Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

SINH NHẬT LẦN THỨ 95 CỦA ĐỨC CỐ HỒNG Y-ĐẤNG ĐÁNG KÍNH FX. NGUYỄN VĂN THUẬN (17/4/1928-17/4/2023)

SINH NHẬT LẦN THỨ 95 CỦA ĐỨC CỐ HỒNG Y-ĐẤNG ĐÁNG KÍNH FX. NGUYỄN VĂN THUẬN (17/4/1928-17/4/2023)
I. Thời thơ ấu
Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928, tại Phủ Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế, là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em: 3 trai và 5 gái. Thân phụ của ngài là Cụ cố Tađêô Nguyễn Văn Ấm[1] và thân mẫu, Bà Cố Elisabeth Ngô Ðình Thị Hiệp. Đây là một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời, tổ tiên của ngài từng chịu bách hại vì đạo.[2]
Từ thuở nhỏ, cậu bé Phanxicô Xaviê Thuận được giáo dục trong một gia đình đạo hạnh với gương nhân đức, thánh thiện của bà mẹ Elisabeth. Hằng đêm, bà dạy cho con cái đọc kinh gia đình, kể cho cậu nghe những chuyện tích Kinh Thánh và lịch sử các Thánh Tử đạo Việt Nam, đặc biệt, về tổ tiên của dòng tộc. Bà dạy cho các con sống theo gương sáng của Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu: yêu thương mọi người và trau dồi lòng yêu mến Tổ Quốc Việt Nam. Nhờ đó, cậu Thuận có được ước muốn dâng mình cho Chúa từ rất sớm.
II. Chủng sinh – Linh mục
Năm lên 12 tuổi, tức vào tháng 08 năm 1940, cậu Phanxicô Xaviê Thuận gia nhập Tiểu chủng viện An Ninh, tại Cửa Tùng, Quảng Trị. Sau đó, cậu theo học triết và thần học tại Đại chủng viện Kim Long, Huế.
Ngày 11 tháng 6 năm 1953, thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, do Đức cha Jean Baptiste Urrutia (tên Việt là Thi, thuộc MEP), Giám mục Đại diện Tông Tòa Huế.
Sau khi được chịu chức, Tân linh mục Phanxicô Xaviê được cử đến Giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, làm phụ tá cho cha Đaminh Hoàng Văn Tâm. Sau đó, cha được chuyển đến Giáo xứ Phanxicô Xaviê – Huế, làm phụ tá cho Cha Richard Barbon, tên Việt là Triết. Cha Phanxicô Xaviê cũng là Tuyên úy của trường Bình Linh, bệnh viện trung ương Huế và lao xá Thừa Thiên.
Từ năm 1956-1959, ngài được gửi đi du học tại Phân khoa Giáo luật thuộc Ðại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma. Ngài hoàn thành việc học với văn bằng tiến sĩ Giáo luật qua việc bảo vệ xuất sắc luận án: “Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo”.
Trở về nước, Cha Phanxicô Thuận được cử làm giáo sư Tiểu Chủng viện. Từ năm 1962, ngài làm Giám đốc Tiểu chủng viện Hoan Thiện. Năm 1964, khi mới 36 tuổi, ngài được đề cử làm Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế cho đến năm 1967.
III. Giám mục và Hồng Y
Ngày 13 tháng 4 năm 1967 Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được ÐGH Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Việt Nam tiên khởi của Giáo phận Nha Trang, thay thế Ðức Cha Paul Marcel Piquet, (tên Việt là Lợi, MEP). Ngày 24 tháng 6 năm 1967, nhằm lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, ngài được tấn phong bởi Đức Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas, cùng với hai Đức cha phụ phong là Philipphê Nguyễn kim Điền và Jean Baptiste Urrutia (Thi). Khẩu hiệu của Ðức Tân Giám mục Phanxicô Xaviê là: “Gaudium et Spes” (Vui Mừng và Hy vọng), tên của Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vaticanô II.
Ngày mùng 10 tháng 7 năm 1967, Ðức Cha về nhận Giáo phận Nha Trang. Trong 8 năm làm giám mục Nha Trang, Đức cha Phanxicô Xaviê rất thành công trong việc phát triển Giáo phận [3]. Ngài chú trọng việc đào tạo nhân sự, gia tăng con số các đại chủng sinh từ 42 lên 147. Số tiểu chủng sinh cũng gia tăng từ 200 lên đến 500 chú. Ngài tổ chức các khóa thường huấn linh mục cho cả 6 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế, thành lập và phát triển các hội đoàn giáo dân, phong trào Công Giáo tiến hành như: Phong trào Công lý và Hòa bình, Cursillos, Focolare, Hướng đạo, Cộng đoàn La vang, Tu hội Hy Vọng. Ngài đã cho phổ biến nhiều thư luân lưu với các chủ đề: Tỉnh thức và cầu nguyện vào năm 1968; Vững mạnh trong Ðức tin để Tiến bước trong An bình, năm 1969; Công lý và Hòa bình, năm 1970; Sứ vụ Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta, năm 1971; Kỷ niệm 300 năm vào năm 1971; Năm Thánh Canh tân và Hòa giải, năm 1973.
Tham gia Hội Ðồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam, ngài đảm nhận những nhiệm vụ: Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình; Chủ tịch Ủy Ban Truyền thông xã hội; Chủ tịch Ủy Ban Phát triển Việt Nam; Phụ trách Ủy ban Di dân; Cộng tác trong việc thành lập đài phát thanh Chân Lý Á Châu. Từ năm 1971-1975, ngài được chọn làm Cố vấn Hội Ðồng Giáo hoàng về Giáo dân; Ngài cũng được bổ nhiệm làm Cố vấn và thành viên của Thánh Bộ Truyền giáo; Thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích.
Ngày 24 tháng 4 năm 1975, ÐGH Phaolô VI đã bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Xaviê làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị, Hiệu tòa Vadesi. Vâng lời Đức Thánh Cha, ngày 7 tháng 5 năm 1975, Đức Tân Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê rời Giáo phận Nha Trang, đến nhận nhiệm vụ mới tại Sài Gòn. Nhưng ngài đã bị ngăn trở và không thể thi hành nhiệm vụ được Tòa Thánh trao phó cho đến khi ngài chính thức từ chức Tổng Giám mục Sài Gòn vào ngày 24 tháng 11 năm 1994. Trước đó, vào ngày 9 tháng 4 năm 1994, ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ĐTGM Phanxicô Xaviê vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.
Trong suốt thời gian bị “Cản Tòa” từ năm 1975 đến năm 1994, ĐTGM Phanxicô Xaviê đã phải trải qua 13 năm bị giam cầm. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Vị Mục tử của Tổng Giáo phận Sài Gòn bị bắt cho đến ngày 21 tháng 11 năm 1988, nhằm lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ, ngài mới được ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội. Chính trong thời gian bị giam cầm, ngài đã biên soạn quyển sách rất nổi tiếng, sách: “Đường Hy Vọng”, tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Ngày 21 tháng 9 năm 1991, ĐTGM Phanxicô Xaviê rời Việt Nam và không bao giờ quay trở lại quê hương. Ngày 21 tháng 2 năm 2001, ngài được vinh thăng Hồng Y, tước phẩm Hồng Y Phó tế, hiệu tòa Nhà thờ Santa Maria della Scala.[4]
Trước đó, vào Mùa Chay Năm Thánh 2000, năm bắt đầu Thiên niên kỷ thứ III, Ðức Gioan-Phaolô II đã mời ĐTGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giảng Tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma, Đức Giáo hoàng nói: “Năm đầu tiên của Ngàn Năm thứ ba, một người Việt Nam sẽ giảng tuần Tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma”.[5]
Ngày 11 tháng 5 năm 1996, Đức TGM Phanxicô Xaviê được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Ðại học Dòng Tên tại New Orleans, LA, Hoa Kỳ. Ngài cũng được tặng thưởng nhiều huân chương do bởi đời sống chứng tá và các hoạt động xây dựng công lý và hòa bình (ngày 9 tháng 6 năm 1999), tại Tòa Đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh, Chính phủ Pháp đã trao tặng Ngài huy chương “Commandeur de l’Ordre National du Mérite”. Ngày 12 tháng 12 năm 2000, tại Tòa Thị chính Rôma, Hiệp hội “Cùng nhau xây dựng hòa bình” đã trao tặng Huy chương vinh danh ngài.
Ngày 20 tháng 10 năm 2001, tại Torino, ngài được trao tặng Huy Chương Hòa bình do tổ chức SERMIG – Hiệp hội Truyền giáo của giới trẻ; Ngày 9 tháng 12 năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu G. Donati cũng đã trao tặng ngài Giải thưởng Hòa bình năm 2001.
Sau cuộc hành trình trần thế, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được Chúa gọi về với Ngài vào lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 09 năm 2002, hưởng thọ 74 tuổi. Thánh lễ an táng Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê được ĐGH Gioan Phaolô II cử hành trọng thể vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002.
Thay lời kết
Vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002, ĐGH Gioan Phaolô II đã chủ sự thánh lễ an táng cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nói: “Trong lúc chào vĩnh biệt Người Sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, đến độ tử đạo […] Ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là “chọn một mình Chúa mà thôi” như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người “Tin Mừng Hy Vọng” và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn ơn gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. […] Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền”.
Năm năm sau ngày Đức Cố Hồng Y Phanxicô qua đời, Đức Hồng Y Renato Raffael Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đã chủ sự Thánh lễ để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng vào lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16 tháng 9 năm 2007 tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Theo quy định của hiến luật về việc phong thánh, dịp này, Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình đã bắt đầu tiến trình xin lập hồ sơ phong thánh cho Đức Cố Hồng Y. Từ Dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, trong buổi triều yết hôm thứ hai 17 tháng 9 năm 2007, ĐGH Bênêdictô XVI đã nói: “Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. ĐHY Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngài đã soạn thảo bản Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của ngài”.
Chúng ta tưởng nhớ ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta hồi tưởng lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho ngài luôn sống động và ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người.
Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng, ngài phổ biến niềm Hy Vọng cho tất cả những ai ngài gặp gỡ. […] Đức Cố Hồng Y Phanxicô thường nhắc lại rằng: Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc âm. […] Đức Bênêđictô XVI kết thúc như sau: “Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hy vọng Kitô này, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của ngài, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em”.
Ngày 22 tháng 10 năm 2010, vào lúc 8g30 sáng, ĐHY Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Tham dự thánh lễ có các thành viên thuộc Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, các Hồng Y, Giám mục, linh mục, thân nhân, bạn hữu của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê.
Tiếp đến, vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, tại Phòng Hòa Giải trong Dinh Laterano ở Roma, một phiên họp chính thức mở cuộc điều tra án phong Chân phước và phong thánh cho Đức Cố Hồng Y. Nghi thức bắt đầu bằng một bài Thánh ca, sau đó là việc đọc biên bản. Tiếp đến, vị Chủ Tọa phiên họp là ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Rôma tuyên bố chính thức mở Án điều tra và ĐHY Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình phát biểu.
Trong cùng ngày, những hoạt động khác cũng diễn ra như: trao giải thưởng Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vào lúc 10g30 tại Giáo hoàng Đại học Laterano, buổi hòa nhạc tại Vương cung Thánh đường Thánh Antôn trên đường Merulana – Roma, vào lúc 7 giờ tối.
Ngày 4 tháng 5 năm 2017, trong buổi tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận nhân đức anh hùng của Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận. Từng bị cầm tù vì đức tin tại Việt Nam trong suốt 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam, nay Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận được tuyên bố là Đấng đáng kính, thêm một bước tiến quan trọng trong án phong thánh cho ngài.
Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
Chú thích:
[1] Cụ Tađêô qua đời ngày 3 tháng 7 năm 1993 tại Sydney, Australia.
[2] Gia đình bên ngoại của ngài đã bị thiêu sống khi đang quây quần đọc kinh gia đình trong một đêm mùa thu năm 1885, tại làng Đại Phong.
[3] Xin xem: Năm chiếc bánh và hai con cá, trang 26.
[4] Quảng trường Santa Maria della Scala, số 23, ở khu Trastevere – Rôma, được coi sóc bởi các cha Dòng Carmel.
[5] Chứng nhân Hy vọng, trang 12.
Tài liệu tham khảo
1. Năm chiếc bánh và hai con cá, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
2. Cha tôi, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong cuộc đời tôi, Phaolô Phan Văn Hiền.
3. Tài liệu trên trang web http://www.vatican.va.
4. Tài liệu hình ảnh trong Archives des Missions Étrangères de Paris.
5. Tài liệu hình ảnh của Lm Augustinô Nguyễn Văn Dụ.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!