Kỹ năng sống

Để người khuyết tật không còn phải ăn xin

Để người khuyết tật không còn phải ăn xin

 

Mỗi khi dừng đèn đỏ, nhất là tại các ngã tư lớn, chúng ta dễ dàng bắt gặp người khuyết tật ngồi hoặc tràn ra đường để xin tiền. Có rất nhiều vấn đề xoay quanh việc này, phải làm gì để người khuyết tật không phải đi ăn xin nữa?​
Người khuyết tật ăn xin cover.jpg
Theo kết quả điều tra Quốc gia về Người khuyết tật, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có tới 28% là người khuyết tật nặng và rất nặng, không thể lao động, luôn phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động thường ngày như học tập, làm việc,… do những khiếm khuyết một hoặc nhiều phần cơ thể, hoặc không ổn định tâm thần, không kiểm soát được hành vi. Do đó, nhiều người khuyết tật đã chọn việc đi ăn xin, với mong muốn nhờ tình thương từ người khác để có chi phí trang trải hàng ngày.

Theo ước tính, người khuyết tật ăn xin chủ yếu tập trung xuất hiện tại các thành phố lớn. Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1000 người khuyết tật ăn xin và ở Tp. Hồ Chí Minh cũng có khoảng 500 người. Nhóm người này thường xuất hiện ở các tuyến đường có mật độ giao thông cao hoặc các điểm du lịch của thành phố, những nơi đông đúc người qua lại.

Tuy nhiên, thực trạng người khuyết tật ăn xin dọc đường kéo theo rất nhiều vấn đề xâm phạm tới phẩm giá con người, cũng như việc Công ích chưa được đảm bảo cho sự phát triển của con người, cụ thể là với người khuyết tật.

Người khuyết tật trở thành công cụ kiếm tiền

Một thực trạng đáng buồn, hiện nay rất nhiều người khuyết tật đang bị những kẻ xấu, có thể gọi là những kẻ chăn dắt, lợi dụng, biến người khuyết tật thành những công cụ cho những kẻ đó kiếm tiền.

Chăn dắt người khuyết tật có thể hiểu là hành vi lợi dụng, ép buộc người khuyết tật đi xin tiền, bằng cách lợi dụng tình thương của người khác đối với người khuyết tật. Những kẻ chăn dắt sẽ được hưởng lợi là toàn bộ số tiền mà những người khuyết tật xin được. Thậm chí trong nhiều trường hợp, người khuyết tật có thể bị đối xử tàn ác, đánh đập, bỏ đói do không xin được đủ số tiền mà những kẻ chăn dắt mong muốn.

Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, nạn bảo kê, chăn dắt người khuyết tật ăn xin diễn ra từ lâu và rất thường xuyên. Chỉ cần chú ý quan sát một chút, có thể dễ dàng nhận ra có ai đó đang đứng “trông nom”, “quản lý” những người khuyết tật đang ăn xin, đồng thời xử lý những người ăn xin khác không cùng hội nhóm mà vi phạm địa bạn. Ngoài ra, nếu ra ngoài vào sớm một chút, có thể bắt gặp vài xe máy chở người khuyết tật tới các nơi có đông mật độ người qua lại để xin tiền, đến tối muộn sẽ lại đón về.

Hành vi chăn dắt, bảo kê người khuyết tật để ăn xin rõ ràng là một tội ác, xâm phạm nặng nề phẩm giá con người. Những kẻ chăn dắt đang biến những người khuyết tật trở thành những “cỗ máy”, công cụ cho những kẻ đó kiếm tiền, hưởng lợi bất chính.

Cần lên án mạnh mẽ các hành vi phi đạo đức, xâm phạm phẩm giá con người, đặc biệt là người yếu thế như những người khuyết tật. Đồng thời, có những biện pháp răn đe, chế tài xử phạt mạnh mẽ đối với những kẻ chăn dắt về hành vi lợi dụng người tàn tật, thu lợi bất chính, đi ngược lại với các nguyên tắc luân lý thông thường.

Vai trò của nhà nước và xã hội

Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ phẩm giá của người khuyết tật, cũng như tạo mọi điều kiện để người khuyết tật có thể sống và phát triển như những người bình thường khác. Đây như một đòi hỏi của Công ích cho sự phát triển của toàn bộ con người, không loại trừ bất cứ ai.

Người khuyết tật thuộc nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, lợi dụng bởi những kẻ có ý đồ xấu xa. Đa phần người khuyết tật luôn gặp khó khăn trong việc lao động, kiếm tiền mưu sinh. Lúc này, nhà nước cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ người khuyết tật có thể sống và phát triển, bằng cách thực hiện đúng các chính sách trợ giúp cho người khuyết tật, như trợ cấp hàng tháng, tạo điều kiện học nghề phù hợp với khả năng, cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí, đầu tư xây dựng các trung tâm dành cho người khuyết tật. Đồng thời, luôn có chính sách ưu tiên cho người khuyết tật trong khi tham gia vào các hoạt động xã hội, khuyến khích họ học nghề và lao động phù hợp với khả năng của mình.

Khi người khuyết tật được đáp ứng các nhu cầu cơ bản để sống, họ sẽ không còn phải đi ăn xin, cũng như khó có thể để người khác lợi dụng, sử dụng như công cụ kiếm tiền được nữa. Mỗi thành phần trong xã hội đều có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ phẩm giá của những người khuyết tật, đồng thời cộng tác vào việc tạo mọi điều kiện để họ có thể phát triển dễ dàng nhất.​

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!