Khác biệt lớn giữa trường học và trường đời
Khác biệt lớn giữa trường học và trường đời
Chắc hẳn bạn đã thấy ví dụ về những người khi đi học rất giỏi, nhưng lúc lập nghiệp thì cũng chỉ trung bình. Cũng có những người học không quá xuất sắc, nhưng lại rất giỏi khi lập nghiệp. Và dĩ nhiên, cũng có những người học đã giỏi, lập nghiệp lại càng giỏi hơn.
Tôi là một người học không phải giỏi, nhưng cũng kinh qua nhiều kỳ thi và hiện cũng có một số lượng kha khá bằng cấp, tuy nhiên, thời gian đầu lập nghiệp, tôi vô cùng bối rối, bởi những kiến thức ở trường học tôi có thể áp dụng vào công việc thực tế là rất ít, còn khi khởi nghiệp kinh doanh thì hầu như tôi chẳng áp dụng được gì. Kết quả mà hiện nay tôi có được khi xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng, hoàn toàn đến từ những trải nghiệm thực tế, từ việc học hỏi những người đi trước, làm sai nhiều lần và đứng dậy sửa sai để có được. Dưới đây là 3 điều khác biệt quan trọng giữa trường học, trường đời mà tôi đúc kết và muốn chia sẻ với các bạn:
Thứ nhất: Trường học dạy cho ta những thứ người khác muốn ta biết, trường đời dạy cho ta những thứ ta cần phải biết.
Mãi sau này, khi phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng tôi mới ngộ ra rằng, trường học chỉ đào tạo cho ta kiến thức chuyên môn để trở thành một người làm công giỏi. Vì vậy, hầu như những ai có thể áp dụng được kiến thức ở nhà trường vào thực tế đều thuộc nhóm đang đi làm công. Còn khi bạn muốn bước sang nhóm làm chủ, đặc biệt là phát triển những doanh nghiệp lớn, có mạng lưới và hệ thống vận hành thì những kiến thức ở trường học hầu như không áp dụng được gì. Vì vậy, sự học không nên dừng lại ở sau giai đoạn tốt nghiệp đại học, mà sự học cần phải là sự nghiệp cả đời. Những kiến thức đã được học tại trường học chỉ có thể hoàn thiện được một mảnh nhỏ hạnh phúc của mỗi người. Danh ngôn có câu “nhiều người chết ở tuổi 25 nhưng phải đến năm 65 tuổi mới được chôn”, ám chỉ việc một người sau khi tốt nghiệp trường học đã ngưng việc học hỏi, trong khi còn đến 40 năm trường đời cần phải học tiếp.
Sự khác biệt đầu tiên này giúp tôi nhìn nhận lại bản thân mình, tự biết mình phải luôn luôn duy trì tinh thần học hỏi, đặc biệt là những kiến thức có thể áp dụng vào kinh doanh riêng và những kiến thức giúp tôi xây dựng cuộc sống hạnh phúc toàn diện.
Thứ hai: Muốn giỏi ở trường học phải hiểu bài, muốn giỏi ở trường đời phải biết áp dụng bài.
Tôi còn nhớ khi đi học có hằng hà sa số kiến thức mình phải học thuộc, phải nắm rõ nguyên tắc của việc áp dụng luật (tôi học về chuyên ngành luật) để vượt qua các kỳ thi. Nhưng sự thật là sau khi ra trường tầm chục năm, tôi chẳng còn nhớ gì nhiều ngoài những phép tính cộng trừ nhân chia cơ bản hồi cấp 1, 2. Đôi khi tôi cảm thấy mình mất gần 20 năm ngồi trên ghế nhà trường để cố gắng thuộc những gì mà rốt cuộc mình cũng sẽ quên. Trong khi đó, mỗi bài học trong trường đời tôi đều nhớ nằm lòng, bởi mỗi bài học đều là một trải nghiệm thực tiễn, có những bài học mà tôi phải đánh đổi bằng chính mồ hôi và công sức của mình. Tôi nhận ra rằng, việc biết nhiều không quan trọng bằng việc áp dụng những gì mình biết để thay đổi cuộc sống bản thân. Tôi bắt đầu học một cách chọn lọc, cũng không học dồn dập một lúc. Tôi học một ít, sau đó áp dụng, rồi lại tiếp tục học thêm một ít nữa, và lại áp dụng từng bước từng bước một. Sau cùng, tôi đúc kết những gì mình học của người khác rồi áp dụng vào chính cuộc sống của mình trở thành một thứ kiến thức của riêng mình, đồng thời chia sẻ lại với những anh em đi sau.
Thứ ba: Trường học đánh giá qua bằng cấp, trường đời đánh giá qua phong cách sống.
Một người không thể được coi là học giỏi nếu không có những bằng cấp đi kèm. Tương tự, một người không thể được coi là lập nghiệp giỏi nếu không tạo dựng được phong cách sống tốt. Khi đi học, có một quy tắc là học sinh giỏi thì không được có bất kỳ môn học nào bị loại trung bình, tức là ngoài những môn học vượt trội, thì những môn học khác họ ít nhất cũng phải ở mức khá. Tương tự như vậy, khi nói đến phong cách sống, có công việc với thu nhập tốt thôi là chưa đủ, một người còn cần phải hoàn thiện những khía cạnh khác, như thể chất, tinh thần, tài chính (quản lý tiền bạc), gia đình và các mối quan hệ xã hội, cũng như đóng góp cho cộng đồng.
Với bản thân tôi, ngoài việc phát triển sự nghiệp, tôi cũng dành thêm thời gian để hoàn thiện những khía cạnh xung quanh. Tôi bắt đầu học cách sắp xếp thời gian một cách hợp lý hơn, để có thêm thời gian chất lượng cho gia đình và những mối quan hệ hữu hảo, cũng như có thêm thời gian cho bản thân để nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần. Tôi cũng học cách quản lý tài chính, để không chỉ giỏi kiếm tiền, mà cũng cần phải giỏi trong việc sử dụng tiền. Và cuối cùng, tôi cũng dành thêm thời gian để trực tiếp hỗ trợ những anh em cùng chí hướng trên đường lập nghiệp.
Bạn thân mến, tốt nghiệp trường học đã khó, tốt nghiệp trường đời còn khó hơn, nhưng đó là thử thách xứng đáng để mỗi người chinh phục trong 40 năm lập nghiệp. Có một tin mừng là, nếu trường học bắt buộc mỗi người phải trải qua thời gian cố định để tốt nghiệp, như ít nhất 12 năm phổ thông + 4 năm đại học, thì trong trường đời, mỗi người có quyền lựa chọn tốt nghiệp sớm hay trễ, hoặc…không bao giờ tốt nghiệp. Để tốt nghiệp sớm, một người cần có những chiến thuật và phương pháp phù hợp. Trên đây là những điều tôi đã áp dụng để đẩy nhanh chặng đường tốt nghiệp của mình. Tôi rất vui nếu bạn có thể áp dụng vào chính cuộc sống của bạn. Cùng chia sẻ nhé.
Cho sự thành công của bạn.