La Croix, nhật báo không chỉ của người Công giáo
Báo chí Công giáo rất phát triển tại Pháp, trước khi thế chiến thứ hai nổ ra, riêng ở Paris đã có đến 115 báo lớn, nhỏ; các tỉnh, thành khác có khoảng 63 báo; còn nội san của giáo xứ, giáo phận thì đếm không xuể. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay, nhật báo La Croix là tên tuổi hàng đầu trong làng báo Công giáo ở nước này.
La Croix thuộc sở hữu của một “tên tuổi” lớn khác: Bayard, tập đoàn báo chí – xuất bản Công giáo lớn nhất tại Pháp và hàng đầu thế giới với hơn 150 năm phát triển. Bayard là “con tinh thần” của dòng Đức Mẹ Lên Trời. Về mặt nội dung, La Croix dành một phần quan trọng cho thông tin liên quan đến Giáo hội Công giáo, nhưng có đầy đủ các chuyên mục như các tờ báo khác. Trong Ban Biên tập, chỉ có một vị duy nhất là tu sĩ của dòng Đức Mẹ Lên Trời, còn lại đều là những nhà báo chuyên nghiệp. Với nội dung phong phú, đa dạng nên độc giả của báo này không phải chỉ có người Công giáo. Theo Liên minh Thống kê – Số liệu Báo chí và Truyền thông Pháp, năm 2022, La Croix là nhật báo phát hành toàn quốc có lượng phát hành xếp thứ 6 của nước này (hơn 83.000 bản mỗi số).
Số đầu tiên của La Croix được phát hành vào năm 1880, thời điểm ấy là một nguyệt san. Số đầu tiên của nhật báo La Croix ra mắt độc giả vào ngày 16.6.1883. Trong suốt nhiều năm, báo này được phát hành với hai phiên bản, bản khổ nhỏ dành cho đại chúng; và bản khổ to hơn dành cho những độc giả có yêu cầu cao, muốn đọc những bài viết chuyên sâu.
Trong thế chiến thứ hai, La Croix từng có giai đoạn không còn phát hành toàn quốc, mà chỉ phát hành ở một số địa phương, thậm chí phải đình bản một thời gian dài trong năm 1944. Nhiều nhà báo của La Croix đã tham gia vào lực lượng kháng chiến chống Đức quốc xã, và đây là một trong những tờ báo hiếm hoi ở Pháp được giữ tên cũ khi phát hành trở lại sau khi thế chiến thứ hai kết thúc.
Báo La Croix có hơn 100 phóng viên – ảnh: Lan Chi |
Trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh, linh mục Émile Gabel (1908-1968), Tổng Biên tập của La Croix từ năm 1949 – 1957, được xem là người có đóng góp lớn giúp vực dậy tờ báo. Cha Gabel đã thêm một số chuyên mục để nội dung của báo được đa dạng hơn, như thể thao, điện ảnh. Ngài cũng tuyển dụng nhiều phóng viên xuất thân từ phong trào Sinh viên – Giới trẻ Kitô giáo, mang lại làn gió mới mẻ cho tòa soạn. Bên cạnh đó, phần trình bày của La Croix đã có ít nhiều thay đổi, tất cả nhằm mở rộng thành phần độc giả.
Vị kế nhiệm cha Gabel, linh mục Antoine Wenger (Tổng Biên tập từ năm 1957-1969) là một trong những nhà báo hiếm hoi được theo dõi Công đồng Vatican II “từ bên trong”. Ban Biên tập và các phóng viên của báo đã nỗ lực giúp độc giả các nước nói tiếng Pháp có thể hiểu hơn về kỳ công nghị cực kỳ quan trọng này. Từ sau Công đồng, La Croix mong muốn trở thành một “điểm hẹn” cho những quan điểm, tư tưởng đa chiều của người Công giáo, phục vụ một cách hiệu quả cho mục vụ truyền thông của Giáo hội Công giáo tại Pháp.
Năm 1983, để kỷ niệm 100 năm phát hành số nhật báo đầu tiên, La Croix mở thêm một số chuyên mục và có những thay đổi về mặt trình bày. Tờ báo bắt đầu hướng đến truyền thông đa phương tiện vì Tổng Biên tập ở giai đoạn này, nhà báo Noel Copin từng có thời gian làm việc ở Kênh Truyền hình Antenne 2. Từ năm 1987, tập đoàn Bayard mở tòa soạn điện tử cho La Croix và cho lập ngân hàng dữ liệu, lưu trữ toàn bộ các tin, bài, hình ảnh của báo.
Tờ La Croix hiện có hơn 100 phóng viên, giai đoạn 2018-2019, báo đạt doanh thu khoảng 35 triệu euro, trong đó lợi nhuận 700.000 euro.
Lan Chi