THẾ NÀO LÀ CA ĐOÀN PHỤNG VỤ?
—
Ca đoàn phụng vụ là ca đoàn chuyên lo ca hát ở nhà thờ theo qui luật của Thánh nhạc cũng như các chỉ dẫn và đòi hỏi của Phụng vụ. Là phụng vụ, khi ca đoàn hát các bài ca phù hợp với từng phần trong thánh lễ, theo từng thể loại như đáp ca, đối ca, tung hô, ca vịnh, cung đọc, ca khúc, nghĩa là từ vị trí, thể loại cho đến nội dung lời ca, tất cả đều nằm trong mục đích tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Những ca đoàn như thế này tương đối còn ít ở nước ta, vì những lý do như nói ở trên, lại gặp hoàn cảnh không thuận lợi, không có phương tiện, không sẵn người chuyên môn, tuy có nhiều ca đoàn hát hay nhưng chưa phải là phụng vụ. Có chăng thì mới chỉ có Ban Hợp Xướng Pio X từ 17 năm nay đã luôn theo sát các qui luật của Thánh nhạc mà hát theo phụng vụ, đúng như các phần đoạn trong thánh lễ cũng như hình thức, thể loại và lời ca lấy từ các bản văn phụng vụ và Kinh Thánh. Còn bên Âu Mỹ, người ta có nhiều chuyên viên, lại sẵn phương tiện và truyền thống lâu đời nên thấy khác. Hơn nữa, kỷ luật về Thánh nhạc nơi họ được áp dụng và tuân hành chặt chẽ hơn. Các thứ loại nhạc mới phát xuất từ nơi họ, nhưng họ phân biệt rất rõ nhạc ngoài đời với nhạc trong nhà thờ. Trong nhà thờ, người ta không hát và đệm đàn như trong các nhà thờ Việt Nam. Nói đúng ra là người ta hiểu và thi hành kỷ luật một cách nghiêm túc. Có lẽ vì vậy mà những người xuất thân từ các học viện thánh nhạc như Viện thánh nhạc Rôma, bài hát họ làm ra không phải kiểm duyệt, vì họ đã kiểm duyệt trước theo những điều đã được học biết và cũng vì lương tâm nghề nghiệp và tinh thần tự trọng nữa.
Nói gọn lại, có thể căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây để xác nhận một ca đoàn là phụng vụ:
(1) Ca tụng tôn vinh Chúa: Ca đoàn ấy theo đuổi mục đích chính là ca tụng tôn vinh Chúa và thánh hóa các tín hữu.
(2) Phân biệt nhạc đạo với nhạc đời: Ca đoàn ấy phân biệt rõ nhạc đạo với nhạc đời. Nhạc nào là đời thì chơi ở ngoài đời, nhạc nào là đạo mới đem vào nhà thờ.
(3) Cầu nguyện thật sự: Ca đoàn ấy cầu nguyện và giúp cầu nguyện thật sự, trong khi hát và giúp người ta cầu nguyện, bằng những bài hát mà tâm tình và ý tưởng phát xuất từ những bản văn Kinh Thánh và Phụng vụ, lại được thể hiện với một cung cách đưa tâm hồn người nghe, người hát lên cao và mang đến cho tâm hồn họ, những tâm tình sốt mến, nghĩa là nghe hát và hát xong, người ta thấy có một cái gì đó và cũng còn để lại một cái gì đó.
(4) Không theo lối đời: Lối đời là hát để được tiếng cho cá nhân cũng như đoàn thể. Ca đoàn ấy hát không phải để đề cao cá nhân như ca sĩ hay tự đề cao mình như ca đoàn vượt trội. Ở đây không có cơ hội cho cá nhân trở thành ngôi sao và không biến người lĩnh xướng thành ca sĩ như ở phòng trà, các tụ điểm ca nhạc hay trên màn hình.
(5) Thi hành đúng phần việc: Khi hát, điều khiển ca đoàn hay chơi nhạc cụ, ai cũng chỉ thi hành công việc cần thiết và không ai chơi trội để lấy tiếng cho mình.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, các ca đoàn là những bộ phận không thể thiếu để phục vụ công việc thờ phượng. Muốn thế, các vị hữu trách cần quan tâm cho đúng mức và các ca viên cũng phải ý thức về sự cao quý của công việc này, vì đó thuộc phạm vi nhân đức thờ phượng, một việc phục vụ bác ái và một sinh hoạt nghệ thuật. Vậy từ nay, ước mong các vị hữu trách quan tâm, huấn luyện, dìu dắt về phụng vụ và công việc thiêng liêng đạo đức cho các ca đoàn. Các ca viên cũng cần phân biệt nhạc đạo với nhạc đời và tuân hành giáo huấn cũng như kỷ luật của Hội Thánh về Thánh nhạc để việc ca hát vừa làm đẹp cho buổi lễ, vừa nuôi dưỡng đời sống đức tin của các tín hữu. Làm thế nào để khi vào nhà thờ nghe hát, người ta không có cảm giác là vào một phòng trà hay một tụ điểm ca nhạc mà đến một nơi cầu nguyện, để tâm hồn được thanh thoát và tai được nghe những tiếng hát có sức biến đổi tâm hồn.
Tác giả: LM Anrê Đỗ Xuân Quế, OP