XÃ HỘI CẦN SỰ CÔNG BẰNG, TỬ TẾ…
Nhân ngày 20/11, một nhà trường THCS tại Q.6, TP.HCM đề nghị “thay vì tặng hoa, bánh kem thì xin đổi hình thức bằng cách tặng thẻ bảo hiểm y tế học sinh” cho 89 em học sinh “khó khăn không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế”, mỗi thẻ có trị giá 680.400đ.
Đây là một hành động đẹp rất đáng được khen ngợi. Tôi chỉ muốn nói thêm vài điều.
Thứ nhất, BHYT học sinh là bắt buộc, nếu không tham gia thì có thể bị phạt cảnh cáo 300.000đ.
Thứ hai, theo tôi, bản chất của bảo hiểm y tế là tốt, vì nó hỗ trợ rất nhiều cho người không may đau bệnh, nhất là gia đình khó khăn. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong việc khám chữa bệnh cho đối tượng BHYT (mà ai cũng thấy) nên người dân dần mất niềm tin và chán nản không muốn tham gia, chứ không hẳn họ không thể mua được bảo hiểm với mỗi tháng chỉ khoảng dăm chục nghìn. Cho nên, cái cần sửa chữa chính là chỗ này (dịch vụ và lợi ích thực tế mang lại từ việc tham gia BHYT), để người dân sẵn sàng tham gia mà không hề đắn đo.
Thứ ba, nếu 89 em học sinh trong Thư ngỏ kia thực sự “khó khăn không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế” nhưng lại không được xếp vào đối tượng hộ nghèo hoặc cận nghèo để được miễn từ 70 đến 100% tiền đóng BH thì rất có vấn đề. Phải chăng bệnh thành tích đã biến người nghèo thành người “hết nghèo” trong khi cuộc sống của họ vẫn không có gì thay đổi? Ai đã xóa đi cái “thực tế” ấy và ai phải chịu trách nhiệm gọi đúng tên cho hoàn cảnh của họ để không lấy mất những quyền lợi mà đáng ra họ phải được nhận? Và ngoài 89 em này thì còn bao nhiêu em khác cũng có hoàn cảnh thực sự khó khăn nhưng đã cố mà mua được thẻ BHYT? Và các nhà trường cũng cần có trách nhiệm trong việc này để tìm hiểu, lập danh sách và đề nghị với các cơ quan liên quan trong việc đảm bảo quyền lợi cho học sinh của mình, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc kêu gọi lòng hảo tâm.
Tóm lại, đây là một vấn đề mang tính hệ thống và cần được sửa chữa một cách hệ thống, từ việc đánh giá đúng tình trạng kinh tế của người dân đến thay đổi cung cách phục vụ trong khám chữa bệnh BHYT; và từ đó, tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia cũng như sự chế tài nếu không tham gia.
Xã hội cần nhiều hơn nữa lòng nhân ái và chung tay trách nhiệm, nhưng song song với đó luôn phải đòi hỏi các cơ quan, ban ngành nhà nước làm đúng, làm đủ trách nhiệm của họ. Nhân ái thôi chưa đủ, xã hội muốn tiến bộ thì phải dứt khoát đặt trên nền tảng của sự công bằng, tử tế. th