Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn đáng ngạc nhiên: người chủ vườn nho đi ra từ sáng sớm đến chiều muộn để gọi một số người đi làm công cho ông, nhưng cuối cùng, ông trả lương cho mọi người như nhau, kể cả những người mới chỉ làm việc được một giờ (x. Mt 20.1-16). Có vẻ như một sự bất công, nhưng không nên đọc câu chuyện dụ ngôn qua tiêu chí tiền lương; đúng hơn, Chúa muốn chúng ta nhìn thấy những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Đấng không tính toán công trạng của chúng ta, nhưng yêu thương chúng ta như những người con.
Hãy nhìn vào hai hành động của Thiên Chúa trong câu chuyện. Đầu tiên, Thiên Chúa luôn đến để kêu gọi chúng ta; thứ hai, Người trả cho tất cả mọi người với cùng một “quan tiền”.
Trước hết, Thiên Chúa là Đấng luôn đến để kêu gọi chúng ta. Dụ ngôn kể rằng người chủ “vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (câu 1), nhưng sau đó tiếp tục đi ra vào nhiều giờ khác nhau trong ngày cho đến khi mặt trời lặn để tìm những người chưa có ai thuê làm việc. Do đó, chúng ta hiểu rằng trong dụ ngôn, những người làm công không chỉ là con người, mà trước hết là Thiên Chúa, Đấng luôn đi ra suốt ngày không mệt mỏi. Thiên Chúa là như vậy: Người không chờ đợi những cố gắng của chúng ta để đến với chúng ta, Người không làm cuộc khảo sát để đánh giá công trạng của chúng ta trước khi tìm kiếm chúng ta, Người không bỏ cuộc nếu chúng ta chậm đáp lại; thay vào đó, chính Người đã chủ động và trong Chúa Giêsu, Người “đi ra” hướng về phía chúng ta, để biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Người. Và như Thánh Grêgôriô Cả nói, Người tìm chúng ta vào mọi thời điểm trong ngày, vào các giai đoạn và mùa khác nhau của cuộc đời chúng ta cho đến tuổi già (x. Bài giảng Tin Mừng, 19). Đối với tình yêu của Người thì không bao giờ là quá muộn, Người tìm kiếm chúng ta và luôn chờ đợi chúng ta. Đừng quên điều này: Chúa tìm kiếm chúng ta và Người luôn đợi chúng ta, luôn luôn!
Chính vì tình yêu lớn như thế mà Chúa – với hành động thứ hai – trả cho tất cả mọi người với cùng một “quan tiền”, đó là tình yêu của Người. Đây là ý nghĩa sâu xa nhất của dụ ngôn: những người làm công vào giờ chót được trả lương như những người đầu tiên, vì trên thực tế, sự công bằng của Thiên Chúa thì cao hơn, xa hơn. Sự công bằng của con người nói rằng “hãy trả cho mỗi người những gì họ xứng đáng”, trong khi công bằng của Thiên Chúa không đo lường tình yêu dựa trên bậc thang hiệu quả của chúng ta, thành tích hay thất bại của chúng ta: Thiên Chúa yêu chúng ta và chỉ có thế, Người yêu chúng ta vì chúng ta là những người con, và Người làm điều đó với tình yêu vô điều kiện và vô vị lợi.
Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta có nguy cơ tương quan với Thiên Chúa kiểu “mua bán”, chú ý đến sự tài giỏi của chúng ta hơn là vào lòng quảng đại của ân sủng Người. Đôi khi, ngay cả với tư cách là Giáo hội, thay vì đi ra vào mọi giờ trong ngày và mở rộng vòng tay với mọi người, chúng ta có thể thấy mình đứng đầu lớp, xét đoán những người ở xa, mà không nghĩ rằng Thiên Chúa cũng yêu thương họ bằng tình yêu như Người yêu chúng ta. Và ngay cả trong các mối tương quan, vốn có trong các cơ cấu xã hội, công bằng mà chúng ta thực hành đôi khi không thể thoát ra khỏi cái lồng tính toán và chúng ta giới hạn việc cho đi theo những gì chúng ta nhận được, không dám đi xa hơn, không dám đặt cược hiệu quả dựa trên sự tốt lành vô vị lợi và tình yêu được trao ban với tấm lòng rộng mở. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: với tư cách là một Kitô hữu, tôi có biết cách đến với người khác không? Tôi có quảng đại với mọi người không, tôi có biết cách cho đi “nhiều hơn” về sự hiểu biết và tha thứ, như Chúa Giêsu làm cho tôi và làm tất cả mọi ngày cho tôi không?
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hoán cải theo thước đo của Thiên Chúa, bằng một tình yêu không thước đo.