Tâm tình độc giả

Tại sao việc già đi có thể là ơn phúc lớn lao nhất?

Tại sao việc già đi có thể là ơn phúc lớn lao nhất?
Tuổi già là thời gian để cho đi, khi không còn gì để chứng tỏ mình. Đó cũng là lúc hoán cải con tim.
Tuổi già là thời điểm mà sự thật về cuộc đời chúng ta được tái hiện. Chúng ta thực sự trở thành chính mình. Chúng ta đối mặt với những hạn chế về thể chất của mình hơn bao giờ hết, đồng thời chúng ta cũng tận hưởng sự tự do mà không phải chứng tỏ mình về bất cứ điều gì. Ngừng cố gắng chứng tỏ mình và bắt đầu cho đi: đó là ý tưởng cơ bản.
Chúng ta chuyển từ độ tuổi chứng tỏ bản thân sang độ tuổi cho đi: ít năng lượng hơn nhưng cũng ít lãng phí hơn. Trong tác phẩm châm biếm đầu tiên của mình, Horace Flacus so sánh cuộc sống trần gian của chúng ta với một bữa ăn. Sau đó, sự nghỉ hưu là khoảng thời gian dành cho món tráng miệng mà người Rôma gọi là tragemata, món ngon cuối cùng. Khi món tráng miệng đến, chúng ta sẽ ít nói năng lớn tiếng hơn và chúng ta trầm ngâm đợi chờ trong viễn cảnh bữa tiệc sắp tàn. Chúng ta không còn gì để ngẫm nghĩ về những điều còn thiếu sót. Cuối cùng chúng ta cũng chú tâm vào những gì chúng ta đang làm. Chúng ta thưởng thức vị ngọt, và carpe diem (tận hưởng khoảnh khắc hiện tại) thực sự trở thành carpe tragemata (hưởng dùng món tráng miệng). Như một món tráng miệng cho cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa mang đến cho chúng ta một khoảng thời gian hữu ích. Đừng bỏ lỡ nó! Hãy sống như những bậc tu trì.
Độ tuổi của sự hoán cải con tim
Bạn là kỹ sư, giáo viên, đầu bếp hay nông dân? Bây giờ bạn là một nhà hoạt động vì cộng đồng, người làm vườn, vận động viên xe đạp, giáo lý viên, ủy viên hội đồng địa phương, chồng và/hoặc người ông. Bạn đã từng như vậy, nhưng điều phụ nay đã trở thành điều chính. Cuộc sống của bạn không còn bị giới hạn trong một nghề nghiệp: nó trở thành một tổng thể những đam mê của bạn. Và những đam mê này trở thành điều hữu ích.
Đã đến lúc nói lời cảm ơn vì cái nghịch lý này: bạn trở nên độc nhất vô nhị vào chính thời điểm bạn bước vào độ tuổi cao niên đầy trang nhã. “Già” là một định nghĩa đủ về bạn đối với xã hội, nhưng chưa đủ để khiến bạn bận tâm. Làm thế nào bạn có thể tận dụng những hơi thở đầy khó nhọc sau cùng của một tuổi trẻ đang đến hồi tàn hơi? Bằng cách suy niệm về điều này: tuổi già là độ tuổi cởi mở nhất, độ tuổi của sự hoán cải con tim. Bằng cách bỏ ra một ít thời gian nhàn hạ mỗi ngày để chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu vĩ đại – cái chết – con đường dẫn chúng ta đến Sự Sống.
Sự chuẩn bị đầy hân hoan và cẩn trọng cho cái chết đang cận kề không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng để diễn giải. Đối với tôi, khi mọi người hỏi tôi làm gì để kiếm sống sau khi tôi đã nghỉ hưu, tôi trả lời, “Tôi là một nhà văn.” Đó là một cách tốt nhất để thông báo về sự thay đổi. Tôi nói mình là “nhà văn” là bởi vì xã hội thường không công nhận địa vị của bậc ông bà và không thích nghe về cái chết.
Đã đến lúc
Tôi nhớ đến một chính trị gia người Pháp, Jacques Attali, đã giải thích cách đây 10 năm rằng ông thích viết sách hơn là ứng cử. Lý do là vì tương lai của một chính trị gia là một ngày nào đó sẽ trở thành một cựu quan chức – cựu bộ trưởng – trong khi tương lai của nhà văn là trở thành một nhà văn. Bất chấp khía cạnh ái kỷ và bảnh bao của mình, lối suy tư của Attali rất sâu sắc, bởi vì nó cho thấy rằng sẽ có một thời điểm trong cuộc đời chúng ta khi vấn đề không còn là làm gì, mà là hiện hữu.
Đối với một số người, thời điểm này đến rất sớm; đối với những người khác nó chẳng bao giờ đến dù chỉ một chút. Nhưng khoảnh khắc này khi mà con người cuối cùng cũng tìm thấy vị trí của mình lại chính là ơn phúc đến từ Thiên Chúa. Không bao giờ là quá muộn để sống hết mình trước khi bỏ lại tất cả. Có lẽ không có cựu nhà văn nào, và chắc chắn là không có cựu nghệ sĩ nào, nhưng hơn hết là chẳng có người nào là cựu Kitô hữu cả.
Tác giả: Xavier Patier – Nguồn: Aleteia
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!