Nhớ vị giám mục tiên khởi người Việt
Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, tín hữu tưởng nhớ đến những người đã khuất bóng là thân bằng quyến thuộc và cả những người được lưu truyền trong sử sách, hoặc ghi đậm dấu ấn trong các cộng đoàn…
Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) là một trong số những vị tiền nhân đã khuất bóng được nhiều người tưởng nhớ nhân kỷ niệm 90 năm (1933-2023) được tấn phong giám mục.
Vào thời điểm đó, một giám mục người bản địa là một cột mốc lịch sử nơi vùng miền đón nhận Tin Mừng khoảng bốn thể kỷ trước và vẫn thuộc quy chế tông tòa – trực thuộc Tòa Thánh. Khi Đức Thánh Cha Piô XI ban hành thông điệp “Sự việc Giáo hội” (Rerum Ecclesiae) cổ vũ việc trao quyền cho hàng giáo sĩ địa phương, Đức Giám mục Alexandre Marcou Thành là người đầu tiên hưởng ứng, đề cử linh mục Nguyễn Bá Tòng làm giám mục phó Hạt đại diện tông tòa Phát Diệm do ngài coi sóc.
Thêm một điểm đáng ghi nhận, ngài là linh mục thuộc địa phận Sài Gòn, vùng Nam bộ, nhưng được bổ nhiệm coi sóc một hạt tông tòa vùng Bắc bộ. Theo nhiều nguồn tư liệu, sự bổ nhiệm này không gây lấn cấn nơi các giáo sĩ người Pháp, người Việt tại đây, bởi trước đó vị giám mục tân cử đã được ngưỡng mộ với tài giảng thuyết trong kỳ tĩnh tâm cho các linh mục Hà Nội (1931) và Phát Diệm (ngày 15 – 22.12.1931).
Đức Giám mục tiên khởi người Việt đã kế vị Đức Giám mục Marcou năm 1935 và nghỉ hưu năm 1943.
Về mặt tôn giáo, trong khoảng một thập niên tại chức, ngài đã truyền chức tổng cộng 50 linh mục, thành lập hội dòng MTG Lưu Phương, dòng Kín và Trường Thử tại Trì Chính, đền Đức Mẹ Nam Dân, nhà nghỉ mát Kim Đài, hội quán Nam Thanh; đặc biệt là xúc tiến việc thành lập dòng khổ tu Châu Sơn ở Phát Diệm. Năm 1954, dòng Châu Sơn vào miền Nam, dừng chân tại Phước Lý, sau thuyên chuyển về Đơn Dương (Đà Lạt). Năm 1961 đan viện khổ tu Phước Sơn (Thủ Đức), Phước Lý và Đơn Dương được Tòa Thánh chấp nhận và nâng lên hàng đan phụ viện. Các đan viện đã liên kết thành hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam và nhập dòng Xitô thế giới.
Quan tâm đến cuộc sống, ngài đã góp một phần lương thực và vận động dân chúng đắp đê Kim Tùng ngăn nước biển dài 10 cây số bảo vệ mùa màng cho nhiều làng mạc phía trong, từ đó các họ đạo Tân Khẩn, Như Tân, Tân Mỹ, Tùng Thiện, Kim Tùng (năm 1953 đổi thành Cồn Thoi) dần dần được thành lập.
Về văn hóa, ngài để lại cho hậu thế “Tuồng thương khó”, được trước tác theo Sách gẫm sự thương khó Đức Giêsu và Tuồng thương khó đã từng được diễn xuất tại Oberammergau (Đức) và tại Nancy (Pháp). Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa văn học ghi nhận đây là một vở kịch hiện đại, trước hết bởi hình thức hoàn toàn văn xuôi và là cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học – sân khấu thời kỳ đầu lan tỏa chữ Quốc ngữ. Được nhà in Tân Định xuất bản năm 1912 – cách nay 111 năm – vở tuồng đã được lưu diễn nhiều lần trong Nam ngoài Bắc. Hiện có một con đường mang tên Nguyễn Bá Tòng tại quận Tân Bình…
Các tín hữu còn có thể suy ngẫm về tinh thần hiệp thông của Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền” trong sứ vụ của một mục tử Nam bộ nơi đất Bắc. HA