòa bình trên toàn thế giới không? Làm thế nào chúng ta có thể đạt đến đó?” Đức Phanxicô trả lời : “Có, chúng ta không được cam chịu, hòa bình là có thể, có thể thực hiện được. Cha mong rằng sớm hay muộn những “người lớn” sẽ hiểu rằng trong một thế giới hoàn toàn yên bình, tất cả chúng ta sẽ sống tốt hơn. Nhưng mỗi người phải cam kết hạ vũ khí, xoa dịu bạo lực, không gây căng thẳng và xung đột, và loại bỏ khỏi tâm hồn mình ước muốn thống trị người khác, cơn khát thống trị và tiền bạc. Trong trái tim chúng ta chỉ được có tình yêu thương người lân cận, nghĩa là những người ở gần và ở xa, nhất là những người đang đau khổ, gặp khó khăn vì lý do này hay lý do khác. Điều này cũng nên áp dụng cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên hành tinh. Nếu tất cả chúng ta đều sống theo cách này thì sẽ ít gây hấn hơn và cũng ít sợ hãi hơn: tất cả chúng ta sẽ thanh thản hơn, hài lòng hơn. Tình yêu chinh phục chiến tranh và làm cho con người hạnh phúc”.
Tương quan với người lớn
Mary, 9 tuổi, đến từ Hungary, hỏi tại sao Đức Thánh Cha thường nói người lớn nên học hỏi từ trẻ em. Đức Phanxicô trả lời: “Bởi vì các con khôn ngoan, các con có một trái tim trong sáng, các con không có thành kiến. Bởi vì các con nói thẳng sự thật với họ (…) Dù không nhận ra điều đó, nhưng các con đang giúp những người lớn biết lắng nghe các con, và đặc biệt là cha mẹ các con, sống lương thiện và rộng lượng hơn. Thiếu nhi các con, các con biết mang lại giá trị đúng đắn cho những thời gian trong cuộc sống: thời gian học tập, cầu nguyện, vui chơi, vui chơi một mình, với bạn bè và với cha mẹ. Cha cũng mong cha mẹ các con dành thời gian để chơi cùng các con. Và rồi, các con giúp người lớn luôn khiêm tốn. Bởi vì đối với các con, họ chỉ là bố hoặc mẹ, hay dù sao đi nữa cũng là những người nam, người nữ trưởng thành. Do đó, các con “làm bối rối” những người quá say mê bản thân: vì đối với các con, người lớn này không quan trọng vì địa vị danh giá mà người ấy chiếm giữ hay vì người ấy nổi tiếng, mà đơn giản là vì vai diễn anh ta đóng trước mặt các con”.
Sự dấn thân sinh thái
Paul, một cậu bé người Na Uy chín tuổi, hỏi Đức Phanxicô tại sao ngài lại quan tâm đến thiên nhiên. Đức Thánh Cha giải thích: “Bởi vì biến đổi khí hậu và ô nhiễm do con người gây ra có thể dẫn đến sự biến mất của nhân loại, thông qua các hiện tượng như sự nóng lên toàn cầu, sự tàn phá thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường, dẫn đến sự biến mất của đa dạng sinh học, cũng như những căn bệnh chết người mới. Nhưng Cha có niềm tin”. Đức Phanxicô nói tiếp : “Trong nhận thức tập thể của người trẻ và trẻ em về các vấn đề môi trường: các trẻ trai và trẻ gái, thường nhờ đến trường học, đã hiểu rằng tương lai thuộc về các em, và do đó việc hành động ngay trong hiện tại để cứu lấy tương lai là điều cấp thiết”, thậm chí nếu bây giờ “các biện pháp sinh thái của các quốc gia được quyết định ở cấp độ quốc tế là rất quan trọng, cũng giống như hành vi hằng ngày của mỗi chúng ta: tái chế, đảm bảo không lãng phí nước và thực phẩm, đọc các sách giải thích chi tiết các vấn đề của Trái đất chúng ta. Tất cả chúng ta phải cùng nhau không làm bẩn Công trình tạo dựng và chăm sóc nó, luôn chọn những hành động vì lợi ích của môi trường sống của chúng ta, bởi vì đó là Ngôi nhà chung của chúng ta”, một “cam kết nhân bản và Kitô giáo”.
Trẻ em trong trại tỵ nạn
Xuất thân từ Sudan, Samuel, 10 tuổi, cho biết em sống trong trại tỵ nạn giữa những người bạn bị suy dinh dưỡng và khi mọi thứ đều ổn, “chúng con ăn một bữa mỗi ngày“. Em thổ lộ với Đức Thánh Cha rằng em mỉm cười hầu hết thời gian, ngay cả khi đôi khi “con chợt muốn khóc. Vì con muốn chạy trốn…”. Đáp lại, Đức Phanxicô an ủi : “Tất cả trẻ em phải được đến trường và có không gian để vui chơi”. Ngài nói thêm rằng người ta gần như bình thường khi tin rằng châu Phi “chỉ nên bị bóc lột chứ không được giúp đỡ”. Nhưng ngài nói tiếp : “đừng mất hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Cha hy vọng rằng sớm hay muộn các quốc gia giàu nhất sẽ hiểu rằng họ không thể tiếp tục khai thác và sau đó bỏ rơi đất đai của các con, rằng họ sẽ đầu tư nguồn lực để giúp các con giải quyết những khó khăn nghiêm trọng của các con và họ sẽ bắt đầu một sự biến đổi xã hội cho phép mỗi người sống một cuộc sống xứng đáng và mơ về một thời kỳ thịnh vượng không còn xa nữa”.
Đón tiếp người xa lạ
Alessandro, em bé người Ý mười tuổi, hỏi Đức Thánh Cha rằng ngài nghĩ gì về thực tế là những người lớn mà em nghe được không muốn “những gia đình nghèo hơn” đến đất nước của họ. Và nếu đúng như vậy thì em đã không trở thành “bạn của Momo”. Đức Phanxicô nhắc lại rằng điều quan trọng là giá trị của “tình bạn xã hội”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta phải luôn coi nhau như anh chị em, không nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ, tôn giáo hay nền văn hóa khác nhau. Con là, và các con là, một tấm gương cho những người có thành kiến với những người đến từ xa, từ nước ngoài. Không ai có thể cảm thấy mình là người xa lạ ở bất cứ đâu nữa. Và thiếu nhi các con đã biết chào đón các bạn bè mới của mình thật tốt. Các con có thể hòa nhập căn tính của mình – thông qua vui chơi, qua đối thoại – với căn tính của những người đến từ những đất nước xa xôi, thường là vì họ phải chạy trốn chiến tranh, bạo lực, bất công, nghèo đói, đàn áp. Thiếu nhi các con đang gửi đi một thông điệp rất quan trọng: tự cô lập là xấu và phản tác dụng. Và việc học hiểu biết nhau sẽ có lợi cho cả hai bên. Bắt đầu từ những tình bạn mới. Ở đây cũng vậy, những người lớn, kể cả các nhà lãnh đạo các quốc gia, nên học nơi các con: yêu quý cội nguồn và đồng thời cởi mở với thế giới”.
Tý Linh (theo Vatican News)
https://xuanbichvietnam.net/
—————————————–
“Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô dạy: “Hãy như con trẻ!” Tôi chưa được nghe lời nào thông thái hơn. Nếu tất cả những con người sống trên mặt đất này biết nghe lời Chúa, biết nâng niu gìn giữ trái tim con trẻ trong mình, thì chúng ta đã không phải chứng kiến những gì xấu xa mà chúng ta phải chứng kiến: chiến tranh, nhà tù, và mọi sự hành hạ mà con người hàng ngày gây ra cho đồng loại.” (Vũ Thư Hiên).