Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt tu sửa hệ thống kính màu trăm tuổi

Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt tu sửa hệ thống kính màu trăm tuổi

 

Những ô cửa sổ kính màu từ lâu đã là một điểm nhấn trong kiến trúc của nhà thờ Chánh tòa Ðà Lạt. Ðến nay, sau gần trăm năm từ ngày được đưa vào sử dụng, các ô kính này buộc phải trùng tu, phục hồi. Ðằng sau vẻ đẹp mê hoặc của tranh kính màu cổ này, ít ai biết còn có những điều đặc biệt chưa kể.

 

Công trình nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, mà mọi người vẫn hay gọi bằng tên nhà thờ Con Gà, được khởi công xây dựng từ năm 1931 và hoàn thành năm 1942, với tước hiệu Thánh Nicola Bari, sau đổi sang tước hiệu Ðức Maria mẹ Thiên Chúa. Hình dáng được thiết kế đối xứng theo lối cổ điển, cộng thêm vị trí đẹp, đã trở thành công trình kiến trúc cổ được quan tâm của khách xa gần. Các tranh cửa sổ kính màu ở nhà thờ cũng là một phần trong tổng thể ngôi thánh đường, được chế tạo từ các công ty kính màu bên nước Pháp. Cha quản xứ Phaolô Phạm Công Phương cho biết có tất cả 38 tấm kính màu hiện diện từ thời gian đầu xây dựng nhà thờ, với chủ đề phác họa các hoạt cảnh trong Tin Mừng và chân dung các thánh. Dưới các tấm kính màu này thường có ghi năm sản xuất và tên ân nhân tặng, hầu hết đều là người Pháp. Bức tranh kính “sớm” nhất đề năm 1932. Dựa trên các chi tiết vẽ, phối màu cũng như kỹ thuật chế tác, các chuyên gia phỏng đoán 38 bức tranh kính có thể đến từ hai công ty khác nhau. Trong đó có một công ty ghi tên hiện đã đóng cửa, những bức khác lại không ghi tên công ty thực hiện.

Không thể phủ nhận những bức tranh kính màu dùng làm cửa sổ ở các thánh đường khiến cho không gian thêm vẻ uy nghi, huyền ảo, thánh thiêng… Tuy nhiên, theo thời gian, những bức tranh cũ bị tổn hại rất nhiều như nứt, bể, bong màu, hoặc hở các mối nối… Theo cha Phương, nếu trang trí lắp đủ số cửa sổ kính màu như mục đích thiết kế ban đầu, con số kính phải vượt trên 100. Nhưng khi cha sở Céleste Nicolas tiến hành xây dựng nhà thờ, vì kinh phí không thể có đủ, nên khi ngài rời Việt Nam, nhà thờ chỉ có 38 cửa kính màu, trong khi người Việt Nam khi đó chưa thể có đủ kỹ thuật để hoàn thiện công trình. Các ô kính còn lại chỉ được lắp màu trắng. Cho đến năm 2021, sau khi tìm được một công ty đủ uy tín và kinh nghiệm, giáo xứ bắt đầu phục hồi các tranh kính cũ và lắp thêm các tranh kính mới. Hiện đã có thêm 69 bức tranh kính mới được nhiều ân nhân giúp sức, dưới bàn tay kinh nghiệm của ông Trương Thanh Hoàng. Cha chia sẻ: “Sau một trăm năm rồi kể từ ngày những bức tranh kính này có ở đây, đến nay qua nhiều cố gắng, hậu thế muốn hoàn thành công việc mà cha ông xưa còn dang dở. Chắc hẳn xưa ông bà người Việt mình cũng muốn đóng góp cho công trình mà chưa thể. Bây giờ chúng ta có điều kiện tiếp nối”.  

 

Sau gần 3 năm, đến nay số tranh mới đã được hoàn thiện và những bức tranh kính cũ cần phục hồi cũng đã vào giai đoạn nước rút. Một buổi chiều tận “mục sở thị” công việc của những người thợ, mới thấy hết sự tỉ mỉ và độ khó của công việc này. Nói về mối duyên kết nối bản thân với một số công trình tranh kính các nhà thờ, ông Hoàng bày tỏ niềm vui. Ông nói về công việc: “Tôi đã vào tuổi nghỉ ngơi rồi nhưng vì niềm say mê với kính màu, cũng như muốn cống hiến cho quê hương nên đã dốc sức và kinh nghiệm của mình”. Được biết, ông là một Việt kiều, đã có cả tuổi trẻ học hỏi, thực hành và xây dựng được một công ty chuyên về kính màu ghép tại Canada. Ông Hoàng tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại Canada, sau đó làm việc tại những công ty kính màu nổi tiếng ở đất nước này. Một cơ duyên đã khiến ông quyết định về nước và nhận lời đem nghệ thuật kính màu với đủ các bí kíp, kỹ thuật từ châu Âu tô điểm cho nhiều công trình thánh đường. Không ngại chia sẻ quy trình công phu thực hiện một bức tranh kính màu, ông say sưa tóm gọn cho tôi hiểu quy trình nhiều bước, thường sẽ bắt đầu với bản thiết kế tranh với đôi mắt và đôi tay khéo léo của người họa sĩ. Tất nhiên, các tranh vẽ phải là kết quả của quá trình khảo sát thánh đường, tính đường đi của ánh sáng, kết hợp với ý tưởng và chủ đề mà kiến trúc sư hoặc chủ đầu tư đề nghị. Từ tranh nhỏ sẽ được phóng ra tỷ lệ thực tế. Kính màu được được nhập từ những công ty sản xuất có uy tín. Tiếp đến là công đoạn phối màu, sử dụng bột màu vẽ chi tiết, rồi đem nung ở nhiệt độ 500-600 độ C. Các phần kính màu được kết nối với nhau bằng chì chữ H, chấm hàn. Keo đặc biệt dùng kết dính giúp tranh kính màu chịu được thời gian lên đến 50 năm. Với những tranh kính ban đầu của nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, phần keo này đã hết hạn từ rất lâu và đã được gia cố lại hàng chục năm trước. Chính vì vậy nên công việc phục hồi đòi hỏi nhiều công phu. Tranh kính được gỡ xuống thành từng miếng nhỏ và đánh dấu để tránh lẫn lộn, sau đó sẽ được phục chế từng bước nhỏ. Vì ý nghĩa lịch sử, nên những tranh kính này đã được cố gắng giữ lại. Ông Hoàng cho biết thêm: “Sau khi phục chế, ngoài chỉnh sửa những chi tiết đã hư hại như vỡ một số điểm, thì toàn bộ được giữ nguyên thủy, chì và keo mới sẽ giúp những bức tranh này có tuổi thọ dài lâu. Có khi cả trăm năm nữa…”.

 

Nhìn ngắm tỉ mỉ các bức tranh kính mới của công ty ông Trương Thanh Hoàng thực hiện, cũng với các chủ đề trong Tin Mừng và các Thánh, có thể thấy sự hòa quyện rất đồng điệu với những tranh cũ trước đó, góp phần hoàn thiện không gian ngôi thánh đường vốn rất nổi tiếng này. Tranh kính mới đều có đề tên công ty của ông Hoàng là Cty TNHH Kính Màu Ghép Cổ Đại (AA VICTORIA STAINED GLASS., LTD). Ngoài ra, dưới tranh còn có tên ân nhân tài trợ, tên các giáo khu của giáo xứ, và một số bức đặc biệt ghi dấu tên người có đóng góp lớn cho sự phát triển của họ đạo…, như một sự tri ân.

Dựa trên khối lượng công việc hiện tại, ông Hoàng nói dự kiến vào giữa năm tới, mọi hạng mục của kính màu nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt sẽ hoàn tất.

 

Ông Trương Thanh Hoàng đã làm kính màu cho các nhà thờ mới xây như nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa, nhà nguyện Mân Côi (Chí Hòa, TPHCM), nhà thờ Mân Côi – Gò Vấp (TPHCM), nhà thờ Ðông Quang (Q.12, TP.HCM), nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc (Ðồng Nai), giáo xứ Vinh Trung (Bà Rịa), nhà thờ Song Vĩnh (Bà Rịa),  Tu viện Ðaminh (Ðà Lạt)…

Ðịa chỉ Cty TNHH Kính Màu Ghép Cổ Ðại (AA VICTORIA STAINED GLASS., LTD) tại đường số 52, tổ 20, Ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP Bà Rịa – Vũng Tàu.  Ðiện thoại: 0791211717

 

 

Minh Hải

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!