Gương sáng của tuổi già
Có người bạn gửi cho tôi bức thư tri ân, tạ lỗi và tạm biệt của Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt và bạn chia sẻ tâm tình “thực sự thấy hành động này có cái gì đó hay hay!” Tôi đã hỏi lại: “Hay ở chỗ nào?” thì bạn ậm ờ mà không hồi đáp lập tức. Mãi lúc sau bạn đã nhắn cho tôi hàng tin thật ý nghĩa: “Hay vì tuổi già thật cao thượng và đáng quý!”
Qua chia sẻ của bạn, tôi được gợi hứng lại chút tâm tình sứ điệp của Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô nhân ngày Quốc Tế Ông Bà Cao Tuổi lần thứ Hai, có chỗ ĐTC đã viết: “Tuổi già không phải là một thời gian vô ích lúc chúng ta phải rút lui và đồng thời ngừng tiến bộ, nhưng là một mùa mà chúng ta có thể tiếp tục sinh hoa kết trái: một sứ mạng mới đang chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hướng nhìn về tương lai.” Đồng thời, tôi cũng nhớ đến hình ảnh ĐTC Biển Đức XVI khi rời ngôi giáo hoàng vì tuổi cao sức yếu. Trong buổi Công nghị các Hồng y tại Vatican vào trung tuần tháng 02/2013, ĐTC Biển Đức XVI đã chia sẻ: “Các Hiền Huynh thân mến, Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng.” Tôi cũng nhớ tới những tâm tình của Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt trong bức thư gửi: “Hôm nay là ngày tôi đủ 75 tuổi, và được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm thi hành sứ vụ giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh, qua đó tôi chính thức được nghỉ hưu theo Giáo Luật.”
Đúng là câu trả lời của người bạn chưa rõ ràng, nhưng có lẽ vì là người bạn chí cốt, nên tôi có phần hiểu ý bạn chút chút. Chắc hẳn bạn và tôi đều đồng ý rằng những tấm gương mà tôi vừa kể là những tấm gương sáng chứng tỏ tuổi già thực sự là món quà Thiên Chúa ban tặng.
Đối mặt với những dấu hiệu sa sút về sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần, đồng thời những thách đố và áp lực về công việc, thì không chỉ với người cao tuổi trong Giáo Hội, mà cả những công nhân viên chức ngoài Xã Hội cũng cùng một cảm nhận như thế. Tuy nhiên, điều làm nên ý nghĩa nơi các vị giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các giáo dân kỳ cựu trong các hội đoàn giáo xứ là biết dừng lại việc phục vụ đúng mức và đủ mức. Như thế nào là đúng? Như thế nào là đủ? Câu trả lời chỉ những người trong cuộc mới đủ trả lời cho mình. Vì là việc phục vụ mọi người với tinh thần quảng đại, dấn thân và không cầu báo đáp, nên chính khi thấy Chúa dùng chính mình tới mức này là đủ, và Ngài muốn trao cho mình một sứ mạng khác phù hợp với tuổi già, thì đó là lúc người cao tuổi càng sẵn sàng và vâng phục “ngay lập tức” hơn bao giờ hết.
Nhưng có phải tuổi già là vô dụng? Nhân ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ Nhất, ĐTC Phanxicô, qua vị phát ngôn viên là Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, đã tuyên bố cách thẳng thắn không né tránh rằng: “Ông bà và người già không phải là đồ thừa của cuộc sống, không phải là đồ vụn vặt bỏ đi. Họ là những mẩu bánh quý giá còn sót lại trên chiếc bàn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”.” Phút huy hoàng của tuổi già không còn là những khoảnh khắc xung phong ra chiến trường để chiến đấu bằng sức lực hoặc khả năng, nhưng sau những năm tháng giũa mài, họ đã có cách chiến đấu tuyệt vời hơn là chính niềm tin, gương sáng và lời cầu nguyện. Những kinh nghiệm trong suốt đời người mà ĐTC gọi là “hương thơm của ký ức” chính là kinh nghiệm dệt kết với đức tin, gương sáng và lời cầu nguyện tha thiết. Chất liệu quý báu này mới là mốc vinh quang của tuổi già, nhờ việc làm này mà con cháu thế hệ sau được hưởng nhờ nơi kinh nghiệm mà có thể họ dấn thân cả đời cũng chưa chắc học được như ông bà của mình.
Tuy nhiên, để có được tấm lòng quảng đại dấn thân và thái độ sẵn sàng “lui về” như thế, người cao tuổi càng phải học bài học về sự khiêm nhường thẳm sâu. Thậm chí là sự bỏ mình thực sự. Thực vậy, đứng trước quyền lực và vị trí điều khiên, ít có mấy ai giữ mình khỏi những đam mê quyến luyến với những gì mình đang có. Vậy nên chuyện dám buông bỏ quả là điều rất khó. Nhưng tấm gương sáng của các vị là dám để lại vị trí và quyền hành cho hậu bối, mà không chỉ là bỏ mặc nhưng còn đồng hành trong lời cầu nguyện, thậm chí là tư vấn, khuyên nhủ và hỗ trợ nếu người đến sau cần giúp đỡ. Đây là điều mà nhiều người cao tuổi đã thực hiện, trong đó có tấm gương của ĐTC Biển Đức XVI khi đồng hành cùng ĐTC Phanxicô. Có lẽ “điều hay hay” mà bạn tôi nghĩ tới là điều này và chính tôi cũng đồng ý với ý nghĩa “hay hay” như thế!
Quả thực, “người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu” (Kn 4,7). Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những mẫu gương cao tuổi tuyệt vời. Các vị đã không hề có khái niệm “nghỉ hưu”, nhưng là chuyển sang một sứ mạng phù hợp với tuổi già. Các vị không rũ bỏ trách nhiệm nhưng hằng cầu nguyện liên lỉ và động viên những hậu bối đứng ở vị trí của mình. Các vị không “giấu nghề” nhưng khiêm tốn “truyền nghề” và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Nguyện cho chính mẫu gương các vị cao tuổi thuộc mọi thành phần trong Giáo Hội đều sống tình yêu triệt để như lòng Chúa mong ước; để chính tình yêu ấy sẽ truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết cho hậu thế tương lai.
Little Stream