Giáo dục lạc hướng – hậu quả khôn lường!
Tuy nhiên, đối với những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà, thì câu chuyện buồn tại trường Văn Phú hay vấn nạn bạo lực học đường, sự xuống cấp về giáo dục, về đạo đức xã hội… không có gì lạ. Đây là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục không chỉ “lạc hậu mà còn lạc hướng”.
Trong cuộc hội thảo khoa học về giáo dục diễn ra tại Hà Nội, cách đây hơn 10 năm, ngày 29/9/2012, Giáo sư Hoàng Tụy đã chỉ ra rằng nền giáo dục Việt Nam “lạc điệu, lạc hướng từ gốc, tức là từ triết lý giáo dục, từ tư duy, cung cách làm giáo dục và đường lối giáo dục”. Theo ông, triết lý giáo dục tại Việt Nam hiện nay lạc hướng vì theo đuổi một “nền triết lý giáo dục bao cấp”, trong đó, nhà nước độc quyền giáo dục, nhà trường chỉ dạy học sinh kiến thức mà không chú trọng tới việc dạy học sinh làm người.
Cũng vậy, trong Bản phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền, ngày 1/11/2012, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ rõ “nền giáo dục Việt Nam hiện nay lạc hậu, lạc hướng” là do “nền giáo dục Việt Nam bị chính trị hóa”, dẫn đến hệ quả: thay vì đào tạo ra những con người nhân bản, có tự do, có nhân cách, phát triển tâm và trí toàn diện, có khả năng chịu trách nhiệm và sáng tạo, thì lại đã đào tạo ra những con người công cụ, phục vụ cho các mục tiêu chính trị, kinh tế.
Trước tình trạng nền giáo dục ngày càng xuống cấp do lạc hướng, ý thức rằng tương lai của dân tộc tùy thuộc phần lớn vào giáo dục, nhiều nỗ lực cải cách đã được áp dụng, như cải cách về tiền lương, về sách giáo khoa, về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, về qui định dạy thêm học thêm, về việc quản lý đầu tư ngân sách nhà nước…
Tuy nhiên, trong thực tế, phải chua xót nhìn nhận rằng, công cuộc cải cách giáo dục tại Việt Nam không đi tới những bước đột phá thực chất. Trái lại, theo nhận định chung, giáo dục Việt Nam “càng cải cách càng lùi”, vì tình trạng độc quyền giáo dục, kiểm soát tư tưởng và vì thiếu hẳn một nền triết lý giáo dục mang tính nền tảng và một chiến lược lâu dài.
Con người là một ai đó…
Muốn có một nền triết lý giáo dục đúng đắn, ngoài việc phải bỏ thứ “triết lý giáo dục bao cấp”, nghĩa là từ bỏ tình trạng “độc quyền giáo dục”, cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia vào công tác đào tạo, Bộ giáo dục cần phải xây dựng một nền giáo dục lấy sự phát triển con người toàn diện làm trung tâm, vì con người là “một ai đó, chứ không phải là một cái gì đó”, càng không phải là một cỗ máy, một công cụ phục vụ cho môt tổ chức chính trị hay một phương tiện được sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, một con người toàn diện gồm năm yếu tố: một chủ thể xã hội, một hữu thể duy nhất, thống nhất xác hồn và không thể thay thế, một hữu thể mở ra với siêu việt, một hữu thể tự do và cuối cùng, con người bình đẳng về Phẩm giá.
Vì thế, một nền giáo dục đúng nghĩa phải hướng con người tới sự phát triển đầy đủ cả năm yếu tố này, theo các nguyên tắc “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, nếu không, nền giáo dục ấy sẽ lại tiếp tục lạc hướng và hậu quả dĩ nhiên sẽ không thể lường trước được!