Sách tổng hợpThư viện

Một ngày của một người vợ

Một ngày của một người vợ

Me

Bốn giờ ba mươi sáng. Chị Trang với tay lấy chiếc điện thoại di động để ngay đầu giường, vội vàng tắt chuông báo thức. Chị không muốn tiếng chuông quấy rầy giấc ngủ của chồng con. Chị lấy tay che miệng, ngáp, khát khao:

-Phải chi mình được ngủ thêm một chút nữa, nhỉ? Chỉ cầu mười lăm phút thôi.

Không ai cấm chị, nhưng chính chị không bao giờ cho phép chị hưởng mười lăm phút xa xỉ ấy. Nhìn chồng nằm co quắp ôm đứa con trai mới chín tuổi đầu, chị thở dài thườn thượt:

-Khổ thân! Chẳng mấy khi bố con nhìn thấy mặt nhau.

Vì anh Nghĩa, chồng chị làm cho ngân hàng A, ở một phòng giao dịch mãi trên Bình Dương, xa nhà có đến gần bốn chục cây số. Khi anh dắt xe ra khỏi nhà thì trời chưa sáng, thằng cu Ti, con anh chưa thức; khi anh về, thường đã chín mười giờ tối, nó đã đi ngủ mất rồi. Chị rón rén bước xuống đất, khẽ khàng như bước chân một con mèo, như thể chị sợ bước chân chị hay tà áo chị bay, hay tiếng dép lê của chị làm kinh động đến giấc ngủ của những người thân yêu. Rồi chị bước xuống chiếc cầu thang ọp ẹp, cũng rón rén như một con mèo. Chị nhìn lên bàn thờ, hai bóng đèn quả nhót hai bên tượng Chúa chịu nạn vẫn sáng đỏ, không thôi thờ phượng Chúa suốt đêm ngày năm tháng. Chị làm dấu thánh giá:

-Chúa ơi! Con không được bằng hai bóng đèn vô tri vô giác kia. Một ngày, lại một ngày, con xin dâng Chúa. Con xin dâng hết mọi sự cho Chúa, rồi thì mặc kệ Chúa.

“Mặc kệ Chúa” là một kiếu nói của riêng chị, với ý chị phó thác hoàn toàn cho Chúa, thế thôi. Đột nhiên, một nỗi lo sợ mơ hồ, vu vơ, không định dạng được, tràn ngập tâm hồn chị (chắc là do chị bị ám ảnh bởi tai nạn giao thông chiều hôm qua chăng?!), chị không mặc kệ Chúa được, lâm râm cầu xin thêm:

 

-Dám “Xin Chúa thương ban cho những ngày chúng con đang sống được bình an”.

Chị vội vã vo gạo, đặt nồi cơm ấm nước, rồi mới đánh răng rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân. Xong, ấm nước vừa sôi. Chị gọi anh khe khẽ, như sợ thằng cu Ti nghe thấy:

-Em pha cà phê cho anh nhé!

Chị nghe thấy tiếng chân anh bước xuống cầu thang:

-Chiều nay anh về sớm, để anh đón con cho.

Anh Nghĩa ngồi nhâm nhi tách cà phê, phì phèo điếu thuốc rẻ tiền. Chị Trang nhìn chồng:

– Ghét của nào trời trao của ấy. Em ghét thuốc lá hơn ghét tội, vớ được ông chồng hút thuốc khói mù mịt như cháy đống rơm.

Chị lấy nồi cá kho trong chạn ra để hâm nóng lại. Nồi cá không còn miếng nào. Đêm, lũ chuột cống lang đã mở được cửa chạn, chén sạch. Chị vừa tiếc của, vừa tiếc công, vừa buồn, vừa giận lũ chuột đến muốn ứa nước mắt. Sợ chồng buồn, chị pha trò, nhưng không sao cười được:

-Ôn lại thời đi học vậy, lại mỗi đứa hai con vịt rút xương.

Anh Nghĩa không quan tâm đến những bức xúc của vợ:

-Từ ngày ông bầu Kiên bị bắt, doanh thu khựng lại, ngân hàng gặp khó khăn. Họ giảm lương nhân viên đến ba mươi phần trăm. Ai không làm được, nghỉ. Anh lo quá, có khi bị đuổi việc nữa chứ… Ngày mai làm sao đây?

Viễn cảnh anh bị trừ lương hoặc bị giảm biên chế làm chị đổ mồ hôi hột, dù khi ấy còn sáng sớm, trời vẫn còn se lạnh. Chị an ủi anh, nhưng tự an ủi nhiều hơn:

– Mặc kệ. ‘‘Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có đủ khốn khổ của ngày đó” (Mt 634).

Chị lấy xuống hai cái gà mên làm bữa ăn trưa cho hai vợ chồng. Chị ấn vào mỗi gà mên chừng hai bát cơm, hai cái trứng vịt luộc bóc vỏ sẵn, một quả dưa chuột, một quả cà chua ương, một quả chuối, một chút nước mắm. Chị để gà mên cơm của anh vào một túi nhựa, treo lên xe cho anh, dặn:

-Hai quả ớt em để ở ngăn trên cùng. Hôm nay, đón con về, anh nhớ chở nó đi học giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu. Nhớ, mười bảy giờ rưỡi vào học đấy.

Chị mở cổng cho chồng đi làm, tiện thể, ra đầu ngõ mua cho con ổ bánh mì thịt. Lúc về, chị mới để ý thấy mấy tờ giấy nhét trên khe cổng, nào là giấy báo tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, nào là giấy mời họp tổ dân phố, nào là thiệp cưới, thiệp mừng sinh nhật, lại còn đám thôi nôi, đầy tháng… Chị lắc đầu, ngán ngẩm. Nhìn đồng hồ treo tường, chị lẩm bẩm:

-Sáu giờ kém mười lăm, để cho nó ngủ mười lăm phút nữa.

Chị thay đồng phục đi làm. Hôm nay phải mặc sơ mi trắng, cà vạt, đầm công sở. Chị chưa bao giờ thoát khỏi thân phận đàn bà, mà đã là đàn bà, hỏi ai không làm đẹp, ai không trang điểm? Thế nên với một chút kem, một chút phấn, một thỏi son môi, một cây bút chì kẻ lông mày, chị pơ luya lại khuôn mặt, nhẹ thôi, rất giản dị, nhưng chị thấy mình hình như tươi tắn hơn, sáng sủa hơn, và có vẻ yêu đời hơn.

Chị đánh thức con dậy. Nó ườn người, lăn qua lộn lại. Chị quát:

-Dậy ngay! Sáu giờ rồi. Đi vệ sinh, đánh răng, chải đầu, thay áo, ăn sáng, đi học. Ổ bánh mì thịt mẹ để trên bàn.

Thằng bé phụng phịu:

-Bánh mì, lại bánh mì, con không thích ăn bánh mì đâu, ăn cơm tấm cơ!

-Không được cãi mẹ. Không thích cũng phải ăn. Dậy! Đi!

Nói vậy, nhưng thương con (Có bà mẹ nào không thương con?!), chị chạy vội ra đầu ngõ, mua cho con hộp cơm tấm.

Trong khi nó ăn, chị sửa lại chiếc khăn quàng của con cho ngay ngắn:

-Con sửa soạn đủ sách vở, bút mực và đồ dùng học tập chưa? Chiều nay, học xong, ra cổng ngay, bố đón, đưa đi học giáo lý.

Chị nhấc chiếc cặp của con lên:

-Lạy Chúa! Sách vở gì mà nhiều thế? Nặng quá! Không biết bố mình ngày xưa đi cày có vất vả thế này không?

Thằng cu Ti học lớp bốn ở một trường tiểu học bán trú, nhà trường cho bữa ăn trưa (nhưng phải đóng tiền). Chị Trang đưa con tới trường vừa kịp trống vào lớp. Cô phụ trách lớp đón chị ngay ở cổng trường, vồn vã:

-Chị ăn mặc đẹp quá, vừa sang trọng, vừa gọn ghẽ… Nhà trường sẽ mua cho mỗi lớp một đầu hình, một đầu đĩa làm giáo cụ trực quan. Hôm qua em đã gởi thông báo của ban giám hiệu cho các vị phụ huynh. Chị hiểu cho, đây là sự đóng góp hoàn toàn tự nguyện, em nhấn mạnh là hoàn toàn tự nguyện, mỗi học sinh ba trăm ngàn đồng.

-Nghĩa là không đóng góp cũng được phải không?

Cô phụ trách ngập ngừng:

-Vâng, đương nhiên rồi, có ai bắt buộc đâu. Nhưng mong chị thông cảm cho. Những tiết học có liên hệ tới đồ dùng dạy học kể trên, bó buộc chúng em phải mời những em mà gia đình không đóng góp gì ra ngoài sân chơi.

Chị Trang thấy nghẹn ứ cổ. Nhưng chị tỏ ra mau mắn:

-Vâng, vâng, chúng tôi tự nguyện.

Chị nhanh nhảu móc ví đưa tiền cho cô phụ trách rồi vội vã phóng xe đi. Đến công ty vừa đúng giờ. Nhân viên trong phòng xúm xít quanh bàn làm việc của chị:

-Chị Trang ơi! Đọc rồi sửa giùm em bảng tổng kết tài sản.

-Tiền công ty B bồi thường tai nạn giao thông cho mình ghi vào tài khoản nào, hả chị?

-Hàng đang trên đường về kho ghi sao?

-Giám đốc mời chị lúc chín giờ…

Công việc cuốn hút chị. Chị quên hết chồng con, quên hết vất vả, quên hết mọi sự, chỉ còn công việc và công việc, mặc cho quanh chị, cậu A con chú Hai đang mê mẩn với ghêm on lai, cô B con chị Ba đang say sưa chát chít, thằng C con chị Tư đang đắm mình vào phây buốc… Chị quên cả lệnh lên gặp giám đốc. Lúc chín giờ rưỡi, ông giám đốc trẻ ào vào phòng chị như một cơn lốc. Ngay tức khắc ai nấy vào vị trí, nghiêm chỉnh, cần mẫn không chê vào đâu được. Một điều lạ chưa từng xảy ra, ông giám đốc không trách mắng chị câu nào, lại còn cười xởi lởi:

-Ngày mai, công ty chúng ta được nhận giấy khen của ủy ban tỉnh. Chị Trang soạn cho tôi bài phát biểu. Ngắn gọn thôi, đọc không được quá mười lăm phút. Mười lăm giờ, nộp. Tôi chỉnh sửa nửa tiếng. Đánh máy, nộp lại cho tôi trước khi tan sở.

-Nhưng…

Ông giám đốc nghiêm mặt:

-Không nhưng nhị gì hết.

Rồi đi ra. Chị Trang càu nhàu:

-Hài vãi! Đọc mười lăm phút mà bảo là ngắn gọn ư?

Trong tất cả mọi công việc được giao, chị ghét nhất là việc soạn diễn văn, diễn từ cho ông giám đốc bằng thật học giả này. Ngoài việc có gốc lớn, có nhiều tiền và tài thượng đội hạ đạp, ông là người siêu ngu. Đã nhiều lần chị viết cho ông đọc. Chị cẩn thận đến nỗi khi dùng một từ khả nghi, chị phải tra bốn năm cuốn từ điển. Ấy vậy, khi chỉnh sửa bài viết của chị, ông luôn luôn muốn chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo tài ba đa khoa, nên luôn luôn chữa “lợn lành thành lợn què”, sai ngữ pháp, sai cả chính tả những từ thông dụng nhất, làm be bét bản văn của chị. Sau đó, tất cả mọi tội lỗi được đổ lên đầu chị. Vì ganh tị, người ta kháo nhau :

-Con mẹ Trang soạn chứ ai?

Trưa, mọi người xuống căng tin ăn trưa. Chị Trang ngồi lì trong phòng. Chị mở gà mên cơm ra. Khô khan quá, khó nuốt quá. Chị nhớ tới chồng, bây giờ cũng đang ăn bữa cơm khó nuốt như chị. Chị nói thầm:

-Thương anh ấy quá! Mình phải cố nuốt, phải giữ gìn sức khỏe để sống ở đời, với đời, cho chồng, cho con.

Đúng lúc ấy chị nhận diện thoại của chồng:

-Anh xin lỗi. Chiều nay phải làm việc với đối tác nước ngoài, anh về trễ, không đón con được.

– Em đã hứa với con…Sao anh không nhờ người khác?

-Không nhờ ai được. Ở cơ quan anh, bằng ngoại ngữ A, B, C nhiều vô thiên lủng. Nhưng người nghe nói được thì không biết đọc viết, người biết đọc viết thì không nghe nói được.

Chị Trang mệt mỏi quá, gục mặt xuống bàn, ngủ chập chờn.

Buổi chiều qua đi thật mau, cuối cùng chị cũng hoàn thành công việc. Tan sở, chị hối hả ra về. Chị đón thằng cu Ti ở cổng trường. Nó càu nhàu:

-Sao mẹ bảo hôm nay bố đón con? Bố mẹ không giữ lời hứa à?

-Mẹ xin lỗi, ngoài ý muốn của bố mẹ. Lớn lên con sẽ hiểu.

Thằng Ti bướng bỉnh:

-Hỏi gì, bố mẹ cũng bảo chờ lớn lên.

Chị không biết trả lời thế nào, đành im lặng, chở nó thẳng tới lớp học giáo lý. Sơ phụ trách phàn nàn:

-Ngày nào cũng đi trễ, ít nhất là mười lăm phút. Nhiều phụ huynh rất coi thường việc học hỏi giáo lý của con em mình…

-Thưa dì, chúng con cố hết sức rồi. Nhưng việc cơ quan, việc học ở trường của cháu, chúng con không thể nào đưa cháu tới đúng giờ được.

-Thế chị không nhớ lời Chúa dạy hay sao: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ ban cho”(Mt 6,33). Đã chọn Chúa thì phải biết hi sinh chứ!

-Vâng, nhưng con xin nói để dì thông cảm…

-Không cần phải nói gì hết. Nếu còn đi trễ nữa, chúng tôi sẽ xóa tên, không cho con xưng tội rước lễ lần đầu thì các anh chị tự trách mình thôi, đừng trách ai nhé!

-Vâng.

Chị “vâng” ngoài miệng, nhưng trong lòng lại nghĩ:

-Mình có nói, sơ cũng chẳng hiểu cho. Biết đâu cơn “cám dỗ làm điều thiện” đã giết chết sự cảm thông và lòng trắc ẩn nơi sơ. Sơ đâu biết rằng đó là nồi cơm của gia đình mình. Người xưa từng nói: “Dân dĩ thực vi thiên”, người dân lấy miếng ăn làm ông trời. Với lại “Có thực mới vực được đạo”. Lại nữa, mình có sửa được thời khóa biểu của nhà trường đâu? Thằng cu nhà mình có được xưng tội rước lễ lần đầu hay không là việc của Chúa, mặc kệ Chúa.

Chị phóng xe ra chợ, mua vội con cá, mớ rau, rồi quay lại nhà thờ đón con. Về tới nhà, trời đã tối hẳn. Anh Nghĩa vẫn chưa về. Chị vội vã thay quần áo, ngấu nghiến ăn ổ bánh mì thừa của con hồi sáng. Rồi chị vùi đầu vào bếp, nấu bữa cơm tối. Chị dục con:

-Lớn rồi, tự tắm rửa đi. Cơm chín, mẹ gọi.

Thằng cu Ti phụng phịu:

-Con không tắm đâu. Con còn phải học bài, phải làm hai bài tập làm văn và năm bài toán cô cho về nhà.

Chị gắt:

-Học sinh tiểu học, học một ngày hai buổi sáng chiều rồi chưa đủ sao mà còn một đống bài tập về nhà thế kia? Đi học là học làm con người bình thường, chứ đâu phải làm thần đồng, hay thiên tài gì cho cam?

Nhưng rồi thằng cu Ti cũng đi tắm, ăn cơm. Chị cũng giúp con ôn bài và làm xong các bài tập. Chị căng mùng cho con, bắt nó ngồi lên đọc kinh tối. Nhớ lời bố chị khi còn sinh tiền: “Dù mệt nhọc, vất vả đến đâu, cũng phải đọc ít ra ba kinh Kính mừng, dâng mình cho Đức Mẹ trước khi đi ngủ”, chị hững hờ làm dấu thánh giá, đọc qua loa ba kinh Kính mừng rồi lăn ra ngủ. Chị vừa chợp mắt thì giật mình. Vẫn còn thau quần áo chưa giặt. Chị bò dậy. Anh Nghĩa về từ lúc nào, chị không hay biết. Anh vào nhà bằng chìa khóa riêng, đã giặt đồ giúp chị, đang phơi quần áo ngoài hiên. Chị nhìn anh, cười với lòng biết ơn nhưng không kịp nói lời nào. Chị sực nhớ ra đó là nụ cười đầu tiên và chắc chắn là cuối cùng, nụ cười duy nhất trong ngày hôm nay của chị. Quá mỏi mệt, chị lao vào giường ngủ tiếp, quên cả ăn cơm tối, quên cả tắm gội…

Đó là một ngày thường trong đời thường của một người vợ tầm thường, được học hành đôi chút, trong tầng lớp đông đảo dân thường.

Nguyễn Ngọc Ngu Ngơ

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!