Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

NGƯỜI HOA CÔNG GIÁO SÀI GÒN

NGƯỜI HOA CÔNG GIÁO SÀI GÒN
Saigon – Đức TGM Nguyễn Văn Bình (1910-1995) – Hình chụp tại nhà thờ Đức Bà Hoà Bình, gần nhà chú Hoả (226A Nguyễn Thái Bình, Quận 1)
Chữ Tàu trên băng rôn: 欢迎阮总主教 Phún Dìng Duỷn Chủng Chủ Cảo – Hoan Nghênh Nguyễn Tổng Chủ Giáo – Không rõ thời gian chụp, có thể là cuối thập niên 1950.
Nguồn gốc người Hoa theo Công Giáo ?
Bắt nguồn từ một số tu sĩ và linh mục từ Quảng Đông ( Trung Quốc ) và Hồng Kông di dân sang Việt Nam vào đầu thế kỷ 19. Tại vùng đất mang tên Chợ Lớn, họ đã ở lại đây truyền đạo, phát triển và cho xây dựng các nhà thờ theo kiến trúc Trung Hoa.
Người Hoa theo đạo Công Giáo có đông không ?
Rất đông, theo kết quả cuộc Tổng điều tra và nhà ở Việt Nam năm 2009 của Tổng cục thống kê nhà nước Việt Nam. Số tín đồ công giáo người Hoa ở Nam Bộ có khoảng 5000 người trên tổng số 823,071 dân số người Hoa ở Việt Nam. Từ đó có thể thấy chiếm khoảng 6,07 % tổng số người Hoa ở Sài Gòn theo đạo Công Giáo. Một số lượng không hề nhỏ đang góp phần thực hiện các mục tiêu chung của Giáo hội.
Những nhà thờ nào của người Hoa theo đạo Công Giáo ?
Nổi tiếng nhất là nhà thờ Phanxico Xavie ( tức nhà thờ Cha Tam ) nơi cố tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị bắt và ám sát ngày 2/11/1963. Đây cũng là nơi phát triển mạnh và có lượng giáo dân người Hoa theo đạo Công Giáo lớn nhất tại Sài Gòn. Ngoài ra còn có một số nhà thờ có mối liên kết với người Hoa theo đạo Công Giáo khác như:
. Nhà thờ An Bình ( Nhà thờ Thánh Giuse )
. Nhà thờ Ngã Sáu ( Nhà thờ Thánh Nữ Jeanne d’Arc )
. Nhà thờ Bình Phước ( Nhà thờ Phạm Văn Chí )
. Nhà thờ Chợ Quán
. Nhà thờ Mai Khôi chi nhánh Q.5
. Nhà thờ Chúa Hiển Linh ( Nhà thờ Kinh Dương Vương )
. Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình Q.1
Hiện tại chỉ tồn tại ba nhà thờ vẫn còn tổ chức làm lễ bằng tiếng Hoa ( tiếng Quảng Đông ): nhà thờ Phanxico Xavie, nhà thờ An Bình và nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình.
Những ngày đầu tiên của người Hoa theo đạo Công Giáo tại Sài Gòn ?
Đa phần khi nhắc đến Công Giáo Trung Hoa, người ta thường cho rằng nhà thờ Cha Tam chính là nơi khởi đầu của những giáo dân người Hoa theo đạo Công Giáo nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm. Ít ai biết rằng nhà thờ Chợ Quán Q.5 mới thật sự là nơi đầu tiên tổ chức làm lễ cho người Hoa theo đạo Công Giáo tại Sài Gòn.
Trước năm 1865, giáo dân Việt Hoa còn thưa thớt, chưa có nhà thờ nên họ thường đi lễ ở nhà thờ Chợ Quán. Đến năm 1865, linh mục Philipphê thuộc dòng Thừa Sai Paris (MEP) từ Trung Quốc sang Chợ Lớn, thấy giáo dân người Hoa ngày một đông, nên ngài đã cất một ngôi thánh đường tọa lạc tại đường Phùng Hưng. Nhà thờ này mang tên Tổng lãnh Thiên Thần Micae ( hiện tại đã không còn tồn tại ).
Khoảng năm 1890, trước sự gia tăng quá lớn của giáo dân người Việt. Linh mục Phanxicô Xavier Tam Assou, hay gọi tắt là Cha Tam, đã cho xây dựng một ngôi thánh đường mới như hiện nay vào năm 1898, lấy tên gọi nhà thờ Phanxico Xavie, dùng để phục vụ riêng cho giáo dân người Hoa. Cũng vào năm ấy, nhà thờ Phùng Hưng được nhường lại cho tín hữu người Việt. Sau khi nhà thờ Phùng Hưng sụp đổ, nhà thờ Ngã Sáu ( tức nhà thờ Jeanne d’Arc ) ra đời, tiếp tục sứ mệnh phục vụ cho Cộng đồng giáo dân người Việt và một số ít giáo dân người Hoa.
Công giáo người Hoa có gì khác với Công giáo người Việt ?
Kiến trúc:
Nói về sự khác biệt Công giáo giữa người Việt và người Hoa thì trước tiên phải nói về phần kiến trúc của nhà thờ. Nếu để ý chúng ta có thể thấy đa phần các cổng nhà thờ của người Hoa theo đạo Công Giáo thường được xây dựng lối kiến trúc truyền thống dạng cổng tam quan, một loại cổng có ba lối đi thường thấy ở các chùa chiền hoặc đình, miếu, … Bảng tên nhà thờ sẽ được ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, có trang trí hoa sen hay cá chép. Chính vì vậy, đa phần người ta sẽ hay bị lầm tưởng nhà thờ của người Hoa là chùa hoặc đình miếu nếu không chịu để ý kĩ đến biểu tượng Thánh Giá được gắn trên đầu cổng, điển hình là nhà thờ Cha Tam và nhà thờ An Bình. Cung thánh của nhà thờ người Hoa theo đạo Công Giáo thường sẽ được bày trí thêm cả lưu hương bằng đồng có hình sư tử được đặt trước bàn làm lễ, hai bức liễn ở hai bên cửa ra vào cũng viết bằng chữ Hán, những cây cột nơi chính điện sơn đỏ, là màu không phổ biến trong nhà thờ Công Giáo. Cổng của nhà thờ người Hoa thường là màu đỏ, màu xanh lá.
+ Thờ kính :
Nói về thói quen thờ kính của người Hoa theo đạo Công Giáo thì có một thứ rất khác với người Việt đó là thắp nhang.
. Giáo dân người Việt đa phần sẽ rất ít và hạn chế thắp nhang khi cầu nguyện, đa phần giáo dân người Việt chỉ thắp nhang cho ông bà cha mẹ là chủ yếu, còn đối với Chúa Giêsu, hoặc là các vị thánh thần như Thánh Giuse, Mẹ Maria, … họ không bao giờ thắp nhang hoặc có thể nhưng rất ít.
. Giáo dân người Hoa do ảnh hưởng văn hóa và quan niệm Trung Hoa nên đa phần sau khi cầu nguyện xong ở tượng Chúa Giêsu, Thánh Giuse hay Mẹ Maria, … họ đều thắp một hoặc ba nén nhang để bày tỏ lòng thành kín. Chính vì vậy mà các nhà thờ của người Hoa theo đạo Công Giáo thường bổ sung thêm các chậu lư hương bằng đá và bình đựng nhang đặt trước các tượng Chúa – thánh thần để tiện cho việc thờ kính của các giáo dân.
+ Cầu nguyện và Kinh thánh:
Khi đến các nhà thờ của người Hoa theo đạo Công Giáo để cầu nguyện, chúng ta có thể thấy trước tượng của Chúa Giêsu, Thánh Giuse hay Mẹ Maria đều được trang trí và bổ sung thêm bảng kinh bằng tiếng Hoa được đặt song song với bảng kinh bằng tiếng Việt, mục đích để thuận tiện cho việc người Hoa đến cầu nguyện cũng được mà người Việt đến cầu nguyện cũng được.
Các nhà thờ của người Hoa theo đạo Công Giáo luôn trang bị đầy đủ sách đọc kinh tiếng Hoa và sách đọc kinh tiếng Việt. Toàn bộ các kinh thánh của giáo dân người Việt đang có và được lưu hành thì giáo dân người Hoa cũng sẽ có theo, tất cả các kinh của giáo dân người Hoa đều được ghi chép và in ra bằng tiếng Trung Hoa giản thể.
+ Nghi thức thánh lễ:
Về cơ bản thì nghi lễ của người Hoa theo đạo Công Giáo cũng không khác gì nghi lễ của người Việt. Cũng đều có đầy đủ các phần như ca nhập lễ, lời chào, nghi thức xám hối, lời nguyện, các bài đọc và tin mừng, dâng lễ và rước lễ, chúc bình an, kết lễ. Các kinh như Kinh Sám Hối, Kinh Thương Xót, Kinh Vinh Danh, Kinh Lạy Cha, … tất cả cũng đều được sử dụng trong thánh lễ. Điểm khác biệt lớn nhất và duy nhất của của Công Giáo Trung Hoa là làm lễ, dự lễ và hát ca đoàn, tất cả đều bằng tiếng Quảng Đông. Đây cũng là điều đương nhiên, rất nhiều người sẽ thắc mắc tại sao không phải là tiếng Quan Thoại ( Phổ Thông ) mà lại là tiếng Quảng Đông, bởi vì tiếng Quảng Đông được xem là ngôn ngữ chính và phổ biến nhất của Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn nói riêng và Cộng đồng người Hoa Nam Bộ nói chung.
Công Giáo Trung Hoa có Thánh tuẫn đạo không ?
Câu trả lời là có, cũng như Công Giáo người Việt có 117 Thánh tuẫn đạo thì Công Giáo người Hoa có tổng cộng 120 Thánh tuẫn đạo. st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!