Kỹ năng sống

Đức tin của một nhà vật lý

Một nhà khoa học tài giỏi có thể tin vào Thiên Chúa hay không?

Tôi nghĩ rằng câu trả lời là có.

Trước hết, một nhà khoa học, hơn các học giả khác, dành thời gian của mình để quan sát tự nhiên. Nhiệm vụ của anh ấy là giúp làm sáng tỏ những mầu nhiệm của tự nhiên. Anh ấy đi đến chỗ ngạc nhiên trước những mầu nhiệm này. Do đó, không khó để một nhà khoa học cảm phục trước sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa. Từ đây chỉ còn một bước nữa là thờ phượng Thiên Chúa.

Đối với tôi, việc quan sát các hiện tượng của tự nhiên luôn luôn hấp dẫn. Nghiên cứu được thực hiện ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với biển cả và đất liền, không khí và bầu trời, đã có một sức hấp dẫn đặc biệt – trên hết là quan sát trên núi cao, hoặc cao hơn nữa là trên khinh khí cầu.

Kể từ khi giáo viên cũ của tôi, Franz Exner ở Vienna, lần đầu tiên khơi dậy mối quan tâm của tôi đối với các hiện tượng về điện của bầu khí quyển, tôi đã dấn thân vào lĩnh vực năng lực phóng xạ. Chính trong quá trình bay lên của khinh khí cầu vào năm 1912, trong khi đo độ dẫn điện của bầu khí quyển, tôi đã phát hiện ra các tia vũ trụ.

Phần lớn nghiên cứu ban đầu của tôi được thực hiện trong một đài quan sát do tôi thiết lập trên đỉnh một ngọn núi thuộc dãy núi Alps của Áo, ở độ cao hơn 2.100m (7.000ft) so với mực nước biển. Thật tuyệt vời khi làm công việc hữu ích này ở một nơi như vậy. Thật dễ dàng để cảm thấy mình thật gần gũi với Thiên Chúa.

Về điểm thứ hai, một nhà khoa học dễ dàng tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hơn những người khác, anh ta buộc phải nhận ra rằng nhân loại đang trải qua một cuộc khủng hoảng khủng khiếp, một giai đoạn chuyển tiếp nghiêm trọng. Nhà khoa học phải đối mặt với sự lựa chọn giữa tuyệt vọng và đức tin.

Ngày nay, tất cả chúng ta đều kinh hoàng – và đúng như vậy – trước sự hủy diệt hàng loạt có thể xảy ra do việc khám phá ra bom nguyên tử. Không giống như việc sử dụng trong thời chiến, việc sử dụng “sự phân hạch hạt nhân của uranium” trong thời bình vẫn còn rất xa vời. Nỗi kinh hoàng của những vụ giết người hàng loạt dường như là kết quả trực tiếp từ các thành tựu khoa học. Tất cả những gì còn lại phải làm để hủy diệt hoàn toàn nền văn minh dường như là việc phát minh ra những chiếc máy bay không gây tiếng ồn và thực tế là vô hình. Sau đó, chúng ta có thể tiêu diệt – hoặc bị tiêu diệt – mà không có khả năng phòng thủ.

Nếu chúng ta không tuyệt vọng, chúng ta phải tin rằng những khám phá trong lĩnh vực khoa học nguyên tử không thể chỉ mang lại cho chúng ta phương tiện để tự hủy diệt. Chắc chắn phải có một Đấng Quan Phòng đằng sau tất cả những điều này.

Về điểm thứ ba. Tôi phải thú nhận rằng trong tất cả những năm nghiên cứu về vật lý và địa vật lý, tôi chưa bao giờ tìm thấy một trường hợp nào mà khám phá khoa học lại mâu thuẫn với đức tin tôn giáo. Đôi khi người ta nói rằng “điều tất yếu” của “định luật” tự nhiên không tương thích với ý chí tự do của con người và hơn thế nữa với các phép lạ. Vấn đề không phải là như vậy. Ví dụ, khi các nhà khoa học xây dựng cái gọi là “các định luật” vật lý, thì họ hoàn toàn nhận thức được rằng mình không thể đưa ra dự đoán mang tính lịch sử về cách thức hoạt động thực tế của một nguyên tử radium[1], cũng như không thể dự đoán hành vi đạo đức của người này hay người kia.

Nhiều định luật vật lý của chúng ta trên thực tế chỉ là những phát biểu mang tính thống kê. Chúng chiếm trung bình phần lớn trong các trường hợp. Chúng chẳng có ý nghĩa cho một trường hợp riêng lẻ. Các nhà khoa học hiện đại hoàn toàn nhận thức được những hạn chế này trong các mô tả của họ về những bước tiến trong ngành vật lý.

Một nhà khoa học có phải nghi ngờ về tính thực tế của các phép lạ? Là một nhà khoa học. Tôi trả lời dứt khoát rằng: Không. Tôi thấy rằng chẳng có lý do gì để Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta và vạn vật xung quanh chúng ta, không được trì hoãn hoặc thay đổi diễn biến tự nhiên và vừa phải của các sự kiện, nếu Người nhận thấy làm như vậy là khôn ngoan.

Các nhà khoa học chúng ta là những người quan sát đơn thuần về diễn biến tự nhiên và vừa phải này của các sự kiện. Chúng ta góp phần cố gắng tìm ra những “định luật” chi phối thế giới này của chúng ta. Trong cuộc đời của tôi, những khám phá trong lĩnh vực vật lý nối tiếp nhau nhanh đến mức người bình thường khó có thể theo kịp chúng: tia X, năng lực phóng xạ, tia vũ trụ, năng lực phóng xạ nhân tạo, máy gia tốc hạt nguyên tử. Sự phân hạch của uranium đã dẫn đến loại vũ khí khủng khiếp và có sức tàn phá hủy diệt nhất – bom nguyên tử.

Chúng ta có phải thất vọng khi thấy rằng kết quả cuối cùng của rất nhiều nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học vĩ đại như vậy chỉ dẫn đến sự hủy diệt hàng loạt?

Không phải vậy. Đúng là trong lịch sử tiến bộ lâu dài của khoa học, nhiều phát minh đã được sử dụng trong chiến tranh. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến những cỗ máy chiến tranh do thiên tài Leonardo da Vinci thiết kế. Tuy nhiên, tất cả những tiến bộ này cũng đã phục vụ mục đích hòa bình của nhân loại. Cơ cấu định giờ hoàn thiện thời hiện đại đã được sử dụng trong bom hẹn giờ. Nó cũng có những công dụng khác. Đối với động cơ xăng cũng vậy. Chúng có thể được sử dụng không chỉ trong xe tăng và máy bay ném bom. Tôi chắc chắn rằng sự thôi thúc để tự sinh tồn cuối cùng sẽ thuyết phục tất cả các quốc gia rằng chẳng thể thu lợi được gì bằng cách hủy diệt hàng loạt các quốc gia khác.

Điều này không có nghĩa là các nhà khoa học nên chuyển từ khám phá khoa học sang các vấn đề chính trị của hòa bình thế giới. Nhiều người tin rằng các nhà khoa học có thể trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia tốt hơn các chính khách và nhà ngoại giao. Tôi không dự phần vào quan điểm này. Ngày nay, nghiên cứu khoa học chỉ có thể đạt được bởi những người lao động có chuyên môn cao. Những người như vậy có rất ít thời gian để làm quen với các vấn đề kinh tế và chính trị, cũng như họ có rất ít thời gian để làm quen với các vấn đề triết học và thần học. Họ có thể được trang bị tốt hơn về mặt đạo đức so với một chính trị gia bình thường, nhưng rất ít người trong số họ đủ đa năng để không chỉ trở thành nhà khoa học mà còn là chính khách hay triết gia. Theo tôi, một nhà khoa học giỏi không nên can thiệp vào chính trị.

Đối với những vấn đề sâu xa nhất của nhân loại, các nhà khoa học cũng như bao nhiêu người khác vẫn đang mò mẫm trong bóng tối. Tuy nhiên, một nền giáo dục tôn giáo tốt, kết hợp với đào tạo về khoa học, có xu hướng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn cả về tự nhiên và đời sống con người.

Đối với một nhà khoa học, cũng như đối với bất kỳ ai khác, đức tin chân chính thường là vấn đề phải đấu tranh gay gắt. Chiến thắng phải được giành lấy – hoặc tài năng phải được khai phá – bởi mỗi người trong tâm hồn của chính mình. Thường thì phải cần đến kinh nghiệm cá nhân về mối nguy hiểm chết người trầm trọng để mang lại niềm xác tín và để dọn đường cho đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều chắc chắn là, khi đức tin đến, thì theo sau đó là sự thanh thản tuyệt vời của tâm hồn và sự bình an sâu xa trong trái tim con người.

Tác giả: Victor F. Hess[2]
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Society of Catholic Scientists 

—————————–

[1] Ở đây và trong đoạn tiếp theo, Hess đang đề cập đến “sự bất định lượng tử”. Theo các nguyên tắc của cơ học lượng tử, các định luật vật lý mang tính xác suất. Ví dụ, các định luật vật lý không xác định khi nào thì một hạt nhân phóng xạ, chẳng hạn như khi nào hạt nhân của nguyên tử radium sẽ phân rã, mà chỉ đưa ra các xác suất để điều đó trở thành hiện thực.

[2] Victor F. Hess (1883-1964) đoạt giải Nobel Vật lý năm 1936 nhờ khám phá ra tia vũ trụ. Bài báo trên đây được Victor F. Hess viết vào năm 1946 như một đóng góp cho loạt bài về “Đức tin của tôi”, xuất hiện trên tờ The American Weekly.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!