Góc tư vấn

NHỮNG ĐỨC TÍNH LÀM NGƯỜI

NHỮNG ĐỨC TÍNH LÀM NGƯỜI
Vào tới đất hứa, hai trăm năm đầu, dân Ít-ra-en chưa tổ chức thành quốc gia quân chủ. Họ chỉ có các thủ lãnh, còn gọi là các thẩm phán. Vị thủ lãnh cuối cùng và cũng là vị thủ lãnh được mến mộ nhất là ngôn sứ Samuel (x. Hc 46,23-20)
Để làm tròn nhiệm vụ một thủ lãnh lúc đó, không phải dễ. Phải là người có uy, có dũng, có tài, có đức mới đủ sức lãnh đạo một dân nổi tiếng là “cứng đầu cứng cổ”. Phải làm sao vừa có khả năng giúp dân chống ngoại xâm, vừa có khả năng giúp họ luôn trung thành với giao ước, không chạy theo lối sống của các dân ngoại chung quanh. Một nhiệm vụ đầy khó khăn, thế nhưng Samuel đã làm tròn (x. 1 Sm 7,2-17). Đạo đức, can đảm, sáng suốt, thanh liêm, khiêm tốn, đó là những đức tính nổi bật nơi con người của Samuel. Chính nhờ đó, mà nền quân chủ của Ít-ra-en đã ra đời (x. 1 Sm 8,6-22). Tuy nhiên, sẽ không có được một Samuel như vậy nếu ngay từ tấm bé ông đã không biết chuyên cần rèn luyện bản thân. Sách Samuel đã làm nổi bật điểm đó một cách ý nhị khi đang kể về thời niên thiếu của Samuel, đã xen vào một đoạn nói đến đám con hư hỏng của cụ Hêli, để rồi trở lại kết luận: “Còn trẻ Samuel, cứ lớn lên và càng được đẹp lòng cả Giavê lẫn người ta” (x. 1 Sm 2,18-26).
Để sống cho ra sống, để trở thành một con người đầy khí phách và hiên ngang, trưởng thành về mọi mặt, Samuel và biết bao người đã nỗ lực. Và họ đã đạt tới được. Còn chúng ta đây, tại sao không?

I. HÃY SỐNG CHO RA NGƯỜI, NẾU BẠN MUỐN SỐNG CHO RA NGƯỜI KITÔ HỮU.
1.    “Nhân bất nhân, nhân tai! Nhân tai”
Đã là người, ai cũng phải có nhân cách. Nhân cách không phải chỉ là thói ăn nết ở riêng của mỗi người, nhưng quan trọng hơn, còn là những phẩm chất và phong cách mà ai cũng phải có, để xứng đáng được gọi là người. Về điều này, cụ Phan Bội Châu đã để lại cho ta một câu đáng suy nghĩ: “Nhân bất nhân, nhân tai! Nhân tai!”, nghĩa là: “Làm người mà chẳng sống ra người, thế có phải là người được ư? Thế có phải là người được ư? Đã không ra người được, tức là cầm thú. Cái tội vô nhân cách chẳng đau đớn lắm hay sao?” (Khổng học đăng II, trang 525).
2.    Học làm người:
Muốn sống cho ra người để “nhìn lên không hổ với trời, ngó xuống không thẹn với đất”, ta cần phải học làm người. Quả thực, khi sinh ra, tuy được gọi là người, nhưng ta chưa “thành nhân”. Để được gọi là “đạt nhân”, phải gồm vẹn toàn cả bốn mặt: trí thức, đạo đức, thể lực và tài nghệ. Chính vì vậy mới cần có giáo dục. Giáo là khai sáng, dạy bảo, dục là nuôi dưỡng. Một nền giáo dục đầy đủ phải gồm cả trí dục, đức dục, thể dục và huấn nghệ. Trong các mặt trên, đức dục thường bị coi nhẹ, thế nhưng nó lại là phần quan trọng, nếu không nói là nòng cốt để giúp ta nên người, bởi vì: “Giáo dục mà bỏ lãng đức dục, chỉ lo thi đua lấy bằng cấp, thì càng cất thêm nhiều trường học bao nhiêu sẽ càng phải xây thêm nhiều bót cảnh sát, toà án, trại giáo hoá, nhà tù và bệnh viện hơn bấy nhiêu” (Feurzinger).
Nếu việc trau dồi nhân cách, tập luyện các đức tính làm người, là điều thiết yếu đối với một con người bình thường, thì đối với Kitô hữu chúng ta, nó lại càng thiết yếu hơn. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Không có những đức tính ấy không thể có đời sống Kitô hữu đích thực” (TĐ4). Nếu không có đời sống Kitô hữu đích thực, chẳng những ta không ướp mặn được trần gian này, mà không khéo còn “gây thêm ô nhiễm môi sinh” vì trở thành những tấm men ôi, những ngọn đèn mờ! (x. Mt 5,13-16; 1Cr 10,31-33).
Vậy, để có thể vươn tới con người trưởng thành về mặt nhân bản, ta cần trau dồi những đức tính nào?

II. CÁC ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN QUAN TRỌNG

A. Đối với bản thân
1.    CẦN: siêng năng làm việc và làm đến nơi đến chốn.
Siêng năng chính là chiếc chìa khoá đầu tiên mở ra cho ta cánh cửa tương lai. Có chăm chỉ học hành, cần mẫn làm việc, ta mới hoàn thiện được bản thân, đem lại cho mình và cho xã hội một cuộc sống xứng đáng là con người, đồng thời góp phần hoàn thành chương trình của Thiên Chúa trên đời ta và trên thế giới.
Muốn làm việc cho có kết quả, cần suy tính, cần chuẩn bị trước những gì cần. Khi đã bắt tay vào việc, cần tận tâm, tận lực, như thể “Chúa sinh ra tôi chỉ vì một việc tôi đang làm mà thôi. Làm hẳn hoi việc đó xong là đủ nên thánh!” (ĐGH Gioan 23, Nhật ký tâm hồn, số 140). Không bao giờ ỷ lại, làm biếng. Không để ngày mai việc gì có thể làm ngay hôm nay.
2.    KIỆM: tiết độ, chừng mực (x. SGLC1809).
–       Về tiền bạc: không bủn xỉn nhưng cũng không “vung tay quá trán”. Tập sống giản dị, không đua đòi chạy theo những nhu cầu giả tạo. Biết tiết kiệm và gìn giữ của công.
–       Về sức khoẻ: ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí điều độ. Tránh những chất kích thích. Năng tập thể dục để có “một đầu óc minh mẫn trong một thân thể cường tráng”.
–       Về thời giờ: quý trọng thời giờ. Luôn đúng giờ, đúng hẹn, giờ nào việc nấy. Cần xây dựng cho mình một nếp sống có trật tự, theo một thời khoá biểu.
3.    LIÊM: trong sạch, không tham lam.
Trong sạch về tiền bạc, không tham danh tham lợi, dù túng thiếu nghèo đói vẫn không gian tham. Đây là đức tính liên quan đến điều răn 7, 10 và tinh thần nghèo khó của Tin mừng.
4.    CHÍNH: ngay thẳng, đứng đắn.
Tâm hồn ngay thẳng, trong sáng và đứng đắn. Đức tính này liên quan đến các điều răn 6,8,9.
Điều khó khăn nhất là sống ngay thẳng với chính mình. Muốn vậy, cần có can đảm đối diện với lương tâm của mình và tập nhận định sự việc, con người, dưới ánh sáng Tin mừng, theo cái nhìn của Đức Kitô.
Để giữ tâm hồn luôn trong sáng, nên tập sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, luôn nhớ đến phẩm giá cao quý của mình và làm mọi việc không vì tư lợi hay tiếng khen, nhưng vì vinh danh cho Thiên Chúa.
Về thể chất: quần áo, tóc tai luôn sạch sẽ, giản dị, gọn gàng. Chỗ ở, đồ dùng: sạch sẽ, thứ tự, ngăn nắp. Giữ vệ sinh nơi công cộng, đường phố.
5.     DŨNG: dũng cảm, tự chủ, cương nghị, bền chí (SGLC 1808).
Đây là chiếc chìa khoá thứ hai giúp ta mở cánh cửa tương lai. Người có đức “dũng” là người có nghị lực, biết làm chủ chính mình trong mọi tình huống, luôn hành động theo lý trí, biết bền lòng theo đuổi mục tiêu đến cùng dẫu gặp gian nan thử thách. Muốn tập đức Dũng, cần rèn luyện ý chí. Việc gì đã cân nhắc đắn đo và quyết định, thì cương quyết làm đến cùng. Gặp khó khăn, thất bại không nản, chỉ coi là những dịp trui luyện thêm bản thân.

B. Đối với người
1.    NHÂN: yêu thương hết mọi người.
Đức Nhân là “linh hồn” của mọi tương quan với người khác. Tập sống yêu thương bằng cách đối xử như người bạn tốt với mọi người quanh mình. Ta muốn người khác yêu thương và kính trọng ta thế nào, thì hãy yêu thương và kính trọng họ trước như vậy. Tuy nhiên, là người Kitô hữu, chúng ta còn phải tập yêu thương, như chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12-13).
2.    NGHĨA: lòng biết ơn, gắn bó thuỷ chung.
Là người, ta cần biết đáp lại tấm lòng yêu thương của người khác đối với mình, những người ta có bổn phận phải đền ơn đáp nghĩa. Trước hết, là những người đã có công sinh thành ra ta, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta, rồi đến những người bằng cách này hay cách khác đã làm ơn, giúp đỡ ta.
3.    LỄ: lịch sự, lễ phép.
Lễ phép hay lịch sự, là những cách bày tỏ ý kính trọng đối với người quanh ta. Nó là những quy định giúp cuộc sống giữa mọi người với nhau được êm đẹp, thân ái. Nền tảng của phép lịch sự là sự công bằng, và đức bác ái. Coi thường phép lịch sự, một cách nào đó cũng là coi thường người khác, và coi thường cả chính mình.
4.    TRÍ: khôn ngoan, sáng suốt (SGLC 1806).
Người có trí, là người biết:
–       Thông minh khi XEM: chăm học hỏi, quan sát (hiếu học, cầu tiến), biết hệ thống hoá những gì đã học hỏi, quan sát (có trật tự).
–       Sáng suốt khi XÉT: bình tâm, khách quan, thận trọng.
–       Khôn ngoan khi LÀM: có óc tổ chức: tiên liệu, thực tế, làm việc có phương pháp. Có óc sáng kiến: biết cải tiến cách làm việc. Khi làm việc, gặp những việc khó khăn hoặc phức tạp, biết chia chúng ra nhiều phần nhỏ, đơn giản hơn để dễ giải quyết.
5.    TÍN: giữ lời hứa, đáng tin cậy.
Uy tín là một bảo vật đắt giá, chỉ có thể mua sắm được bằng chính danh dự của mình. Uy tín là kết quả của sự thành thật, tận tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng chung thuỷ. Để có được chữ Tín với mọi người:
–       Đừng bao giờ bịa đặt, nói những điều sai sự thật.
–       Không bao giờ hứa liều, hứa suông.
–       Luôn cố gắng giữ lời hứa bằng mọi cách, dù có bị thiệt hại đến mấy cũng phải cố gắng giữ lời hứa (Tv 14.15,4).

III. KIÊN NHẪN TỪNG NGÀY
Ta không thể tập mọi đức tính trong một ngày, một tháng, hay một năm là xong. Nhưng phải chuyên cần tập luyện hằng ngày và tập dần dần từng đức tính một. Muốn thế, cần biết mình phải tập đức tính nào trước, đức tính nào sau, và phải tập như thế nào. Để làm điều đó, ta có thể dựa vào bảng liệt kê những tật xấu ta hay mắc phải, mà tập những đức tính ngược lại. Muốn thành công, ta cần nhớ ba điều sau:
1.    Không tham lam ôm đồm, và cũng không nóng vội. Thánh Phanxicô Salê đã kiên trì suốt 20 năm trời, để tập tính hiền lành. Và ngài đã thành công.
2.    Xét mình hằng ngày. Đặc biệt, trong các dịp tĩnh tâm hằng năm nên nhìn lại tổng quát. Cần có một quyển sổ để theo dõi. Có thể ghi nhật ký tâm hồn, như Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã làm.
3.    Khiêm tốn, nhẫn nại, lạc quan và cậy trông vào Chúa. Đức Giêsu đã làm gương trước. Ba mươi năm sống trong gia đình Nadarét, Ngài cũng đã từng nỗ lực vươn lên hằng ngày như chúng ta để chúng ta có thể bắt chước được như Ngài.
Lời Chúa:
1.    Chúa phán với Giôsuê rằng: “Mạnh mẽ lên, can đảm lên! Vì chính ngươi sẽ cho dân này chiếm đất ấy làm gia nghiệp, đất mà Ta đã thề với tổ tiên chúng là Ta sẽ ban cho. Tuy nhiên, ngươi phải mạnh mẽ và rất can đảm! Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Gia-vê Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs 1,6.9b).
2.    “Còn Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52).
Câu hỏi:
Hôm nay bạn quyết định cho mình điều gì? Bạn thực hiện điều đó ra sao?

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!