Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

 Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Bồ Đào Nha

 Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Bồ Đào Nha

 

Sau khi gặp gỡ riêng Tổng thống Marcelo de Souza, Đức Thánh cha Phanxicô đã đến Trung tâm Văn hóa Belém, chỉ cách đó hơn một cây số để gặp gỡ các giới chức đạo đời, ngoại giao đoàn, giới lãnh đạo xí nghiệp và đại diện xã hội dân sự, tổng cộng khoảng 1.000 người.
dtc gap go chinh quyen
Diễn từ của Đức Thánh cha
Trong diễn văn đầu tiên của chuyến viếng thăm, Đức Thánh cha đề cập đến những vấn đề lớn mà Âu châu và thế giới đang phải đương đầu và ngài kêu gọi có thái độ cởi mở, tìm kiếm những con đường mới, đi từ hình ảnh Lisboa, “thành phố của đại dương nhắc nhở về tầm quan trọng của sự cộng tác, cùng nhau, nghĩ đến các biên giới như những vùng tiếp xúc, chứ không phải như những biên cương chia cách.” Ngài kêu cầu hòa bình và cầu mong Ngày Quốc tế Giới trẻ này là một động lực thúc đẩy Âu châu chu toàn vai trò kiến tạo hòa bình tại vùng Địa Trung Hải cũng như tại Phi châu và Trung Đông.
Những vấn đề của thế giới và Âu châu
Đức Thánh cha nói: “Chúng ta biết rằng ngày nay những vấn đề lớn đều có tính cách hoàn cầu, nhưng nhiều khi chúng ta cảm thấy sự thiếu hiệu năng trong việc đáp ứng những vấn đề ấy. Chính vì thế giới chia rẽ đứng trước những vấn đề chung, hoặc ít là không liên kết đủ với nhau, nên không có khả năng cùng nhau đương đầu với những gì làm cho mọi người bị khủng hoảng. Dường như những bất công hoàn cầu lan nhanh hơn khả năng và ý chí cùng nhau giải quyết các thách đố ấy”.
Về điểm này, Đức Thánh cha nhắc lại Lisboa là nơi đã ký kết, hồi năm 2007, Hiệp ước cải tổ Liên hiệp Âu châu, được coi là một giai đoạn mới trong tiến trình thành lập một Liên hiệp ngày càng chặt chẽ hơn giữa các dân tộc Âu châu, trong đó những quyết định được đề ra một cách minh bạch bao nhiêu có thể và hết sức gần gũi với các công dân” (Hiệp ước, số 1).
“Lisboa là thủ đô ở miền cực tây của Âu châu. Vì thế, nó nhắc nhở sự cần thiết phải mở ra những con đường gặp gỡ rộng rãi hơn, như Bồ Đào Nha đã làm, nhất là với những nước thuộc các đại lục khác có chung ngôn ngữ. Tôi cầu mong Ngày Quốc tế Giới trẻ là một sự thúc đẩy đối với đại lục cổ kính để có sự cởi mở đại đồng. Lý do vì thế giới đang cần Âu châu, một Âu châu đích thực: thế giới đang cần vai trò bắc cầu và kiến tạo hòa bình ở phía đông trong Địa Trung Hải, ở Phi châu và Trung Đông. Chỉ như thế, Âu châu mới có thể mang lại trong bàn cờ quốc tế, đặc tính của mình được hình thành trong thế kỷ qua, từ cái lò những xung đột thế giới, làm nảy sinh tia sáng hòa giải, thực hiện giấc mơ xây dựng ngày mai cùng với những kẻ thù hôm qua, mở ra những con đường đối thoại và bao gồm, phát triển một nền ngoại giao hòa bình, dập tắt những xung đột và làm bớt những căng thẳng, có khả năng đón nhận những tín hiệu hòa dịu yếu nhất và đọc được, giữa những điều quanh co nhất”.
Âu châu cần những con đường dũng cảm
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “trong đại dương của lịch sử, chúng ta đang hải hành giữa một thời điểm bão tố mà thiếu những con đường dũng cảm dẫn đến hòa bình. Nhìn Âu châu với tâm tình quý mến tha thiết, trong tinh thần đối thoại vốn là đặc biệt của đại lục này, người ta có thể hỏi: Âu châu đang đi về đâu nếu Âu châu không cống hiến những con đường hòa bình cho thế giới? Và nói rộng hơn: đâu là con đường mà Tây phương đang đi theo? Kỹ thuật của Âu châu, vốn đã đánh dấu sự tiến bộ và hoàn cầu hóa thế giới, tự nó không đủ, và những võ khí tối tân của Âu châu càng không đủ. Chúng không phải là một sự đầu tư cho tương lai, nhưng trái lại chúng cho vốn liếng của con người trở nên nghèo hơn, vốn liếng về giáo dục, y tế, và tình trạng xã hội. Thật là điều gây lo âu khi ta đọc thấy tại nhiều nơi, người ta liên tục đầu tư vào võ khí, thay vì vào tương lai của con cái. Tôi mơ ước một Âu châu, con tim của Tây phương, tận dụng tài năng của mình để dập tắt những lò chiến tranh và khơi lên những lò hy vọng; một Âu châu biết tìm lại tâm hồn trẻ trung của mình, mơ ước sự cao cả của cuộc sống chung, đi xa hơn những nhu cầu nhất thời; một Âu châu bao gồm các dân tộc và con người, không sử dụng những lý thuyết và sự thực dân hóa ý thức hệ”.
Bênh vực sự sống
Đức Thánh cha cũng tố giác việc bảo vệ sự sống bị lâm nguy vì những sai trái duy thực dụng, xài sự sống con người rồi vứt bỏ. Ngài nói: “Tôi nghĩ đến bao nhiêu hài nhi không được sinh ra và người già bị bỏ mặc cho chính mình, người ta khó đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người từ xa đến gõ cửa; tôi nghĩ tới nỗi cô đơn của nhiều gia đình khó sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Cả trong lãnh vực này, ta cần hỏi: Âu châu và Tây phương đang đi về đâu, với sự gạt bỏ những người già, với những bức tường kẽm gai, những thảm trạng trên biển cả và những chiếc nôi trống rỗng? …
Động lực để hy vọng
Đức Thánh cha nhận xét thêm rằng: “thành Lisboa được đại dương bao bọc, mang lại cho chúng ta động lực để hy vọng. Một đại dương người trẻ đang đổ dồn về thành phố thân thiện này, và tôi muốn cám ơn vì công trình to lớn và quảng đại Bồ Đào Nha thực hiện để đón tiếp và điều hành một biến cố khó khăn nhưng đầy hy vọng, là những Ngày Quốc tế Giới trẻ đây. Như người ta vẫn nói ở đây: “Ở cạnh người trẻ, ta sẽ không già”. Những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, họ vun trồng những mong ước hiệp nhất, hòa bình và huynh đệ. Họ thách thức chúng ta hãy thực thi những giấc mơ thiện hảo của họ. Họ không xuống đường để kêu gào giận giữ, nhưng để chia sẻ hy vọng. Trong khi từ nhiều nơi, ngày hôm nay người ta thấy có bầu không khi phản đối và bất mãn, một môi trường thuận lợi cho trào lưu mị dân và âm mưu, thì Ngày Quốc tế Giới trẻ là cơ hội để cùng nhau xây dựng. Nó trẻ trung hóa ước muốn kiến tạo những gì mới mẻ, ra khơi và cùng nhau tiến về tương lai…
Và Đức Thánh cha nhắc đến ba công trình mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm việc, đó là môi trường, tương lai và tình huynh đệ.
Về môi trường, Đức Thánh cha nhắc đến những thách đố to lớn và nghiêm trọng trong lãnh vực này trên thế giới: các đại dương bị hâm nóng và từ đáy biển đang nổi lên bề mặt sự xấu xa, qua đó chúng ta làm ô nhiễm căn nhà chung. Chúng ta đang biến những nguồn dự trữ lớn của sự sống thành bãi rác thải nhựa (plastic). Đại dương nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống con người được kêu gọi hòa hợp với một môi trường lớn hơn chúng ta, cần được ân cần bảo tồn, nghĩ đến các thế hệ mai sau”.
Công trình thứ hai là tương lai, là những người trẻ. Nhưng bao nhiêu nhân tố đang làm cho họ nản chí, như thiếu công ăn việc làm, nhịp sống ồ ạt mà họ bị kéo vào, vật giá leo thang, khó tìm được nhà ở, và một điều đáng lo hơn nữa là sợ lập gia đình và sinh sản con cái. Đức Thánh cha kêu gọi đối phó với tình trạng này, sửa chữa những chênh lệch kinh tế của một thị trường sản xuất sự giàu có, nhưng không phân phối, làm cho nhiều người nghèo về tài nguyên và những xác tín chắc chắn.
Sau cùng, tình huynh đệ là công trình thứ ba cần xây dựng chung. Đức Thánh cha ghi nhận tại nhiều nơi ở Bồ Đào Nha, có cảm thức gần gũi láng giềng và liên đới mạnh mẽ, nhưng trong bối cảnh chung của sự hoàn cầu hóa làm cho chúng ta trở nên gần nhau, nhưng không mang lại cho chúng ta sự gần gũi huynh đệ. Tất cả chúng ta được kêu gọi vun trồng cảm thức cộng đoàn, đi từ sự tìm kiếm những người ở gần chúng ta. Thật là đẹp đẽ khi chúng ta tái khám phá mình là anh chị em với nhau, hoạt động cho công ích, bỏ qua những xung khắc và khác biệt quan điểm!
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên trên đây, Đức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, cách đó 11 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

 G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!