Góc tư vấn

Đức Giêsu có làm chính trị không?

Đức Giêsu có làm chính trị không?

 

Đây là câu hỏi nhức nhối cho con người mọi thời và mọi nơi. Nhiều chính trị gia hoặc các tổ chức chính trị đã tìm mọi cách để kéo Ngài về với tổ chức của họ.

Vào thời Chúa Giêsu, ngay cả các tông đồ cũng đã từng chờ đợi một vị Mesia chính trị. Họ tin rằng, khi Ngài đến, Ngài sẽ giải phóng dân tộc Do Thái khỏi sự đô hộ của đế quốc Roma. Hai vị Tông đồ, Gioan và Giacôbê còn hy vọng sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi Thầy thiết lập vương quốc (Mt 20, 21).

Đó là chuyện xưa!

Ngày nay, người ta tiếp tục tranh luận về sứ mạng của Chúa Giêsu, về vai trò của Giáo hội Công giáo trong đời sống chính trị. Vậy, Chúa Giêsu có làm chính trị không?

Cover_Chuagiesucolamchinhtrikhong_phailamgi.jpg
Ảnh: Sưu tầm
Ngài không để mình bị lôi kéo về chính trị

Theo những gì Kinh Thánh thuật lại và được Học thuyết Xã hội Công giáo minh định, thì Đức Giêsu chưa bao giờ cho phép mình bị lôi kéo về chính trị, bằng chứng là, người đã không gia nhập nhóm Zélot, gồm những người quá khích muốn dùng vũ lực giải phóng Israel khỏi ách nô dịch của người Roma (x. Docat #207).

Trước tòa Philatô, chính Ngài đã khước từ mọi quyền lực chính trị khi tuyên bố: “Nước tôi không thuộc thế gian này. Nếu nước tôi thuộc thế gian này, thuộc hạ của tôi sẽ chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng, thật ra nước tôi không thuộc chốn này (Ga 18,36).

Nhưng, Tin mừng của Ngài có hàm ý chính trị

Chúng ta biết rằng, sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến thế gian là cứu độ con người toàn diện. Ngài không chỉ quan tâm tới ơn cứu độ chung cục của con người, mà còn quan tâm giải thoát con người khỏi mọi sự kìm kẹp của thân xác. Ngài quan tâm đến sự phục hồi phẩm giá của con người trong mối quan hệ của con người với Đấng Tạo Hóa. Do đó, Tin mừng của Ngài, vừa vượt cao hơn chính trị, vừa có những hàm ý chính trị rõ rệt đối với cá nhân và xã hội.

Một cách cụ thể, Chúa Giêsu không để mình bị lôi kéo về phía chính trị. Ngài độc lập với thể chế chính trị. Tuy nhiên, sứ điệp mà Ngài công bố có những hàm ý chính trị rõ ràng, chẳng hạn, Ngài gọi Hêrôđê là con cáo già (x. Lc 13, 32); Ngài bảo vệ phẩm giá của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8, 2-11); Ngài đấu tranh để mọi người hiểu rằng “con người làm chủ ngày Sabat” (Mt 12,8), hay Ngài đấu tranh cho sự thật, vì theo Ngài, chỉ có sự thật mới mang lại ơn giải thoát (Ga 8,32).

Kết luận

Suốt cuộc đời nhân thế, Chúa Giêsu đã không để mình bị lôi kéo về phía chính trị. Ngài độc lập với các thể chế chính trị. Giáo hội hôm nay cũng vậy, Giáo hội không được để mình bị lôi kéo về phía chính trị. Tuy nhiên, vì Tin Mừng dứt khoát dẫn người ta đến chỗ phải dấn thân cho tình yêu, công lý, tự do và hoà bình (x. Docat #28), nên “Hội thánh không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình” ( Giáo hoàng Benedict 16, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, #28).​ st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!