Vai trò của người già trong gia đình
Khi bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, người già có rất nhiều thay đổi về thể chất, tâm lý, khiến họ dễ bị tổn thương. Vì vậy, mỗi người cần nhận định, thấu hiểu vai trò của người già đối với đời sống gia đình.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, 17% trong số đó là những người trên 80 tuổi. Đây là giai đoạn mà người già phải đối mặt với nhiều thách thức biến đổi về mặt thể chất, dễ dàng mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp, tim mạch và các bệnh về xương khớp. Cũng chính vì lý do đó mà kéo theo sự biến đổi về tâm lý của người già vào giai đoạn cuối cuộc đời này.
Giai đoạn biến chuyển tâm lý của người già này, hay còn gọi là khủng hoảng tâm lý tuổi cao niên. Giống như các giai đoạn khác của cuộc đời, như khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi dậy thì hay khủng hoảng tuổi trung niên, khủng hoảng tuổi cao niên là một tình trạng tâm lý không ổn định, thay đổi đột ngột và khó kiểm soát ở một số bộ phận người cao tuổi.
Trong giai đoạn này, do gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, khiến người già không thể tự mình thực hiện nhiều sinh hoạt thường ngày, thường phải phụ thuộc vào người khác. Nhiều người cảm thấy như đang trở thành một gánh nặng của những người thân trong gia đình, thành ra dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Ngoài ra, do nhịp sống ngày càng hối hả, ai cũng phải lao mình vào để kiếm thu nhập, lo cho gia đình, khiến việc con cái khó có thể toàn thời gian, quan tâm chu đáo, liên tục hiện diện bên cha mẹ già được. Những lúc như thế, người già sẽ cảm thấy cô đơn, mất đi sự hiện hữu của bản thân trong gia đình vì lúc nào cũng phải thui thủi một mình. Hơn nữa, do ảnh hưởng lớn của văn hóa Khổng tử ràng buộc rất chặt chẽ mối quan hệ giữa cha mẹ già và con cái, khiến đôi lúc cha mẹ già cảm thấy con cái đối xử với mình chưa đúng đạo hiếu đã ghim sâu vào tiềm thức của họ, và họ trở nên buồn rầu, cô độc.
Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện nay, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ già, con cái và những đứa cháu cũng là một nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tâm lý tuổi cao niên ở những người già. Họ sẽ chẳng theo kịp những kiến thức, những đổi mới, hay những khác biết trong suy nghĩ giữa các thế hệ trong gia đình. Việc khác biệt trong nhận thức và hành động gián tiếp làm nới rộng sợi dây liên đới giữa cha mẹ già, con cái và những đứa cháu, khiến người già như đang không được quan tâm và bị bỏ rơi.
Chính vì thế, ngày nay, rất nhiều người sợ khi bước vào giai đoạn tuổi già, sợ bị cô độc, sợ phải lệ thuộc, trở thành gánh nặng cho người khác, và mất đi sợi dây liên đới với các thành phần trong gia đình. Người già cũng được xếp vào nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương do những biến chuyển tâm lý và sức khỏe ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Cũng vì vậy, mỗi người cần nhìn nhận lại vai trò của người già trong gia đình và cách đối xử khôn khéo với người già, để họ cảm thấy sự hiện hữu của bản thân trong gia đình, và không cảm thấy bị bỏ rơi hay là một gánh nặng.
Sự hiện diện của người già trong gia đình rất có giá trị. Mỗi con người đều là độc nhất, kinh nghiệm sống của mỗi người đều có sự khác biệt với nhau, vì thế nhờ vào kinh nghiệm sống phong phú của người già, họ có thể đóng góp những quyết định mang đến nhiều giá trị có ích cho gia đình và xã hội.
Người già đóng vai trò như sợi dây liên kết giữa các thế hệ với nhau, thể hiện tình liên đới giữa các thành viên trong gia đình. Bằng cách đó, từng thành viên không chỉ nhận được sự giúp đỡ thực tế, mà còn được thăng tiến nhờ các hiểu biết, kinh nghiệm sống, nhu cầu và mong ước của người khác để phát triển nhân cách bản thân mình cách trọn vẹn hơn.
Trong khi thực hiện chăm sóc người già, những người trẻ trong gia đình đồng thời sẽ học được cách không chỉ nên quan tâm tới bản thân mình, mà cần chăm lo, chăm sóc và quan tâm tới người khác nữa, nhiều khi không chỉ đáp ứng đầy đủ về nhau cầu vật chất, mà đó là cả việc đối xử yêu thương, để người già luôn cảm thấy sự hiện diện của người thân xung quanh mình.
Vai trò của người già là không thể thiếu trong mỗi gia đình, thông qua những giá trị mà họ đem tới. Các thành viên trong gia đình sẽ được hoàn thiện bản thân mình cách trọn vẹn hơn. Đừng coi cha mẹ già là một gánh nặng, hay coi sự hiện diện đó là một món quà, mà các giá trị món quà đó đem tới là không thể đong đếm được.
st