Toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ năm 2023
Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNESCO, thành lập vào năm 1966 “để nhắc nhở công chúng về tầm quan trọng của việc biết đọc biết viết như một vấn đề thuộc phẩm giá và nhân quyền”, ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ (08.09) được cử hành vào hằng năm ở cấp toàn cầu, khu vực, quốc gia, và địa phương trên toàn thế giới.
Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ năm nay có chủ đề: “Thúc đẩy xóa nạn mù chữ cho một thế giới đang chuyển đổi: Xây dựng nền tảng cho các Xã hội Hòa bình và Bền vững”. Trong dịp này, sẽ có lễ trao Giải thưởng Văn học Quốc tế của UNESCO nhằm công bố các chương trình đoạt giải xuất sắc năm nay.
Dưới đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha, được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh:
ĐƯỢC KÝ BỞI ĐỨC HỒNG Y PIETRO PAROLIN, QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH,
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ XÓA NẠN MÙ CHỮ, 08.09.2023
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chào đến tất cả các tham dự viên Hội nghị Thế giới được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris, như một phần của việc cử hành ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ năm 2023. Ngài cũng bày tỏ sự gần gũi với tất cả những ai tham gia vào các sáng kiến khác nhau ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương trên khắp thế giới để đánh dấu ngày quan trọng này và suy tư về chủ đề đã chọn cho năm nay: “Thúc đẩy xóa nạn mù chữ cho một thế giới đang chuyển đổi: Xây dựng nền tảng cho các Xã hội Hòa bình và Bền vững”
Giáo dục xóa mù chữ có vai trò cơ bản và trung tâm trong sự phát triển của mỗi người, trong sự hòa nhập hài hòa của họ với cộng đồng và trong sự tham gia tích cực và hiệu quả của họ vào sự tiến bộ của xã hội. Tòa Thánh đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực của UNESCO trong việc hỗ trợ việc xóa nạn mù chữ, đồng thời đáp ứng những nhu cầu kinh tế và thực tế, về cơ bản là nhằm mục đích cổ vũ và phát triển con người trên bình diện ơn gọi cá nhân, xã hội và tâm linh của họ.
Ước tính số người thiếu các kỹ năng đọc viết cơ bản vẫn còn ở mức đáng báo động và điều này thể hiện trở ngại cho sự phát triển toàn diện tiềm năng của họ. Thế giới của chúng ta cần chuyên môn và sự đóng góp của mọi người để đáp ứng cách hiệu quả hơn những thách đố của thời đại chúng ta. Trong số những thách đố này, tôi muốn đề cập đến ba thách đố:
1) Thách đố đầu tiên là xóa mù chữ nhằm thúc đẩy hòa bình. Trong một thế giới bị xâu xé bởi những xung đột và căng thẳng, điều thiết yếu là không nên quen với từ ngữ về chiến tranh và bất hòa. Nếu chúng ta có thể học biết gây thương tích bằng những vũ khí ngày càng kinh khủng hơn, thì cũng có thể học để từ bỏ việc đó. Nếu chúng ta có thể làm tổn thương ai đó, người thân hoặc bạn bè bằng những lời lẽ gay gắt và cử chỉ hận thù, thì chúng ta cũng có thể chọn để không làm như vậy nữa. Học từ vựng về hòa bình có nghĩa là khôi phục lại giá trị của đối thoại, thực hành sự tử tế và tôn trọng người khác. “Nếu cố gắng sống tử tế như thế mỗi ngày, chúng ta có thể tạo được một bầu khí xã hội lành mạnh, nhờ đó vượt thắng những hiểu lầm và tránh khỏi các xung đột. Sự tử tế… thay đổi cách sống, các mối tương quan và cách thức thảo luận và đối chiếu các tư tưởng. Sự tử tế tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm sự đồng thuận và mở ra những nẻo đường mới ở những nơi mà sự thù địch và xung đột đã phá hủy mọi chiếc cầu” (Thông điệp Fratelli Tutti, 224). Hơn nữa, hòa bình là điều mà chính UNESCO có trách nhiệm thúc đẩy trong trí não và con tim mọi người thông qua giáo dục, khoa học, văn hóa, và truyền thông. Đây vẫn luôn là những “vũ khí” hợp pháp và hiệu quả duy nhất được sử dụng để đầu tư thêm nguồn lực và năng lượng vào việc xây dựng niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
2) Thách đố thứ hai là trình độ về kỹ thuật số. Cuộc cách mạng kỹ thuật số và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng mở rộng khả năng tiếp cận thông tin và kết nối với nhau vượt ra ngoài ranh giới vật lý. Tuy nhiên, “khoảng cách kỹ thuật số” lớn vẫn tồn tại, với hàng triệu người bị gạt ra bên lề vì họ không chỉ bị tước quyền tiếp cận những hàng hóa thiết yếu mà còn cả công nghệ thông tin và truyền thông. Thật vậy, nhiều người bị tổn hại bởi sự chia rẽ và thù hận trên “các xa lộ kỹ thuật số”. Thêm vào đó là mối đe dọa nghiêm trọng khi giao quyền ra quyết định về giá trị sự sống con người cho logic tính toán của các thiết bị điện tử. Để ngăn chặn tình trạng công nghệ bị quản lý sai, vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc thậm chí gây tổn hại cho con người, các chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy việc tiếp thu các kỹ năng về kỹ thuật số cần lưu tâm đến việc phản ánh đạo đức sâu rộng hơn về việc sử dụng các thuật toán, bằng cách hướng dẫn sử dụng các công nghệ mới hướng tới mục đích có trách nhiệm và mang tính nhân văn.
3) Thách đố thứ ba là xóa mù chữ nhằm cổ võ sinh thái toàn diện. Vì sự tàn phá thiên nhiên có liên quan chặt chẽ với “văn hóa vứt bỏ”, vốn đặc trưng cho phần lớn lối sống đương đại, điều này có nghĩa là phải thúc đẩy một cách kiên nhẫn và kiên trì trong việc áp dụng những cách tiếp cận cuộc sống điều độ và gắn kết hơn. Những điều này, ngoài việc có tác động trực tiếp đến việc chăm sóc tha nhân và thụ tạo, còn có thể truyền cảm hứng về lâu dài cho một chính sách và nền kinh tế thực sự bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi dân tộc trên trái đất, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất và có nguy cơ gặp rủi ro nhất.
Với những cảm nghĩ này, Đức Thánh Cha gửi đến mọi người lời cầu chúc tốt đẹp và bảo đảm rằng ngài sẽ cầu nguyện cho những suy tư liên quan đến ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ năm 2023 đạt được thành quả, cũng như cho sự thành công trong cam kết của quý vị hướng tới việc nâng cao việc biết đọc biết viết nhằm đặt nền tảng cho các xã hội bền vững và hòa bình. Đối với quý vị, các cộng tác viên, và tất cả những ai tham gia vào việc thúc đẩy xoá nạn mù chữ, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin dồi dào phúc lành của sự khôn ngoan, niềm vui, và bình an.
Hồng y Pietro Parolin
Quốc vụ khanh Tòa thánh
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
press.vatican.va (08.09.2023)