Góc tư vấn

Tích xưa vẽ trên đồ gốm sứ

Tích xưa vẽ trên đồ gốm sứ

 

I. MA CÔ HIẾN THỌ

Ở Trung Hoa có rất nhiều truyền thuyết về Ma Cô 麻姑, là một nữ thần coi sóc về sự sống lâu (trường thọ) của người thế gian. Theo một truyền thuyết, Ma Cô là thiếu nữ dân tộc thiểu số, tính nết hiền lành nhân ái, sống ở Trung Hoa khoảng thời Nam Bắc Triều (420-589). Trái lại, cha của Ma Cô là Ma Thu 麻 秋, tánh tình thô bạo, hung hãn. Ông ta làm quản đốc, phụ trách xây thành trì, rất hà khắc với phu thợ dưới quyền, bắt họ lao lực đến gần sáng khi gà bắt đầu gáy mới cho nghỉ ngủ, và sáng sớm lại buộc họ phải làm tiếp. Thương xót phu thợ, nên Ma Cô giả tiếng gà gáy sớm hơn, kích động bầy gà gáy theo, để cho phu thợ đi ngủ sớm hơn. Ma Thu phát hiện mưu kế của Ma Cô, bèn đánh đuổi con gái. Ma Cô bỏ chạy lên núi thì Ma Thu cho đốt núi để giết nàng.

 

Bấy giờ Tây Vương Mẫu西王母 đang vân du, thấy Ma Cô lâm nạn, bèn hóa phép cho mưa xuống dập tắt lửa, rồi đưa Ma Cô về một ngọn núi và dạy tu luyện. Núi này về sau được đặt tên là Ma Cô sơn麻姑山, ở huyện Nam Thành 南城, tỉnh Giang Tây 江西. Trên núi có những con suối trong vắt. Ma Cô dùng nước suối nấu rượu linh chi. Tu luyện mười ba năm, Ma Cô đắc đạo thành Tiên Nữ. Vừa kịp lễ mừng thọ Tây Vương Mẫu, Ma Cô đem rượu linh chi và đào tiên đi chúc thọ.

Đời Tống, vua Huy Tông徽宗 (1082-1135; trị vì 1100-1126) phong cho Ma Cô là Chân Tịch Xung Ứng Chân Quân真寂沖應元君, về sau vua Ninh Tông 寧宗 (1168-1224; trị vì 1194-1224) phong cho Ma Cô là Hư Tịch Xung Ứng Chân Nhân 虛寂沖應真人.

Trong các hình vẽ và tranh tượng dân gian miêu tả Ma Cô đi chúc thọ Tây Vương Mẫu, các họa sĩ vẽ Tiên Nữ bưng dĩa đào tiên hoặc cầm thêm bình rượu linh chi. Tranh và tượng theo chủ đề này gọi là MA CÔ HIẾN THỌ麻姑獻壽. Ngoài ra, những đồ kiểu (đồ sứ) xưa nay như ấm tích (bình trà), tách trà, chén kiểu, tô kiểu, dĩa kiểu, bình cắm hoa, v.v… rất chuộng dùng tích Ma Cô Hiến Thọ để trang trí. Chẳng hạn, đính kèm theo đây là một bình trà và một dĩa sứ làm vào thời kỳ Trung Quốc đã dùng chữ giản thể (bớt nét chữ Hán). Lại có hai bình cắm hoa làm vào cuối đời Thanh, có thể là khoảng giữa thế kỷ 20 vì hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi溥儀 (trị vì 1934-1945).

Chủ đề Ma Cô Hiến Thọ được ưa thích có lẽ vì người Hoa vốn chuộng đạo Lão (đạo Tiên), nhưng cũng có thể vì hai chữ “hiến thọ” khiến từ giới trưởng giả cho tới bình dân trong xã hội người Hoa xưa nay vẫn đều ham thích, bởi thói thường thì ai cũng ham sống lâu, không muốn chết sớm. Do đó, một chủ đề khác liên quan tới tuổi thọ thường thấy trên đồ gốm sứ gia dụng là Tứ Hỷ Tề Lai.

II. TỨ HỶ TỀ LAI

Chẳng hạn, dưới đây một ấm tích thường dùng trong các gia đình ở miền Nam trước 1975.

 

Bốn chữ Nho trên thành ấm đọc từ phải sang trái là “Tứ Hỷ Tề Lai” 四喜齊來 (bốn niềm vui cùng đến). Bốn niềm vui ấy là gì? Họa sĩ dân gian diễn tả bằng nét vẽ tỉ mỉ như sau:

1. Ông cụ già gọi là ông Thọ壽 (tượng trưng sống lâu). Nép sau lưng ông lão là một thiếu phụ, có lẽ là con dâu. Nàng bưng cái dĩa có hai quả đào ửng chín. Trái đào gợi nhớ tới đào tiên trong vườn đào của Tây Vương Mẫu, ăn một trái thì sống mấy ngàn năm (như truyện Tây Du của Ngô Thừa Ân diễn tả). Hai trái đào hàm ý chúc nguyện cho song thân (cha mẹ) đều sống lâu. Vậy, sống thọ là niềm vui thứ nhất.

2. Con nai, chữ Nho là lộc 鹿, đồng âm với lộc 祿 (bổng lộc), âm phổ thông đều là /lù/ (đọc như tiếng Việt là “lú”). Vậy, được hưởng bổng lộc là niềm vui thứ hai.

3. Phía trên đầu con nai có con dơi. Chữ Nho gọi dơi là bức 蝠 (hay biên bức 蝙蝠); chữ bức蝠âm phổ thông là /fú/ (đọc như tiếng Việt là “phủ”), đồng âm với chữ phúc 福. Nhìn kỹ, ta thấy họa sĩ vẽ con dơi dốc đầu xuống, tức là bức đảo蝠倒, đồng âm với phúc đáo 福到 (phước đến). Vậy, niềm vui thứ ba là được hưởng phúc, sống có phước đến với mình.

Nói thêm: Phúc (phước) là khái niệm trừu tượng, nên dân gian mượn từ cụ thể đồng âm là con dơi để thay thế; trường hợp này không khác tiếng Việt, dân gian dọn mâm trái cây ngày tết gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài là ước muốn cầu vừa đủ xài.

4. Sau cùng là một đứa trẻ (có lẽ là cháu nội) đang chơi với con chim giống như con vịt. Loài này sống trên nước; con trống gọi uyên 鴛, con mái gọi là ương 鴦. Loài này sống có đôi rất chung thủy, cho nên vợ chồng gắn bó lâu dài gọi là uyên ương. Được như thế thì sanh con nối dõi tông đường, gia đình hạnh phúc. Vậy, đây là niềm vui thứ tư.

Dưới đây là một vài món gốm sứ gia dụng có cùng chủ đề Tứ Hỷ Tề Lai.

 

 

 

LÊ ANH MINH

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!