Phụng vụSuy niệm Chúa nhật

THỜ PHƯỢNG VÀ YÊU MẾN

THỜ PHƯỢNG VÀ YÊU MẾN

Qua Lời Tổng Nguyện của Tuần XXIV Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ
muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin cho chúng ta
biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương.
Chúng ta càng tận tình thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ càng cảm thấy được rõ ràng tình
yêu thương của Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là Đấng đáng chúng ta tôn thờ, như
trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien đã nhìn thấy trên cái gì tựa như cái
ngai có cái gì trông như hình dáng một con người, và ông nghe có tiếng hò la vang dội từ
trên cao: Chúc tụng Đức Chúa vinh hiển trong nơi thánh của Người. Ngôn sứ cũng tiên báo
mọi dân tộc sẽ nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa sẽ ngự khắp mọi nơi,
chứ không chỉ ngự trong Đền Thờ hay trên núi Xinai. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách,
thánh Autinh cho thấy tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua hình ảnh người mục tử
chăm sóc đoàn chiên của mình: Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho chiên nằm nghỉ. Người
dẫn chiên trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Thánh nhân cũng khiển trách
những mục tử chỉ muốn nghe người ta gọi mình là mục tử, mà không muốn chu toàn nhiệm vụ
mục tử của mình.
Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền, chứ không như đứa đầy
tớ khiếp sợ ông chủ hà khắc, bởi vì, như lời của vịnh gia trong Thánh Vịnh 102 của bài Đáp
Ca hôm nay: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa tha
cho ta muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ta. Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm,
Chúa cũng ném thật xa ta.
Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, vì thế, Người
cũng muốn chúng ta bắt chước Người luôn yêu thương và tha thứ cho những ai xúc phạm đến
chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca đã kêu gọi: Hãy bỏ qua điều sai
trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng
sáng tạo và điều khiển mọi loài, nên Người có quyền trên tất cả, chúng ta chỉ là thụ tạo bé
nhỏ của Người, chúng ta phải tùy thuộc vào Người, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ,
thánh Phaolô đã mạnh dạn khẳng quyết: Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì
Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Sống, chết đã
không thuộc quyền của chúng ta, thì phán xét và kết án lại càng không phải là quyền của
chúng ta, vậy sao chúng ta lại có thể giữ mãi lòng thù hận, quyết không tha thứ cho một ai đó,
không tha thứ cho người khác, là chúng ta đang cầm giữ chính mình trong những giận hờn
ích kỷ. Đang khi đó, Chúa luôn mời gọi chúng ta phải yêu thương nhau như câu Tung Hô Tin
Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thầy ban cho anh em một điều
răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.
Yêu thương như Thầy, nghĩa là, cũng phải tha thứ như Thầy. Trong bài Tin Mừng,
Đức Giêsu đã mời gọi phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là, tha thứ luôn mãi, không
thôi: như hương thơm tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, lòng bao dung tha
thứ cũng tuôn chảy từ Thánh Tâm rực cháy lửa tình yêu cho cả những kẻ đóng đinh Đấng là
Tình Yêu. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển mọi loài, cho nên, thờ phượng Chúa
thật là phải đạo và chính đáng, nhưng, như lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria:
không còn thờ phượng Thiên Chúa trên núi này hay núi kia, mà là, trong Thần Khí và Sự
Thật, nhất là, thánh Phaolô đã khẳng quyết: chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa (x. 1Cr
3,16). Do đó, càng thờ phượng Thiên Chúa nơi chúng ta, chúng ta sẽ càng nghiệm thấy tình

yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta, vì thế, tha thứ không chỉ dừng lại ở việc tha
thứ cho tha nhân, nhưng còn là tha thứ cho chính mình, và cũng vậy, tha thứ cho chính mình
lại trở thành tiền đề để tha thứ cho tha nhân.
Nếu không biết tha thứ cho chính mình, làm sao chúng ta có thể tha thứ cho người
khác. Nhiều xung đột với người khác là phản ảnh của những xung đột trong chính nội tâm
chúng ta, do việc chúng ta đã không chấp nhận những khiếm khuyết đó nơi chính mình. Nếu
chúng ta không tha thứ cho chính mình, thì chúng ta sẽ bắt người khác phải trả giá cho sự bất
hòa bên trong chúng ta. Thời điểm lên án mình, chúng ta cũng đang lên án toàn thế giới. Nếu
hiệu hữu trong chúng ta đã bị lên án, thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận hiện hữu ở xa
chúng ta, trong những người khác.
Tha thứ cho chính mình: chỉ lên án tội, chứ không lên án mình, tội nằm trong hành vi
của chúng ta, chứ không phải trong hữu thể chúng ta. Chúng ta có những hành vi sai, vì
chúng ta không nhận biết, không tỉnh thức. Nỗ lực của chúng ta là hãy làm cho mình thức
tỉnh.
Thay vì chúng ta kết án tha nhân, chúng ta hãy làm cho họ thức tỉnh, bắt đầu thức tỉnh
là bắt đầu biến đổi, hoàn toàn thức tỉnh là chúng ta đạt tới chính Chúa. Chúng ta hoạt động
trong mê ngủ, nên phạm nhiều sai lỗi và xúc phạm lẫn nhau. Nhìn lại chính mình với những
bất toàn, thiếu sót, chúng ta phải biết chấp nhận và tha thứ cho chính mình, khi đó, chúng ta
sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác. Thiên Chúa là Cha hằng luôn yêu thương tha thứ cho
chúng ta, chúng ta cũng phải biết yêu thương tha thứ cho chính mình, càng cảm nghiệm được
tình yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta cách nhưng không, chúng ta sẽ càng dễ
dàng yêu thương và tha thứ cho tha nhân cách vô điều kiện, không tính toán so đo.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!