Chủng sinh và những “cái bàn”
Công cuộc đào tạo linh mục luôn là một khía cạnh tối quan trọng trong đời sống Giáo hội. Do đó, đào tạo ơn gọi linh mục và thánh hiến là một tiến trình mang tính năng động, tiệm tiến và sư phạm. Tiến trình này phải được thực hiện qua các giai đoạn giáo dục, huấn luyện và đồng hành. Giáo dục, huấn luyện và đồng hành là ba khái niệm nền tảng quan trọng của một tiến trình huấn luyện. Đào tạo phải có giai đoạn giáo dục và giai đoạn huấn luyện kết hợp với sự đồng hành.[1] Chính vì thế mà thánh Công đồng Vaticano II đã dành riêng Sắc lệnh về đào tạo linh mục để làm kim chỉ nam hướng dẫn việc đào tạo linh mục nơi các cơ sở đào tạo, nhất là các chủng viện và các học viện. Theo đó, ngay trong Lời mở đầu, Sắc lệnh đã nhấn mạnh: “Mọi người mong ước canh tân toàn thể Giáo hội, thánh Công đồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc canh tân này phần lớn tùy thuộc vào việc thi hành chức vụ Linh mục đã được thần linh Chúa Ki-tô thúc đẩy, do đó Thánh Công đồng đã tuyên bố việc đào tạo linh mục là việc vô cùng quan trọng…”[2]
Như thế, Giáo hội luôn coi trọng và đề cao việc đào tạo linh mục như một trong những điều tiên quyết nhằm canh tân Hội Thánh. Khi có những mục tử như lòng Chúa mong ước, Giáo hội có thể mở ra với thế giới, để những làn gió sống động của Chúa Thánh Thần tác động và canh tân mọi thành phần trong Giáo hội. Nhờ đó, Giáo hội đủ sức đối diện với những thách thức của thời đại. Cũng vậy, chính các mục tử là những nhân tố quan trọng giúp Giáo hội đi vào thế giới và sống với con người để phục vụ con người, nhằm đem ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa lan tỏa và chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng đến tận cùng trái đất, nhất là trong một xã hội ngày càng nhiều vấn đề và lòng người ngày càng đổi thay và dường như đang muốn loại trừ Thiên Chúa và chống đối Giáo hội của Ngài.
Tuy nhiên, một trong những mối lo âu chính yếu của Giáo hội ngày nay là hầu như khắp nơi số ơn thiên triệu giảm sút quá nhiều. Nhất là trong một thời đại mà con người ngày càng đạt được những tầm cao mới trong sự phát triển khoa học kĩ thuật, cùng với sự lên ngôi và lan rộng của nhiều hệ tư tưởng, nhất là chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa hưởng thụ và thuyết tương đối… khiến con người, đặc biệt là người trẻ ngày càng thờ ơ với tôn giáo và đời sống tâm linh và đương nhiên thờ ơ với ơn thiên triệu. Chính vì thế, việc đào tạo linh mục thời đại mới cũng gặp không ít những thách đố không chỉ về số lượng chủng sinh, nhưng còn liên quan đến chất lượng hay căn tính của chủng sinh và linh mục. Nơi đó, những những ứng sinh linh mục đang phải đối diện với bao thử thách bủa vây của một xã hội tục hóa và hưởng thụ mà nếu không tỉnh táo và được đào tạo kĩ lưỡng, cũng như không có chiều sâu, nhất là đời sống tâm linh, những chủng sinh và cả những linh mục dễ rơi vào cạm bẫy và ngã quỵ. Điều đó khiến Giáo hội thân thể của Đức Ki-tô thêm những vết thương vô cùng đau xót, mà gần đây những bê bối trong Giáo hội liên quan tới các giáo sĩ là một lời cảnh tỉnh thực sự cấp thiết, nhất là trong việc đào tạo linh mục. Nhận thức được điều đó, Giáo hội không ngừng cổ võ và đặt trọng tâm của mình vào việc đào tạo linh mục như một mối quan tâm hàng đầu của mình, sao cho có thể thích nghi, thức ứng với thời đại mới, để việc đào tạo có thể sinh những hoa trái là những linh mục vừa là người môn đệ nhưng cũng vừa đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử.[3]
Thật vậy, linh mục theo Công đồng Vaticano II là một linh mục kết hợp với Thầy Chí Thánh, khao khát một đời sống Phúc âm thực sự, đi theo đường Chúa Giê-su đã đi và đồng thời là người lo lắng đem thân mình phục vụ anh chị em và mọi người trong một cuộc gặp gỡ cởi mở, chân thành và thích nghi. Vì các ơn gọi trong Hội Thánh chứng tỏ sự phong phú khôn dò của Chúa Ki-tô. Vì thế, các ơn gọi cần được hết sức quan tâm và vun trồng cách kĩ lưỡng và ân cần, để những ơn gọi này có thể triển nở và chín mùi…[4] Trong tiến trình đào tạo linh mục thừa tác, chủng sinh là một “mầu nhiệm” đối với chính mình. Có hai khía cạnh nhân bản nơi con người họ đan xen lẫn nhau và phải hòa nhập vào nhau: khía cạnh thứ nhất được ân sủng nhào nặn và được phú bẩm cho những tài năng và những nét phong phú; khía cạnh thứ hai lại mang dấu ấn của những giới hạn và những nét mỏng giòn… Thời gian đào tạo linh mục thừa tác là thời gian thử thách, trưởng thành và phân định đối với chủng sinh cũng như đối với cơ sở đào tạo.”[5]
Chính vì thế, “phải bảo vệ và làm triển nở các ơn gọi để cho các ơn gọi này sinh nhiều hoa trái chín mọng. Những ơn gọi này giống những “viên kim cương thô” cần được gọt giũa cẩn thận và kiên nhẫn, trong khi tôn trọng lương tâm của mọi người, để họ chiếu sáng giữa dân Chúa”[6]
Dưới ánh sáng của Công đồng cũng như lời mời gọi của chính Chúa qua Giáo hội, đã có rất nhiều đóng góp cho việc đào tạo linh mục tương lai, từ phía Giáo hội hoàn vũ cũng như từ phía các Giáo hội địa phương và các hội đồng giám mục.[7] Vấn đề là việc áp dụng các mô hình đào tạo vào hoàn cảnh và thực tế có thể có sự khác biệt và có những nét đặc thù phụ thuộc vào phong hóa từng nơi. Tuy nhiên, hành trình đào tạo linh mục từ những năm ở chủng viện, được miêu tả trong Ratio Fundamentalis khởi đi từ bốn nét đặc trưng: một công cuộc đào tạo duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo.[8]
Với những mục tiêu đào tạo những ứng sinh nên những con người trưởng thành toàn vẹn, chắc chắn cần có những điều kiện cụ thể và cấp thiết trên nhiều phương diện của đời sống. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, người viết muốn hướng lăng kính vào việc đào tạo một ứng sinh linh mục trong một khía cạnh nhỏ, với một số“cái bàn” mà một chủng sinh trong giai đoạn đào tạo chủng viện, cũng như trong cuộc sống thường nhật cần phải đào luyện, đối diện, cần phải thận trọng và cần phải tránh để trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước.
Công cuộc đào tạo linh mục xoay quanh bốn chiều kích căn bản là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Điều này được Ratio 2016 tái khẳng định và trình bày cách chi tiết trong chương V của văn kiện Ratio Fundamentalis của Bộ Giáo sĩ. Theo đó, “chiều kích nhân bản là “nền tảng cần thiết và năng động” của toàn thể đời sống linh mục; chiều kích thiêng liêng quyết định phẩm chất của thường tác vụ linh mục; chiều kích tri thức cung cấp những công cụ thuần lý cần thiết để hiểu các giá trị riêng làm nên người mục tử, ngõ hầu họ có thể đưa các giá trị này vào trong cuộc sống cũng như truyền đạt nội dung đức tin cach thích đáng; chiều kích mục vụ rèn luyện năng lực đảm nhận một cách có trách nhiệm và phong phú phận vụ được Giáo hội giao phó.”[9]
Như thế, mỗi chiều kích đào tạo đều được gắn với những mục tiêu và những phương thế nhấn mạnh nhất định nhằm “biến đổi hay đồng hóa” con tim của chủng sinh với con tim của Chúa Ki-tô.[10] Ở đây, người viết xin trình bày bốn chiều kích đào tạo xoay quanh một số “cái bàn” mà người chủng sinh gắn bó trong quá trình đào tạo tại chủng viện. Để nhờ những “cái bàn” đó mà nhà đào tạo có thể nhận ra những phẩm chất của người được đào tạo, đồng thời giúp mỗi chủng sinh lớn lên và trưởng thành để đáp ứng những phẩm chất và yêu cầu mà Chúa và Giáo hội ước mong qua việc đào tạo, nhất là sự đào tạo của Chúa Thánh Thần cũng như việc tự đào tạo nơi bản thân, hầu sau này sứ vụ linh mục được tốt đẹp và sinh nhiều hiệu quả cho Chúa và Giáo hội.
1.1. Những cái bàn trong chiều kích nhân bản
Người xưa có câu “học ăn học nói học gói học mở” hay “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” để nhấn mạnh muốn biết một con người có nhân bản hay không, chỉ cần qua cách ăn uống và cách ăn nói cũng có thể nhận ra mức độ nhân bản của một người. Cách riêng tại bàn ăn, nơi mà một người có thể bộc lộ cách rõ nhất và tự nhiên nhất nhân cách của bản thân qua những cử chỉ và những lời nói cũng như những ứng xử với người khác. Như thế, việc đào tạo một ứng sinh linh mục luôn quan tâm đến việc đào tạo một nhân vị có sự trưởng thành trong cách ăn nết ở, mà qua bàn ăn, phần nào nhận ra được mức độ trưởng thành của một người chủng sinh.
Thật vậy, qua bàn ăn một chủng sinh cần thể hiện những nét nhân bản căn bản của một con người lịch sự. Những giá trị dù nhỏ nhưng qua đó cũng cho thấy mức độ giáo dục của một người mà bàn ăn chính là nơi thể hiện điều đó.
Trước hết, khi nói tới bàn ăn, hay đơn giản là việc ăn uống là nói tới nhu cầu căn bản của con người. Nhờ việc ăn uống và chế độ dinh dưỡng mà một người có đầy đủ sức khỏe thể lý. Cũng vậy, một ứng sinh không thể theo học và đào tạo nếu không có một sức khỏe thể lý bình thưởng và một thể trạng tốt nơi thân xác, mà qua việc ăn uống và dinh dưỡng, điều đó được đảm bảo. Như thế, bàn ăn chính là nơi cung cấp những chế độ, những nhu cầu và những thứ cần thiết đảm bảo sức khỏe thể lý cho một chủng sinh nên việc ăn uống và chế độ trong chủng viện luôn được đề cao và quan tâm.
Tiếp đến, không chỉ là nơi cung cấp dinh dưỡng, bàn ăn cũng là nơi con người đối thoại và giao tiếp với nhau, nhất là sau những giờ lao động, làm việc hay học tập căng thẳng vất vả, hầu có thể chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống cũng như về chính mình. Khi đó, bàn ăn cũng trở thành bàn học, nhà là một trong những nơi để chủng sinh sống thật nhất khi có thể bộc lộ cách tự nhiên nhất tính khí và thiên hướng của mình qua các giao tiếp và những cử chỉ. Vì thế, việc đào tạo cũng nhắm tới việc giao tiếp lịch sự và ứng xử có chừng mực nơi bàn ăn khi các chủng sinh biết lắng nghe nhau, biết đối thoại và mang niềm vui đến cho nhau ngay tại bàn ăn. Nhờ đó, niềm vui và sự thoải mái sẽ đến nhờ việc biết đối thoại và ăn cùng nhau với những câu chuyện và những bài học ý nghĩa…
Không những thế, nơi bàn ăn cũng là nơi hướng tới một sự nội tâm hóa, khi một chủng sinh học cách tiết chế từ tư tưởng cho tới lời nói và việc làm, nhất là thể hiện sự quan tâm chia sẻ cho người khác. Qua đó, một người cần rèn luyện và luôn biết tự chủ cũng như thể hiện văn hóa quan tâm để biết nói những gì cần nói, ăn những gì cần ăn và học cách ăn như thế nào nói những gì để tôn trọng và giữ bầu khí. Qua đó, sứ vụ trong tương lai, khi phải tiếp xúc với những con người khác nhau nơi các bàn ăn, mỗi người cũng thể hiện những giá trị tốt đẹp và ý nghĩa cho những người đồng bàn…
Cùng với đó, chính nơi bàn ăn giúp mỗi chủng sinh phần nào rèn luyện sự tiết chế và tiết độ, là những phương thế cần thiết giúp cho đời sống độc thân khiết tịnh được triển nở. Nhờ đó, mỗi người linh mục tương lai có thể đối diện với những cám dỗ và vượt thắng những ham muốn về xác thịt mà việc mê ăn uống, nhất là những đồ ăn có nhiều chất kích thích có thể tác động và ảnh hưởng trên mỗi người.
Hơn nữa, như ta thấy, ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay, việc ăn uống ngày càng đầy đủ, thậm chí dư thừa. Điều đó dễ khiến một chủng sinh dễ rơi vào tư tưởng hưởng thụ và hoang phí mà trên chính các bàn ăn điều đó phần nào được thể hiện, khi mà những thức ăn thừa sẵn sàng bị giục bỏ. Cùng với đó, nhu cầu “ăn sung mặc sướng, ăn ngon mặc đẹp hay ăn kiêng mặc mốt”cũng phần nào ảnh hưởng và tác động trên người sống đời tu trì. Vì thế, để tránh và hạn chế việc tiêu sài quá mức, cũng như để tập lối sống tiết kiệm và sẻ chia, cũng như trở thành tiếng nói chống lại sự hoang phí và văn hóa vứt bỏ đang lên ngôi, người chủng sinh cũng cần luôn ý thức vai trò trách nhiệm của mình trong thế giới và trong sứ vụ tương lai không chỉ là người phân phát ơn thánh, nhưng còn là người biết quan tâm và chia sẻ cho người khác, nhất là người nghèo những của cải vật chất thể hiện qua tinh thần khó nghèo và tiết kiệm mà trước hết ngay trong lối sống và ngay tại bàn ăn…
Thật vậy, việc đào tạo nhân bản có hiệu quả khi giúp một ứng sinh có thái độ trân trọng các giá trị nhân văn làm nên một người nhân bản và cũng như sử dụng của cải cách tiết kiệm chứ không phải hà tiện. Nhờ lối sống tiết kiệm và nhân bản, chủng sinh sẽ biết trân trọng của cải và để chia sẻ với người khác, bởi còn bao người đang đói. Đó là sứ vụ của những linh mục tương lai những người không chỉ chia sẻ của ăn thiêng liêng nhưng phần nào còn chia sẻ của cải vật chất cho con gười, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật trong thế giới hôm nay…
Tóm lại, “bàn ăn” chính là một trong những nơi một chủng sinh thể hiện thật nhất cá tính và con người của mình, cũng như mức độ trưởng thành của bản thân. Vì thế, việc đào tạo nhân bản cần lưu ý đến bàn ăn, để sao cho các chủng sinh luôn ý thức luyện tập nhân đức, để có cung cách ứng xử xứng hợp trong cách ăn nết ở, để luôn biết quan tâm đến người khác, biết lắng nghe và chia sẻ cho mọi người không chỉ của cải vật chất nhưng cả những giá trị tinh thần mà mỗi người đang hướng tới và theo đuổi cho sứ vụ tương lai…
Trong tiến trình đào tạo, điều kiện thể lý luôn là một yếu tố mang tính dấu chỉ rất quan trọng quyết định một người có thể trở thành linh mục hay không. Một chủng sinh không đáp ứng những yêu cầu về sức khỏe thể lý không thể trở thành một linh mục có khả năng phục vụ và đủ để lãnh các sứ vụ mục vụ đoàn chiên. Theo Ratio 2016 số 94, thì “… về mặt thể lý, đào tạo nhân bản liên quan tới sức khỏe, vấn đề ăn uống, hoạt động thể lý, sự nghỉ ngơi và nhiều điều khác”[13]. Hơn nữa trong số 190 khẳng định: “khi bước vào chủng viện, chủng sinh cần chứng minh là điều kiện sức khỏe của mình tương hợp với việc thi hành thừa tác vụ trong tương lai…”[14]
Như thế, để có một điều kiện thể lý xứng hợp, ngoài việc quan tâm đáp ứng vấn đề dinh dưỡng như là một yếu tố quan trọng, thì việc vận động, lao động và nhất là thể thao là một yếu tố không thể thiếu trong đào tạo giúp chủng sinh có một sự phát triển tốt nhất về thể lý, cũng như góp phần không nhỏ cho việc rèn luyện xúc cảm và tâm lý của ứng sinh linh mục.
Thật vậy, nơi bàn thể thao, như bàn bóng bàn, cầu lông hay bóng đá… bên cạnh việc rèn luyện thể lực và tăng cường sức đề kháng hầu có một sức khỏe tốt nhất, thì nơi đây, các chủng sinh cũng thể hiện những giá trị nhân bản và cả tâm lý của mình nơi sự tiết chế, sự khiêm nhường, óc quan sát, khả năng cảm thông, ý chí chiến đấu cùng tinh thần cầu tiến vươn lên và vượt qua chính mình…
Không những thế, đây cũng là nơi để các chủng sinh xả hết những năng lượng tiêu cực, những bức xúc, những ức chế của một ngày học tập hay làm việc căng thẳng, nhất là trong một đời sống mà sự tiết chế tính dục đòi hỏi người chủng sinh, những người trẻ sớm trưởng thành về tình cảm để có thể giữ mình sống độc thân khiết tịnh suốt đời. Nhờ đó, những đam mê xấu, những khuynh hướng xấu, những năng lượng tiêu cực hay những ham muốn xác thịt phần nào cũng được rèn luyện và tan biến nhờ những giây phút thể thao để giải phóng năng lượng xấu, giúp người chủng sinh không chỉ có một sức khỏe tốt mà còn có một tâm lý vững mạnh và một đời sống sinh lý, thể lý trưởng thành… Thật khó để một chủng sinh hay linh mục có thể giữ đức khiết tịnh nếu không có một nơi để giải tỏa những năng lượng tiêu cực. Bàn bóng hay các môn thể thao, cùng với nhịp sống cầu nguyện liên lỉ và một chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một trong những điều kiện lý tưởng giúp người sống đời dâng hiến có thể sống đức khiết tịnh và độc thân một cách thăng hoa và trưởng thành…
Cùng với đó, bàn bóng cũng là nơi một người bộc lộ phần nào tính cách và cá tính của mình dù không phải toàn diện: nóng nảy hay hiền hòa, hiếu thắng hay nhẫn nại, vội vã hay cẩn thận, chân thành hay giả tạo… Nhờ đó, chủng sinh có cơ hội phát huy sở trường của mình trong các môn thể thao, tiếp tục phát huy những điều tích cực. Cùng với đó đây cũng là cơ hội giúp chủng sinh biết luyện tập và rèn luyện để điều chỉnh những tính cách không xứng hợp với ơn gọi linh mục tương lai, nhất là những tính cách hay những thái độ tiêu cực rất dễ bộc lộ và thể hiện khi chơi thể thao.
Cũng vậy, việc chơi thể thao, cũng giúp mỗi chủng sinh rèn luyện cho mình ý chí và tinh thần cầu tiến, để có thể vượt qua được những áp lực và những vấn đề tâm lý mà trong quá trình đào tạo cũng như trong sứ vụ mục tử sau này phải đương đầu và đối diện, nhất là trong một thế giới ngày càng nhiều cạm bẫy và nhiều cám dỗ mà nếu không có một tinh thần, một ý chí vững mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người môn đệ dễ có nguy cơ vấp ngã và thất bại.
Do đó, việc quan tâm đến chiều kích thể thao cũng là một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo chiều kích nhân bản của một linh mục tương lai. Nhờ đó, người chủng sinh sẽ tìm ra cho mình những sở trường, những môn thể thao ưa thích hầu có cho mình một đam mê tốt và dùng đó như một phương tiện sống đời tu cách trưởng thành hơn.
1.2. Những cái bàn trong đời sống thiêng liêng
Đời sống cầu nguyện chắc chắn là điều cần thiết nhất để đánh giá và lượng định mức độ trưởng thành của một ứng sinh trong quá trình đào tạo. Chỉ khi có một đời sống cầu nguyện kết hợp với một đời sống nội tâm sâu sắc và liên lỉ, một ứng sinh linh mục mới có thể đứng vững trước những cám dỗ, không chỉ trong chủng viện nhưng còn suốt đời linh mục tương lai. Thật vậy, không có đời sống cầu nguyện, chủng sinh, linh mục hay bất cứ ai không thể kết hợp với Chúa và như thế, không thể có một khả năng để lắng nghe và thi hành ý Chúa trong sứ vụ và đời sống hằng ngày. Khi đó, đời sống của một người trở nên vô cùng tẻ nhạt, nghèo nàn, dễ sa vào cám dỗ và thất bại, thậm chí mất niềm tin.
Nói về đời sống thiêng liêng, Đức Thánh cha Phan-xi-cô nhắn nhủ các chủng sinh: ““Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là người của Thiên Chúa”, cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, sống Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối, nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, vun trồng đời sống trí thức sâu rộng.”[15]
Trong một xã hội luôn ồn ào náo nhiệt, đời sống tu trì cũng không tránh khỏi những tác động và những xáo trộn, mà nếu không tỉnh thức và đào sâu đời sống nội tâm, những người sống đời thánh hiến trong đó có các chủng sinh rất dễ bị cuốn theo và bỏ bê đời sống cầu nguyện để chạy theo những thứ hào nhoáng, nhộn nhịp, ồn ã bên ngoài để rồi thất bại trong đời tu. Vì thế, thời gian đào tạo chủng viện là giai đoạn quý báu nhằm giúp người chủng sinh rèn luyện và tạo cho mình một thói quen, một nhân đức cầu nguyện, hầu có đủ sức mạnh nội tâm và có đủ phương thế thiêng liêng để đáp ững những nhu cầu cho sứ vụ tương lai. Do đó, ngay tại chủng viện, ngoài việc yêu mến và tham dự thánh lễ, cùng với việc lãnh nhận các bí tích như nguồn lương thực, phương dược và nguồn sức mạnh nuôi dưỡng đời sống tâm linh, người chủng sinh phải tập cho mình lòng yêu mến và sự gắn bó mật thiết với bàn quỳ. Chính nơi bàn quỳ nơi các giờ cầu nguyện chung hay riêng qua các giờ kinh hay qua những giây phút thinh lặng, đời sống nội tâm của chủng sinh mỗi ngày được nuôi dưỡng và trưởng thành và nên vững mạnh. Bởi vì không thể có một linh mục cầu nguyện nếu không có chủng sinh cầu nguyện…
Thật vậy, bàn quỳ là nơi người chủng sinh xây dựng đời sống nội tâm cá vị với Thiên Chúa vì được gặp gỡ và lắng nghe lời Ngài, chia sẻ với Ngài mọi ưu tư, buồn vui, sướng khổ trong ngày sống và cuộc đời. Nhờ đó, chủng sinh kín múc nguồn nghị lực để có thể vượt thắng những cơn cám dỗ, cũng như lãnh nhận nguồn sức mạnh giúp mỗi người luôn biết tín thác và trao phó trọn cuộc đời cho Ngài. Nhất là biết đứng dậy dù sau bao lần vấp ngã để tiếp tục hành trình dâng hiến và phục vụ.
Khi con người, nhất là một chủng sinh biết quỳ gối và cầu nguyện nhờ Kinh Thánh hay kinh nguyện, nhất là trong thinh lặng, học theo gương Chúa Giê-su, họ sẽ nhận ra chính mình, nhìn nhận con người thật và trần trụi của mình. Từ đó, mỗi chủng sinh sẽ xây dựng mối tương quan với Chúa thật sâu sắc. Đồng thời, họ cũng biết tập tính kiên nhẫn và biết hướng tới người khác, với sự quan tâm và cầu nguyện cho người khác, cũng như hợp với toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo hội và cho nhân loại trên thế giới cũng như cho chính mình. Nhờ đó, mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa được nối lại và tăng triển hầu mưu ích cho con người trong thế giới hôm nay, vì “cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng cầu nguyện thay đổi con người và con người thay đổi thế giới”.
Thực tế cho thấy một chủng sinh thiếu đời sống nôi tâm thường là những người gặp những vấn đề về tâm lý và vấp ngã trong cuộc sống và đời tu, dù bề ngoài có thể rất hào nhoáng hay đạo đức và tài năng. Nhiều người có đời tu hời hợt bởi vì không có đời sống nội tâm, bỏ bê cầu nguyện và nhất là không yêu mến bàn quỳ. Khi không còn gắn bó với bàn quỳ, người chủng sinh dễ rơi vào tình trạng kiêu ngạo khi không còn biết cúi mình để nhìn vào tận đáy lòng mà nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của mình. Từ đó, những thái độ hời hợt, thậm chí hống hách dễ bộc lộ và khiến cho người đó ngày một xa cách Thiên Chúa, để rồi dù vẫn tiến bước trong đời tu, nhưng sẽ là một đời tu không hạnh phúc, thậm chí gây tổn thương cho Giáo hội và tha nhân.
Trước mọi biến cố, nhất là những biến cố quan trọng, không phải hành động mà cầu nguyện mới là điều cần thiết và tiên quyết giúp giải quyết mọi vấn đề mà mẫu gương đó chính là Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các thánh. Do đó, tiến trình đào tạo luôn phải hướng chủng sinh tới bàn quỳ trước khi đưa chủng sinh tới các bàn hay các công việc khác, vì chỉ nơi đó, người chủng sinh và linh mục tương lai mới kín múc nguồn sức sống đich thực để tiến bước và trung kiên trong đời dâng hiến.
Đời sống thiêng liêng trước hết là một cuộc bàn hỏi liên lỉ với Thiên Chúa ngang qua đời sống cầu nguyện và việc cử hành các Mầu nhiệm thánh, nhất là trong Thánh lễ, nơi mà mỗi ứng sinh linh mục có thể gặp gỡ thân tình với Chúa, để bàn hỏi và lắng nghe điều mà Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời và sứ mạng của mỗi chủng sinh trong tương lai.
Trong tiến trình đào tạo tại chủng viện, việc linh hướng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết giúp người chủng sinh phân định và lượng giá ơn gọi của mình. Chính nhờ việc linh hướng cách đều đặn và nghiêm chỉnh, người chủng sinh có cơ hội để bàn hỏi với các vị hữu trách, đặc biệt là các vị linh hướng, những người thay mặt Chúa để hướng dẫn dẫn đời sống tâm linh của các chủng sinh đi đúng với đường lối của Thiên Chúa.
Thật vậy, “linh hướng là phương thế ưu tiên cho sự phát triển toàn diện con người. Chủng sinh được hoàn toàn tự do chọn lựa cha linh hướng cho mình trong số các linh mục được Đức Giám mục chỉ định cho sứ vụ này. Chủng sinh chỉ thực sự có được thái độ tự do này khi mở lòng ra với cha linh hướng cách thành thật, tin tưởng và ngoan ngoãn. Những cuộc gặp gỡ không thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng phải được sắp xếp đều đặn theo kế hoạch; thật vậy, việc đồng hành thiêng liêng được tốt cũng góp phần vào sự thành công của toàn bộ tiến trình đào tạo…”[16]
Như thế, để công cuộc đào tạo có sự tiến triển, nhất là trong đời sống thiêng liêng, khi linh hướng, mỗi chủng sinh cần có thái độ cầu tiến, khiêm tốn để việc bàn hỏi với các cha linh hướng diễn ra trong bầu khí cởi mở, chân thành và trung thực, cùng với sự tin tưởng. Nhờ đó, các ứng sinh có đủ can đảm để giãi bày những điều sâu kín của tâm hồn, những trăn trở, những khó khăn và cả những vấp ngã đang cần chữa trị. Nhờ đó các vị linh hướng, trong vai trò người đồng hành thiêng liêng, mới có khả năng để đồng hành, cảm thông, chia sẻ, khuyên nhủ… và có thể chữa trị những vết thương nơi sâu kín tâm hồn mà chỉ nhờ sức mạnh của Chúa mới có thể chữa lành, mà Bí tích hòa giải khi linh hướng là liều thuốc hữu hiệu nhất.
Cùng với đó, trong quá trình đào tạo, việc bàn hỏi với anh em trong các việc thiêng liêng cũng như trong đời sống cũng là điều cần thiết giúp anh em hiểu nhau hơn và có thể giúp nhau thăng tiến trong đời sống ơn gọi, cách riêng là đời sống thiêng liêng. Khi biết bàn hỏi với nhau, mỗi chủng sinh có cơ hội mở lòng với nhau để học nơi nhau những phương thế cầu nguyện cũng như những cách thức nhằm giúp tăng triển đời sống thiêng liêng. Nhờ đó, đời sống thiêng liêng thêm trưởng thành để có thể tiếp tục bước tiếp hành trình ơn gọi mà mỗi anh em đã lựa chọn và tự do bước theo với một tâm hồn bình an và một đời sống nội tâm sâu sắc.
Tuy nhiên, trong đào tạo nói chung và trong đời sống thiêng liêng nói riêng, chính Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính, nên “người đồng hành không phải là người quyết định ơn gọi của người thụ huấn, cũng không phải là người nắm giữ mọi “bí mật” về tương lai của ứng sinh. Người đồng hành đóng vai trò của Gioan Tẩy Giả, người đưa môn đệ mình tới gặp Chúa, giới thiệu họ với Chúa, rồi từ từ rút vào bóng tối, để “Người lớn lên, còn tôi nhỏ lại” (Ga, 3,30) […] Do đó, điều cơ bản là người thụ huấn phải cảm nhận Chúa Thánh Thần như là bạn trung tín của mình, như là Đấng sẽ giúp họ am hiểu toàn vẹn và sự khôn ngoan của trái tim, như một người dẫn đường đăm đăm nhìn về Chúa Giêsu và những kẻ được kêu gọi, để làm cho họ trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu. Một khi người thụ huấn nhận biết và cảm nghiệm Chúa Thánh Thần như là “bạn đường,” họ sẵn sàng đón nhận những người đồng hành mà không đòi hỏi người đồng hành phải hoàn hảo; họ dễ dàng đón nhận những phương tiện, điều kiện và cả những giới hạn nhân loại của người đồng hành. Hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần thì cũng tin cậy những trung gian của Người. Hễ ai biết phó mình trong tay Chúa Thánh Thần thì không lo sợ khi chia sẻ lịch sử đời mình với người đồng hành trong sự cởi mở, tin tưởng và phó thác.”
1.3. Những cái bàn trong đời sống tri thức
Trong một xã hội mà mức độ dân trí ngày càng tăng cao, nhiều luồng tư tưởng và học thuyết muốn dùng lý trí để phủ nhận, thậm chí loại trừ niềm tin tôn giáo, coi đó chỉ là những thứ hão huyền và mê tín. Trước thực trạng đó, việc những ứng sinh linh mục cần đào sâu đời sống tri thức là điều không thể coi thường. Thật vậy, thánh Augustino đã nói: “tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”, nghĩa là khi tôi tin vào Thiên Chúa, tôi sẽ dùng lý trí để tìm hiểu những chân lý mặc khải và nhờ Chúa Thánh Thần cũng như tác động của lý trí qua sự hướng dẫn của người hữu trách, tôi nhận ra những gì tôi tin là hữu lý; cùng với đó, khi tôi đã hiểu những chân lý đức tin, tôi sẽ nhận ra niềm tin của mình là hữu lý, để từ đó tôi xác tín hơn vào niềm tin của mình và yêu mến chân lý đó bằng cả con tim và khối óc của mình. Đó cũng là bộ khung mà thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã dùng để triển khai thông điệp nổi tiếng “Đức tin và lý trí” của ngài, khi ngài coi “đức tin và lý trí như đôi cánh để nâng con người lên gặp gỡ Thiên Chúa”[18]. Như thế, đức tin và lý trí không bao giờ mâu thuẫn hay đối nghịch nhau, trái lại nâng đỡ và hỗ tương nhau để hướng đến một mục đích cao cả nhất là gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa. Và để thu lượm và thủ đắc các chân lý đức tin cũng như các chân lý khoa học hay những giá trị về văn hóa, xã hội, một chủng sinh phải biết gắn bó và yêu mến “bàn học”, nơi chủng sinh có điều kiện thuận lợi nhất để trau dồi những kiến thức căn bản và cần thiết nhất cho sứ vụ tương lai của mình, bởi không có tri thức, một linh mục, nhất là một linh mục triều, dù có thể đạo đức, nhưng sẽ có thể gặp những khó khăn trong việc đối thoại và mục vụ trong thế giới và nơi con người hôm nay.
Thật vậy, “đào tạo tri thức góp phần chuẩn bị cho người linh mục cách toàn diện; hơn thế nữa, vì đào tạo tri thức đem lại nhiều lợi ích cho đào tạo nhân bản và thiêng liêng nên cũng giúp họ trong thừa tác vụ mục tử…”[19] Do đó, một chủng sinh sẽ có khả năng trau dồi các đức tính nhân bản một cách hữu hiệu hơn khi có cho mình một kho tàng tri thức phong nhiêu trong nhiều lãnh vực, để nhờ đó mở rộng tầm nhìn của mình ra thế giới mà biết khiêm tốn và chân nhận những hạn chế và sự hữu hạn của mình; cùng với đó, khi có một sự hiểu biết toàn diện, chủng sinh cũng biết khiêm tốn nhìn nhận sự nhỏ bé của mình trước Thiên Chúa, nhờ đó mà biết cúi mình và yêu mến bàn quỳ để nơi đó, đời sống thiêng liêng cũng được tăng trưởng và nên sâu sắc hơn.
Như vậy, thời gian đào tạo tại chủng viện chính là thời gian quý giá nhất giúp một người chủng sinh, một ứng viên linh mục tương lai từng bước đào luyện và trưởng thành về mọi chiều kích. Trong đó, giai đoạn này là giai đoạn quan trọng để qua “bàn học”, một chủng sinh có thể thủ đắc được những kiến thức cần thiết nhất để có thể đối thoại và có thể phục vụ trong tương lai. Cùng với việc thủ đắc những kiến thức thánh, những khoa học triết học, thần học hay những môn học trong chủng viện, nơi chủng sinh có thể thủ đắc và tiếp thu những kiến thức qua việc được các giáo sư và các nhà hữu trách truyền thụ, chủng sinh cũng không ngừng gắn bó đời chủng sinh với “bàn học” nơi sách vở và những phương tiện hữu ích, để có thể tiếp cận và mở ra những chân trời mới trong bầu trời tri thức nhân loại. Nhờ việc tạo lập và phát huy thói quen và lòng yêu mến với bàn học nhất là qua việc đọc sách, chủng sinh sẽ có cho mình những kho tàng nho nhỏ nhưng vô cùng quý giá vốn liếng tri thức hữu ích cho sứ vụ trong tương lai.
Tuy nhiên, giữa một thế giới đang ngày càng bị bão hòa và bội thực thông tin, cùng với sự bủa vây, lèo lái và mơn trớn của biết bao học thuyết nghịch với đức tin tinh tuyền của Giáo hội, thì nơi bàn học, một chủng sinh cũng phải biết cách chọn lọc những luồng tri thức hữu ích và chính thống, cũng như cẩn trọng và khôn ngoan trong khi tiếp cận với luồng tư tưởng và kiến thức mới, thậm chí sai lầm dù rất ngọt ngào, tránh bị lôi cuốn và chết đuối trong biển tri thức tai hại đó. Để làm được điều đó, một chủng sinh cần đến “bàn quỳ” và “bàn hỏi” để có thể phân định và biết cách chọn lọc, cùng với một sự phán đoán, một sự khôn ngoan để phân định và nhất là có một nền tảng tri thức vững chắc và xác tín về các chân lý đức tin trong Thánh Kinh, Thánh Truyền dưới sự hướng dẫn của huấn quyền Hội Thánh…
Cùng với đó, việc gắn bó với bàn học và có lòng yêu mến với bàn học, nhất là qua thói quen đọc sách cũng là cơ hội để một chủng sinh tập cho mình những nhân đức cần thiết, nhất là sự kiên nhẫn và rèn luyện ý chí vượt qua sự ươn lười của bản thân để vươn lên trong con đường tìm kiếm chân lý đích thực. Cũng vậy, việc yêu mến bàn học giúp chủng sinh có một đam mê tốt như một phương thế hữu hiệu chống lại nhưng đam mê xấu và những cơn cám dỗ mà một người dễ sa vào, nhất là khi cảm thấy rảnh rỗi và cô đơn…
Nói chung, nơi bàn học, một chủng sinh không chỉ thủ đắc cho mình nguồn tri thức thánh cần thiết cho sứ vụ tương lai, nhưng cũng mang đến cho mỗi chủng sinh nhưng đức tính và phương tiện cần thiết hầu làm tăng trưởng đời sống nhân bản, thiêng liêng và cả mục vụ. Nhờ đó, đời sống mục tử tương lai sẽ mang lại nhiều hoa trái cho con người trong thế giới hôm nay.
Cùng với việc gắn bó với bàn học, với sách vở, mỗi chủng sinh cũng phải rèn luyện và trau dồi khả năng “bàn luận” trong quá trình đào tạo cũng như trong sứ vụ tương lai. Bàn luận giúp con người tăng triển và mở ra với thế giới. Bàn luận không phải là tranh luận gây chia rẽ hay sự cãi vã để rồi gây xung đột. Trái lại, việc bàn luận trong việc tiếp thu tri thức là sự đối thoại để tìm ra một lối đi chung cùng với một sự mở rộng về tầm nhìn. Cùng với đó, việc bàn luận giúp người ứng sinh linh mục biết mở lòng và đón nhận những khác biệt đến từ người khác. Từ đó biết cộng tác và giúp đỡ nhau thăng tiến trong đời tu cũng như trong sứ vụ.
Tuy vậy, một điểm yếu là người Việt nhìn chung không có hay rất khó làm việc chung và đối thoại với nhau. Do đó, khi bàn luận, những người tham gia thay vì đón nhận những khác biệt, thay vì lắng nghe và tôn trọng ý kiến và hiểu biết của nhau, họ dễ gây xung đột và chia rẽ, để rồi không có tiếng nói chung và không thể tìm ra cách tối ưu để giải quyết vấn đề cũng như mở rộng kiến thức. Dó đó, vốn liếng và sự hiểu biết của nhiều người bị hạn chế và thật khó có thể giúp đỡ nhau trong sứ vụ sau này. Điều đó có lẽ cũng đâu đó tồn tại trong môi trường chủng viện mà rất cần một sự bứt phá, dẹp bỏ cái tôi để khiêm tốn và biết ngồi lại với nhau… Bởi chỉ khi biết bỏ đi cái tôi, mỗi chủng sinh mới có khả năng nhìn nhận sự khác biệt và tiếp thu sự khác biệt của người khác để làm giàu thêm tri thức cho mình, cũng như gạn lọc và nhận ra những khuyết điểm của mình để thay đổi hay những khuyết điểm của anh em để nâng đỡ nhau trong hành trình tiến tới chức linh mục và sứ vụ tương lai…
Tầm quan trọng của việc đào tạo tri thức trong chủng viện đã được chính Đức Thánh cha Phan-xi-cô nhấn mạnh: “Thời gian ở chủng viện cũng là và trên hết là thời gian học hành. Đức tin Kitô có một chiều kích lý trí và trí tuệ rất thiết yếu. Nếu không có chiều kích này, thì đức tin sẽ chẳng còn nguyên vẹn. Thánh Phaolô nói về ”một hình thức giáo dục” mà chúng ta được ủy thác trong bí tích rửa tội (Rm 6,17). Tất cả các bạn đều biết lời Thánh Phêrô, được các nhà thần học thời Trung Cổ coi như là lời chứng minh một nền thần học hợp lý trí và được soạn thảo một cách khoa học: ”Luôn luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi các anh chị em về lý do tại sao anh chị em hy vọng” (1 Pt 3,15). Học biết khả năng mang lại những câu trả lời như thế chính là một trong những mục đích chính của những năm ở chủng viện. Tôi chỉ có thể tha thiết xin các bạn: hãy học hành nghiêm túc! Hãy tận dụng những năm học hành! Các bạn sẽ không hối hận về điều này.”[20]
Vì thế, việc quan tâm đào tạo trong chiều kích tri thức thông qua “bàn học” và “bàn luận” giúp chủng sinh có khả năng nới rông tầm nhìn thông qua việc chăm chỉ học hành, đọc sách và bàn luận trong quá trình tu học. Nhờ đó, nỗi chủng sinh sẽ tích lũy cho mình những lượng kiến thức cần thiết để có thể phục vụ cho sứ vụ tương lai đang rất cần những con người đạo đức thánh thiện và đầy lòng bác ái, nhưng cũng đầy hiểu biết để có thể giải quyết hay đối diện với những thực tại ngày càng phức tạp trong đời sống của con người trong thế giới hôm nay.
1.4. Những cái bàn hướng tới đời sống mục vụ
Mục đích của việc đào tạo là cần phải “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, “trước hết ứng sinh chức thánh phải được đào tạo cho có lòng tin thật sống động vào Bí tích Thánh Thể”, nhằm những gì họ sẽ sống sau khi được truyền chức linh mục.”[21] Do đó, để chuẩn bị cho việc tiến lên bàn thánh, nơi công việc mục vụ cao cả nhất là cử hành Thánh lễ và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, một chủng sinh cần phải có thái độ tôn kính và yêu mến bàn thờ như thân thể Chúa, mới có thể phục vụ bàn thờ cách thánh thiện trong tương lai.
Việc đào tạo chủng sinh có một trái tim mục tử, nhất là qua việc cử hành các tác vụ thánh trong tương lai phải được để tâm và đào luyện ngay trong giai đoạn chủng viện, nhất là trong thời gian đào tạo thần học. Nhờ đó, trái tim của một ứng sinh linh mục được biến đổi và nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, hầu có thể đáp ứng những yêu cầu cho việc phục vụ sau này.
Việc phục vụ bàn thờ với một thái độ cung kính, trước hết qua các công tác như giúp lễ, phụng tự giúp người chủng sinh có một thái độ trang trọng và nghiêm trang khi biết phân định cách xác tín giữa những thực tại thánh và thực tại trần tục. Nhờ đó, người linh mục tương lai không bao giờ có thái độ bất kính đối với những thực tại thánh hay những đồ dùng thánh, nhất là trong cử hành Phụng vụ Thánh lễ. Tiếp đến, quá trình đào tạo tại chủng viện cũng giúp chủng sinh qua những công việc bổn phận, khi tiếp xúc với bàn thờ cũng dần cảm nhận được sự gần gũi và mối hiệp thông chân tình sâu sắc với Chúa Giê-su Thánh Thể, nhất là qua việc tham dự Thánh lễ, phục vụ bàn thờ cũng như đọc Sách Thánh và đặc biệt là Rước lễ. Nhờ đó, tâm hồn chủng sinh sẽ mỗi ngày cảm nếm được tình yêu mà Chúa dành cho con người, để những sứ vụ trong tương lai, dù có những thách đố, những vất vả, người linh mục vẫn luôn biết kín múc nguồn sống đích thực và vĩnh cửu nơi Thánh Lễ, qua việc hiến thân hằng ngày trên bàn thờ. Đồng thời, cũng qua việc phục vụ bàn thờ, người linh mục cũng phân phát lương thực thần linh nuôi dân chúng với một tâm hồn thánh thiện và sốt sắng mỗi khi tiến lên bàn thánh.
Để hỗ trợ việc phục vụ bàn thánh được sốt sắng, trong giai đoạn thần học, tùy vào mức độ trưởng thành của mỗi ứng sinh và tùy vào chương trình đào tạo ở thời điểm đó, có thể trao các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho chủng sinh để họ có đủ thời gian để thực tập thừa tác vụ ấy và chuẩn bị tốt cho việc phục vụ Lời Chúa và bàn thờ sau này… [22]
Nói chung, nhờ việc yêu mến và cung kính phục vụ bàn thờ mà người chủng sinh sẽ được lớn lên mỗi ngày trong cung cách phục vụ. Cùng với đó, mỗi chủng sinh sẽ trau dồi cho bản thân có đầy một trái tim mục tử để có thể hướng tới việc mục vụ giữa đời, nơi những con người đang cần lắm những đôi tay và đôi chân của các linh mục biết ra đi và đến với những tâm hồn đang khao khát Chúa và đang chờ đợi nơi mỗi mục tử của Ngài.
Chiều kích truyền giáo hay loan báo Tin mừng là sứ mạng của mọi người Ki-tô hữu. Sứ mạng này càng trở nên cấp thiết hơn trong thế giới ngày hôm nay, nơi mà con người và xã hội đang trải qua những bước tiến và những thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt. Điều đó mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu những thách đố cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, nhất là nơi các mục tử và những người sống đời thánh hiến. Vì thế, việc đào tạo cũng luôn nhắm đến đào tạo để chủng sinh có những đôi bàn chân và những đôi bàn tay không chỉ khỏe mạnh về mặt thể lý, nhưng là những bàn tay biết phục vụ, biết cho đi với một trái tim quảng đại và đầy lòng trắc ẩn của Thầy Chí Thánh. Nhờ đó, với một trái tim yêu thương, với nguồn nghị lực kín múc được nơi bàn thánh, mỗi chủng sinh biết lên đường với những bước chân hướng đến tha nhân.
Thật vậy, trong một xã hội ngày càng bị tục hóa và ngày càng dung túng cho não trạng hưởng thụ và văn hóa tiêu thụ, vứt bỏ, bên cạnh những con người có đầy dư của cải và rủng rỉnh sống trong nhung lụa, vẫn còn đó bao phận người đang phải đói, phải khát không những về của cải vật chất, mà cả về tinh thần và đời sống tâm linh đang cần đến những trái tim quảng đại, nơi những đôi chân và những bàn tay yêu thương biết mở ra và cho đi, mà mỗi chủng sinh, mỗi linh mục và người sống đời thánh hiến phải là những ngọn cờ đầu. Trong khi dường như con người ngày nay ngày một thờ ơ với những người nghèo khổ bất hạnh đó, thì Giáo hội vẫn trung thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó, tiếp tục miệt mài với sứ vụ gieo rắc Tin Mừng vào trong thế giới, cũng như nỗ lực không ngừng, bằng lời kêu gọi và bằng hành động cụ thể để chung tay xoa dịu nỗi đau và sự đau khổ do nghèo đói, bệnh tất và bất công trong xã hội. Trong sứ mạng này, mỗi chủng sinh cần phải được đào tạo để có một trái tim biết chạnh thương, một đôi chân biết dấn thân và lên đường đến với người nghèo, và một đôi bàn tay êm ái dịu dàng biết mở ra để trao ban và cho đi nhưng không tất cả những gì mình có, hầu đem ơn cứu độ, sự bình an và niềm vui Tin Mừng đến với bao tâm hồn bất hạnh, đang đói và khát nguồn sống đích thực là chính Thiên Chúa.
Cùng với đó, với một bàn tay biết sẻ chia, mỗi chủng sinh được mời gọi học biết đối thoại và loan báo Tin Mừng của Chúa Ki-tô cho mọi người, cố gắng tìm hiểu những mong đợi sâu xa nhất mà vẫn tôn trọng sự tự do của mỗi người. Vì vậy, các nhà đào tạo sẽ dạy các mục tử tương lai cách tạo ra “tiền đường” và những cơ hội mục vụ mới để ra đi gặp gỡ những người, tuy không chia sẻ trọn vẹn đức tin Công giáo, nhưng lại đang tìm kiếm cách thiện chí một lời giải đáp đích thực soi sáng cho những câu hỏi sâu xa nhất của họ…[23]
2.1. Những cái bàn cần sự khôn ngoan
Ngày nay, mạng internet, nhất là mạng xã hội đã trở thành một thứ thiết yếu trong cuộc sống. Do đó, đời tu cũng không thể lẩn trốn việc phải tiếp cận và làm việc với và qua internet. Thật thế, đó là một môi trường, một mảnh đất màu mỡ cho việc truyền giáo và loan báo Tin Mừng trong thời đại mới. Đó cũng là một công cụ cần thiết và hữu ích cho sứ vụ cũng như cho việc thăng tiến bản thân, nhất là nơi đây là một kho tàng khổng lồ tri thức nhân loại. Thế nhưng, khi tiếp xúc với bàn phím và màn hình trong thế giới ảo, mỗi chủng sinh cũng cần phải cẩn trọng tránh bị lôi cuốn và nô lệ hóa bởi những trào lưu thế tục nhan nhản trên mạng xã hội, mà đôi khi đột lốt dưới những hình ảnh rất mỹ miều và đầy hấp dẫn.
Cũng vậy, những thứ làm nên mặt trái của mạng xã hội và của công nghệ hiện đại lại là một thứ virus vô cùng độc hại có thể xâm nhập rất nhanh, làm biến chất và hủy hoại một con người dù họ là ai, giám mục, linh mục, chủng sinh hay tu sĩ, giáo dân. Vì thế, một sự trưởng thành về trí dục và về tâm cảm cũng như đời sống thiêng liêng cùng với sự khôn ngoan và thận trọng là điều không thể thiếu của mỗi chủng sinh trong nhịp sống hiện đại ngày hôm nay…
Dẫu vậy, bàn phím có hai mặt của nó, nó rất hữu dụng khi nó là một đầy tớ, nhưng sẽ thật độc hại khi trở thành những ông chủ chi phối thời gian và định hướng đam mê của người sống đời thánh hiến, nó sẽ trở thành những ông chủ vô cùng độc ác và tàn nhẫn phá hủy, chiếm lĩnh và tàn phá đời tu, nhất là khi người sử dụng coi nó là mục đích và sử dụng sai mục đích. Do đó, việc phân bổ thời gian, xác định đúng mục tiêu sử dụng và việc thận trọng, khôn ngoan khi sử dụng các phương tiện xã hội là điều cần thiết và có ảnh hướng lớn tới chất lượng một linh mục trong tương lai…
Bàn bạc là việc đối thoại và cộng tác với nhau trong các công việc của đời sống thường ngày. Khi bàn bạc với nhau, con người biết cởi mở và nhìn nhận nơi nhau những ưu khuyết điểm, nhờ đó có thể làm việc chung với nhau. Bàn bạc giúp ta khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình và biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, cũng như nhận ra con đường để giải quyết công việc chung.
Tuy nhiên, việc bàn bạc cũng là một nghệ thuật để tránh gây ra những cãi vã và tranh chấp cũng như sự chia rẽ. Dó đo, khi bàn bạc bất cứ công việc gì, chúng ta cũng cần thận trọng và khiêm tốn để có thể đạt được mục tiêu đặt ra cũng như tìm ra những phương thế tối ưu nhất, tránh sự tranh cãi và mâu thuẫn không cần thiết..
Vì thế, mỗi chủng sinh cũng cần có thái độ tôn trọng người khác và luôn biết bàn bạc với những người sẽ cộng tác và cùng làm việc với mình. Việc bàn bạc với nhau sẽ giúp cuộc sống chung tốt đẹp, giúp các chủng sinh hiểu nhau và hiểu người khác cũng như tôn trọng người khác. Nếu trong sứ vụ mục tử, người linh mục luôn biết bàn bạc trước khi quyết định bất cứ công việc gì, thì công việc và sứ vụ sẽ tránh được những mẫu thuẫn và hiểu lầm không cần thiết. Nhờ đó, đời sống của cộng đoàn giáo xứ mới có thể thuận lợi và đời sống đức tin cũng nhờ đó mà thăng tiến, nhất là nhờ sự đồng thuận của chủ chăn và đoàn chiên trong mọi công việc và trong đời sống đức tin.
2.2. Những cái bàn nên tránh
Việc ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nơi các bữa ăn, nhất là các bữa tiệc luôn là dịp để con người gặp gỡ và chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, nếu những bữa ăn hay bữa tiệc trở thành một bữa nhậu thuần túy thì sẽ thật khôn lường, nhất là đối với những người sống đời thánh hiến. Nơi bàn nhậu, nhất là tại Việt Nam, thay vì chia sẻ niềm vui và sẻ bác ái, lại là nơi để sát phạt nhau, để cà khịa và gây ra những chuyện không hay trong và sau mỗi bữa tiệc. Thật lạ khi có những người thích “đong đếm” tình cảm bằng ly rượu, lon bia, và coi việc uống được như “một chiến tích”, để rồi dồn ép nhau và bắt nhau phải uống và coi thường những người nói không với “bàn nhậu”. Khi đó, việc ăn uống lại trở thành một gánh nặng, một cái cớ nhiều khi gây ra sự bất hòa, thậm chí xung đột không thể hòa giải.
Tất nhiên một bữa tiệc phải có ly rượu ly bia mới vui và tình cảm dễ chia sẻ vì đó là một nét văn hóa rất đẹp và nên phát huy. Qua các “bàn tiệc” đúng nghĩa, con người biết dùng việc ăn uống như một cơ hội để chia sẻ niềm vui với nhau. Nhưng khi việc ăn uống trở nên quá độ, khi biến bàn ăn, bàn tiệc thành bàn nhậu thuần túy, thì nơi đó, bất cứ ai cũng dễ dàng đánh mất căn tính của mình, nhất là khi không còn tự chủ trước những chất kích thích và khi quá độ, không còn tỉnh tảo, để rồi bao tai họa ấp đến không chỉ cho người đó mà còn cho bao người khác.
Trước thực trạng đó, chủng sinh trong quá trình đào tạo cũng phải ý thức ngay từ đầu và tập tránh ngay từ đầu những bữa tiệc không cần thiết và vô cùng thận trọng và khôn ngoan khi đến những bàn ăn hay những bàn tiệc. Bởi vì chắc chắn sứ vụ không thể tránh việc phải giao lưu, phải mục vụ nơi các bàn ăn, bàn tiệc thậm chí bàn nhậu. Nhưng một thái độ khôn ngoan, tỉnh táo, đôi khi cần sự quyết đoán chối từ, nhưng không thiếu bác ái là điều vô cùng cần thiết để giữ căn tính và ơn gọi của mình.
Vì thế, ngay trong chủng viện, người ứng sinh đã cần tránh việc ăn nhậu và dùng việc ăn uống, nhậu nhẹt để lượng giá con người. Cùng với đó, tạo lập cho bản thân những thói quen lành mạnh, nhịp sống khoa học để có thể khôn ngoan và đứng vững trước những thử thách bủa vây trong sứ vụ cũng như trong nhịp sống hằng ngày, cách riêng tại các “bàn nhậu”.
Đời sống chủng viện là một giai đoạn đào tạo các ứng sinh có khả năng sống đời sống chung. Thật vậy, một ứng sinh linh mục có khả năng sống chung là một dấu chỉ rõ nhất cho thấy người đó có khả năng tiến chức linh mục. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng việc sống đời sống chung là một điều không hề dễ dàng. Dù chỉ trong khuôn viên chủng viện, với những con người cụ thể và quen thuộc, nhưng việc duy trì đời sống cộng đoàn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Do đó, nhà đào tạo luôn lưu tâm đến vấn đề một chủng sinh có khả năng sống đời sống chung hay không, vì đó là một yếu tố quyết định người đó có thể sống sứ vụ linh mục hay không. Cùng với đó, các nhà đào tạo cũng tạo mọi điều kiện để các chủng sinh có thể phát huy khả năng của mình trong những vấn đề chuyên môn và năng khiếu, nhưng cũng luôn nhắc nhở và lưu tâm để các chủng sinh không để sự khác biệt của mình trở thành một vấn đề phá vỡ và làm rạn nứt đời sống cộng đoàn.
Đời sống chung là một yếu tố cần thiết, vì con người là một sinh vật mang tính xã hội, nên để cộng đoàn có thể ổn định và phát triển, nhất là trong môi trường chủng viện, thì mỗi chủng sinh cần đào luyện những đức tính cần thiết cho đời sống cộng đoàn, nhất là giữa một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi và lôi kéo con người khỏi đời sống chung để sống ích kỉ và không cần đến người khác. Vì thế, việc đào tạo và tự đào tạo cũng nhắm tới việc mỗi chủng sinh rèn luyện những đức tính cần thiết cho đời sống cộng đoàn và cho sứ vụ sau này.
Để có một đời sống chung tốt đẹp cần rất nhiều đức tính, nhưng có lẽ một trong những điều hay làm rạn nứt đời sống chung đó là sự “bàn tán, bàn ra tán vào” hay nói xấu nhau. Một vấn đề có thể rất nhỏ nhưng khi được “bàn ra, tán vào”, nó lại trở nên nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng rất lớn tới việc và người bị bàn tán. Do đó, chủng sinh cần phải tránh việc bàn tán những chuyện không phải của mình cũng như không biết sự thật chắc chắn về sự việc đó, tránh làm to chuyện và kéo câu chuyện theo những hướng khác có thể làm ảnh hưởng và gây chia rẽ trong cộng đoàn cũng như gây tổn thương đến anh em cũng như bầu khí chung… Đó là đức tính cần thiết không chỉ cho đời sống cộng đoàn trong chủng viện nhưng cho suốt cả đời mục tử sau này, khi các linh mục sẽ là người sống giữa cộng đoàn để duy trì đời sống chung cộng đoàn.
Đức Thánh cha Phan-xi-cô kịch liệt lên án thói xấu này, “ngài nhấn mạnh rằng: ”Kẻ ngồi lê mách lẻo không kết thúc với hành động của mình, nhưng đi xa hơn, họ gieo rắc bất hòa, gieo vãi thù hận và sự ác. Xin anh chị em hãy nghe điều này, tôi không nói quá: các cuộc chiến tranh bắt đầu bằng miệng lưỡi. Khi bạn nói xấu người khác, tức là bạn bắt đầu một cuộc chiến. Một bước tiến đến gần chiến tranh, một cuộc tàn phá. Hủy diệt người khác bằng miệng lưỡi hoặc bằng một quả bom nguyên tử cũng giống như nhau. Cả hai đều là tàn phá. Miệng lưỡi có sức tàn phá như một quả bom nguyên tử. Nó rất mạnh..”[24]
Trên đây là một cái nhìn của người viết về việc đào tạo linh mục theo một khía cạnh nhỏ qua những “cái bàn” mà một chủng sinh sẽ gặp và cần đào luyện hầu có thể trở thành một linh mục như Chúa và Giáo hội mong ước. Tất cả những cái bàn mà một chủng sinh biết để tâm đào luyện, phát huy hay khôn ngoan để tránh sẽ trở thành “bàn đạp” giúp người chủng sinh vững bước tiến lên chức thánh linh mục trong tương lai, với một sứ vụ mục tử đầy niềm vui, hạnh phúc khi trưởng thành và có Chúa. Nhưng sứ vụ ấy cũng không thiếu những thử thách, những thất bại và cả những đau khổ, hy sinh… nhất là khi chủng sinh ấy không lo chu toàn và lo đào luyện và tập tành các nhân đức ngay trong khi được đào tạo tại chủng viện. Người viết thiết tưởng, sẽ thật khó có một linh mục trưởng thành về nhân bản nếu ngay trong thời gian chủng viện, chủng sinh không biết trau dồi những đức tính nhân bản thể hiện không chỉ trong cuộc sống, nhưng ngay tại bàn ăn và qua bàn bóng.
Cũng vậy, sẽ thật khó có một linh mục đạo đức thánh thiện, nếu chủng sinh đó không có đời sống cầu nguyện khi biết yêu mến và gắn bó đời mình trong tương quan sâu sắc với Chúa nơi bàn quỳ, cũng như không biết mở lòng ra với Chúa qua việc bàn hỏi với cha linh hướng và những người hữu trách. Cùng với đó, sẽ không có một linh mục giỏi giang, khiêm tốn và thấu cảm nếu chủng sinh đó không biết yêu mến sách vở, học hành nghiên cứu nơi bàn học hay trong cuộc sống, cũng như không biết khiêm tốn đón nhận sự khác biệt và sự phong nhiêu của anh em trong các cuộc bàn luận mang tính đối thoại huynh đệ.
Hơn nữa, thật khó để có một linh mục linh hoạt, giàu lòng vị tha, giàu lòng thương xót và tình bác ái, nếu chủng sinh đó ngay trong chủng viện đã không có một trái tim biết chạnh thương được thể hiện qua những đôi tay rộng mở, bàn chân dấn bước đến với mọi người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh, cũng như không có thái độ tôn kính và sốt sắng khi phục vụ bàn thờ, nơi chủng sinh và linh mục tương lai kín múc nguồn sức mạnh và kho tàng ơn thánh dồi dào để ra đi phục vụ Chúa trong mọi người giữa thế giới hôm nay.
Cuối cùng, chủng sinh sẽ ra mục vụ tại các giáo xứ và nếu Chúa muốn, mỗi chủng sinh sẽ trở nên những linh mục. Thế nên, sẽ thật khó để có một linh mục đúng nghĩa nếu chủng sinh đó không biết luôn thận trọng và khôn ngoan khi tiếp cận và sử dụng “bàn phím”, không tiết độ trong ăn uống và sa vào các “bàn nhậu”. Thay vì trau dồi kĩ năng mục vụ, đào sâu đời sống nội tâm và hun đúc tấm lòng mục tử và sự sẻ chia, lại thích “bàn ra tán vào” hay để những lời bán tán của người khác nhấn chìm đời tu và ơn gọi của mình. Và còn rất nhiều cái bàn mà mỗi chủng sinh và linh mục sẽ phải gặp trong đời tu hay trong cuộc sống, mà thái độ và sự khôn ngoan khi tiếp xúc hay sử dụng những cái bàn đó sẽ làm nên “chất” của một linh mục hay người sống đời thánh hiến.
Tóm lại, ơn gọi là một hồng ân và quá trình đào tạo và tự đào tạo là trường kì và suốt đời, nên dù trong bất cứ giai đoạn nào người sống đời thánh hiến cũng cần ý thức tự đào tạo mình. Nhất là để cho chính Chúa hướng dẫn ơn gọi và cuộc đời của mình mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử, để mang ơn cứu độ cho muôn dân, để rồi dù trước bao sóng gió thử thách, thành công hay thất bại, tội lỗi hay thánh thiện, mỗi người luôn trở nên cây bút để Chúa tiếp tục viết và thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài.
Thất Nguyễn